Thứ hai, 01/07/2024
   

Các Ngân hàng Trung ương lớn tiếp tục thắt chặt chính sách

Thị trường không khỏi bất ngờ khi chứng kiến số lần tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương lớn trong tháng 6 nhiều nhất kể từ đầu năm, đồng thời cảnh báo sẽ còn thắt chặt chính sách hơn nữa để kiềm chế lạm phát.

Các Ngân hàng Trung ương lớn tiếp tục thắt chặt chính sách

Các Ngân hàng Trung ương lớn tiếp tục thắt chặt chính sách

Dữ liệu của Reuters cho thấy, có tới 7 trong số 9 Ngân hàng Trung ương giám sát 10 loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất đã tăng lãi suất trong tháng 6, chỉ có 2 Ngân hàng Trung ương giữ nguyên chính sách, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trong khi tháng trước đó chỉ chứng kiến 6 lần tăng lãi suất của các Ngân hàng Trung ương lớn.

Bên cạnh đó còn khá nhiều điểm đáng chú ý. Đầu tiên là việc Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương Na Uy đã tăng lãi suất tới 50 điểm cơ bản, mạnh hơn so với dự báo của giới chuyên gia. Thứ hai là việc Ngân hàng Trung ương Canada và Ngân hàng Trung ương Australia đã quay trở lại đường đua tăng lãi suất sau một thời gian tạm dừng.

Các cái tên còn lại trong danh sách tăng lãi suất vào tháng 6 là Ngân hàng Trung ương Thụy Điển, Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ và Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng thắt chặt chính sách. Tính chung các Ngân hàng Trung ương lớn đã tăng lãi suất tổng cộng 225 điểm cơ bản trong tháng 6, nâng tổng số lần tăng lãi suất trong năm 2023 của các Ngân hàng Trung ương G10 lên 28 lần với tổng mức tăng là 950 điểm cơ bản. Còn tính từ khi Ngân hàng Trung ương Na Uy bắt đầu kích hoạt chu kỳ thắt chặt vào tháng 9/2021 đến nay, các Ngân hàng Trung ương lớn đã tăng lãi suất tổng cộng 3.765 điểm cơ bản.

“Mặc dù một số Ngân hàng Trung ương đang nhìn thấy tiến triển ban đầu đối với lạm phát thấp hơn, nhưng nhìn chung các Ngân hàng Trung ương vẫn tiếp tục phải đối mặt với một hành động cân bằng khó khăn”, Tiffany Wilding - Chuyên gia kinh tế tại PIMCO cho biết. “Nếu không có chính sách tài khóa sẵn sàng để cứu nguy, chúng ta sẽ thấy một môi trường tăng trưởng không chắc chắn hơn với những rủi ro suy giảm (tăng trưởng) đang gia tăng theo chu kỳ”.

Mặc dù việc Fed tạm dừng cuộc họp tháng 6, song cơ quan này cũng phát đi tín hiệu sẽ còn tăng tiếp lãi suất. Không chỉ Fed, triển vọng “diều hâu” từ Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới đang khiến các thị trường quan tâm. “Chúng tôi tin rằng các Ngân hàng Trung ương còn nhiều việc phải làm”, các nhà phân tích của Vanguard cho biết trong báo cáo triển vọng giữa năm của họ. “Theo quan điểm của chúng tôi, giai đoạn cuối cùng của việc giảm lạm phát đối với các mục tiêu của Ngân hàng Trung ương có thể là thách thức nhất”.

Trong khi đó tại hầu hết các thị trường mới nổi, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chu kỳ thắt chặt đã kết thúc. Theo đó có tới 13 trong số 18 Ngân hàng Trung ương của các nền kinh tế đang phát triển mà Reuters theo dõi đã có các cuộc họp ấn định lãi suất vào tháng trước; tuy nhiên, 11 ngân hàng trung ương đã chọn giữ nguyên chính sách.

Tuy nhiên động thái của hai Ngân hàng Trung ương còn lại cũng rất đáng chú ý. Theo đó từng là một hiện tượng hy hữu trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ tại các thị trường mới nổi khi đã dừng tăng lãi suất từ mùa xuân năm 2021, tuy nhiên Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã bất ngờ “quay xe” với động thái tăng mạnh lãi suất tới 650 điểm cơ bản (từ 8,5% lên 15%) vào tháng 6. Đây là mức tăng lãi suất lớn thứ hai tại các thị trường mới nổi, chỉ sau mức tăng 1050 điểm cơ bản của Ngân hàng Trung ương Nga vào tháng 2/2022. Chúng tôi “quyết định thắt chặt tiền tệ nhằm kéo giảm lạm phát càng sớm càng tốt, đồng thời níu giữ kỳ vọng về lạm phát”, tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ Hafize Gaye Erkan cho biết trong tuyên bố phát đi sau cuộc họp chính sách ngày 22/6. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn tỏ ra thất vọng vì mức tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng là tăng 1150 điểm cơ bản.

Trong khi đó Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất 10 điểm cơ bản vào tháng 6.

Tính chung từ đầu năm đến nay, tổng số lần tăng lãi suất tại các thị trường mới nổi chỉ là 22 lượt với tổng mức tăng là 1.375 điểm cơ bản, tức chưa bằng 1/5 so với mức tăng 7.425 điểm cơ bản mà các Ngân hàng Trung ương tại các thị trường mới nổi đã thực hiện trong năm 2022. Đáng chú ý là cũng có Ngân hàng Trung ương tại các thị trường mới nổi đã tiến hành cắt giảm lãi suất. Đến nay tổng mức cắt giảm là 60 điểm cơ bản sau hai động thái.

Theo thoibaonganhang.vn

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay