Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank)
Ngân hàng TMCP Kiên Long vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 1/2024.
Trong Q1, hoạt động chính của Ngân hàng xấp xỉ cùng kỳ năm trước khi chỉ thu được gần 613 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ cũng đi ngang khi thu được hơn 113 tỷ đồng tiền lãi. Kinh doanh ngoại hối là hoạt động tăng trưởng nhất của KienlongBank khi thu được hơn 11 tỷ đồng lãi, trong khi cùng kỳ chỉ thu được 575 triệu đồng. Hoạt động khác là mảng tăng trưởng tiếp theo với gần 28 tỷ đồng lãi, gấp 2,1 lần cùng kỳ nhờ tăng thu nợ khó đòi đã xử lý bằng dự phòng rủi ro.
Mặc dù tiết giảm chi phí hoạt động (-2%) so với cùng kỳ, nhưng KienlongBank lại tăng 28% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trích gần 112 tỷ đồng nhằm nâng cao nguồn lực, gia tăng bộ đệm, thực hiện bao phủ nợ xấu, nỗ lực kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở dưới mức quy định, đồng thời giảm áp lực dự phòng cho các năm tới, giảm tác động của nợ xấu trong tương lai. Do đó, Ngân hàng lãi trước thuế gần 214 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ, thực hiện được gần 27% kế hoạch năm (800 tỷ đồng).
Tổng tài sản của KienlongBank tính đến cuối Q1 nhích nhẹ 1% so với đầu năm, lên gần 87.581 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 3% (53.972 tỷ đồng), tiền gửi khách hàng giảm 1% (còn 56.239 tỷ đồng).
Tổng nợ xấu tính đến 31/3/2024 của KienlongBank là 1.312 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Cả 3 nhóm nợ xấu đều tăng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 1,93% đầu năm lên 2,46%.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)
Ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Nam Á công bố Báo cáo tài chính Quý 1/2024 với nhiều kết quả tăng trưởng tích cực.
Cuối Q1, tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng 236,4 tỷ đồng (30,98%) so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 25% kế hoạch năm 2024. Kết quả kinh doanh tăng nhờ vào thu nhập lãi tăng, Ngân hàng giảm mạnh trích lập dự phòng do đã xử lý dứt điểm nợ trên VAMC. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Q1, Nam A Bank ghi nhận kết quả lợi nhuận đạt gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 163 tỷ đồng (10,48%) so cùng kỳ năm 2023. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 78,9 tỷ đồng (60,83%).
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản Nam A Bank đạt quy mô hơn 216 ngàn tỷ đồng, tăng 6.275 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 93% kế hoạch năm. Huy động vốn đạt 167,2 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt gần 146,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,05% và 3,76% so với đầu năm.
Về nợ xấu, Ngân hàng tiếp tục kiểm soát tốt nợ xấu theo quy định của NHNN. Nợ nhóm 2 giảm sâu, trong khi các nhóm khác tăng nhẹ. Ngoài ra, Nam A Bank hiện đã hoàn tất xử lý dư nợ với VAMC trong năm 2023 với hơn 1.744 tỷ đồng, giảm được áp lực trích lập dự phòng đáng kể trong Q1/2024, cụ thể, giảm 112 tỷ đồng dự phòng rủi ro so cùng kỳ năm 2023.
Cũng trong Q1/2024, Nam A Bank chính thức chuyển sàn HOSE, bước ngoặc quan trọng trong hành trình phát triển, giúp Ngân hàng tiếp tục nâng cao vị thế, khẳng định tính minh bạch, uy tín và sự phát triển bền vững trên thị trường.
Trong tháng 2/2024, Ngân hàng cũng đã được Moody’s nâng bậc đánh giá tín nhiệm với nhiều chỉ số xếp hạng quan trọng: nâng bậc xếp hạng chất lượng tài sản từ B3 lên B2, xếp hạng về lợi nhuận và các chỉ số về khả năng sinh lời từ B2 lên B1; được giữ mức đánh giá “triển vọng ổn định”.
Về phát triển mạng lưới, tính đến nay, Nam A Bank sở hữu gần 250 điểm kinh doanh trên toàn quốc, trong đó có gần 150 điểm kinh doanh truyền thống (chi nhánh, phòng giao dịch) và 100 điểm ONEBANK. Cuối năm 2023, NHNN đã chấp thuận cho Nam A Bank thành lập thêm 5 chi nhánh, 3 phòng giao dịch. Đồng thời, cũng trong năm nay Ngân hàng dự kiến sẽ mở mới thêm 30 điểm ONEBANK
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank)
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 1/2024.
Trong Q1, nguồn thu từ tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng chính trong thu nhập của HDBank khi tăng đến 48% so với cùng kỳ năm trước, thu được 7.610 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Tuy nhiên, các nguồn thu ngoài lãi không tăng trưởng đồng nhất. Lãi từ dịch vụ giảm 47% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 357 tỷ đồng; hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ gần 79 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi gần 28 tỷ.
Ở hướng ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối thu được khoản lãi gần 175 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ báo lỗ; lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng trưởng 2,7 lần với 65 tỷ đồng. Trong Quý, HDBank tăng chi phí hoạt động 25% lên mức 2.455 tỷ đồng, do tăng chi phí cho nhân viên và các hoạt động quản lý công vụ.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng 33% khi HDBank trích 1.270 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ngân hàng vẫn báo lãi trước thuế gần 4.028 tỷ đồng, tăng 47% so cùng kỳ năm trước, thực hiện 25% kế hoạch năm (15.852 tỷ đồng).
Tính đến cuối Q1, tổng tài sản của HDBank đi ngang so với đầu năm ở mức 602.552 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 46% (còn 22.525 tỷ đồng), tiền gửi tại các TCTD khác cũng sụt giảm 10% (còn 79.329 tỷ đồng). Cho vay khách hàng tăng 6% lên 363.449 tỷ đồng, chủ yếu là cho vay hộ kinh doanh và cá nhân.
Ở phía nguồn vốn, tiền gửi của các TCTD khác giảm 11% (còn 55.849 tỷ đồng), tiền vay các TCTD khác tăng 3% (51.159 tỷ đồng). Tiền gửi khách hàng tăng 2% lên mức 378.789 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá giảm 10% còn 46.301 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tính đến 31/3/20214 của HDBank ghi nhận 8.062 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng từ mức 1,79% đầu năm lên 2,22%.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)
- Ngân hàng TMCP Phương Đông vừa công bố thông tin liên quan đến việc bổ nhiệm ông Phạm Hồng Hải đảm nhận các quyền hạn, nhiệm vụ trong vai trò Tổng Giám đốc từ ngày 06/5/2024.
Ông Phạm Hồng Hải có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, trải qua nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao tại ngân hàng nước ngoài lớn nhất Việt Nam. Trong nhiệm kỳ kéo dài gần 5 năm điều hành, ông Hải đã đưa tổ chức này đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng với sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô và lợi nhuận, liên tục nhận được các giải thưởng quốc tế danh giá.
Cùng ngày, HĐQT OCB đã chấp thuận đơn từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của Ông Nguyễn Đình Tùng. Thời gian tới, ông Tùng sẽ tiếp tục đồng hành với OCB trong vai trò Thành viên HĐQT, tập trung xây dựng, triển khai chiến lược phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển mạng lưới đối tác lớn.
- Ngày 23/4/2024, tại TP.HCM, Ngân hàng TMCP Phương Đông và Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) đã chính thức ký kết hợp tác toàn diện nhằm cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính hiện đại, tối ưu trải nghiệm cho khách hàng.
Với nền tảng công nghệ tiên phong cùng hệ thống mạng lưới khách hàng tiềm năng từ Tập đoàn toàn cầu, MAS sẽ cung cấp dịch vụ và giới thiệu các sản phẩm đầu tư tài chính hiệu quả. Về phía OCB, là đơn vị tiên phong triển khai dịch vụ Open Banking tại Việt Nam, sẽ giúp người dùng trên các nền tảng của đối tác có thể dễ dàng sử dụng, quản lý sản phẩm/dịch vụ tài chính của mình tại OCB trên chính nền tảng khách hàng đang sử dụng thông qua hệ thống OCB Open API.
Sự hợp tác giữa OCB và MAS sẽ tập trung vào việc phát triển và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính hiện đại, từ những giải pháp tiết kiệm, đầu tư, tích lũy, đến các sản phẩm chứng khoán và quản lý tài sản, nhằm nâng cao trải nghiệm và tiện ích cho khách hàng hai bên.
- Vừa qua, OCB đã mang đến sự kiện triển lãm Đô thị Thông minh Châu Á - Smart City Asia 2024 (SMCA2024) hàng loạt giải pháp tài chính số được thiết kế cho từng doanh nghiệp và đã nhận được đánh giá rất cao từ hơn 500 doanh nghiệp tham gia triển lãm.
OCB đã giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp về một hệ sinh thái tài chính số với các giải pháp được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại nhằm gia tăng sự thuận tiện và tự động hóa trong công tác quản lý tài chính, tối ưu chi phí, nhân lực, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp cũng như cộng đồng cư dân số.
Các giải pháp tài chính số được thiết kế “may đo” riêng biệt cho doanh nghiệp bao gồm: Tài khoản định danh (Virtual Account): nhận diện và quản lý các khoản tiền vào tài khoản theo mã định danh riêng được thiết lập, phân loại tự động theo nhu cầu quản trị thông tin của từng doanh nghiệp; Open API: kết nối toàn diện qua mã nguồn mở API với các nền tảng số thông minh, giúp xử lý các giao dịch, nhu cầu tài chính một cách tối ưu nhất; BankHub: hỗ trợ thực hiện giao dịch ngân hàng trực tiếp trên các nền tảng thông minh như các phần mềm quản lý, phần mềm giáo dục, phần mềm kế toán của doanh nghiệp; QRCode động: tăng trải nghiệm thanh toán cho người dùng, giúp doanh nghiệp quản lý doanh thu bán hàng tự động và chính xác.
Triển lãm quốc tế SMCA2024 là một sự kiện có quy mô và uy tín trong khu vực mang tầm quốc tế về đô thị thông minh. Với sự tham gia của nhiều đơn vị trong nước và quốc tế, sự kiện hướng đến mục tiêu thúc đẩy các quan hệ hợp tác công - tư trong triển khai các dự án thành phố thông minh, từ đó, tận dụng và khai thác hiệu quả nguồn lực xã hội nhằm giải quyết các thách thức của đô thị hiện đại thông qua công nghệ số. Sự kiện đã chào đón gần 16.000 lượt khách tham quan trong suốt 3 ngày diễn ra chương trình.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank)
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 1/2024.
Trong Q1, thu nhập chính của SGB giảm 18% so với cùng kỳ, còn gần 184 tỷ đồng thu nhập lãi thuần. Các nguồn thu ngoài lãi cũng đi lùi như lãi từ dịch vụ (-24%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (-77%). Lãi từ hoạt động khác là nguồn thu tăng trưởng duy nhất của SGB, đạt hơn 28 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ.
Trong Quý, Ngân hàng tăng chi phí hoạt động 14% lên 149 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 45%, còn gần 75 tỷ đồng. Dù SGB giảm 79% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, còn trích gần 7 tỷ, nhưng Ngân hàng chỉ lãi trước thuế gần 68 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ, thực hiện 18% kế hoạch năm (368 tỷ đồng).
Tính đến cuối Q1, tổng tài sản Saigonbank tăng nhẹ 1% so với đầu năm, lên 31.863 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 82% (còn 674 tỷ đồng), tiền gửi tại các TCTD khác tăng 31% (5.088 tỷ đồng), cho vay khách hàng giảm 1% (còn 19.739 tỷ đồng)…
Ở phía nguồn vốn kinh doanh, tiền gửi của các TCTD khác tăng 17% (3.555 tỷ đồng), tiền gửi khách hàng đi ngang ở mức 23.512 tỷ đồng…
Tổng nợ xấu tính đến 31/3/2024 của SGB hơn 469 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất với 80%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,03% đầu năm lên 2,38%.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 1/2024.
Trong Q1, Sacombank thu được gần 5.951 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Chiếm tỷ trọng sau nguồn thu chính là thu nhập từ dịch vụ hơn 578 tỷ đồng (-12%) và thu nhập từ kinh doanh ngoại hối gần 308 tỷ đồng (+19%).
Chi phí hoạt động của Ngân hàng tăng nhẹ 4%, lên mức gần 3.543 tỷ đồng. Thêm vào đó, Ngân hàng giảm 32% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích gần 678 tỷ đồng. Kết quả, Sacombank lãi trước thuế hơn 2.654 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ, thực hiện 25% kế hoạch năm (10.600 tỷ đồng).
Tổng tài sản Sacombank tính đến cuối Q1 là 693.535 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt tăng 12% (8.487 tỷ đồng), tiền gửi tại các TCTD khác tăng 13% (56.766 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 4% lên 500.408 tỷ đồng…
Ở phía nguồn vốn, tiền gửi khách hàng cũng tăng 4% so với đầu năm, lên mức 533.358 tỷ đồng. Tiền gửi của các TCTD khác tăng 7% lên 36.896 tỷ đồng, phát hành giấy tờ có giá tăng 10% lên 31.828 tỷ đồng…
Tổng nợ xấu tính đến 31/3/2024 của Sacombank ghi nhận hơn 11.402 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với đầu năm. Ngân hàng ghi nhận sự cải thiện rõ rệt từ nhóm nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vẫn được duy trì ở mức đầu năm là 2,28%.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank)
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 1/2024.
Trong Q1, thu nhập lãi thuần của Vietbank giảm 6% so với cùng kỳ, còn gần 450 tỷ đồng. Ngân hàng giải thích do lãi suất liên ngân hàng giảm nên nguồn thu nhập lãi từ thị trường 2 mang lại thấp hơn. Tuy nhiên, các nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng so với cùng kỳ. Lãi từ dịch vụ tăng 56%, thu gần 34 tỷ đồng, chủ yếu tăng từ nguồn thu nhập nghiệp vụ thanh toán quốc tế, dịch vụ ngân hàng số. Hoạt động kinh doanh ngoại hối thu được khoản lãi hơn 21 tỷ đồng, tăng 63%, nhờ tận dụng cơ hội kinh doanh khi tỷ giá biến động. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư cũng lãi hơn 9 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ, nhờ tận dụng các cơ hội trên thị trường trái phiếu Chính phủ.
Chi phí hoạt động tăng 7%, ghi nhận gần 350 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí bảo hiểm tiền gửi, chi phí đầu tư tài sản. Thêm vào đó, nhằm tạo bộ đệm dự phòng, nâng cao chất lượng tài sản trong tương lai, Vietbank trích hơn 90 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 4,3 lần cùng kỳ. Do đó, Ngân hàng còn lãi trước thuế hơn 73 tỷ đồng, giảm 63%, mới thực hiện được gần 8% và 7% “mục tiêu cơ sở” (950 tỷ đồng) và “mục tiêu phấn đấu” (1.050 tỷ đồng) năm 2024.
Tính đến cuối Q1, tổng tài sản Vietbank xấp xỉ đầu năm ở mức 138.858 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng nhẹ 1% lên 81.488 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 4% lên gần 93.437 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tính đến 31/3/2024 của Vietbank ghi nhận hơn 2.524 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 2,56% đầu năm lên 3,1%.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất Quý 1/2024.
Thu nhập lãi thuần là khoản mục tăng trưởng duy nhất của Eximbank trong Q1 khi tăng 10% so cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1.358 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm so với cùng kỳ như lãi từ dịch vụ (-24%), lãi từ kinh doanh ngoại hối (-58%), lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư (lỗ 24 tỷ đồng), lãi từ hoạt động khác (-46%).
Dù chi phí hoạt động đã được tiết giảm 10%, chỉ còn gần 635 tỷ đồng, lợi nhuận thuần của Eximbank vẫn giảm 2%, chỉ còn gần 943 tỷ đồng. Trong Quý, Ngân hàng tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 282 tỷ đồng, gấp 3 cùng kỳ. Kết quả, Eximbank chỉ còn lãi trước thuế hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so cùng kỳ, mới đạt 13% kế hoạch năm 2024 (5.180 tỷ đồng). Kế hoạch này được cổ đông chất vấn là khá tham vọng khi tăng đến 90% so với kết quả năm 2023.
Tính đến 31/3/2024, tổng tài sản Eximbank xấp xỉ đầu năm ở mức 203.584 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 5% lên mức 147.021 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 3% lên 160.659 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tính đến 31/3/2024 của Eximbank là 4.203 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới chuẩn tăng 85%. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,65% đầu năm lên 2,86%.
Công ty Cổ phần Zion (ZaloPay)
Công ty CP Zion mới thông báo về việc ZaloPay đã chính thức kết nối trên nền tảng quản lý bán hàng đa kênh hàng đầu Sapo. Theo đó, tất cả các nhà bán hàng sử dụng nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo đã có thể kích hoạt cổng thanh toán ZaloPay, cung cấp đa dạng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại và tiện lợi cho khách hàng của họ trên cả nền tảng online lẫn offline, giúp ghi nhận chi phí và tối ưu lợi nhuận; tiết kiệm thời gian và nhân lực trong quá trình sao kê, đối soát sổ sách…, chỉ với một cổng thanh toán ZaloPay Gateway.
Sapo là một trong những doanh nghiệp Việt đi đầu trong việc xây dựng nền tảng công nghệ hỗ trợ lĩnh vực bán lẻ và thương mại điện tử. Tính đến tháng 03/2024, Sapo đã và đang đồng hành cùng hơn 230.000 đối tác doanh nghiệp và chủ kinh doanh, trở thành nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam.
Các doanh nghiệp kích hoạt ZaloPay Gateway sẽ được ZaloPay tài trợ trọn bộ POSM triển khai trực tiếp tại hệ thống cửa hàng cùng nhiều ưu đãi khác.
Ngân hàng TNHH Indovina (IVB)
Ngân hàng TNHH Indovina công bố về lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi, cho vay bình quân và các lãi suất khác có hiệu lực từ ngày 24/4/2024 như sau: Lãi suất cho vay bình quân với khách hàng cá nhân (ngắn hạn) là 7,27%, trung dài hạn là 10,24%; Lãi suất cho vay bình quân với khách hàng doanh nghiệp (ngắn hạn) là 5,37%, trung dài hạn là 10,04%; Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 2,94%.
Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (Home Credit VN)
- Home Credit vừa chính thức ra mắt website dành cho đối tác. Các doanh nghiệp/cửa hàng vừa và nhỏ có nhu cầu hợp tác cùng Home Credit đều có thể điền form tại trang Website. Việc mở một website riêng cho đối tác giúp tăng doanh thu hiệu quả cho đối tác nhờ tệp 16 triệu khách hàng của Home Credit; giúp giải ngân nhanh cho khách mua tại cửa hàng trong vòng 24 giờ.
Với 16 năm hoạt động và phát triển tại Việt Nam, Home Credit là đối tác của các thương hiệu uy tín như: Samsung, Honda, Thế Giới Di Động, Viện thẩm mỹ YB Spa... cùng hàng ngàn cửa hàng phân phối. Home Credit luôn chào đón các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt kinh doanh lĩnh vực xe máy, thiết bị điện tử, đồ gia dụng... đăng ký đối tác.
Các sản phẩm của Home Credit bao gồm: Vay tiền mặt; Vay trả góp xe máy - điện máy; Thẻ tín dụng; Mua trước trả sau - Home PayLater; Bảo hiểm.
- Nhân dịp mừng sinh nhật 16 tuổi, Home Credit dành tặng khách hàng vay online ưu đãi 600.000 VNĐ thay lời tri ân. Chương trình diễn ra vào dịp chào hè, từ 10/4/2024 đến 09/6/2024 - giai đoạn cao điểm về mua sắm các thiết bị điện lạnh và cũng là mùa du lịch của nhiều gia đình. Dịp này, Home Credit tặng ngay mỗi khách hàng vay online 3 mã ưu đãi giảm trực tiếp 200.000 VNĐ, và được trừ trực tiếp trong 3 kỳ thanh toán đầu tiên của khoản vay, áp dụng trên phạm vi toàn quốc.
Tài chính số là một trong những trọng tâm hoạt động của Home Credit tại Việt Nam và “Vay online” qua ứng dụng Home Credit là sản phẩm tiêu biểu của chiến lược này. Với những điều kiện vô cùng đơn giản, vay online qua ứng dụng Home Credit giúp cả những khách hàng vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận tài chính tiêu dùng mà không cần chứng minh thu nhập. Lãi suất vay đặc biệt hấp dẫn so với mặt bằng các chương trình vay tiêu dùng online, chỉ từ 0,75%/năm. Đặc biệt, khách hàng không phải chờ đợi lâu nhờ khoản vay được duyệt nhanh chỉ trong 3 phút với số tiền vay tối thiểu từ 5 triệu đồng.
VPĐD TP.HCM