Theo Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023, tăng 0,52% so với tháng trước và tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng để tính CPI, có 8 nhóm hàng tăng giá, 02 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và nhóm bưu chính viễn thông giữ giá ổn định.
8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm:
- Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, với mức tăng 1,39% (làm CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm) chủ yếu do giá xăng dầu được điều chỉnh tăng vào ngày 01/01/2023, 03/01/2023 và 11/01/2023 theo giá nhiên liệu thế giới và điều chỉnh theo mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được quy định tại Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội áp dụng từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023 làm cho giá xăng tăng 2,31%, trong đó giá xăng A95 tăng 1.450 đồng/lít, giá xăng E5 tăng 1.380 đồng/lít. Ở chiều ngược lại, giá dầu diezen giảm 2,15%. Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm phụ tùng tháng Một tăng 0,48%; dịch vụ khác đối với phương tiện vận tải cá nhân tăng 0,56%; dịch vụ giao thông công cộng tăng 8,81%.
- Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,12% do nhu cầu tiêu dùng và sử dụng làm quà biếu tặng trong dịp Tết khiến giá rượu bia tăng 1,66%; thuốc hút tăng 0,71%; đồ uống không cồn tăng 0,49%.
- Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,82% (tác động làm CPI chung tăng 0,27 điểm phần trăm), trong đó: Lương thực tăng 0,89% (làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm); thực phẩm tăng 0,95% (làm CPI chung tăng 0,2 điểm phần trăm) ; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,46% (làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm).
- Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,7%, tập trung ở giá nhóm đồ trang sức tăng 0,59%; dịch vụ cắt tóc, gội đầu tăng 2,22%; dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng 2,34%. Vào mùa cưới nên giá các vật dụng, dịch vụ về cưới hỏi tăng 0,7%. Bên cạnh đó, nhu cầu đồ thờ cúng vào dịp cuối năm tăng nên giá các mặt hàng này tăng 0,69%.
- Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,62% do nhu cầu mua sắm quần áo dịp Tết Nguyên đán Quý Mão tăng. Trong đó, quần áo may sẵn tăng 0,65%; may mặc khác tăng 0,46%; mũ nón tăng 0,44%; giày dép tăng 0,62%; dịch vụ may mặc tăng 0,6%; dịch vụ giày dép tăng 1,73%.
- Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,42% .
- Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,36% .
- Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,07%.
2 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm:
- Nhóm giáo dục giảm 0,15% (làm CPI chung giảm 0,01 điểm phần trăm), trong đó dịch vụ giáo dục giảm 0,2%. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân nên một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ.
- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,12% do giá gas giảm 4,69% do từ ngày 01/01/2023, giá gas trong nước điều chỉnh giảm 14.000-23.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 52,5 USD/tấn (từ mức 650 USD/tấn xuống mức 597,5 USD/tấn); giá dầu hỏa giảm 2,12% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá vào ngày 01/01/2023, 03/01/2023 và 11/01/2023; giá nước sinh hoạt giảm 0,35% do thời tiết trở lạnh trong đó các tỉnh miền Bắc trời rét đậm làm nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt giảm. Ở chiều ngược lại, giá điện sinh hoạt tăng 0,08% do nhu cầu dùng điện để sưởi ấm tăng khi thời tiết chuyển lạnh; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,23%, giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,9% do nhu cầu sửa chữa, bảo dưỡng nhà ở tăng vào dịp Tết Nguyên đán.