Thứ hai, 18/11/2024
   

Huy động vốn dân cư và tín dụng tại TP.HCM tăng trưởng tích cực

Tính đến cuối tháng 10/2024, số dư tiền gửi tiết kiệm dân cư tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 3,785 triệu tỷ đồng, tăng 0,98% so với tháng trước.
Tín dụng và huy động vốn tại TP.HCM tăng mạnh trong 10 tháng đầu năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 10/2024, số dư tiền gửi tiết kiệm dân cư tại các TCTD trên địa bàn thành phố đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 36,8%-38% trong tổng tiền gửi.

Cũng theo số liệu của NHNN Chi nhánh TP.HCM, trong 3 tháng gần đây, nguồn vốn huy động trên địa bàn thành phố luôn trong xu hướng tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng bình quân đạt trên 1,5%. Tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân (gồm tiền gửi có kỳ hạn; không kỳ hạn) tăng 8,3% so với cuối năm 2023.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong điều kiện ngành ngân hàng luôn thực hiện nhiệm vụ kép: ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thì tăng trưởng nguồn vốn huy động qua hệ thống ngân hàng có ý nghĩa quan trọng và phản ánh những tín hiệu tích cực.

Theo số liệu được ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM chia sẻ, đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM đạt 3,785 triệu tỷ đồng, tăng 0,98% so với tháng trước và tăng 6,87% so với cuối năm 2023. Như vậy, trong những tháng gần đây, hoạt động tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng.

Theo đó, tín dụng bằng tiền VND chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ, chiếm 96,2% và tăng 7,41% so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay thấp, cùng với những chính sách tín dụng hỗ trợ và giải ngân các gói tín dụng ưu đãi… là yếu tố chính tác động đến tăng trưởng tín dụng bằng VND, nếu phân tích dư nợ tín dụng theo VND và ngoại tệ.

Ông Lệnh cho biết tín dụng trong 2 tháng còn lại của năm sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn 10 tháng đạt 3,855 triệu tỷ đồng, tăng 8,9% so với cuối năm 2023 (tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng), sẽ tạo điều kiện thuận lợi về nguồn vốn để đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu vốn dịp cuối năm.

Đồng thời, hoạt động tín dụng cho vay bình ổn thị trường, góp phần đảm bảo giữ ổn định giá cả hàng hóa, nhất là các hàng hóa tiêu dùng, thiết yếu dịp cuối năm sẽ tiếp tục được tổ chức thực hiện tốt. Đến nay, doanh số cho vay đối với chương trình đạt 9.778 tỷ đồng, cho 37 doanh nghiệp tham gia chương trình (gồm doanh nghiệp bình ổn và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng). Lãi suất cho vay thấp (bình quân khoảng 4%/năm), là yếu tố chính góp phần trực tiếp hỗ trợ chi phí sử dụng vốn cho các doanh nghiệp tham gia chương trình, từ đó giúp giảm giá thành sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá bán hoặc giữ ổn định giá bán (thường có xu hướng tăng trong dịp Tết).

Với tốc độ hiện tại, tín dụng 10 tháng tăng 12,7% so với cùng kỳ, thì kết thúc năm 2024 tín dụng trên địa bàn dự báo đạt tốc độ tăng trưởng phù hợp theo định hướng đề ra của NHNN và nhu cầu vốn thực tế trên địa bàn Thành phố, đảm bảo sự phù hợp gắn liền với tăng trưởng GRDP của Thành phố trong năm 2024.

VPĐD TP.HCM

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay