Ba cái nhất trong quý 1/2024 tạo đà bứt phá cho Techcombank
24/05/2024 lúc 10:48 (GMT)

Ba cái nhất trong quý 1/2024 tạo đà bứt phá cho Techcombank

3 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt hơn 7.800 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Ngân hàng tăng trưởng tích cực ở hầu hết các mảng kinh doanh chủ chốt, trong khi đó quản trị chặt chẽ chi phí giúp tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) được cải thiện xuống mức rất thấp. Theo đó, Techcombank là Top 1 lợi nhuận trong các ngân hàng tư nhân và Top 2 toàn thị trường.

Về nền tảng hoạt động, Techcombank đang đứng Top 1 ở ba khía cạnh quan trọng để tự tin duy trì tăng trưởng tích cực trong năm 2024: Ngân hàng TMCP quy mô lớn có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất, Ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất, Ngân hàng sở hữu công ty chứng khoán "ăn nên làm ra" nhất.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng TCB, Tỷ lệ CIR của Techcombank
Chất lượng tín dụng vượt trội

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng những tháng đầu năm ở mức rất thấp, Techcombank gây ấn tượng khi ghi nhận mức tăng trưởng tới 6,4% trong quý 1/2024, cao hơn mức trung bình ngành (khoảng 1,3%) và đúng tiến độ để đạt hạn mức cấp bởi Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp không đổi, thậm chí giảm nhẹ 1% so với quý trước xuống 42 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng cho khách hàng doanh nghiệp tăng 8% so với quý trước lên 368 nghìn tỷ đồng. Tín dụng cá nhân tiếp tục đà tăng trưởng, tăng 5,3% so với đầu năm. 

Ông Phùng Quang Hưng - Phó Tổng Giám đốc Techcombank

Ông Phùng Quang Hưng cho biết, tỷ lệ nợ xấu của cả danh mục cho vay và trái phiếu chỉ ở mức 1,1%. Tỷ lệ nợ xấu của riêng ngân hàng (không bao gồm ảnh hưởng của CIC) là 0,94%, cải thiện so với mức 0,96% so với quý trước. Tổng dư nợ của các khách hàng có dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 đạt 7,6 nghìn tỷ đồng tại 31/3/2024, trong đó khoảng 6 nghìn tỷ được kỳ vọng quay lại nhóm 1 trong quý 2/2024.

Thống kê từ báo cáo tài chính, hiện Techcombank là ngân hàng TMCP quy mô lớn có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Đồng thời Techcombank nằm trong nhóm 5 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt trên 100%, tức cứ 1 đồng nợ xấu thì đã trích lập hơn 1 đồng. Techcombank cũng là ngân hàng hiếm hoi liên tục cải thiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu 2 quý liên tiếp, trong khi hầu hết các ngân hàng khác ghi nhận xu hướng suy giảm của tỷ lệ này. Điều này cũng phản ánh tính thận trọng của Techcombank trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn và ngân hàng phải cân đối giữa lợi nhuận và chất lượng tài sản.  

Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank

Thu phí dịch vụ của Techcombank trong quý 1/2024 đạt 2.786 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023. Ông Alex Macaire, Giám đốc Tài chính tập đoàn (CFO) Techcombank cho biết, thu phí dịch vụ ngân hàng đầu tư có cú lội ngược dòng ngoạn mục khi hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu phục hồi mạnh mẽ, đóng góp lớn cho thu nhập của Techcombank. Cụ thể, thu phí dịch vụ ngân hàng đầu tư 3 tháng đầu năm 2024 đạt 750 tỷ đồng, tăng 18,7% so quý quý 4/2023 và tăng 164% so với quý 1/2023.  

Ông Alexandre Macaire

Bên cạnh điểm nhấn ở mảng tư vấn trái phiếu, các nguồn thu dịch vụ khác của Techcombank như phí thẻ, LC, thanh toán tiếp tục đà tăng trưởng ổn định. Điểm yếu duy nhất là thị trường Bancassurance tiếp tục gặp khó khăn dẫn đến phí Banca giảm 14% so với cùng kỳ xuống 167 tỷ đồng, tuy nhiên mức giảm này vẫn thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác. Lãnh đạo Techcombank kỳ vọng, nhờ nỗ lực thu hút tài khoản giao dịch chính, thu nhập từ phí có thể tăng trưởng 2 con số trong năm 2024. 

Dịch vụ ngân hàn đầu tư TCBS bứt tốc

Một trong những lợi thế khác biệt khó sao chép ở nguồn thu phí dịch vụ của Techcombank đến từ hoạt động của công ty con – Cty cổ phần chứng khoán Kỹ thương (TCBS). Hiện nay, TCBS có lợi nhuận cao nhất trong các công ty chứng khoán, và là cánh tay đắc lực để Techcombank dẫn đầu mảng ngân hàng đầu tư tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Minh – Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư Techcombank cho biết, TCBS ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.160 tỷ đồng trong quý 1/2024, tăng 32% so với quý trước và tăng 159% so với cùng kỳ năm ngoái. ROE đạt 14%, biên lợi nhuận ròng lên tới 54,8%. Dư nợ cho vay ký quỹ cao nhất, đạt trên 19.000 tỷ đồng.  

TCBS đứng top 1 các công ty chứng khoán về lợi nhuận

Về mảng trái phiếu, TCBS vẫn đang dẫn đầu thị trường về thị phần (gần 70%), ghi nhận 15 nghìn tỷ giá trị trái phiếu trong kỳ được tư vấn phát hành trong kỳ. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu bị "khủng hoảng" trong hơn 2 năm qua, TCBS chưa để trái phiếu nào bị chậm thanh toán lãi và gốc, tiếp tục khẳng định uy tín hàng đầu thị trường.

Về mảng môi giới cổ phiếu, công ty duy trì vị trí số 3 về thị phần môi giới cổ phiếu (6,6%) trên Sở giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh (HOSE), đồng thời vươn lên số 2 về thị phần trên Sở giao dịch chứng 5 khoán Hà Nội (HNX), từ vị trí số 3 tại quý trước. Kết quả này có được nhờ việc áp dụng mô hình kinh doanh hiện đại, ứng dụng công nghệ cao nhằm kiến tạo trải nghiệm đầu tư vượt trội cho người dùng, khác hẳn với mô hình phụ thuộc vào các nhân viên môi giới truyền thống tại phần lớn các công ty chứng khoán khác.

Tại cuối năm 2023, mô hình Wealthtech của TCBS đang quản lý gia sản với quy mô 570 nghìn tỷ đồng, đứng số 1 thị trường. Lượt truy cập vào App TCInvest lập kỷ lục 17,6 triệu lượt trong tháng 3/2024. Đặc biệt, TCBS đã sẵn sàng cho việc chuẩn bị Go-live hệ thống KRX, ra mắt nhiều tính năng mới nhằm bảo vệ tốt hơn cho cả TCBS và khách hàng.

Hiện Techcombank là một trong những ngân hàng có hoạt động ngân hàng đầu tư, quản lý gia sản mạnh nhất tại Việt Nam. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ông Jens Lottner, CEO Techcombank cho biết, Việt Nam có dân số trẻ, sử dụng nhiều công nghệ và ngày càng giàu lên. Theo dự báo, đến năm 2030, mức sống của người dân Việt Nam sẽ còn cao hơn Malaysia, Indonesia hiện nay,…và sẽ cần đến dịch vụ quản lý gia sản tốt hơn. Ngân hàng cũng cho biết việc đón đầu mảng kinh doanh này thông qua công ty chứng khoán TCBS sẽ mở ra những lợi thế mới cho Techcombank trong những năm tới.  

Ngôi vương Casa trở lại

Một cú "ngược dòng" khác của Techcombank là ở tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Ông Phùng Quang Hưng – Phó Tổng Giám đốc Techcombank – cho biết, thông thường theo tính mùa vụ, CASA các ngân hàng sẽ tăng cao trong quý 4 và giảm trong quý 1. Tuy nhiên, CASA trong quý 1/2024 của Techcombank vẫn tiếp tục tăng trưởng, cho thấy sự phục hồi bền vững. Điều này giúp Techcombank đảm bảo tối ưu hóa chi phí huy động vốn, duy trì thanh khoản lành mạnh.  

Số dư Casa và tỷ lệ CASA của Techcombank

Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của Techcombank đánh dấu quý thứ 4 liên tiếp tăng trưởng dương, đạt mốc 185 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Theo đó, tỷ lệ CASA của Techcombank đạt 40,5%, cải thiện so với mức 39,9% cuối 2023 và mức 32% cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, cú lội ngược dòng này cũng giúp Techcombank lấy lại "ngôi vương" CASA.  

Số dư CASA

Việc tăng trưởng CASA và các nguồn huy động vốn chi phí thấp giúp chi phí vốn của Techcombank liên tục đi xuống một cách ổn định. Cụ thể, chi phí vốn của ngân hàng đã liên tục giảm quý thứ 3 liên tiếp, từ 5,4% (quý 2/2023) xuống còn 3,4% (quý 1/2024). Ông Phùng Quang Hưng cho biết, điều này cho phép Techcombank có thể hạ lãi suất cho vay với các khách hàng nói chung và đặc biệt là nhóm khách hàng thân thiết sử dụng nhiều sản phẩm dịch vụ của Techcombank. Chi phí vốn giảm giúp NIM trượt 12 tháng của Techcombank quay lại ngưỡng 4%. Dự kiến ngân hàng sẽ tiếp tục cải thiện được NIM trong suốt năm 2024.

Lãnh đạo Techcombank cho biết, ngân hàng tự tin về việc dẫn dắt tỷ lệ CASA trong dài hạn, mặc dù dự báo lãi suất huy động có thể tăng lên trong thời gian tới, và gây một số rào cản để tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn.  

Ông Jens Lottner

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Quyền Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ cho rằng, nếu như trước đây việc Techcombank tiên phong trong chính sách Zero Fee (miễn phí phí chuyển khoản) đã giúp ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ CASA, thay đổi thói quen thanh toán của người dân, thì hiện tại, Techcombank tiếp tục có những sáng kiến mới tạo sự khác biệt trên thị trường như tính năng "Auto-earning" (Sinh lời tự động) và nền tảng khách hàng thân thiết Techcombank Rewards.

"Sinh lời tự động" là tính năng cho tài khoản thanh toán mới được Techcombank ra mắt đầu năm nay. Theo đó, khách hàng chỉ cần kích hoạt tính năng, số tiền trong tài khoản thanh toán sẽ được luân chuyển tự động và được sinh lời theo ngày, lên đến 2,7%/năm theo chính sách của từng thời kỳ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện chưa có sản phẩm tương tự trên thị trường và Techcombank đang là nhà băng đi đầu với sáng kiến này. Theo cập nhật của Techcombank, sau 2 tháng triển khai đã có xấp xỉ 400 nghìn khách hàng bật tính năng Auto-earning với số dư tiền gửi được "sinh lời tự động" lên tới 9.300 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc khối NH bán lẻ Techcombank

Techcombank Rewards được triển khai cho tất cả khách hàng ngân hàng điện tử vào tháng 3/2024, sau khi thí điểm vào quý 4/2023. Đây là nền tảng giúp Techcombank có thể tạo mối quan hệ bền vững với khách hàng, có mạng lưới với đối tác rất rộng hơn 80 đối tác từ 250 thương hiệu nổi bật trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, giúp mang lại nhiều giá trị hơn cho mỗi chi tiêu của khách hàng. Sau 5 tháng thử nghiệm, hiện có 8,2 triệu hội viên gia nhập, trong đó 3,6 triệu hội viên tích điểm thành công.  

Nguồn: markettimes.vn