NHNN sẽ kết hợp hài hòa giữa chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng việc tiếp tục tái cơ cấu các khoản nợ còn lại đến hạn và cho phép các TCTD đánh giá một cách thực tế chất lượng các khoản tín dụng để có thể trích lập dự phòng rủi ro nhằm đảm bảo năng lực tài chính cũng như sự an toàn nền tài chính quốc gia trong trung hạn cũng như dài hạn.
TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá, những chính sách của ngành Ngân hàng hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế trong thời gian qua là rất kịp thời, đúng và trúng mục tiêu. Đặc biệt Thông tư 01/2020/TT-NHNN với việc cho phép hoãn, giãn, cơ cấu lại nợ, liên tục chỉ đạo các ngân hàng tích cực giảm lãi suất cho vay… đã giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính cũng như áp lực trả nợ để vượt qua giai đoạn khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong suốt 1 năm qua.
Đến thời điểm này, thời hạn Thông tư 01 đã hết hiệu lực. Dự thảo sửa đổi Thông tư 01 đã được NHNN xây dựng, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trong suốt mấy tháng qua nhưng vẫn chưa thể ban hành mới do còn một số vướng mắc cơ chế. Theo tìm hiểu của phóng viên, đã có ngân hàng đã tạm ngưng triển khai Thông tư 01.
Phó tổng giám đốc một NHTMCP trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, sau đại dịch Covid, doanh nghiệp phải có thời gian nhất định mới có thể phục hồi sản xuất kinh doanh. Nhưng Thông tư 01 đã quá thời hạn, ngân hàng không thể xem xét hỗ trợ cho khách hàng mà phải đợi quy định mới ban hành mới triển khai tránh rủi ro cơ chế. Trong khi đó, lãnh đạo một NHTMCP trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh lại cho hay, vì chưa có thông báo chính thức nên ngân hàng này vẫn tranh thủ tận dụng cơ chế Thông tư 01 để hỗ trợ cho khách hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Sau khi có quy định chính thức ngân hàng sẽ điều chỉnh sau.
Trước thực tế đó, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) nhấn mạnh, việc sửa đổi Thông tư 01 là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh chưa xác định được khi nào Chính phủ công bố hết dịch và diễn biến dịch Covid-19 trong khu vực và trên thế giới còn rất phức tạp. Giới chuyên môn cho rằng, cần sớm sửa đổi Thông tư 01 với quy định thay thế phù hợp với diễn biến thực tế để các ngân hàng có thể tiếp tục gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Quốc Hùng, mới đây VNBA đã gửi Công văn số 19/HHNH-PLNV báo cáo việc góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01. Tại báo cáo này, theo VNBA các NHTM đều thống nhất và đánh giá cao việc sửa đổi Thông tư 01 của NHNN. Song tại Dự thảo này, các NHTM cũng tỏ ra băn khoăn về một số quy định có thể gây khó cho hoạt động của các TCTD trong quá trình hỗ trợ khách hàng nên được xem xét điều chỉnh.
Cụ thể, tại Điểm b Khoản 1 Điều 4, cần cân nhắc đưa ra mốc thời gian từ ngày 21/3/2020 đến ngày 31/3/2021. Bởi theo cảnh báo của WHO, đại dịch năm 2021 còn đáng lo ngại hơn năm 2020. Mặc dù Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh, nhưng điều đó không có nghĩa Việt Nam hết dịch bệnh và cũng chưa có cơ sở nào cho thấy đến ngày 31/3/2021 hết dịch. Để đảm bảo chủ động, linh hoạt trong quá trình triển khai, tránh phải sửa đổi nhiều lần trong trường hợp dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp sau thời điểm ngày 31/3/2021, các ngân hàng đề nghị NHNN nên giữ nguyên thời điểm như Thông tư 01 hoặc cẩn trọng hơn thì cho đến ngày 31/12/2021.
Đối với việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đối với nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01 và dự thảo Thông tư sửa đổi, VNBA cho là phù hợp. Tuy nhiên nếu phân loại nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ nhiều lần trong thời gian được phép 12 tháng phải thực hiện theo quy định hiện hành (Thông tư 02) thì các khoản nợ cơ cấu sẽ chuyển nhóm tương ứng và TCTD sẽ phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, trong khi khoản nợ vẫn có thể thu hồi được. Vì vậy theo VNBA, nên quy định giao trách nhiệm cho TCTD đánh giá phân loại rủi ro đối với các khoản nợ có nguy cơ rủi ro thực sự đối với khoản nợ đã cơ cấu để trích dự phòng rủi ro theo quy định tại Thông tư 02. Vì hơn ai hết, ngân hàng hiểu tính chất khoản nợ của mình. Do đó, nên giao cho TCTD tự xác định và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình và trích tối đa trong 3 năm, đồng thời phải báo cáo NHNN hàng tháng kết quả phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro.
Các ngân hàng cũng đề xuất, NHNN cần nghiên cứu ban hành Thông tư sửa đổi vừa đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo đúng quy định pháp luật, vừa tạo thuận lợi cho TCTD thực hiện và khách hàng có thể tiếp cận được vốn vay. Như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và TCTD vượt qua đại dịch Covid-19.
TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng cần sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 01 để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay. “Doanh nghiệp có khả năng phục hồi, nhưng vì yêu cầu chuyển nhóm nên họ bị dừng cho vay, điều đó vô hình trung gây khó cho sự phục hồi của doanh nghiệp. Do đó, có thể yêu cầu chuyển nhóm nhưng cũng nên xem xét dựa trên điều kiện thực tế để đưa ra phương án hài hòa hợp lý”, TS. Cấn Văn Lực đặt vấn đề và cho rằng, để làm được điều này, cần sự đồng hành của các bộ, ngành với NHNN để có thể hỗ trợ cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Về định hướng sửa đổi Thông tư 01, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó tiếp tục là mục tiêu trọng tâm của ngành Ngân hàng. Trên tinh thần đó, NHNN sẽ kết hợp hài hòa giữa chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp bằng việc tiếp tục tái cơ cấu các khoản nợ còn lại đến hạn và cho phép các TCTD đánh giá một cách thực tế chất lượng các khoản tín dụng để có thể trích lập dự phòng rủi ro nhằm đảm bảo năng lực tài chính cũng như sự an toàn nền tài chính quốc gia trong trung hạn cũng như dài hạn.
Để tạo điều kiện cho các TCTD triển khai đồng bộ nhằm hỗ trợ cho khách hàng cũng như cho chính các TCTD, VNBA đề nghị, Thông tư cần được sửa đổi sao cho phù hợp với thực tiễn, mang tính dài hạn, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai và ưu việt hơn so với Thông tư 01/2020/TT-NHNN.
Theo Thời báo Ngân hàng