Thứ hai, 11/11/2024
   

Xử lý nợ xấu, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng

Sáng ngày 16/4, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo “Nâng cao tính lành mạnh của cho vay tiêu dùng và quy định, thực tiễn thu hồi nợ”.
TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, cho vay tài chính tiêu dùng vẫn là vấn đề nóng. Thống kê đến cuối năm 2023, tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 21% tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, đạt gần 2,9 triệu tỷ đồng, đây là con số tương đối lớn.

Hiện toàn hệ thống có 15 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đang hoạt động. Tính đến cuối tháng 2/2024, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính khoảng 138,8 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 5% dư nợ tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống.

Như vậy, cho vay tiêu dùng đã dần đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân và phần nào hạn chế "tín dụng đen". Tuy nhiên, "tín dụng đen" vẫn len lỏi vào đời sống, chưa thể xoá bỏ triệt để dù các cơ quan quản lý đã vào cuộc quyết liệt, công an đã triệt phá nhiều đường dây "tín dụng đen".

Tính đến hết tháng 2/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng âm (giảm 2,5% so với ngày 31/12/2023). Nguyên nhân do cầu tín dụng tiêu dùng giảm trong bối cảnh tình hình tăng trưởng kinh tế khó khăn tác động tới thu nhập của cá nhân và hộ gia đình, làm tăng nhu cầu tiết kiệm để dự phòng cho tương lai và giảm nhu cầu vay tín dụng ngân hàng để mở rộng chi tiêu.

Bên cạnh đó, thời gian qua bùng phát các loại hình cho vay qua app với điều kiện cho vay nới lỏng, thủ tục đơn giản nhanh gọn, dễ tiếp cận, cho vay dễ dàng, không cần tài sản thế chấp… đã thu hút người dân vay qua các app mà không cần đến ngân hàng.

Quang cảnh hội thảo “Nâng cao tính lành mạnh của cho vay tiêu dùng và quy định, thực tiễn thu hồi nợ”.
Quang cảnh hội thảo 

Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu cuối 2023 của tín dụng cho vay đời sống phục vụ tiêu dùng đạt 3,8% và đến nay nhích lên hơn 4%. Riêng nợ xấu tại các công ty tài chính dù giảm nhẹ từ mức 15% ở cuối năm 2023, đến nay chỉ còn khoảng 14,63% nhưng vẫn ở mức đáng báo động.

Nợ xấu gia tăng ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung của nền kinh tế, còn có những yếu tố chủ quan là khách hàng cố tình không trả nợ. "Nhiều công ty tài chính lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao. Khả năng thu hồi nợ cũng rất khó khăn do khách hàng cố tình không trả nợ, thành lập các hội nhóm “bùng nợ” trên mạng xã hội, chống đối, vu khống cán bộ thu hồi nợ, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín của các ngân hàng, các công ty tài chính, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của cán bộ thu hồi nợ", TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Trước những khó khăn trong công tác thu hồi nợ cho vay tiêu dùng, Hiệp hội Ngân hàng đã có nhiều văn bản gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị có giải pháp xử lý nghiêm tội phạm tín dụng đen, các hội nhóm “bùng nợ”... và thời gian qua các hội nhóm "bùng nợ" trên mạng xã hội đã phần nào được gỡ bỏ, song một bộ phận khách hàng vẫn cố tình chây ì, không trả nợ.

TS. Nguyễn Quốc Hùng kỳ vọng, thời gian tới, với việc tích hợp định danh điện tử sẽ hỗ trợ chấm điểm tín dụng đối với khách hàng cá nhân, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của của người dân. Đặc biệt, hành lang pháp lý cho thu hồi nợ cũng cần sớm hoàn thiện để hoạt động thu hồi nợ được thực hiện thuận lợi, hiệu quả hơn.

ông Darryl Dong, Đại diện cấp cao IFC Việt Nam
Ông Darryl Dong, Đại diện cấp cao IFC Việt Nam

Phát biểu tại hội thảo, ông Darryl Dong, đại diện cấp cao IFC Việt Nam, khẳng định việc xây dựng một khuôn khổ mạnh mẽ để giải quyết nợ xấu với cách tiếp cận thực tế theo nguyên tắc thị trường là điều hết sức cần thiết để xoay chuyển tình thế nợ xấu.

Ông Darryl Dong cho rằng trong một môi trường đầy thách thức, với tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và nợ xấu cho vay doanh nghiệp lẫn cho vay tiêu dùng đều đang có chiều hướng gia tăng, do đó, lĩnh vực cho vay tiêu dùng hiện đang trải qua giai đoạn rất khó khăn.

"Việc phát triển các công ty mua bán, xử lý nợ xấu chuyên nghiệp, hình thành một thị trường mua bán nợ xấu năng động và chuyên nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xử lý nợ xấu tiêu dùng hiệu quả", đại diện IFC Việt Nam nhấn mạnh.

Theo đó, IFC sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan chức năng của Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các doanh nghiệp tham gia thị trường chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm toàn cầu để xây dựng một thị trường nợ xấu năng động, tạo điều kiện cho các công ty mua bán, xử lý nợ xấu chuyên nghiệp có năng lực, có uy tín phát triển.

Các đại biểu thảo luận tai hội thảo
Các đại biểu thảo luận tai hội thảo

Trao đổi tại hội thảo, nhiều chuyên gia quốc tế cũng đã phân tích những thách thức trong quy định, thực thi, thực tiễn thu hồi nợ ở Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm quốc tế.

Từ đó, đưa ra các gợi ý mở cửa thị trường nợ xấu tiêu dùng. Việc mở cửa thị trường nợ xấu sẽ thu hút thêm đầu tư của khu vực tư nhân vào Việt Nam và hỗ trợ một hệ thống tài chính lành mạnh để Công ty tài chính có khả năng chống chịu tốt hơn.

Bên cạnh đó, những vấn đề cốt lõi liên quan đến các biện pháp quản lý và thực thi nhằm ngăn chặn việc thu hồi nợ bất hợp pháp, cũng như vai trò của một bộ quy tắc ứng xử cho hành vi thu hồi nợ có trách nhiệm để thúc đẩy các chuẩn mực thị trường và thực hành tốt cũng được các chuyên gia phân tích thấu đáo.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
VNBA News
Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay