Thứ tư, 16/07/2025
   

Những thay đổi của hoạt động thanh toán toàn cầu trong thời kỳ COVID-1

Hoạt động thanh toán toàn cầu đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ theo cả chiều rộng và chiều sâu, không chỉ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán điện tử mà còn khiến thay đổi thói quen của người dân, nhiều mô hình thanh toán mới ra

Hoạt động thanh toán toàn cầu đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ theo cả chiều rộng và chiều sâu, không chỉ đạt tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán điện tử mà còn khiến thay đổi thói quen của người dân, nhiều mô hình thanh toán mới ra đời…

Capgemini, công ty tư vấn quốc tế về chuyển đổi số và công nghệ, mới đây đã công bố Báo cáo thanh toán thế giới năm 2020 (World Payments Report 2020). Đây là báo cáo năm thứ 12 của tổ chức này về hoạt động thanh toán toán cầu, trong đó tổng kết kết quả hoạt động thanh toán trong năm cũng như xu hướng phát triển của hoạt động thanh toán trong những năm tới.

Báo cáo năm 2020 của Capgemini tập trung phân tích hoạt động thanh toán trong giai đoạn 2019-2020 trong bối cảnh toàn cầu đang phải ứng phó với đại dịch COVID-19 trên cơ sở kết quả khảo sát hoạt động TTKDTM năm 2019 tại 44 nước, trong đó có những nước phát triển tại Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á hay các thị trường mới nổi như khu vực ASEAN (trong đó có Việt Nam) hay Châu Mỹ Latin, khu vực Trung Đông; với 8.604 người, 235 doanh nghiệp và 45 nhà lãnh đạo tài chính trên toàn thế giới tham gia khảo sát. Bên cạnh đó, Capgemini còn tổng hợp thêm số liệu từ Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), Ngân hàng Thế giới (WB), cổng thông tin điện tử và ấn bản thống kê của các ngân hàng trung ương.

Báo cáo của Capgemini cho thấy trong khi nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 thì hoạt động thanh toán vẫn đạt được những con số tăng trưởng ấn tượng. Tổng giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) năm 2019 trên toàn cầu tăng 14%, đạt 708,5 tỷ USD - mức tăng trưởng cao nhất trong thập kỷ qua. Đặc biệt, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đã vượt qua Châu Âu và Bắc Mỹ, trở thành khu vực dẫn đầu thế giới về giao dịch TTKDTM với mức tăng 25% và đạt 243,6 tỷ USD vào cuối năm 2019 nhờ tỷ lệ sử dụng điện thoại cao trong cộng đồng, thương mại điện tử bùng nổ, sự phát triển của dịch vụ thanh toán ví điện tử và ứng dụng công nghệ QR code trong thanh toán. Trong khu vực, Việt Nam và Ấn Độ được đánh giá là những nước thành công trong chiến lược “đi tắt đón đầu” bằng việc chuyển dịch từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua điện thoại di động mà không trải qua giai đoạn trung gian.

Trong số 15 thị trường giao dịch không dùng tiền mặt hàng đầu, Hoa Kỳ thống trị danh sách nhờ có tỷ lệ người dân có tài khoản và sử dụng thẻ ngân hàng tương đối cao (4,45 thẻ/người). Trung Quốc duy trì vị trí thứ hai, chủ yếu nhờ sự phát triển của thanh toán qua điện thoại di động và có khoảng hơn một tỷ người thanh toán bằng điện thoại di động vào cuối năm 2020. Khối lượng TTKDTM của Nga đã vượt qua Brazil vào năm 2019, với tốc độ tăng trưởng gần 42%, chủ yếu được thúc đẩy bởi việc áp dụng hệ thống thanh toán trong nước (Mir). Ấn Độ đạt mức tăng trưởng cao nhất (gần 51%) về khối lượng TTKDTM trong năm 2019, vượt qua Pháp và Đức.

Một điểm thay đổi tích cực có thể nhận thấy rõ trong hoạt động thanh toán trên toàn cầu trong thời kỳ COVID-19 là sự dịch chuyển thói quen thanh toán của người tiêu dùng từ thanh toán bằng tiền mặt sang TTKDTM. Kết quả khảo sát cho thấy các kênh thanh toán số được người tiêu dùng lựa chọn nhiều hơn thay vì phương thức thanh toán truyền thống, 68% người trả lời họ thích sử dụng internet banking hơn trong thời gian giãn cách, 64% người thích sử dụng thẻ phi tiếp xúc (tap-to-pay) và 48% người lại lựa chọn phương thức thanh toán QR code. Hành vi thanh toán của các doanh nghiệp cũng có sự thay đổi tích cực. Trước đây, các doanh nghiệp ở Mỹ thường thanh toán bằng séc hay chuyển tiền qua tài khoản thì đến nay, khoảng 20-25% giá trị thanh toán của doanh nghiệp được thực hiện qua thẻ phi vật lý và dự định chỉ 2 đến 3 năm nữa, thanh toán qua di động hay ví điện tử sẽ là hình thức thanh toán được doanh nghiệp ưu tiên thứ hai sau thẻ phi vật lý. Thanh toán tức thời (instant payment) cũng là lựa chọn của nhiều doanh nghiệp khi có khoảng 83% công ty tại Mỹ với doanh thu hàng năm hơn 1 tỷ USD đã sử dụng trong năm 2020.

Hoạt động thanh toán cũng chứng kiến sự thay đổi và cạnh tranh mạnh mẽ do sự ra đời của nhiều mô hình thanh toán mới và sự tham gia của nhiều chủ thể mới không phải là ngân hàng. Các chủ thể này đang len lỏi vào những thị trường ngách đầy tiềm năng như cung cấp dịch vụ đầu cuối, cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thanh toán xuyên biên giới… và đang dần trở thành những đối thủ cạnh tranh “tầm cỡ” đối với hệ thống ngân hàng. Một ví dụ điển hình là công ty Fintech Airwallex có trụ sở tại Melboune chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế, mặc dù mới thành lập năm 2015 mà đến tháng 4/2020 đã huy động được hơn 362 triệu USD và được định giá khoảng 1 tỷ USD. Ngân hàng thách thức ở Anh có tên Revolut cũng đã huy động được 836 triệu USD vào tháng 7/2020 và được định giá khoảng 5,5 tỷ đô. Các công ty thẻ cũng đang hướng vào thị trường ngách này như Visa đang xây dựng hệ thống thanh toán không dùng thẻ (Visa B2B Connect) để thúc đẩy hoạt động thanh toán quốc tế hay Mastercard tập trung nghiên cứu hạ tầng phục vụ các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) và các giao dịch thanh toán khác có dùng thẻ. Kết quả khảo sát cho thấy 30% trong số 8.604 người tham gia khảo sát đã chuyển sang lựa chọn dịch vụ thanh toán cung cấp bởi các tổ chức không phải là ngân hàng, 50% sử dụng dịch vụ thanh toán của ngân hàng thách thức (do tổ chức phi ngân hàng sở hữu giấy phép thành lập ngân hàng số thành lập để cung cấp dịch vụ ngân hàng dựa trên thiết bị di động), 38% trả lời đã phát hiện ra những nhà cung cấp dịch vụ thanh toán mới trong thời gian giãn cách xã hội khiến họ thay đổi cách thức thanh toán của mình.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 cũng có những tác động tiêu cực và có thể sẽ làm giảm tốc sự tăng trưởng của giao dịch TTKDTM trên toàn cầu. Trước hết, do các hoạt động thương mại và tiêu dùng bị giảm mạnh bởi giãn cách xã hội và các hạn chế khác, mức tăng trưởng hoạt động thanh toán trong giai đoạn 2019-2023 có thể giảm gần 5% so với các báo cáo trước đó và chỉ đạt khoảng 11,5%. Đồng thời, COVID-19 cũng khiến hoạt động thanh toán bị đe dọa bởi rủi ro nhiều hơn. 87% nhà cung cấp dịch vụ cho rằng họ đang phải đối mặt với nguy cơ cao của mất an toàn an ninh mạng, tội phạm đang lợi dụng đại dịch để tấn công mạng, rửa tiền và tài trợ khủng bố. Theo số liệu công bố của VMware Carbon Black, các cuộc tấn công có chủ đích vào khu vực tài chính đã tăng lên 238% trong khoảng thời gian giữa tháng 3 và 4/2020. Cùng với rủi ro do đại dịch, tới 42% nhà lãnh đạo tham gia khảo sát cho rằng rủi ro tấn công mạng sẽ là rủi ro lớn nhất có khả năng xảy ra, tác động mạnh nhất tới doanh nghiệp bên cạnh các rủi ro khác như rủi ro tuân thủ, rủi ro hoạt động, rủi ro tín dụng, rủi ro kinh doanh.

Trả lời cho câu hỏi về xu hướng phát triển của hoạt động thanh toán trong 2 - 3 năm tới, kết quả khảo sát cho thấy, 68% lãnh đạo ngân hàng nói họ sẽ mất khách hàng và tiềm năng phát triển nếu không thay đổi và 50% chuyên gia thừa nhận hạ tầng thanh toán là trở ngại lớn nhất cho việc chuyển đổi hoạt động của tổ chức. Rõ ràng, hiện đại hóa hệ thống thanh toán và tiếp nhận công nghệ mới trong thanh toán để ứng phó với đại dịch COVID-19 và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, sự đổi mới của mỗi hệ thống cần phải đồng hành với quá trình chuyển đổi chung trong lĩnh vực thanh toán, nếu không, chi phí chuyển đổi sẽ cao mà không hiệu quả, ngân hàng vẫn phải đối mặt với rủi ro của tấn công mạng hay bị phụ thuộc vào nhiều nhà cung cấp. Các chuyên gia xây dựng báo cáo đã phân tích một số hoạt động thanh toán có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng chung của hoạt động thanh toán trên toàn cầu trong và sau thời kỳ COVID-19, mặc dù tác động có thể khác nhau giữa các khu vực:

Thứ nhất, kết quả khảo sát người tiêu dùng cho thấy 64% người được hỏi cho biết họ đã sử dụng thẻ không tiếp xúc trong cuộc khủng hoảng COVID-19 (so với thanh toán bằng mã QR hoặc ví kỹ thuật số) và 41% người cho biết họ đã lần đầu tiên sử dụng thiết bị không tiếp xúc trong thời kỳ khủng hoảng; hơn 50 thị trường đã mở rộng giới hạn thanh toán không tiếp xúc vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng COVID-19, điều này cho thấy nhu cầu sử dụng loại hình thanh toán này đang dần trở nên phổ biến.

Thứ hai, thanh toán bằng ví điện tử và mã QR được kỳ vọng sẽ viết tiếp câu chuyện tăng trưởng của thị trường TTKDTM bởi tốc độ thanh toán và sự tiện lợi có thể thanh toán vào bất kỳ lúc nào là 2 yếu tố hàng đầu thúc đẩy người dùng lựa chọn các phương thức này. Số lượng người dùng ví điện tử đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ và có thể đạt gần 4 tỷ người vào năm 2024 (chiếm 50% dân số thế giới) trong khi con số này vào năm 2019 chỉ là 2,3 tỷ người.

Thứ ba, công nghệ hiện đang làm thay đổi các hành động trong thanh toán, làm cho nó trở nên vô hình, tức là các công đoạn thanh toán ở phần cuối được thực hiện mà không cần sự tham gia trực tiếp của khách hàng để có đảm bảo sự liền mạch và không có sự cố của giao dịch thanh toán. Các quy trình thanh toán tự động tích hợp trong Amazon Go và Uber là những ví dụ nổi bật về thanh toán vô hình mà các nhà phân tích cho rằng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tới 51% trong giai đoạn 2017-2022 và đạt giá trị giao dịch tới 78 triệu USD vào cuối năm 2022.

Thứ tư, thương mại điện tử sẽ là động lực tăng trưởng cho thanh toán kỹ thuật số. Số lượng người tiêu dùng thực hiện hơn 50% giao dịch mua hàng hàng tháng qua thương mại điện tử đã tăng gần gấp đôi trong thời kỳ đại dịch, việc chuyển đổi từ bán lẻ sang thương mại điện tử vẫn sẽ tiếp tục ngay cả khi đại dịch đã được kiềm chế là những dấu hiệu cho thấy vai trò tích cực của thương mại điện tử đối với thị trường thanh toán.

Bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19, kết quả hoạt động thanh toán năm 2019 và 2020 cho thấy lĩnh vực này vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng và chứng kiến sự ra đời của nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, đồng thời, sự an toàn trong thanh toán vẫn luôn được các cơ quan quản lý trên toàn cầu quan tâm. Những điểm nhấn trong hoạt động thanh toán tại báo cáo này, có thể chưa hoàn chỉnh, song cũng là kênh thông tin hữu ích để các cơ quan quản lý và tổ chức cung cấp dịch vụ thanh toán nhận thức rõ hơn xu hướng phát triển hoạt động thanh toán trong tương lai và có những kế hoạch hành động cụ thể ứng phó với đại dịch và phù hợp với xu thế chuyển đổi số trên toàn cầu.

Theo SBV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay