Thứ tư, 22/01/2025
   

Động lực cho ngân hàng “hút” vốn ngoại

Nhờ chất lượng ngân hàng cũng như cơ chế chính sách cởi mở, thông thoáng hơn, những năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN luôn tìm kiếm cơ hội tại thị trường ngân hàng Việt Nam...

Nhờ chất lượng ngân hàng cũng như cơ chế chính sách cởi mở, thông thoáng hơn, những năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN luôn tìm kiếm cơ hội tại thị trường ngân hàng Việt Nam...

Thương vụ có giá trị kỷ lục

Mới đây tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín Moody's đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 ngân hàng Việt Nam lên 1 bậc, cũng như nâng 1 bậc đối với xếp hạng rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác với 7 ngân hàng. Trong số 12 ngân hàng được cập nhật xếp hạng lần này có 8 ngân hàng được nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn bao gồm Vietcombank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB và VietinBank. Về chỉ tiêu rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác Việt Nam, cũng có 7 ngân hàng được nâng hạng gồm BIDV, Agribank, VietinBank, ABBank, LienVietpostBank, SHB và MSB. Đây là một tin vui cho ngành Ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là đối với các ngân hàng được nâng hạng.
Moody’s đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 NHTM Việt Nam

dong luc cho ngan hang hut von ngoai

Moody’s đã nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của 8 NHTM Việt Nam

Theo Moody's, việc nâng xếp hạng này cũng phần nào phản ánh sức mạnh kinh tế của Việt Nam đang tăng lên so với các nước cùng nhóm. Đồng thời cho thấy khả năng chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài cũng được cải thiện và các chính sách cũng được đánh giá là hiệu quả hơn. Không những vậy, việc ngân hàng Việt được nâng hạng trong bối cảnh nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn sẽ giúp các ngân hàng Việt thu hút được sự quan tâm đầu tư, hợp tác của các tổ chức tài chính quốc tế.

Thực tế đã chứng minh qua thương vụ VPBank vừa ký kết thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - Nhật Bản. Thương vụ này mang về cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103,5 nghìn tỷ đồng lên xấp xỉ 140 nghìn tỷ đồng. Đây là thương vụ có giá trị kỷ lục trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam từ trước tới nay, phá vỡ kỷ lục mà chính VPBank tạo ra trước đó (VPBank bán 49% vốn FE Credit với giá trị gần 1,4 tỷ USD).

Ở góc độ nhà đầu tư, ông Jun Ohta - Giám đốc điều hành của Sumitomo Mitsui đánh giá, Việt Nam là thị trường rất quan trọng trong chiến lược phát triển của SMBC, quan hệ đối tác chiến lược với VPBank nằm trong chiến lược đó. “Mặc dù thế giới hiện nay đang có nhiều bất ổn, song chúng tôi tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam cũng như tin rằng VPBank sẽ trở thành ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam trong tương lai, SMBC cam kết sẽ hỗ trợ toàn diện để VPBank đạt mục tiêu này”, ông Jun Ohta nhấn mạnh.

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, giới chuyên môn cho rằng, quyết định trở thành nhà đầu tư chiến lược cho thấy niềm tin rất lớn của SMBC vào năng lực và triển vọng của VPBank nói riêng và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung. Hơn nữa, thỏa thuận đầu tư chiến lược này được kỳ vọng sẽ tạo ra sức hút và khuyến khích các nhà đầu tư FDI, trong danh sách hơn 200.000 khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn trên khắp thế giới của SMBC Group và ngân hàng SMBC, tìm hiểu và mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Ngoài thương vụ kể trên, thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng năm nay dự kiến cũng sẽ ấm lên nhờ các thương vụ thoái vốn của VNPost tại LienVietPostBank, hay Petrolimex tại PGBank. Ngoài ra, nhiều NHTMCP trong nước cũng đang tích cực tìm đối tác ngoại. Hoạt động này hứa hẹn sôi động hơn khi mới đây, NHNN đã có tờ trình Chính phủ về việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam. Dự thảo nghị định sửa đổi của NHNN nêu rõ, cho phép các TCTD nhận chuyển giao bắt buộc (CGBB), không bao gồm các NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, được nâng room vốn ngoại lên 49%. Theo kế hoạch, có 4 NHTMCP sẽ nhận chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém. Trong đó có 2 NHTMCP nhận chuyển giao tại Phương án CGBB có đề xuất được nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng lên 49%.

Tiếp tục được nhà đầu tư ngoại quan tâm

Theo NHNN, sẽ có 4 NHTM được CGBB. Điều đó có nghĩa trong trường hợp cần thiết Thủ tướng có quyền quyết định ít nhất là 4 NHTM có tổng mức sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại NHTM vượt 30% vốn điều lệ. Ngoài ra, có thể có 2 NHTMCP nhận chuyển giao được điều chỉnh tăng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, sẽ có ít nhất là 6 NHTM có thể tăng tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt 30% vốn điều lệ, chiếm tương đương 17,14% số NHTM. Ngoài ra, hiện nay, còn có 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang tiếp tục mở rộng mạng lưới và tăng vốn điều lệ như Standard Chartered năm 2021 tăng vốn điều lệ từ 4.200 tỷ đồng lên 6.900 tỷ đồng; Ngân hàng UOB Việt Nam tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cũng tăng quy mô vốn được cấp như NongHyup - chi nhánh Hà Nội tăng vốn từ 35 triệu USD lên 80 triệu USD, Bank of China - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tăng vốn từ 80 triệu USD lên 100 triệu USD…

Số liệu trên cho thấy, Việt Nam mở cửa lĩnh vực tiền tệ ngân hàng khá sâu rộng, có sự hiện diện thương mại tương đối nhiều của TCTD nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Giới chuyên môn đánh giá, nhờ chất lượng ngân hàng cũng như cơ chế chính sách cởi mở, thông thoáng hơn, những năm gần đây, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN luôn tìm kiếm cơ hội tại thị trường ngân hàng Việt Nam. Đầu tháng 3/2023, Ngân hàng UOB thông báo đã hoàn tất thu mua mảng ngân hàng tiêu dùng Citigroup tại Việt Nam.

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội khẳng định, Việt Nam là điểm đến đầu tư mà doanh nghiệp Nhật Bản không thể bỏ qua. Trong các lĩnh vực ở Việt Nam, tài chính được coi là một trong các lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm nhất. Theo thống kê của Jetro, hiện có tới 60% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tăng 4,7% so với năm trước, cao nhất trong khối các nước ASEAN.

Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán - sáp nhập (M&A) xuyên quốc gia của RECOF Corporation (Nhật Bản) từng khẳng định, các yếu tố nền tảng kinh tế của Việt Nam vô cùng vững chắc, điều này thúc đẩy hoạt động M&A tiếp tục sôi động trong năm 2023, trong đó có lĩnh vực tài chính. “Các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường Việt Nam với mục đích thâm nhập và mở rộng sự hiện diện lâu dài của họ tại Việt Nam, thay vì mục tiêu săn lùng tài sản giá rẻ”, ông Masataka “Sam” Yoshida nhìn nhận.

Nguồn: thoibaonganhang.vn

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay