Phóng viên: Năm 2024, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tròn 30 năm thành lập và phát triển. Xin ông chia sẻ đôi nét về những kết quả tích cực Hiệp hội đã đạt được trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ngày càng hoàn thiện và lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động của Hiệp hội luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả. Kết quả này đạt được nhờ sự đồng tâm hiệp lực của tất cả các tổ chức hội viên (TCHV), sự chỉ đạo sát sao, sáng suốt của Hội đồng Hiệp hội, cũng như sự thống nhất, đoàn kết cao và nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo và toàn thể cán bộ nhân viên Cơ quan thường trực.
Với phương châm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, thực hiện tốt chức năng làm cầu nối, hỗ trợ các hội viên phát triển an toàn, bền vững, trong 30 năm qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã luôn đồng hành, sát cánh cùng các TCHV, thực hiện những nhiệm vụ trọng đại của ngành Ngân hàng, của đất nước, một hành trình tự hào vượt qua không ít khó khăn, gian nan để đạt được những thành tựu nổi bật sau:
Thứ nhất, thể hiện tốt vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các TCHV, là nơi các TCHV gửi gắm niềm tin.
Thứ hai, thực hiện tốt vai trò tham gia đóng góp, phản biện cơ chế chính sách thông qua tổ chức và tham dự các hội thảo, tọa đàm cả trong nước và quốc tế. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với một số Ủy ban Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tòa án, Viện Kiểm sát và bộ, ngành có liên quan (Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường...) tổ chức góp ý kiến đối với hàng trăm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quan trọng có tác động và ảnh hưởng lớn đến hoạt động ngân hàng từ Hiến pháp, các bộ Luật, Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn... Với tinh thần trách nhiệm cao, nội dung góp ý rất xác đáng, phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn, rất nhiều ý kiến của Hiệp hội đã được các cơ quan có thẩm quyền ghi nhận và tiếp thu.
Thứ ba, làm tốt vai trò cầu nối giữa các cơ quan quản lý với các TCHV trên hai mặt: (1) Tuyên truyền, phổ biến, vận động, kêu gọi các TCHV chấp hành đúng, nghiêm túc chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và ngành Ngân hàng; (2) Lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các TCHV từ đó tổng hợp phản ánh lên các cơ quan quản lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Thứ tư, làm tốt vai trò truyền thông nhằm giúp xã hội, người dân, khách hàng, doanh nghiệp, cũng như các cơ quan quản lý hiểu và chia sẻ cho hoạt động của các TCHV, hoạt động của ngành Ngân hàng. Thông qua công tác truyền thông, những hình ảnh đẹp, những tấm gương cán bộ ngân hàng tốt cũng được nhân rộng, lan tỏa trong toàn xã hội.
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức các hoạt động bên lề như: Phát động Phong trào thi đua toàn hệ thống các TCHV, tổ chức các cuộc thi nhằm tôn vinh vẻ đẹp cán bộ ngành Ngân hàng, đặc biệt tổ chức Cuộc thi “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng” (Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp), với thành phần tham gia không chỉ các TCHV, mà cả hệ thống ngân hàng, cũng như các trường đại học... đã góp phần lan tỏa Bộ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đến toàn hệ thống ngân hàng nói riêng và tầng lớp xã hội nói chung. Có thể nói, sự chỉ đạo sát sao của Hội đồng Hiệp hội, sự ủng hộ nhiệt tình của các TCHV, sự đồng thuận, đoàn kết của cán bộ nhân viên Cơ quan thường trực suốt 30 năm đã tạo nên vị thế của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ở cả trong nước lẫn trên trường quốc tế.
Phóng viên: Thời gian qua, nền kinh tế trong nước gặp không ít khó khăn do những tác động từ yếu tố bên ngoài, cùng với những vấn đề nội tại. Trong bối cảnh đó, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và phải chịu những tác động kép từ các khó khăn của nền kinh tế, vậy ông có thể chia sẻ những khó khăn của các TCHV của Hiệp hội đã gặp phải là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Có thể thấy rằng, thời gian qua, các TCHV của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã gặp không ít khó khăn.
Trước hết là những khó khăn chung đến từ nền kinh tế thế giới. Tình hình địa chính trị phức tạp, khó lường đã ảnh hưởng đến các hoạt động của nền kinh tế nước ta nói chung, khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, dẫn đến các doanh nghiệp rơi vào tình trạng rất khó khăn.
Những khó khăn đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Ngân hàng bởi phải chia sẻ với doanh nghiệp thông qua việc giãn, hoãn nợ, điều chỉnh lãi suất, cơ cấu nợ, cho vay mới, đồng thời phải tiết giảm chi phí, thậm chí giảm lương, thưởng để miễn giảm lãi suất cho khách hàng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng phải đối diện với vấn đề nợ xấu tiềm ẩn tăng sau đại dịch COVID-19. Mặc dù đã được cơ cấu nợ, điều chỉnh giãn hoãn nợ nhưng nợ xấu vẫn là một trong những vấn đề hết sức đáng lo ngại của các TCHV.
Công tác thu hồi nợ cũng gặp rất nhiều vướng mắc, đặc biệt là khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu hết hiệu lực dẫn đến tình trạng một bộ phận khách hàng không hợp tác trả nợ, chây ì trả nợ, thậm chí trong cho vay tiêu dùng còn có tình trạng thành lập hội nhóm bùng nợ. Về vấn đề này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã nắm bắt và có phản ảnh tới các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng. Tuy nhiên, hoạt động của ngành Ngân hàng vẫn phần nào bị ảnh hưởng bởi hành lang pháp lý trong xử lý nợ còn bất cập.
Phóng viên: Với những nền tảng đã đạt được, ông có nhận định như thế nào về những thuận lợi và thách thức mà Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các tổ chức hội viên sẽ đối diện trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Hùng: Năm 2024, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tròn 30 tuổi. Bước vào giai đoạn mới, môi trường hoạt động của ngân hàng có rất nhiều thay đổi, nhiều cơ hội/thuận lợi mới được tạo ra nhưng cũng có không ít thách thức.
Theo tôi, thời gian tới có một số thuận lợi đối với hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các TCHV, đó là:
Một là, các hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận được sự chỉ đạo sát sao và thống nhất cao của Hội đồng Hiệp hội, sự tham gia tích cực của các TCHV.
Trong những năm qua, các TCHV đã phản ánh kịp thời những vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai cơ chế chính sách đến Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam để trên cơ sở đó, Hiệp hội nắm bắt và truyền tải đến cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ngành kịp thời, nhanh chóng. Đáng chú ý, các ý kiến của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đều được các bộ, ngành, các cơ quan quản lý Nhà nước lắng nghe và phản hồi kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Hai là, ý kiến của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các TCHV nhận được sự ủng hộ lớn từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trong đó, các bộ, ngành luôn lắng nghe, tiếp thu, đồng thời tham vấn ý kiến tham gia góp ý vào cơ chế chính sách của Hiệp hội với mục tiêu các cơ chế chính sách mới, sửa đổi, bổ sung được ban hành phù hợp với thực tiễn.
Ba là, Cơ quan thường trực Hiệp hội rất chú trọng công tác Đảng, công tác đoàn thể để tạo dựng được một tập thể đoàn kết, thống nhất, đồng thời cán bộ, nhân viên Cơ quan Thường trực nỗ lực nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ và làm việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.
Còn về những thách thức, có thể kể đến như:
Thứ nhất, ngành Ngân hàng cũng như Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cần lắng nghe, tiếp cận với các TCHV nhiều hơn, sâu sát hơn để hiểu được những vướng mắc, khó khăn nhằm phản ánh kịp thời về mọi mặt hoạt động, đặc biệt liên quan hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi cho các TCHV, cũng như thể hiện quyền lợi và trách nhiệm của mình.
Thứ hai, hiện nay, vẫn còn một số vấn đề vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách chưa được các cơ quan quản lý ghi nhận để tháo gỡ, do đó, các TCHV cũng như các cán bộ nhân viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cần có sự trao đổi, nâng cao kiến thức để những ý kiến phản hồi của mình đảm bảo được cơ sở khoa học, hợp lý, có sức thuyết phục hơn nữa.
Thứ ba, chuyển đổi số đã và đang phát triển hết sức mạnh mẽ trong ngành Ngân hàng, tuy nhiên song song với đó, tội phạm công nghệ cao cũng ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Những thủ đoạn, mánh lới lừa đảo thông qua hình thức ứng dụng công nghệ cao đang làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Ngân hàng trong hoạt động thanh toán, chuyển tiền và các dịch vụ khác.
Thứ tư, các tổ chức tín dụng đang phải đối mặt khó khăn rất lớn liên quan đến nợ xấu và hành lang pháp lý xử lý nợ. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực, ngành Ngân hàng đang phải “đơn thương độc mã” trong việc xử lý nợ xấu. Trong khi đó, một bộ phận cá nhân và doanh nghiệp thể hiện ý thức trả nợ kém, không hợp tác với ngân hàng. Thậm chí, đối với cho vay tiêu dùng cá nhân còn có tình trạng hình thành các hội nhóm “bùng nợ” trên mạng xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung và công ty tài chính nói riêng, dẫn tới người dân có nhu cầu chính đáng tiếp cận vốn khó khăn hơn, tạo điều kiện cho “tín dụng đen” len lỏi.
Do đó, tôi mong muốn nhận được sự chia sẻ, ủng hộ từ phía đông đảo các khách hàng, doanh nghiệp, người dân để ngành Ngân hàng nói chung, các tổ chức tín dụng nói riêng yên tâm đầu tư vốn cho nền kinh tế, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt khác, tôi cũng hy vọng xã hội có sự chia sẻ với hoạt động, cũng như công sức của ngành Ngân hàng đóng góp cho nền kinh tế.
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên tôi tin rằng, với những kết quả đã đạt được trong 30 năm qua, với khí thế mới, nỗ lực và quyết tâm cao độ, sự đồng lòng, chung sức của các TCHV, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã đề ra, thực hiện tốt sứ mệnh được giao phó và viết tiếp những trang sử vẻ vang trên chặng đường sắp tới.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!