Theo nhận định của các chuyên gia của SSI Research đưa ra trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần qua cho biết, thời gian ngắn sắp tới, áp lực lạm phát phần nào hạ nhiệt khi giá xăng dầu và hàng hóa như phân bón, thép,... giảm và diễn biến tỷ giá cũng dần ổn định hơn: chênh lệch giữa tỷ giá chợ đen và niêm yết được thu hẹp lại.
Tuần qua, thanh khoản trong hệ thống đã được cải thiện đáng kể. Khối lượng giao dịch hợp đồng mua kỳ hạn giảm về còn 365 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối tuần trước, từ mức đỉnh là 15 nghìn tỷ đồng và chỉ có 1 thành viên tham gia đấu thầu. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn duy trì phương thức đầu thầu lãi suất, với lãi suất trúng thầu giảm dần từ trên 4% xuống còn 3,8%. Trong khi đó, trong phiên giao dịch ngày 12/8, NHNN quay trở lại phát hành 9,7 nghìn tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 7 ngày ở lãi suất 2,6% với 4 thành viên tham gia đấu thầu.
Tính chung cả tuần, NHNN bơm ròng gần 34 nghìn tỷ đồng, chủ yếu đến từ lượng tín phiếu đáo hạn ở mức cao. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm và kết tuần ghi nhận ở mức 2,7% - thấp hơn khoảng 170 điểm cơ bản so với cuối tuần kế trước.
Trong tuần này, có khoảng 21 nghìn tỷ đồng tín phiếu và 7,7 nghìn tỷ OMO đáo hạn và đưa khối lượng bơm ròng ước tính là 14 nghìn tỷ đồng. Các chuyên gia của SSI Research kỳ vọng, NHNN sẽ tiếp tục phát hành tín phiểu nhằm đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng lên mức an toàn hơn để duy trì mức chênh lệch dương giữa lãi suất VND và USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia, NHNN đang thực hiện điều hành chính sách tiền tệ tương đối linh hoạt với sự điều tiết của hoạt động thị trường mở nhằm có thể cân bằng các yếu tố lạm phát, tỷ giá và lãi suất. Trong thời gian ngắn sắp tới, áp lực lạm phát phần nào hạ nhiệt (khi giá xăng dầu và hàng hóa như phân bón, thép,.. giảm) và diễn biến tỷ giá cũng đã dần ổn định hơn (chênh lệch giữa tỷ giá chợ đen và niêm yết đã được thu hẹp lại).
Trong khi đó, đồng USD dự kiến sẽ không có nhiều biến động mạnh trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tháng 9 tới đây. Bên cạnh đó, NHNN vẫn có thể sử dụng dự trữ ngoại hối. “Do vậy, thời gian tới có thể là thời điểm thích hợp để NHNN cân nhắc việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy vậy chúng tôi cho rằng, mức tăng sẽ không mạnh và có phân hóa giữa các ngân hàng” - chuyên gia của SSI Research cho hay.
Đặc biệt, các chỉ số giá của Mỹ đều cho thấy sự hạ nhiệt đáng kể. Cụ thể, Cục Thống kê Mỹ công bố số liệu về chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 7, với mức tăng chỉ 8,5% so với cùng kỳ (so với mức 9,1% ghi nhận trong tháng 6) và trong khi đó chỉ số giá sản xuất PPI của Mỹ tăng 9,8% (so với mức tăng 11,3% trong tháng 6). Việc hạ nhiệt của hai chỉ số trên chủ yếu đến từ giá nhiên liệu giảm, trong khi đó CPI cơ bản vẫn tăng 0,3% so với tháng trước (tuy nhiên cũng thấp hơn dự báo là 0,5%).
Sau những số liệu về lạm phát, dự báo của thị trường về mức độ tăng lãi suất của FED trong cuộc họp tháng 9 đã có sự thay đổi, với tỷ lệ khá cân bằng (50/50) cho hai mức tăng 50 điểm cơ bản và 75 điểm cơ bản (từ tỷ lệ 30%/70% trong 1 tuần trước đó). Đồng USD (đo lường thông qua chỉ số DXY) giảm 1,2% so với tuần trước, và các đồng tiền chủ chốt đều tăng giá so với USD như JBP +1,3%, EUR +1,2%, GBP +0,9%,…
Trên thị trường ngoại hối Việt Nam, ở thị trường liên ngân hàng, USD/VND hầu như đi ngang và kết tuần, tỷ giá được giao dịch ở 23.395 đồng/USD. Tương tự, tỷ giá niêm yết tại Vietcombank đi ngang và kết tuần ở mức 23.220/23.530 đồng/USD (mua vào/bán ra). Trong khi đó, tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục đà giảm, hiện đang giao dịch ở 23.095/24.050 đồng/USD và thu hẹp khoảng cách với thị trường niêm yết.
Các chuyên gia của SSI Research cho rằng, tỷ giá trên thị trường niêm yết sẽ tiếp tục ổn định quanh mức 23.400 đồng/USD, trong khi đó tỷ giá của các đồng tiền trong khu vực sẽ tăng giá trong thời gian tới và do vậy thu hẹp mức tăng của VND với các đồng tiền đó.