Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Việt Nam) vừa đưa ra cảnh báo tới khách hàng về hình thức lừa đảo qua điện thoại/tin nhắn. Nhằm giúp khách hàng nhận biết và nâng cao cảnh giác, chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ tài sản cá nhân của mình khi thực hiện các giao dịch ngân hàng, đặc biệt là các giao dịch trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt.
Phương thức, thủ đoạn lừa đảo:
Lừa đảo qua điện thoại:
- Mạo danh cán bộ Cơ quan Nhà nước (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án,.. ) để gọi điện thông báo tới quý khách có lệnh bắt khẩn cấp, giấy triệu tập vì có liên quan đến vụ án đang điều tra. Sau đó, đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu quý khách chuyển hết tiền trong tài khoản của quý khách vào tài khoản của đối tượng lừa đảo để chứng minh, phục vụ điều tra, xét xử rồi sẽ trả lại.
- Mạo danh là nhân viên bưu điện để thông báo quý khách có bưu phẩm hoặc có thư thông báo trúng thưởng. Sau đó, đối tượng lừa đảo sẽ đề nghị quý khách cung cấp thông tin cá nhân (họ tên, số CMND, địa chỉ,…) và thông báo quý khách phải thực hiện chuyển tiền để nhận quà tặng, bưu phẩm.
Lừa đảo qua tin nhắn:
- Gửi tin nhắn văn bản/tin nhắn đa phương tiện có chứa đường dẫn liên kết đến website giả mạo có tên địa chỉ truy cập và hình thức gần giống với webiste chính thức của các Ngân hàng, Tổ chức Tài chính, Tổ chức Trung gian Thanh toán… và yêu cầu người nhận thực hiện cung cấp thông tin trên website giả mạo. Nếu khách hàng truy cập và điền các thông tin vào đường dẫn đó, đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt thông tin, tiền trong tài khoản của khách hàng.
- Gửi tin nhắn văn bản yêu cầu thay đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng theo đường dẫn liên kết đến website giả mạo và yêu cầu gửi mã xác thực OTP đến số điện thoại của đối tượng lừa đảo.
- Các tin nhắn giả mạo Ngân hàng, thường gửi kèm đường dẫn lạ không dẫn đến website chính thức của các Ngân hàng.
Để bảo vệ tài sản của Quý khách hàng, Shinhan Việt Nam khuyến cáo khách hàng lưu ý:
- Cảnh giác khi nhận tin nhắn, kiểm tra thông tin nhận và cẩn trọng khi truy cập vào đường dẫn chưa trong tin nhắn.
- Cảnh giác khi truy cập website không phải của Ngân hàng hoặc giả mạo Ngân hàng.
- Tuyệt đối không cung cấp các thông tin bảo mật như mã OTP, số thẻ, mã CVC/CVV, tên đăng nhập và mật khẩu Ngân hàng trực tuyến qua các đường dẫn, tin nhắn, chat, cuộc gọi chưa xác thực trong bất kỳ trường hợp nào.
+ Không cung cấp thông tin cá nhân (số CMND/CCCD, Hộ chiếu, Hộ khẩu,…) cho người lạ hoặc bên thứ ba qua mạng, qua điện thoại kể cả người tự xưng là cán bộ Cơ quan Nhà nước, nhân viên Ngân hàng, nhân viên bưu điện,…
- Tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn giả mạo website của Ngân hàng để tránh bị mất thông tin tài khoản, thiệt hại về tài sản.
- Bảo mật tuyệt đối thông tin cá nhân, nâng cao ý thức bảo vệ thông tin giao dịch Ngân hàng trên mạng xã hội.
- Cài đặt và thường xuyên cập nhập có bản quyền chính thức của hệ điều hành, trình duyệt cho máy tính, điện thoại và thiết bị điện tử sử dụng cho các giao dịch tài chính.
- Thường xuyên theo dõi thông tin giao dịch ngân hàng và đăng ký các dịch vụ để kiểm soát thông tin, đảm bảo giao dịch trực tuyến an toàn.
- Khi phát hiện bị lừa đảo, ngoài việc thông báo cho Ngân hàng, khách hàng cần báo ngay với cơ quan chức năng để được hỗ trợ kịp thời.
(*) Trong vòng 07 ngày kể từ ngày nhận được tin nhắn, khách hàng có thể thực hiện kiểm tra tin nhắn nhận được có đúng là tin nhắn do Ngân hàng gửi hay không bằng các bước sau:
+ Bước 1: Sao chép tin nhắn đang nghi là giả mạo.
+ Bước 2: Gửi tin nhắn đã sao chép đến đầu số của nhà mạng để kiểm tra:
- Mạng Viettel: 9548
- Mạng Mobifone: 9241
- Mạng Vinaphone: 1551
+ Bước 3: Xem phản hồi của nhà mạng.