Thứ sáu, 19/07/2024
   

Sớm hoàn thiện quy định pháp luật đối với lĩnh vực cho vay ngang hàng

Để ngăn ngừa những tác động tiêu cực của hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tuân thủ đúng quy định của pháp luật về hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán, không hợp tác

Để ngăn ngừa những tác động tiêu cực của hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản đề nghị các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tuân thủ đúng quy định của pháp luật về hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán, không hợp tác cung ứng dịch vụ TGTT cho các công ty P2P Lending có hoạt động vi phạm pháp luật… Cho vay qua app biến tướng để hoạt động "tín dụng đen".

Trên mạng xã hội, hàng loạt các app (ứng dụng) cho vay tiền trực tuyến xuất hiện công khai với những lời mời chào rất hấp dẫn, kèm theo thủ tục vay tiền rất đơn giản nhằm lôi kéo người vay tham gia. Số tiền họ nhận được thấp hơn nhiều so với số tiền vay và cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn kiểu khủng bố tinh thần, đe dọa nếu chẳng may không trả nợ đúng hạn.

Chưa có thống kê đầy đủ xem hiện nay trên thị trường có bao nhiêu app đang cho vay online lãi suất cao và bao nhiêu người bị dính bẫy "tín dụng đen" từ đây. Nhưng chỉ tính riêng đường dây cho vay nặng lãi qua ứng dụng và đòi nợ dưới hình thức "tín dụng đen" xuyên quốc gia vừa bị Công an TP. Hà Nội triệt phá cách đây hơn 1 tháng thì chỉ thông qua 3 app là cashvn, vaynhanhpro và ovay, đường dây này đã lôi kéo được gần 1 triệu người, với số tiền vay khoảng 100 tỷ đồng.

Các mẩu quảng cáo, dễ dàng vay cả chục triệu đồng liên tục xuất hiện qua tin nhắn, hay trên các ứng dụng điện thoại. Người dùng chỉ cần tò mò, sẽ có một loạt ứng dụng cho vay online sẵn sàng phục vụ, với những cái tên hấp dẫn: Ví tò mò, vay vui vẻ...

Khi bị phát hiện, những ứng dụng sẵn sàng đổi tên, thoát xác để tiếp tục dụ dỗ người vay. Chẳng hạn uvay đổi thành evay, xe tiền nhanh thành ví vay nhanh... Theo những người vay tiền online thì các app này dường như là cùng một công ty vì người vay nhiều lần vay tiền và chuyển khoán tới cùng một tài khoản.

Một nhóm đối tượng vừa bị Công an thành phố Hà Nội bắt giữ vì cho vay nặng lãi từ 1.500 - 2.200%/năm. Các đối tượng đã thành lập 7 cơ sở cầm đồ, 5 công ty khác nhau để lập ra ứng dụng vay tiền: cashvn, vaynhanhpro, ovay .

Sau đó, nhóm đối tượng thuê sinh viên - những người không có việc làm ổn định - để các đối tượng từ nước ngoài đào tạo về giọng nói, phương pháp tư vấn mời vay và cả các hình thức uy hiếp, khủng bố khi khách hàng chậm trả.

Đầu tiên sẽ có bộ phận gọi điện cho khách để giới thiệu ứng dụng. Việc vay cũng rất đơn giản, người vay chỉ cần chứng minh thư, ảnh chụp và tài khoản ngân hàng. Mọi hoạt động đều được diễn ra trên không gian mạng, các đối tượng sử dụng sim giả, các email giả, không chính chủ để thực hiện giao dịch. Để ẩn mình, nhóm cầm đầu không xuất hiện mà tạo ra các mắt xích, bằng việc thiết lập các mạng lưới, các tầng và cấp độ khác nhau. Nếu bị phát hiện đối tượng sau cũng không biết đối tượng trước là ai.

Bộ Công an đã xác định được khoảng 70 công ty, tổ chức tài chính núp bóng dưới hình thức cho vay ngang hàng P2P Lending biến tướng để hoạt động "tín dụng đen". Có những công ty đã thu hút hơn 1,5 triệu khách hàng với số tiền giao dịch lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đứng đầu là một ông trùm bí ẩn ở nước ngoài, rất khó phát hiện.

Không những thế, thời gian gần đây, trên các hội nhóm mạng xã hội lại nở rộ chiêu trò lừa đảo vay tiền qua mạng khiến nhiều nạn nhân sập bẫy với thủ đoạn hết sức tinh vi như làm giả các loại giấy tờ của ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Cơ quan chức năng liên tục cảnh báo

Thời gian qua, cơ quan chức năng cũng liên tục có các cảnh báo nguy cơ biến tướng tín dụng đen của hoạt động cho vay qua app này.

Trong dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ tới nền kinh tế gửi các bộ, cơ quan ngang bộ lấy ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra cảnh báo về hoạt động P2P Lending của nước ngoài hiện đang gia tăng hoạt động tại Việt Nam, có thể gây rủi ro, trong khi nhiều nước đang tăng cường quản lý, thắt chặt và giám sát chặt chẽ. Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục triệt phá các đường dây cho vay nặng lãi, tín dụng đen qua các ứng dụng cho vay trực tuyến trên mạng xã hội.

Trước diễn biến phức tạp của hoạt động cho vay qua app “đội lốt” P2P Lending, nhiều loại tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen…đã núp bóng, trá hình hoạt động bất hợp pháp, môt số vụ việc đã được cơ quan chức năng xử lý hình sự theo quy định của pháp luật, NHNN đã có công văn chỉ đạo tới các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TCCƯDVTGTT) và các tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo đó, để ngăn ngừa những tác động tiêu cực của hoạt động P2P Lending, NHNN đã có văn bản đề nghị các TCCƯDVTGTT: tuân thủ đúng quy định của pháp luật về hoạt động cung ứng và sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT), không hợp tác cung ứng dịch vụ TGTT cho các công ty P2P Lending có hoạt động vi phạm pháp luật; thường xuyên rà soát các đối tác có hợp tác liên quan đến hoạt động P2P Lending (nếu có) để triển khai thực hiện các giải pháp kiểm soát, xử lý phù hợp. Trường hợp phát hiện những đối tác nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ngừng ngay việc hợp tác giao dịch dưới mọi hình thức, đồng thời thông báo cho các cơ quan chức năng và các bên liên quan biết để có giải pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và hạn chế tối đa rủi ro có thể phát sinh theo quy định của pháp luật.

Đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD), liên quan đến P2P Lending, NHNN cũng có các công văn cảnh báo tới các TCTD tăng cường kiểm tra, giám sát việc hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực P2P Lending; nhằm ngăn ngừa rủi ro, phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực này. Theo đó, NHNN yêu cầu TCTD: tuân thủ đúng quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng; rà soát các hợp đồng, thỏa thuận đã ký kết với các đối tác là các công ty cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng hoặc có hợp tác liên quan đến hoạt động cho vay ngang hàng. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật của các đối tác này, TCTD phải ngừng ngay việc hợp tác dưới mọi hình thức và tiến hành các thủ tục thanh lý các hợp đồng, thỏa thuận đã ký, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật; đồng thời báo cáo cơ quan chức năng và các bên liên quan để có giải pháp ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và hạn chế rủi ro có thể phát sinh; thường xuyên rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát trong nội bộ TCTD (bao gồm các công ty con, công ty liên kết của TCTD nếu có) về các rủi ro tiềm ẩn của hoạt động cho vay ngang hàng, bao gồm rủi ro pháp lý và các rủi ro khác, trong bối cảnh pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có khung pháp lý cụ thể điều chỉnh hoạt động cho vay ngang hàng, nhằm phòng ngừa rủi ro phát sinh.

Bên cạnh đó, NHNN cũng đã đẩy mạnh triển khai các giải pháp truyền thông:  Khuyến cáo người dân, doanh nghiệp tìm hiểu kĩ, thận trọng khi tham gia các nền tảng cho vay ngang hàng trong bối cảnh chưa có hành lang pháp lý rõ ràng điều chỉnh đối với lĩnh vực này và khuyến nghị người dân tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng chính thống, tránh bị lừa đảo, rơi vào vòng xoáy cho vay nặng lãi của tín dụng đen; Chỉ đạo TCTD lưu ý về các rủi ro trong hoạt động cho vay ngang hàng; thận trọng trong ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các công ty cho vay ngang hàng, đảm bảo đúng quy định pháp luật, không ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của TCTD cũng như an toàn của hệ thống ngân hàng.

Liên quan đến hành vi lừa đảo này, Công an TP. Hà Nội cho biết, thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng tải quảng cáo cho vay vốn trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn có người sập bẫy.

Công an TP. Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước hình thức quảng cáo vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền. Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo.

“Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật” - Công an TP. Hà Nội thông tin.

Sắp ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động cho vay ngang hàng

Theo NHHN, cho vay ngang hàng (Peer to peer Lending hay P2P Lending) là hoạt động cho vay trên nền tảng công nghệ được thiết kế và thực hiện dựa trên ứng dụng công nghệ tài chính do công ty cho vay ngang hàng thực hiện với vai trò trung gian kết nối người đi vay với người cho vay. Công ty cho vay ngang hàng là công ty Fintech cung cấp giải pháp cho vay ngang hàng ra thị trường. 

Số lượng các công ty có hoạt động hoặc tham gia cung ứng dịch vụ, giải pháp Fintech tại Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ khoảng 40 công ty vào cuối năm 2016 lên đến khoảng 200 công ty ở thời điểm hiện tại với nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng, chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân,...

Trong số đó, các công ty hoạt động trong lĩnh vực thanh toán chiếm tỷ trọng lớn với 47 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được NHNN cấp giấy phép, còn trong lĩnh vực cho vay ngang hàng là khoảng hơn 100 công ty với nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Hoạt động cho vay ngang hàng xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2016 dưới dạng các công ty Fintech (công nghệ tài chính) và thường nhắm đến phân khúc đối tượng khách hàng không tiếp cận được với ngân hàng, công ty tài chính.

Theo khảo sát của Vụ Chính sách tiền tệ và Vụ Thanh toán (NHNN), một số mô hình P2P Lending đã và đang triển khai thực hiện tại Việt Nam cho thấy hoạt động P2P Lending tại các công ty đang được triển khai theo 4 mô hình cơ bản sau:

Mô hình 1: Mô hình công ty cầm đồ cho vay online

Mô hình 2: Mô hình công ty P2P Lending hợp tác với công ty cầm đồ

Mô hình 3: Mô hình công ty P2P Lending hợp tác với tổng đại lý phát triển khách hàng của công ty tài chính để giới thiệu khách hàng cho công ty tài chính.

Mô hình 4: Mô hình công ty P2P Lending là trung gian kết nối giữa người đi vay cá nhân/tổ chức với người cho vay là cá nhân.

Thực tế, hoạt động P2P Lending nổi lên tại Việt Nam trong giai đoạn gần đây, một số thỏa thuận giữa các bên tham gia trong mô hình P2P Lending (công ty P2P Lending và nhà đầu tư, công ty P2P Lending và bên thứ ba, công ty P2P Lending và khách hàng vay…) thiếu rõ ràng, minh bạch, thiếu ràng buộc có tính pháp lý, chưa có cơ chế giám sát, hậu kiểm đối với việc sử dụng, quản lý vốn vay đúng mục đích của người đi vay, nên có thể dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên.

Mới đây, NHNN đã công bố lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Cho vay ngang hàng (P2P Lending) là một trong những lĩnh vực được phép thử nghiệm.

Trước mắt, Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Regulatory Sandbox) sẽ có những quy định rõ ràng về điều kiện và tiêu chuẩn hoạt động P2P Lending, làm cơ sở cho cơ quan nhà nước thanh lọc thị trường, loại bỏ những đơn vị trá hình vận hành app cho vay theo kiểu tín dụng đen đang gây hệ lụy tiêu cực cho thị trường.

Theo đó, các giải pháp tham gia vào Cơ chế thử nghiệm sẽ được đặt dưới sự giám sát thường xuyên, liên tục của cơ quan quản lý ngân hàng - tài chính nhằm hạn chế ở mức thấp nhất rủi ro, hệ lụy phát sinh. Thông tin, dữ liệu, kết quả thử nghiệm đối với các sản phẩm, dịch vụ tham gia vào Cơ chế thử nghiệm này sẽ là cơ sở, căn cứ để cơ quan quản lý, giám sát cũng như nhà cung ứng dịch vụ tiềm năng tham gia vào Cơ chế thử nghiệm đánh giá tính khả thi, lợi ích, rủi ro của giải pháp, từ đó đưa ra quyết định, cách thức ứng xử phù hợp tiếp theo.

Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa hai năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được NHNN cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm.

Điều kiện và tiêu chí tham gia Cơ chế thử nghiệm là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quyết định đã được ban hành; không thuộc nhóm tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt theo Luật Các tổ chức tín dụng; Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức đề nghị tham gia Cơ chế thử nghiệm phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc lĩnh vực phụ trách. Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của công ty Fintech đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm không có án tích, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và an ninh mạng. Đội ngũ cán bộ thực hiện giải pháp Fintech thử nghiệm có trình độ chuyên môn về lĩnh vực đảm nhiệm.

Dự thảo cũng nêu rõ công ty cho vay ngang hàng (P2P Lending) trong quá trình tham gia cơ chế thử nghiệm không được thực hiện các hành vi như cung cấp biện pháp bảo đảm tiền vay; Cung cấp dịch vụ môi giới thông tin cho việc vay tiền phục vụ hoạt động đầu tư cổ phiếu và các hoạt động mang tính rủi ro cao khác; Sử dụng trái phép nguồn tiền từ khách hàng,...

Bên cạnh đó, giải pháp cho vay ngang hàng đề nghị tham gia Cơ chế thử nghiệm phải thỏa mãn các tiêu chí quy định tại Nghị định như: (i) Là giải pháp mà nội dung kỹ thuật và nghiệp vụ hoàn toàn chưa được quy định tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào hoặc quy định pháp lý hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho việc triển khai, áp dụng; (ii) Là giải pháp có tính đổi mới sáng tạo, đem lại lợi ích, giá trị gia tăng cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính; (iii) Là giải pháp đã thiết kế, xây dựng được khung quản lý rủi ro, hạn chế tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng và hoạt động ngân hàng - tiền tệ - ngoại hối; đã xây dựng phương án hợp lý về xử lý, khắc phục các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm phù hợp; (iv) Là giải pháp đã được tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm thực hiện các biện pháp rà soát, đánh giá đầy đủ, trên các khía cạnh hoạt động và chức năng, công dụng, tính hữu ích; (v) Là giải pháp có tính khả thi để có thể cung ứng ra thị trường sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm.

Giới chuyên gia đánh giá, khuôn khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (regulatory sandbox) phù hợp với thực tiễn, thông lệ quốc tế, tiến tới việc ban hành khuôn khổ pháp lý và quản lý chính thức (trong đó có cơ chế thử nghiệm đối với hoạt động P2P Lending). 

Cụ thể, Sandbox sẽ mở ra cơ hội để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực P2P bứt phá, phát huy hết tiềm lực, phát triển tương xứng với quy mô của thị trường và tận dụng lợi thế của công nghệ 4.0. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý thử nghiệm sẽ giúp các công ty P2P đẩy mạnh hỗ trợ nhóm khách hàng yếu thế không tiếp cận được kênh tín dụng chính thức, thúc đẩy tài chính toàn diện, đẩy lùi tín dụng đen…Việc ban hành hành lang pháp lý thử nghiệm P2P cũng giúp thanh lọc thị trường, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém, đơn vị hoạt động trá hình đang gây nhiễu loạn thị trường, làm mất niềm tin của người tiêu dùng, giảm uy tín của lĩnh vực P2P tại Việt Nam. Sandbox sẽ có những quy định rõ ràng về điều kiện và tiêu chuẩn hoạt động P2P, làm cơ sở cho cơ quan nhà nước thanh lọc thị trường, loại bỏ những đơn vị trá hình vận hành app cho vay theo kiểu tín dụng đen đang gây hệ lụy tiêu cực cho thị trường.

Để có thể hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, đặc biệt là cho vay qua app cần sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành, chính quyền địa phương, trong đó cần đẩy mạnh các kênh vay tiền chính thức. Về phía ngành Ngân hàng cũng cần tiếp tục có những giải pháp nhằm tạo điều kiện để người dân, đặc biệt người dân nông thôn, vùng sâu vùng xa tiếp cận vốn ngân hàng. NHNN cho biết đã và đang đẩy mạnh hoạt động cho vay tiêu dùng, hướng đến các món vay nhỏ, phục vụ nhu cầu cấp bách của người dân, thông qua các ngân hàng thương mại, các công ty tài chính, hay các quỹ tín dụng nhân dân. Ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người dân vùng sâu vùng xa, nông thôn khi tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng cần tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0 để gia tăng tiện ích khi cung cấp các sản phẩm cho vay trực tuyến. Cơ quan công an và chính quyền địa phương tích cực phối hợp phát hiện, xử lý các hành vi cho vay nặng lãi, đòi nợ kiểu xã hội đen…

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay