
Tín dụng 4 tháng đầu năm 2025 tại TP.HCM tăng 2,62%
Thứ nhất, về quy mô tín dụng trên địa bàn, lần đầu tiên tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt ngưỡng kỹ thuật trên 4 triệu tỷ đồng và tăng cao hơn cùng kỳ các năm trước, (cùng kỳ năm 2024, tín dụng tăng 1,31%; cùng kỳ năm 2023 tăng 1,72%).
Thứ hai, các yếu tố thuận lợi từ môi trường kinh tế xã hội và cơ chế chính sách tiền tệ tín dụng của NHNN là yếu tố chính tác động tích cực đến tăng trưởng tín dụng trong 4 tháng đầu năm. Trong đó, chính sách tín dụng phù hợp, linh hoạt cùng chính sách lãi suất thấp đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất đã phát huy và tác động tích cực đến hoạt động ngân hàng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, tín dụng tiếp tục tập trung lĩnh vực sản xuất kinh doanh và hỗ trợ cho các nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Riêng tín dụng đối với 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu (có đóng trên 60% GRDP của Thành phố) như: thương mại, du lịch; truyền thông; khoa học công nghệ; y tế; giáo dục; tài chính; nghệ thuật vui chơi giải trí… đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm 35,4% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, tăng trên 3,6% so với cuối năm 2024.
Theo ông Lệnh, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm trên địa bàn TP.HCM phản ánh xu hướng tích cực, gắn liền với hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất của NHNN. Trong quá trình này, tăng trưởng kinh tế và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng đối với việc mở rộng và tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.
VPĐD TP.HCM