Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý II/2021 của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) có 76,6% TCTD kỳ vọng cải thiện hơn trong cả năm 2021, trong đó 12,2-18,7% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều”. Phóng viên đã có trao đổi nhanh với TS. Châu Đình Linh xung quanh các yếu tố tác động tới tình hình kinh doanh của TCTD.
Ông đánh giá thế nào về kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong quý đầu năm nay?
Dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ngành Ngân hàng vẫn là một trong những lĩnh vực được đánh giá là điểm sáng của nền kinh tế năm qua, những kết quả đã gặt hái được trong năm 2020 phần nào tạo điều kiện để ngân hàng tiếp tục có những bứt phá trong năm nay. Thêm nữa, việc các nhà băng có kết quả kinh doanh tốt trong quý I/2021 còn do độ trễ liên quan đến chuỗi dòng tiền từ khách hàng đã tăng lên (đơn cử một món vay 15-20 năm tới hạn phải thanh toán cả gốc và lãi).
Kết quả khả quan của ngân hàng còn dựa trên động lực tăng trưởng, đặc biệt là động lực tới từ chuyển đổi số, hay dịch vụ liên quan tới bảo hiểm, phí dịch vụ liên quan tới thị trường chứng khoán… Bên cạnh đó nhiều ngân hàng xử lý được tài sản đảm bảo cũng là yếu tố khiến ngân hàng ghi nhận sự lạc quan về kết quả kinh doanh trong quý I/2021.
Song tôi cũng lưu ý rằng, đánh giá việc tăng trưởng khả quan của ngân hàng không hoàn toàn nằm ở con số công bố, mà quan trọng nhất là tăng trưởng phải xuất phát từ nội tại chính các nhà băng: từ hoạt động kinh doanh, chiến lược kinh doanh, cơ số khách hàng, tính phân tán rủi ro trong danh mục đầu tư hay danh mục cho vay, cơ cấu tài chính của ngân hàng đó…
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD dự báo tăng 5,09% trong quý II/2021 và tăng 14,7% trong năm 2021. Theo ông liệu dự báo đó có quá lạc quan?
Tôi cho rằng tín dụng hoàn toàn có cơ sở để tăng trưởng tốt, cao hơn năm 2020. Như chúng ta đều có thể thấy, triển vọng về kinh tế vĩ mô đang rất tích cực, Chính phủ mới cũng được nhiều người đặt niềm tin và kỳ vọng, nền kinh tế Việt Nam đang có dòng vốn lớn đổ vào, như tính tới 20/3, tổng vốn FDI đạt 10,13 tỷ USD - tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nhìn ở bức tranh toàn cảnh thì nền kinh tế đang hội tụ nhiều yếu tố tích cực, cộng thêm việc tiếp tục kiểm soát tốt dịch Covid-19 cũng sẽ giúp cho tăng trưởng tín dụng phục hồi.
Tuy nhiên từ nhiều năm nay, định hướng của Chính phủ cũng như NHNN là chú trọng nhiều hơn tới chất lượng tín dụng, và việc dòng vốn chảy vào đâu mới là điểm cần quan tâm. Nếu dòng vốn được chảy vào các lĩnh vực phục vụ cho sản xuất kinh doanh, hạ tầng hỗ trợ cho sản xuất, hay liên quan tới dòng đầu tư chính đáng chứ không phải bong bóng thì đều sẽ rất thuận lợi, tăng trưởng tín dụng lúc đó sẽ càng bền vững và hiệu quả hơn.
Còn về vấn đề lãi suất thì sao, thưa ông?
Lãi suất thông thường sẽ diễn biến dựa trên chu kỳ kinh tế. Ở thời điểm này, cơ quan quản lý đang mong muốn để có thể hỗ trợ nhiều nhất cho dòng vốn giá rẻ nhằm kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, phải tính tới cả mục tiêu tăng trưởng GDP. Mặt bằng lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm lại đây. Tới một thời điểm, khi nền kinh tế có dấu hiệu hấp thụ tốt thì lãi suất sẽ có xu hướng tăng hơn một chút.
Nhìn chung mặt bằng lãi suất diễn biến ra sao phụ thuộc ở cung tiền, chỉ số lạm phát, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế… Quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của NHNN thời gian qua vẫn đề cao sự ổn định, mặt bằng lãi suất nếu có tăng thời gian tới cũng sẽ vẫn nằm trong xu hướng này, và khó có đột biến. Trong trường hợp thị trường thuận lợi thì vẫn có khả năng lãi suất sẽ giảm để giảm thêm chi phí hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Chúng ta cũng cần xem xét cả mức độ tăng của hàng hoá, vòng quay của hàng hoá, dòng vốn nước ngoài… để có thể cân đối trong điều hành lãi suất.
Vậy ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2021?
Theo tôi, hệ thống ngân hàng năm 2021 sẽ tiếp tục ghi nhận những kết quả khả quan khi nền kinh tế được dự báo sẽ phục hồi nhanh trở lại.
Bên cạnh đó, Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng sẽ hỗ trợ phần nào, giúp ngân hàng tránh "cú sốc" về lợi nhuận khi trích lập dự phòng.
Thông thường, khi một khoản nợ quá hạn sẽ bị chuyển nhóm nợ và các ngân hàng phải trích đủ dự phòng cụ thể cho các khoản nợ quá hạn theo nhóm nợ mới. Tuy nhiên Thông tư 03 cho phép các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ đủ điều kiện; đồng thời chỉ phải trích lập dự phòng cụ thể đối với khoản nợ theo nhóm nợ đã được giữ nguyên, phần chênh lệch giữa mức dự phòng này và mức dự phòng theo cách tính trên được trích lập dần trong 3 năm.
Thêm nữa, tại đại hội đồng cổ đông của nhiều ngân hàng vừa diễn ra, các nhà băng đều tiết lộ về những động lực tăng trưởng mới của ngân hàng, tất cả nhìn chung đều cho thấy sự khả thi, cởi mở, khiến cho cổ đông tin tưởng vào chiến lược đặt ra.
Theo Thời báo Ngân hàng