Ngày 20/12, Hội đồng Chính sách Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định tăng gấp đôi biên độ dao động lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) kỳ hạn 10 năm từ mức ± 0,25% lên mức ± 0,5%.
Mặc dù vậy, trong chương trình kiểm soát đường cong lãi suất, BoJ vẫn giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất trái phiếu JGB kỳ hạn 10 năm ở mức khoảng 0%. Tuy nhiên, theo giới phân tích, quyết định trên vẫn đồng nghĩa với việc BoJ đã tăng lãi suất dài hạn.
Bên cạnh đó, BoJ về nguyên tắc sẽ tiếp tục mua vào không giới hạn trái phiếu JGB kỳ hạn 10 năm ở mức lãi suất mới trong tất cả các ngày làm việc.
Trong thông báo phát đi cùng ngày, BoJ nhấn mạnh quyết định trên được đưa ra nhằm tăng cường “sự bền vững của việc nới lỏng tiền tệ” trong khuôn khổ hiện nay.
Theo các chuyên gia, việc thắt chặt tiền tệ là một bước đi tất yếu mà BoJ sẽ phải thực hiện khi hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới gần đây đã liên tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ đầu năm tới nay đã thực hiện tới 7 đợt tăng lãi suất để đưa lãi suất cơ bản lên khoảng 4,25-4,5%, cao nhất kể từ tháng 12/2007 và ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Thậm chí, nhiều người còn dự đoán Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên mức mức 5,1% trong năm tới và không giảm cho đến năm 2024.
Trong phiên họp mới nhất, mặc dù các quan chức Fed đã thống nhất cắt giảm và đưa lãi suất xuống 4,1% vào năm 2025 rồi tiếp tục xuống còn 3,1% trước khi ổn định ở mức trung lập dài hạn là 2,5%, họ cũng không chắc chắn về những gì chờ đợi nền kinh tế Mỹ ở phía trước.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới này vẫn đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tồi tệ nhất kể từ đầu những năm 1980 tới nay.
Mặt khác, lạm phát ở Nhật Bản trong thời gian gần đây dù tăng chậm hơn so với nhiều nền kinh tế phát triển khác nhưng đã chạm mức cao nhất trong khoảng 40 năm qua.
Trong tháng 10/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản ở nước này tăng tới 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là tháng thứ 14 liên tiếp chỉ số này tăng, nhưng là tháng thứ 7 liên tiếp ở trên mức mục tiêu 2% của BoJ. Lần gần đây nhất lạm phát ở Nhật Bản chạm ngưỡng 3,6% là tháng 3/1982, thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng dầu mỏ toàn cầu lần hai.
Diễn biến trên gia tăng sức ép BoJ phải điều chỉnh lãi suất, dù khi đó Thống đốc Kuroda vẫn khẳng định chính sách tiền tệ siêu lỏng là cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế và đạt được mục tiêu lạm phát 2%.