Theo quy định của pháp luật điều chỉnh, các nhân viên ngân hàng và chính ngân hàng có trách nhiệm phải giữ an toàn bảo mật thông tin của khách hàng.
Điều 14. Bảo mật thông tin, Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định
1. Nhân viên, người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được tiết lộ bí mật kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.Trong trường hợp có cá nhân là nhân viên ngân hàng vi phạm quy định này và tự ý cung cấp, đăng tải thông tin tài khoản của khách hàng mà không có yêu cầu từ các cơ quan chức năng hoặc sự đồng ý của chủ tài khoản thì sẽ phải chịu các mức xử phạt tương ứng.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, theo quy định trong luật, ngân hàng chỉ được phép cung cấp thông tin trong ba trường hợp: khách hàng yêu cầu, khách hàng đồng ý, khách hàng cho phép; (2) theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhà nước, cơ quan pháp luật (toà án, công an, cơ quan thuế,...); (3) phục vụ cho hoạt động nội bộ.
Nếu không nằm trong các trường hợp trên thì sẽ bị xử phạt vi phạm theo Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14-11-2019 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng:
"Hành vi của cá nhân làm lộ hoặc cung cấp thông tin khách hàng không đúng quy định thì có thể bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng theo quy định tại Điều 47. Vi phạm quy định về chế độ báo cáo, quản lý và cung cấp thông tin. Đối với tổ chức vi phạm thì phạt gấp 2 lần mức này".
Bên cạnh đó, cá nhân sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật từ phía tổ chức tín dụng (theo quy định của bộ luật lao động) có thể từ khiển trách tới chấm dứt hợp đồng lao động hay bồi thường thiệt hại nếu có.
Theo Luật sư, ngân hàng cần phải xử lý nghiêm những trường hợp cá nhân vi phạm về bảo mật thông tin, để giữ được uy tín của mình, đó là yếu tố sống còn của lĩnh vực ngân hàng.