Đến với mỗi điểm giao dịch của quỹ tín dụng nhân dân hay ngân hàng thương mại, người gửi tiền đều sẽ thấy Chứng nhận tham gia Bảo hiểm tiền gửi ở những vị trí dễ nhận biết nhất.
Đó chính là dấu hiệu để nhận biết những tổ chức tín dụng đã tham gia bảo hiểm tiền gửi, và người gửi tiền tại đây sẽ được bảo vệ theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi. Nhưng liệu niêm yết một tấm Chứng nhận tham gia Bảo hiểm tiền gửi đã đủ để nâng cao niềm tin của người gửi tiền.
Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi, để được chính thức đi vào hoạt động, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải có Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cấp. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi tại tất cả các điểm giao dịch có nhận tiền gửi.
Tuy nhiên, một thực tế là cho tới nay, ngoài Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, sự xuất hiện mang tính hữu hình của chính sách bảo hiểm tiền gửi trong các hoạt động liên quan tới giao dịch tiền gửi còn thấp. Trong khuôn khổ nội dung tấm Chứng nhận, người gửi tiền chỉ có thể biết về hạn mức bảo hiểm tiền gửi hiện hành, song bên cạnh hạn mức trả tiền bảo hiểm, còn rất nhiều vấn đề về chính sách bảo hiểm tiền gửi cần được truyền thông tới người gửi tiền để xây dựng niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng.
Điều 12 Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định tổ chức bảo hiểm tiền gửi có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm tiền gửi. Đây là một trách nhiệm lớn, đòi hỏi truyền thông thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, ngoài việc niêm yết Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, Luật Bảo hiểm tiền gửi không quy định trách nhiệm của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phối hợp Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong việc tuyên truyền chính sách. Hiện tại, các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tham gia tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện, song không có ràng buộc mang tính pháp lý.
Trong khi đó, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là một trong các bên được thụ hưởng lợi ích từ chính sách. Người gửi tiền càng có niềm tin vào hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và từng tổ chức tín dụng nói riêng sẽ càng có động lực để lựa chọn tổ chức đó gửi gắm khoản tiền tiết kiệm của mình. Bên cạnh các chính sách đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, chính sách bảo hiểm tiền gửi cũng là một lớp bảo vệ người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền quy mô nhỏ, ít có điều kiện cập nhật thông tin, kiến thức về tài chính - ngân hàng.
Ông Phan Văn Tâm - Chủ tịch HĐQT QTDND thị trấn Cao Phong, tỉnh Hòa Bình nhận định, với QTDND, vai trò của chính sách bảo hiểm tiền gửi là vô cùng quan trọng. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể coi như một “bà đỡ” đối với các QTDND cũng như các ngân hàng. Trong thực tế hoạt động, các ngân hàng thương mại thường được người dân coi là có uy tín hơn. Các QTDND đã tham gia bảo hiểm tiền gửi cũng giúp người dân tin tưởng, bởi khi gửi tiền vào Quỹ, họ cũng được bảo vệ tương tự như khi gửi tiền vào các ngân hàng thương mại.
Lãnh đạo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đánh giá, các tổ chức tín dụng có một lợi thế trong việc truyền thông chính sách bảo hiểm tiền gửi, đó là thường xuyên giao dịch, tiếp xúc với người gửi tiền, hiểu rõ về khách hàng cũng như nhu cầu thông tin của khách hàng. Với những hạn chế về quy định pháp lý như hiện nay, khó có thể đạt được sự truyền thông đồng bộ, thống nhất giữa các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, giữa địa phương với địa phương và trong toàn quốc nói chung.
Qua trao đổi, lãnh đạo một số tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thừa nhận có tâm lý lo ngại nếu truyền thông mạnh về chính sách bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức mình, một số người gửi tiền với tiền gửi quy mô lớn có thể sẽ cảm thấy lo lắng vì khoản tiền gửi của họ cao hơn so với hạn mức trả tiền bảo hiểm. Về vần đề này, lãnh đạo Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho biết, cơ quan này đã đề xuất cấp có thẩm quyền nâng cao hạn mức bảo hiểm tiền gửi. Hạn mức bảo hiểm tiền gửi dự kiến sẽ là 125 triệu đồng mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Đồng thời, trong thời gian tới, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ thường xuyên đánh giá lại tính hiệu quả và phù hợp của hạn mức bảo hiểm tiền gửi để kịp thời đề xuất việc điều chỉnh.
Bên cạnh việc hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của chính sách bảo hiểm tiền gửi nhằm bồi đắp niềm tin của người gửi tiền, cần bổ sung quy định cụ thể về việc các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm phối hợp với tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong công tác truyền thông. Qua đó, các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi chính là những cầu nối để chính sách trở nên gần gũi, thực tế và là điểm tựa của người gửi tiền.
Bộ nguyên tắc cốt lõi xây dựng hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI) đưa ra tiêu chuẩn trong nguyên tắc số 10 về Nhận thức công chúng: “Tổ chức bảo hiểm tiền gửi thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng và cơ quan liên quan trong mạng an toàn tài chính nhằm đảm bảo tính thống nhất và chính xác của các thông tin cung cấp cho người gửi tiền, tối đa hóa mức độ nhận thức công chúng. Luật và quy định yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin về bảo hiểm tiền gửitheo mẫu định dạng/ngôn ngữ do tổ chức bảo hiểm tiền gửi quy định.”
Việc thiết lập hành lang pháp lý để các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phối hợp chặt chẽ với tổ chức bảo hiểm tiền gửi một cách thống nhất, đồng bộ về cả nội dung lẫn hình thức tuyên truyền sẽ không chỉ nâng cao nhận thức công chúng một cách trực quan ngay tại địa điểm của tổ chức thực hiện giao dịch về tiền gửi, mà còn tạo ra thay đổi to lớn, có tầm quan trọng trong việc đảm bảo niềm tin của người gửi tiền. Ở chiều ngược lại, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng cần thường xuyên, liên tục có những hướng dẫn cụ thể về truyền thông chính sách để các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi triển khai thực hiện.
Theo DIV