Hoa Kỳ sẽ bước vào thời kỳ suy thoái trong quý IV, sau đó là “một năm suy giảm và suy thoái ở châu Âu vào năm 2024”, theo Bộ phận Quản lý tài sản của HSBC (HSBC Asset Management).
Nguy cơ suy thoái đang “đỏ rực”
Trong báo cáo triển vọng giữa năm, HSBC Asset Management cho biết các tín hiệu cảnh báo suy thoái đang “đỏ rực” đối với nhiều nền kinh tế, trong khi các chính sách tài khóa và tiền tệ không đồng bộ với thị trường chứng khoán và trái phiếu. Joseph Little, chiến lược gia trưởng toàn cầu tại HSBC Asset Management cho biết, mặc dù một số bộ phận của nền kinh tế vẫn duy trì khả năng phục hồi cho đến nay, nhưng sự cân bằng rủi ro “hiện đang cho thấy nguy cơ suy thoái cao”, với châu Âu có độ trễ hơn so với Mỹ nhưng quỹ đạo vĩ mô nói chung giống nhau.
“Chúng ta đang trong thời kỳ suy thoái lợi nhuận nhẹ và các vụ vỡ nợ của công ty cũng bắt đầu gia tăng. Điều may mắn là chúng tôi kỳ vọng lạm phát cao sẽ giảm tương đối nhanh chóng. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách cắt giảm lãi suất”, ông Joseph Little cho biết trong báo cáo mà hãng tin CNBC có được.
Ngày càng có nhiều cảnh báo về khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cuối năm nay
Bất chấp giọng điệu “diều hâu” được các NHTW đưa ra gần đây và lạm phát vẫn là áp lực lớn, đặc biệt là ở CPI lõi, HSBC Asset Management vẫn kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có lần cắt giảm lãi suất đầu tiên vào trước cuối năm 2023. Trong khi với NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Anh (BoE) thì điều này sẽ diễn ra vào năm tới.
Fed đã tạm dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ tại cuộc họp chính sách tháng 6 vừa qua, duy trì phạm vi lãi suất liên bang từ 5% - 5,25%, nhưng báo hiệu có thể có hai đợt tăng 0,25% nữa trong năm nay. Theo công cụ FedWatch của CME Group, hiện thị trường định giá khả năng Fed có thể tăng lãi suất thêm 0,25% vào tháng 12 tới.
Chiến lược gia Joseph Little cũng thừa nhận rằng, các NHTW sẽ không thể cắt giảm lãi suất nếu lạm phát vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu - như ở nhiều nền kinh tế lớn hiện nay - và cho biết, điều quan trọng là suy thoái kinh tế “không đến quá sớm” và gây ra tình trạng lạm phát giảm phát (thiểu phát). “Kịch bản suy thoái sắp tới sẽ giống với cuộc suy thoái đầu những năm 1990 hơn, với kịch bản cơ sở của chúng tôi là GDP sẽ giảm 1-2%”, ông Little cho biết thêm.
Báo cáo của HSBC Asset Management dự đoán, suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế phương Tây sẽ dẫn đến một “triển vọng khó khăn cho các thị trường” vì hai lý do. “Đầu tiên, chúng ta thấy việc thắt chặt nhanh chóng các điều kiện tài chính đã gây ra sự suy thoái trong chu kỳ tín dụng. Thứ hai, thị trường dường như không định giá cho một khả năng đặc biệt bi quan về kinh tế thế giới”, Joseph Little nói và nhận định: “Chúng tôi nghĩ rằng, luồng tin tức trong sáu tháng tới có thể sẽ “khó tiêu hóa” đối với một thị trường mà mọi người vẫn đang nghiêng về khả năng nền kinh tế sẽ có được cú hạ cánh mềm”.
Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng trưởng tích cực
Cũng theo chuyên gia Joseph Little, ít có khả năng cuộc suy thoái này sẽ “thanh lọc” được mọi áp lực lạm phát ra khỏi hệ thống, và do đó, các nền kinh tế đã phát triển sẽ phải đối mặt với thực tế lạm phát và lãi suất sẽ cao hơn một chút trong một thời gian. “Do đó, chúng tôi giữ quan điểm tổng thể thận trọng về rủi ro và tính chu kỳ trong danh mục đầu tư. Về tín dụng, chúng tôi chọn lọc và tập trung vào các khoản tín dụng chất lượng cao hơn ở cấp độ đầu tư, hơn là các khoản tín dụng cấp độ đầu cơ. Chúng tôi cũng thận trọng đối với các cổ phiếu ở các thị trường đã phát triển”, ông Joseph Little cho biết.
Khi Trung Quốc “nổi lên” sau thời gian dài áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt do đại dịch Covid-19, HSBC tin rằng mức tiết kiệm cao của các hộ gia đình sẽ tiếp tục hỗ trợ nhu cầu trong nước, trong khi các vấn đề khó khăn trong lĩnh vực bất động sản đang chạm đáy và các nỗ lực tài chính của chính phủ nước này sẽ tạo ra việc làm.
Joseph Little cho rằng, với lạm phát tương đối thấp - CPI tháng 5 chỉ tăng ở mức thấp nhất trong hai năm qua - và trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn để quay trở lại hoạt động trên tất cả các trụ cột, thì điều đó có nghĩa là NHTW nước này có thể còn nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa và tăng trưởng GDP “sẽ dễ dàng vượt qua” mục tiêu khiêm tốn 5% mà chính phủ đặt ra trong năm nay. Vì lý do này, HSBC vẫn coi trọng thị trường cổ phiếu Trung Quốc, và Joseph Little cho biết không nên đánh giá thấp sự đa dạng hóa của chứng khoán Trung Quốc. “Ví dụ, giá trị thị trường đang vượt trội so với tăng trưởng ở Trung Quốc và châu Á. Điều đó trái ngược với các thị trường chứng khoán ở các nền kinh tế đã phát triển”, chuyên gia này dẫn chứng.
Cùng với Trung Quốc, Joseph Little lưu ý rằng Ấn Độ cũng là câu chuyện tăng trưởng tích cực trong năm 2023 khi nền kinh tế này đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch nhờ chi tiêu của người tiêu dùng phục hồi và lĩnh vực dịch vụ phát triển mạnh mẽ. “Ở Ấn Độ, những bất ngờ về tăng trưởng kinh tế đi lên gần đây trong khi lạm phát đi xuống đang tạo ra thứ gì đó giống như một hỗn hợp kinh tế kiểu Goldilocks (ý nói có được mức tăng trưởng kinh tế không quá nóng để gây ra lạm phát cao, nhưng cũng không quá lạnh đến mức tạo ra một cuộc suy thoái)”, Little nói và cho biết: “Cải thiện bảng cân đối ngân hàng và doanh nghiệp cũng đã được thúc đẩy bởi các khoản trợ cấp của chính phủ. Trong khi đó, câu chuyện đầu tư dài hạn về cơ cấu cho Ấn Độ vẫn còn nguyên vẹn”.
Theo thoibaonganhang.vn