Thứ sáu, 22/11/2024
   

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ký kết quy chế phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Nhân dịp kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chiều ngày 6/3/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Chương trình gặp mặt nữ cán bộ ngân hàng và Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa NHNN Việt Nam với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 113 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 và 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, chiều ngày 6/3/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Chương trình gặp mặt nữ cán bộ ngân hàng và Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa NHNN Việt Nam với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

ky ket quy che phoi hop giua nhnn viet nam va hoi lien hiep phu nu viet nam1

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam phát biểu tại Chương trình

Tham dự chương trình có đồng chí Hà Thị Nga - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; đồng chí Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Tổng liên đoàn lao động Việt Nam…

Về phía ngành Ngân hàng có đồng chí Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam; đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng, cùng các đồng chí trong Ban lãnh đạo NHNN; đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc NHNN và các ngân hàng tham gia trực tiếp trong hoạt động phối hợp giữa NHNN và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

“Giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà”

Báo cáo tại Hội nghị, bà Lê Thị Quyên - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Cơ quan NHTW cho biết, tại Việt Nam, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thông qua việc ban hành một cách đầy đủ, toàn diện và thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quan trọng này. Có được những kết quả đó, là sự đóng góp không nhỏ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ.

Đối với ngành Ngân hàng, bà Quyên thông tin, tính đến năm 2022, tổng số lao động trong Ngành là hơn 300.000 lao động, trong đó lao động nữ chiếm tỷ lệ xấp xỉ 59%. Trong số đó, tự hào có một đồng chí lãnh đạo là nữ Thống đốc đầu tiên trong lịch sử ngành Ngân hàng. Số liệu báo cáo thống kê cho thấy, tỷ lệ lãnh đạo nữ cấp ngành là 20%; tỷ lệ lãnh đạo nữ cấp vụ và tương đương của NHNN là 26%; tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cấp vụ và tương đương của NHNN là 34,3%; tỷ lệ cơ quan đơn vị có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ trong toàn hệ thống là 100% đảm bảo mục tiêu Kế hoạch hành động của ngành và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.

ky ket quy che phoi hop giua nhnn viet nam va hoi lien hiep phu nu viet nam5

Đồng chí Hà Thị Nga - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại Chương trình

Ngoài ra, trong thời gian qua, phong trào thi đua “Phụ nữ giỏi việc ngân hàng, đảm việc nhà” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã được triển khai hiệu quả. Theo bà Quyên, với chủ trương ưu tiên dành 70% kinh phí cho hoạt động công tác nữ công, các phong trào thi đua đã thực sự được quan tâm, trở thành nét đẹp truyền thống trong nữ công nhân viên chức người lao động toàn Ngành, được triển khai xuyên suốt và thống nhất từ cấp ngành đến cấp cơ sở. Điều đó thể hiện sự quan tâm và chỉ đạo sát sao, sự đánh giá về tầm quan trọng hoạt động công tác nữ công của Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN.

Trích dẫn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụ nữ ta chẳng tầm thường/Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng trong bất kỳ thời đại, hoàn cảnh nào, người phụ nữ luôn có một vai trò vô cùng tốt đẹp. Tiến trình phát triển xã hội loài người, sự phát triển văn hoá, kinh tế xã hội của các quốc gia nói chung, xã hội Việt Nam nói riêng là có sự kết tinh từ bàn tay, khối óc của người phụ nữ. Ngày nay, những người phụ nữ đã trở nên xinh đẹp, tự chủ hơn nhưng họ vẫn giữ được truyền thống của người phụ nữ Việt Nam “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Với phụ nữ ngành Ngân hàng, Phó Thống đốc cho biết, phụ nữ của Ngành ngày càng nỗ lực, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc công việc chuyên môn, không ngừng học tập, nâng cao trình độ. Điều đó cho thấy sự quan tâm to lớn của Ban Cán sự Đảng, Ban lãnh đạo NHNN, đồng thời cũng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của cán bộ nữ đóng góp trong sự phát triển của ngành Ngân hàng. Cụ thể, qua phong trào thi đua “giỏi việc ngân hàng đảm việc nhà”, chị em phụ nữ vừa tích cực tham gia phong trào, hoạt động xã hội tại cơ quan, vừa thực hiện tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ, chăm sóc gia đình, phấn đấu giữ vững danh hiệu gia đình văn hoá tại nơi mình sinh sống. Đồng thời, hưởng ứng và tham gia tích cực các hoạt động do công đoàn các cấp tổ chức.

Thời gian tới, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng còn rất nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trên cương vị công tác, Phó Thống đốc mong muốn và tin tưởng sâu sắc phụ nữ ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, là những bông hoa đẹp đầy hương sắc, tô điểm cho cuộc sống tươi vui của mọi nhà, cho mùa xuân của đất nước.

ky ket quy che phoi hop giua nhnn viet nam va hoi lien hiep phu nu viet nam4

Đồng chí Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng phát biểu tại Chương trình

Tại chương trình, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, các thế hệ nữ cán bộ ngành Ngân hàng đã phát huy những phẩm chất tự nhiên vốn có: “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang để cống hiến, đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Ngành. Trong thời gian qua cùng với lao động toàn Ngành, lực lượng lao động nữ luôn nỗ lực, cố gắng và hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể.

Dù công tác ở vị trí nào, phụ nữ Ngân hàng đều sẵn sàng hết mình vì công việc và đạt được những kết quả đáng khích lệ, có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, hoạch định và thực thi các chính sách tiền tệ, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của cơ quan, đơn vị, vì sự an toàn và phát triển của Ngành, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy xã hội phát triển.

Hợp tác vì sự phát triển của phụ nữ

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, trong suốt thời gian vừa qua, NHNN Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc triển khai các chương trình tín dụng. Đơn cử như ngày 23/6/2016, ba cơ quan gồm NHNN Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội nông dân Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp ký kết với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng để triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình. Kết quả là, đến cuối năm 2022 dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 2,9 triệu tỷ đồng; chiếm 24,76% tổng dư nợ trong nền kinh tế và tăng gấp gần 3 lần so với năm 2016.

Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và 3 tổ chức chính trị - xã hội khác thực hiện một số nội dung ủy thác trong quy trình cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang quản lý dư nợ ủy thác lớn nhất trong các tổ chức chính trị - xã hội, với 62.299 tổ Tiết kiệm và vay vốn và hơn 2,48 triệu khách hàng; 99,98% số tổ Tiết kiệm và vay vốn có tổ viên tham gia gửi tiền tại Ngân hàng Chính sách xã hội với số dư đạt 5.823 tỷ đồng.

ky ket quy che phoi hop giua nhnn viet nam va hoi lien hiep phu nu viet nam3

Đại diện hai cơ quan ký kết Quy chế phối hợp

Đến cuối năm 2022, dư nợ ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đạt gần 108 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 39% tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua theo dõi, chất lượng cho vay thông qua các tổ chức Hội ngày càng được nâng cao và hiệu quả.

Tiếp nối những kết quả tích cực đã đạt được, được sự đồng ý của lãnh đạo hai cơ quan, các đơn vị tham mưu đã xây dựng Chương trình phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2023-2027. So với Chương trình phối hợp trước đây, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Chương trình phối hợp lần này có tính trực diện hơn và nội dung phối hợp toàn diện hơn bao gồm: triển khai các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tín dụng nông nghiệp nông thôn và các loại hình tín dụng khác; nâng cao hiệu quả thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, giáo dục tài chính cho phụ nữ, hạn chế tín dụng đen; triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; công tác an sinh xã hội và các hoạt động khác.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, việc ký kết và triển khai một cách thực chất, hiệu quả Chương trình phối hợp giữa NHNN Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ giúp ích cho cả hai tổ chức. Cụ thể, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có mạng lưới rộng khắp ở Cấp trung ương, Cấp tỉnh, Cấp huyện và Cấp cơ sở. Theo đó, những tri thức, kinh nghiệm trong việc phát triển, đảm bảo quyền của phụ nữ sẽ giúp ích cho công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Ngân hàng. Bên cạnh đó, việc phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thể hiện rõ ràng trách nhiệm xã hội của ngành Ngân hàng; giúp nâng cao hình ảnh, uy tín của ngành Ngân hàng.

Về phía ngành Ngân hàng nói chung cũng có những lợi thế để góp một phần nhất định vào sự phát triển của phụ nữ Việt Nam. Ngân hàng là kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế. Hệ thống TCTD hiện nay có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng khắp cả nước. Tính đến năm 2022, số cán bộ ngành ngân hàng là 320.848 cán bộ, trong đó có 186.274 cán bộ nữ, chiếm tỷ lệ khoảng 58%.

Với đặc thù nói trên, ngành Ngân hàng có thể tham gia một cách tích cực để hỗ trợ những nhóm yếu thế, phụ nữ, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ là nữ tiếp cận nguồn tín dụng; triển khai các chương trình tài chính toàn diện, nâng cao kiến thức, đào tạo kỹ năng sử dụng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho phụ nữ nghèo, cận nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; góp phần nhất định triển khai các chương trình an sinh xã hội....

Với những lợi thế nêu trên, Thống đốc mong rằng hai bên sẽ phối hợp tích cực, hiệu quả, thực chất; qua đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cả hai cơ quan.

ky ket quy che phoi hop giua nhnn viet nam va hoi lien hiep phu nu viet nam2

Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam, Trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng trao tặng 01 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ tôn tạo khu di tích Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam

Bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng cho rằng đây là sự kiện đánh dấu một sự hợp tác mới, toàn diện hơn giữa hai cơ quan góp phần thực hiện Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Theo bà Nga, thời gian qua, mặc dù chưa có ký kết phối hợp ở cấp Trung ương nhưng đã có 21/63 tỉnh đã có văn bản ký kết Chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp Phụ nữ với NHNN. Các hoạt động phối hợp đã bước đầu có hiệu quả, góp thực hiện có hiệu quả chính sách tài chính toàn diện và tạo điều kiện cho phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Đây cũng chính là những kinh nghiệm quý báu cho việc ký kết ở cấp Trung ương và rộng khắp các tỉnh/thành trong cả nước.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, đây cũng là cơ hội quan trọng để Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kết nối tín dụng với các nhóm đối tượng của 2 Đề án Chính phủ mà Hội vinh dự được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì triển khai, đó là Đề án số 01 “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” và Đề án số 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.

Với 4 nhóm nội dung ký kết mang tính định hướng, tin tưởng rằng, Chương trình phối hợp cấp Trung ương sẽ là tiền đề quan trọng để Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ngân hàng Nhà nước của 63 tỉnh/thành phố cụ thể hoá, ký kết các chương trình phối hợp với hoạt động cụ thể ở địa phương nhằm thực hiện thành công Chương trình.

Về phía NHNN, Thống đốc đề nghị các Vụ, Cục đơn vị thuộc NHNN dành thời gian, nguồn lực để triển khai các nội dung theo phân công, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình. Trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động phối hợp, đề nghị các đơn vị tranh thủ hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để xen kẽ, lồng ghép vào các hoạt động phối hợp qua đó lan tỏa, mở rộng phạm vi thụ hưởng cho đối tượng phụ nữ yếu thế trong xã hội.

Đối với các tổ chức tín dụng, Thống đốc đề nghị các tổ chức tín dụng có liên quan nghiêm túc và tích cực thực hiện chính sách tín dụng, thỏa thuận ủy thác trong việc cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; trong đó, chú trọng đối tượng là phụ nữ.

Về phía Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Thống đốc mong muốn lãnh đạo Hội sẽ chỉ đạo đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện các hoạt động phối hợp; qua đó hai cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt, với kinh nghiệm trong triển khai các hoạt động dành cho cán bộ nữ và công tác bình đẳng giới, Hội sẽ hỗ trợ NHNN để góp phần thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới

Nhân dịp này, ngành Ngân hàng dành tặng 01 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ tôn tạo khu di tích Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam. Đồng chí Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN, Chủ tịch Công đoàn Ngân hàng Việt Nam đã trao tặng kinh phí hỗ trợ của ngành Ngân hàng cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Nguồn: thoibaonganhang.vn

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay