Thứ năm, 14/11/2024
   

Ngân hàng tiếp tục các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19

Giảm thêm lãi suất đang là nỗ lực lớn của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc đồng hành và chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Giảm thêm lãi suất đang là nỗ lực lớn của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc đồng hành và chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Năm 2021, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngành Ngân hàng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh các giải pháp góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.

Có thể nói, giảm thêm lãi suất đang là nỗ lực lớn của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc đồng hành và chia sẻ khó khăn với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Ngân hàng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp

Nhằm tiếp tục hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp và cá nhân giảm bớt khó khăn, vượt qua đại dịch Covid-19, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm đồng loạt lãi suất tiền vay cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng trong thời gian 3 tháng, từ 22/2/2021 đến 22/5/2021.

Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank giảm tới 10% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực mức độ mạnh bởi dịch Covid-19; giảm tới 5% số tiền lãi phải trả ngân hàng cho các khách hàng còn lại bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; giảm lãi suất 0,2%/năm cho các khách hàng cá nhân vay vốn sản xuất kinh doanh trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo đại diện Vietcombank, tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 105 nghìn khách hàng với quy mô tín dụng là 350 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 40% dư nợ của Vietcombank.

Đối tượng giảm lãi suất không bao gồm các khoản dư nợ đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của Vietcombank.

Với những biện pháp kịp thời, đồng bộ và quyết liệt, phù hợp với diễn biến mới của dịch Covid-19, Vietcombank mong muốn chia sẻ với khách hàng, góp phần ổn định kinh tế xã hội đất nước, chung tay cùng cộng đồng vượt qua đại dịch Covid-19.

Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt nam (BIDV) cũng vừa triển khai gói tín dụng ngắn hạn lãi suất ưu đãi với quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) kinh doanh xuất nhập khẩu vượt qua khó khăn do Covid-19. Đối với khách hàng cá nhân có nhu cầu mua nhà, xe, tiêu dùng cá nhân, BIDV cũng triển khai gói vay vốn trung và dài hạn với quy mô lên tới 50.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm.

Cuối tuần trước, Ngân hàng Phát triển TP.Hồ Chí Minh (HDBank) công bố giảm một loạt lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Đáng chú ý, các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ đang thuê mặt bằng/địa điểm kinh doanh vay vốn để sản xuất kinh doanh và tiêu dùng sẽ được hưởng mức lãi suất rất thấp, chỉ từ 3%/năm, ân hạn vốn gốc 6 tháng.

Nhằm chung tay chia sẻ với khách hàng vượt qua khó khăn trong gian đoạn hiện nay, HDBank cũng ban hành chính sách tự động giảm lãi suất cho vay đến 4,5% cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ mà không cần khách hàng phải đề nghị hỗ trợ hay chứng minh bất kỳ khó khăn nào gặp phải. Hỗ trợ này có hiệu lực đến ngày 31/12/2021.

Ngoài ra, HDBank cũng dành mức lãi suất ưu đãi từ 8,6%/năm đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ sở hữu địa điểm/mặt bằng kinh doanh; hay lãi suất ưu đãi 9%/năm đối với người cho thuê nhà.

Như vậy, sau những đợt giảm lãi suất mạnh trong suốt cả năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, mặt bằng lãi suất của các ngân hàng đang ở mức thấp trong nhiều năm trở lại đây. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,5%/năm.

Với động thái giảm lãi suất cho vay ngay trong những tháng đầu năm 2021, các chuyên gia phân tích thuộc Công ty chứng khoán SSI cho rằng, hành động tiên phong giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng trên đã gia tăng kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm trong thời gian tới.

Trước đó, trong năm 2020, các NHTM đã triển khai nhiều chương trình cho vay ưu đãi, giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điển hình như Ngân hàng Phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam (Agribank), năm 2020, ngân hàng này đã 7 lần giảm lãi suất cho vay, trong đó có 4 lần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; 9 lần giảm phí dịch vụ; triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5- 2,5% so với trước khi có dịch bệnh Covid-19 để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm khách hàng.

Theo NHNN, đến 22/02/2021, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 266 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 366 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 626 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 2,6 triệu tỷ đồng cho khoảng 427 nghìn khách hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện gia hạn nợ cho hơn 169 nghìn khách hàng với dư nợ khoảng 4.230 tỷ đồng, cho vay mới đối với trên 2,2 triệu khách hàng với số tiền khoảng 81 nghìn tỷ đồng. 

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Năm 2021, đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, triển vọng kinh tế thế giới và trong nước còn khó lường. Về định hướng điều hành năm 2021, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong và ngoài nước, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu (bình quân khoảng 4%), hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Đồng thời, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động, linh hoạt, nỗ lực chung tay cùng các Bộ, ngành hỗ trợ nền kinh tế kiên cường vượt qua đại dịch, ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.

Theo đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu, như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng (TCTD) để hỗ trợ thanh khoản, cho vay theo các chương trình, lĩnh vực đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế; mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, không hạ chuẩn cho vay, tập trung vào lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu hợp pháp của doanh nghiệp, người dân, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.

Trong điều hành tín dụng, căn cứ mục tiêu Chính phủ và các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2021 tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 7/01/2021, NHNN sẽ tiếp tục: Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để tham mưu các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp; Chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; Tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để kịp thời chỉ đạo các TCTD, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng; Tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực; Kịp thời phối hợp các Bộ, ngành liên quan xử lý khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất kinh doanh; Chỉ đạo các TCTD tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp; Đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục phối hợp các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác…

Theo DIV

Tính lãi tiền gửi
VNĐ
%/year
month
Tính lãi tiền gửi

Tính toán khoản vay
VNĐ
%/year
month
Tính toán khoản vay