Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) cho biết, sẽ sẵn sàng thiết lập quan hệ đối tác với các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam (hiện AFD đang tập trung vào các ngân hàng thương mại nhà nước).
AFD sẽ tiến hành một nghiên cứu thị trường vào năm 2022 để đánh giá khả năng cung cấp hạn mức tín dụng đa lĩnh vực cho một số ngân hàng ở Việt Nam.
Trong lĩnh vực ngân hàng, AFD mong muốn phát triển tài chính xanh tại Việt Nam và cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc lần thứ 26 (COP 26).
Ngoài ra, AFD cũng cung cấp các khoản vay ưu đãi không cần bảo lãnh chính phủ và các khoản viện trợ không hoàn lại của AFD, EU, Quỹ Khí hậu Xanh Toàn cầu cho Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại; đồng thời hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng các công cụ tài chính xanh mới.
Trong thời gian tới, AFD cho biết mong muốn khuyến khích các ngân hàng thương mại tham gia vào một số mạng lưới, tổ chức như: Câu lạc bộ Tài chính phát triển quốc tế (IDFC), Câu lạc bộ các ngân hàng xanh tại Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm về tài chính xanh; giới thiệu công cụ cho vay không cần bảo lãnh chính phủ của AFD tại các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
Ngoài ra, AFD cũng đề xuất hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước tham gia mạng lưới giám sát và ngân hàng trung ương để xanh hóa hệ thống tài chính (NGFS), qua đó để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia về tài chính xanh, tín dụng xanh.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang đề nghị AFD huy động các nguồn lực vốn dài hạn, chi phí thấp để tài trợ cho các dự án xanh của ngành ngân hàng thông qua các khoản viện trợ không hoàn lại; hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại tham gia các tổ chức tập hợp các ngân hàng theo hướng “xanh”…