Mặc dù tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn do những tác động từ khách quan cũng như hạn chế nội tại của nền kinh tế, song, các ngân hàng vẫn có những dự báo lạc quan cho năm 2023. Đại diện các ngân hàng đều kỳ vọng sẽ đạt được nhiều mục tiêu tăng trưởng mà ngân hàng đặt ra.
> Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nói về giải pháp vốn tín dụng bất động sản
> MSB tăng vốn điều lệ lên hai mươi nghìn tỷ đồng
Lợi nhuận tăng trưởng dương
Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo - Thống kê Ngân hàng Nhà nước, quý I-2023, các tổ chức tín dụng thận trọng hơn với dự báo về tình hình kinh doanh, nhưng có tới 95,3% kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023. Các tổ chức tín dụng cũng đặt kỳ vọng khá lớn vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng quý đầu năm và cả năm 2023. Trong đó, huy động vốn toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 2,9% trong quý I và tăng 10% trong năm 2023, mức này đã điều chỉnh giảm 1,8% so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng kỳ vọng dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng bình quân 4% trong quý I và tăng 13,7% trong năm 2023.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng: Kinh tế thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, lãi suất tiếp tục ở mức cao nhằm kiểm soát lạm phát. Thương mại toàn cầu giảm do tổng cầu suy giảm, tắc nghẽn nguồn cung. Với bối cảnh kinh tế thế giới đầy khó khăn, triển vọng kinh tế Việt Nam 2023 đan xen giữa thách thức và cơ hội. Tăng trưởng kinh tế phục hồi nhờ sự ổn định của khu vực FDI, đầu tư công mở rộng. Tuy nhiên, thách thức đối với nền kinh tế do biến động của thị trường bất động sản, lạm phát tiềm ẩn, lãi suất còn ở mức cao. Trước viễn cảnh kinh tế Việt Nam 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý với diễn biến kinh tế vĩ mô để kiểm soát lạm phát; điều hành lãi suất tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ. Đối với Vietcombank cũng sẽ quyết tâm triển khai các mục tiêu kinh doanh.
Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) Phạm Quốc Thanh, năm 2023, ngành Ngân hàng với nội lực và sức chống chịu đã được củng cố trong năm 2022, sẽ vượt qua các thách thức, tiếp tục là bệ đỡ cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Riêng với HDBank sẽ không chậm lại việc thực hiện mục tiêu chiến lược của giai đoạn 2021-2025, mà tập trung mọi nguồn lực, bám sát định hướng điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước để xây dựng và triển khai nhiệm vụ kinh doanh, nâng cao hiệu quả, phát triển an toàn, kiểm soát chất lượng tín dụng. Ngân hàng sẽ phát huy giá trị của chuyển đổi số đã được đầu tư mạnh mẽ trong nhiều năm qua để có thêm nhiều sản phẩm dịch vụ sáng tạo, văn minh, vừa tiết giảm chi phí vừa đáp ứng nhu cầu của mọi khách hàng, hiện thực hóa mục tiêu không ngừng tăng trưởng đột phá, bền vững.
Các ngân hàng sẵn sàng nguồn lực đối diện với thách thức có thể xảy ra trong năm 2023. Ảnh minh họa.
Với vị thế của HDBank trên trường quốc tế và mối quan hệ cùng các đối tác, định chế lớn toàn cầu, HDBank đa dạng hóa nguồn vốn có chi phí hợp lý, đặc biệt là tài chính khí hậu, tài chính xanh, qua đó sẽ tiếp tục tiên phong hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi xanh, kinh tế số của 2023 cũng như các năm tới đây. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém, quỹ tín dụng nhân dân theo lựa chọn của Ngân hàng Nhà nước, đóng góp cho việc xây dựng một hệ thống tài chính vững mạnh.
Chủ động đối diện với thách thức
Dù thừa nhận sẽ gặp không ít khó khăn, song lãnh đạo các ngân hàng đều khẳng định đã sẵn sàng nguồn lực để đối diện với những thách thức có thể diễn ra trong năm 2023. Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho hay: Năm 2023, Sacombank cũng như các ngân hàng bạn sẽ phải đối diện với những khó khăn chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên, ngân hàng đã chủ động sẵn sàng trước những thách thức của thị trường như đa dạng hóa các nguồn vốn trong và ngoài nước để phục vụ hoạt động kinh doanh. Lộ trình chuyển đổi số được sẵn sàng cách đây hai năm và năm 2023 những sản phẩm số của Sacombank tiếp tục được đẩy mạnh ra thị trường, giúp gia tăng trải nghiệm và tối ưu về hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chú trọng chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng tập trung và quá trình tái cấu trúc bộ máy đang dần hoàn thiện. Yếu tố này giúp Sacombank đi nhanh hơn, hiệu quả hơn và kiểm soát rủi ro tốt hơn.
Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) Nguyễn Hưng nhận định: Với năm 2023, thị trường nửa đầu năm sẽ vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, chẳng hạn như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn còn có chủ trương tăng lãi suất, tạo những áp lực nhất định tới nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Thương mại thế giới vẫn chưa hoàn toàn phục hồi sau đại dịch cũng gây ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, bất động sản vẫn trong trạng thái đóng băng và các ngành liên quan như sắt thép, vật liệu xây dựng, nhân công tiếp tục bị đình đốn có thể làm nợ xấu gia tăng, chưa kể tới các nhu cầu tiêu dùng giảm tương ứng.
Với TPBank trong năm 2023, ngân hàng chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục xoay chuyển và thích nghi với tình hình thực tế khó khăn đã được dự báo trước. Dựa trên nền tảng quản trị rủi ro chặt chẽ, nợ xấu trong tầm kiểm soát để có hướng đi vững chắc. Đặc biệt là sử dụng tín dụng hợp lý, khi room tín dụng đã có nhiều dư địa, không căng thẳng như trước nhưng lãi suất lại ở mức cao, việc lựa chọn được các khách hàng tốt sẽ khó hơn, thị trường sẽ có sự thanh lọc khách hàng. Dẫu vậy, chiến lược năm nay của TPBank vẫn là đảm bảo được hiệu quả, giữ được chất lượng tài sản, vẫn có các ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng trong bối cảnh lợi nhuận kỳ vọng sẽ không còn cao, tốc độ tăng trưởng không còn lớn như năm trước.
Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng nhận định: Trong năm 2023, thách thức lớn nhất vẫn liên quan đến vấn đề tín dụng khi có nhiều yếu tố làm gia tăng nợ xấu. Thứ nhất, dù lãi suất đã bình ổn trở lại và kỳ vọng sẽ hạ nhiệt từ giữa năm nay nhưng vẫn ở mức cao. Và hậu quả của thời kỳ lãi suất cao sẽ là nợ xấu khi khả năng trả nợ của người vay bị ảnh hưởng.
Yếu tố thứ hai là xung đột giữa Nga và Ukraine, đi cùng với những diễn biến khó lường từ căng thẳng địa chính trị tại các điểm nóng trên thế giới. Các căng thẳng địa chính trị sẽ tác động xấu đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước, qua đó ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng. Về vấn đề thanh khoản hệ thống, đây sẽ là một dấu hỏi sau các biến cố liên quan đến vấn đề trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong năm 2023 sẽ có một yếu tố hỗ trợ thanh khoản hệ thống như hoạt động đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ đang rất quyết liệt đẩy mạnh hoạt động đầu tư công. Dòng tiền từ hoạt động đầu tư công sẽ giống như đòn bẩy thúc đẩy dòng tiền thị trường quay vòng nhanh hơn, qua đó giải bài toán thanh khoản cho doanh nghiệp và ngân hàng. Mặt bằng lãi suất cao hơn cũng sẽ giúp dòng tiền trên thị trường chảy về hệ thống ngân hàng, qua đó củng cố thanh khoản hệ thống. Trong khi đó, với nhu cầu tín dụng năm 2023 dự kiến chậm lại sẽ cũng giúp hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Tùng, khả năng chống chịu của các ngân hàng trong năm 2023 đã tốt hơn rất nhiều. Khả năng điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng phù hợp và linh hoạt hơn, đồng thời lãnh đạo các ngân hàng có tâm thế vững vàng, từng trải hơn trước. Ngoài ra, những sóng gió của năm 2022 cũng đã tạo điều kiện để các ngân hàng rút ra các bài học và rèn luyện về khả năng chống chịu trước các rủi ro.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, năm 2023, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. Dẫu với bất kỳ khó khăn nào, ở góc độ nhà điều hành, Ngân hàng Nhà nước luôn nhất quán chủ trương điều hành chính sách tiền tệ năm 2023 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, còn cách thức, công cụ điều hành thì sẽ linh hoạt, tùy từng thời điểm thị trường để tùy cơ ứng biến đưa ra các giải pháp, chính sách, lộ trình phù hợp để vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng không lơ là với rủi ro lạm phát.
Hà Linh
Hà Nội Mới
http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/1053900/ngan-hang-voi-nhung-ky-vong-nam-2023