Phát triển bền vững đang trở thành chìa khóa dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu, không chỉ là phản ứng trước biến đổi khí hậu mà còn là yêu cầu để các doanh nghiệp duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Để đối phó với những tác động tiêu cực tới môi trường, các doanh nghiệp tại Việt Nam, bao gồm cả ngành ngân hàng, đã dần tích hợp các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) vào chiến lược hoạt động của mình.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hành ESG trong toàn ngành vẫn còn đang ở giai đoạn đầu và đối mặt với nhiều thách thức như các ngân hàng chưa tìm được phương pháp tích hợp tiêu chuẩn và yêu cầu về phát triển bền vững phù hợp; những vấn đề có liên quan đến quản trị thu thập và tính toán chuyển đổi dữ liệu ESG dẫn đến việc chưa theo dõi đầy đủ hiệu suất hoạt động ESG; các vấn đề có liên quan đến nhân sự chuyên trách; và Bộ phân loại các ngành xanh chính thức để giúp các Ngân hàng xác định các dự án xanh đủ điều kiện.
Những ngân hàng tiên phong trong việc công bố khung tài chính phát triển bền vững từ đầu năm nay có thể kể đến ACB, VietinBank, VPBank,…. Theo ACB, Khung Tài Chính Bền Vững không chỉ giúp ngân hàng đáp ứng được các yêu cầu về quản lý tài chính bền vững, mà còn mở ra cơ hội phát hành các trái phiếu và khoản vay bền vững, qua đó thúc đẩy các hoạt động tài chính có trách nhiệm và hiệu quả hơn, đặc biệt đẩy mạnh tài trợ cho các lĩnh vực năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đây cũng là một trong những bước đi quan trọng của ngân hàng ACB nhằm đồng hành với chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, góp phần vào mục tiêu chung của Việt Nam trong việc giảm phát thải khí nhà kính và phát triển kinh tế bền vững.
ACB đã có những bước tiến đáng kể khi triển khai thực hiện yếu tố Môi trường gắn với hoạt động vận hành, kinh doanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường, điển hình như hai dự án với tên gọi "Go Paperless" và "GoGreen Plus". Trong đó, "Go Paperless" khuyến khích việc giảm sử dụng giấy trên toàn hệ thống và cả trong giao dịch với khách hàng, giúp giảm đáng kể lượng giấy tiêu thụ và phát thải từ việc in ấn. Còn với chương trình "GoGreen Plus", ACB ký kết cùng Công ty DHL đồng hành trong việc tiết kiệm năng lượng và sử dụng bền vững tài nguyên.
Theo Báo cáo Phát triển bền vững 2023, ACB đã giảm được 267,62 tấn CO2. Ngân hàng cũng đã tái chế 40% lượng giấy sử dụng và đặt mục tiêu giảm tiêu thụ giấy trên mỗi nhân viên từ 111,62 kg/người xuống còn 103,27 kg/người. Khối lượng giấy tiết kiệm được là 244 tấn, và khối lượng nhựa được thay thế bằng túi vải và giấy tái chế lên đến 31 tấn. Đáng chú ý, cường độ sử dụng năng lượng trên mỗi nhân viên giảm 12% so với năm trước.
Không chỉ giới hạn ở nội bộ, ACB còn thúc đẩy các giá trị bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc cung cấp gói tín dụng Xanh / Xã hội từ đầu năm nay với tổng hạn mức lên đến 4.000 tỷ đồng, ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng, hoặc các doanh nghiệp Xã hội. Những doanh nghiệp này không chỉ được hưởng lợi từ các ưu đãi tài chính mà còn đóng góp vào quá trình chuyển đổi kinh tế xanh của Việt Nam.
Bằng cách này, ACB đang giúp xây dựng một hệ sinh thái tài chính bền vững, trong đó các doanh nghiệp được khuyến khích phát triển các giải pháp sản xuất và kinh doanh thân thiện với môi trường.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có khoảng 80-90% các ngân hàng trong nước đã bước đầu tích hợp các yếu tố ESG vào hoạt động, từ việc quản trị rủi ro đến cấp tín dụng cho các dự án xanh. Một số ngân hàng còn thành lập các bộ phận chuyên trách quản lý rủi ro môi trường và phát hành các khung tín dụng xanh, khung vay bền vững nhằm quy định việc sử dụng và quản lý nguồn vốn cho các dự án thân thiện với môi trường.
Báo cáo Phát triển bền vững 2023 cũng cho thấy, ACB xây dựng một nền tảng quản trị vững chắc, nhằm tích hợp các yếu tố phát triển bền vững vào chiến lược tổng thể. Một bước tiến quan trọng là việc bổ nhiệm Giám đốc chuyên trách về ESG, người có trách nhiệm giám sát các hoạt động phát triển bền vững và quản lý rủi ro liên quan.
ACB hiện là ngân hàng có khẩu vị thận trọng và là một trong những nhà băng có hoạt động lành mạnh, chất lượng tài sản hàng đầu Việt Nam. ACB đã áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như Basel II và III trong việc quản lý rủi ro thanh khoản, lãi suất, hoạt động và rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các chỉ số an toàn đều ở mức cao theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, giúp chống chịu tốt trước các tình huống căng thẳng về thanh khoản.
Trong kỳ đánh giá của Tổ chức xếp hạng uy tín Moody’s cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, điểm xếp hạng tác động tín dụng có liên quan đến ESG (ESG Credit Impact Score - CIS) của ACB được Moody’s đánh giá ở mức #2. Đây là mức điểm cao Top đầu trong các Ngân hàng tại Việt Nam cũng như trong hệ thống đánh giá của Moody’s. Mức điểm này cho thấy các hoạt động tín dụng của ACB tiến gần đến mức "tạo tác động tích cực".
Để có được điều này là nhờ ACB đã xây dựng hệ thống quản lý rủi ro Môi trường (E) & Xã hội (S) tiên tiến và tích hợp đầy đủ vào quy trình cấp tín dụng. Hệ thống này của ACB được xây dựng đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực quốc tế cũng như các yêu cầu về quản lý rủi ro E&S của Việt Nam. Hệ thống quản lý rủi ro giúp ACB định hướng dòng vốn vào các dự án thân thiện với môi trường, tạo tác động xã hội, thúc đẩy các ngành sản xuất dịch vụ và tiêu dùng xanh, bền vững và có trách nhiệm. Đồng thời, cũng giúp ACB đạt được các mục tiêu về quản lý rủi ro phát sinh từ các vấn đề có liên quan đến môi trường và xã hội để tránh tổn thất, giảm thiểu rủi ro danh tiếng, giúp gia tăng hiệu quả trong hoạt động kinh doanh và tăng cơ hội đầu tư vào các hoạt động bảo vệ môi trường và tạo tác động xã hội.
Chính sách quản lý rủi ro an toàn, hiệu quả đã giúp ACB đạt được các kết quả tích cực. Quý 3/2024, ngân hàng duy trì mức sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 22,2%, tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu ngành. Tín dụng 9 tháng đầu năm của ACB đạt mức tăng trưởng cao gấp 1,5 lần so với bình quân ngành và là mức tăng ròng cao nhất trong 10 năm qua, lũy kế tín dụng mảng doanh nghiệp có tốc độ hơn 15%. Tăng trưởng nhanh nhưng tỷ lệ nợ xấu Quý 3 của ngân hàng vẫn duy trì ở mức 1,49%, thuộc nhóm những ngân hàng có nợ xấu thấp nhất thị trường.
Cam kết Phát triển bền vững của ACB không chỉ trong kinh doanh, vận hành mà còn thông qua những hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng. ACB đang góp phần tạo dựng những giá trị xã hội bền vững thuộc chữ "S" (Xã hội) trong chiến lược phát triển bền vững ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) cũng như trong vai trò tiên phong xây dựng một hệ thống tài chính bền vững và có trách nhiệm.
Trong năm 2024, ACB đã đồng hành cùng các cơ quan ban ngành địa phương và trung ương trong những hoạt động an sinh xã hội nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, như trao tặng 80 tỷ đồng ủng hộ chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Chính phủ phát động; đóng góp 2,2 tỷ đồng chung tay với hệ thống ngân hàng giúp người dân một số tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ; trao tặng UBND TP.HCM số tiền 10 tỷ đồng tài trợ cho các chương trình an sinh xã hội tại TP.HCM và dành hơn 4 tỷ đồng tài trợ cho các hoạt động giáo dục, chăm sóc người có hoàn cảnh khó khăn thông qua chuỗi hoạt động cộng đồng có tên gọi "Hành trình tôi yêu cuộc sống" tại nhiều địa phương trên cả nước.
Trước đó, năm 2023, ACB đã đóng góp 5.214 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, thuộc Top 3 ngân hàng tư nhân và Top 8 doanh nghiệp tư nhân đóng góp ngân sách lớn nhất năm. Điều này khẳng định cam kết của ngân hàng trong việc duy trì sự minh bạch, trung thực trong hoạt động tài chính, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhờ việc thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ và hiệu quả, ACB đã củng cố niềm tin từ khách hàng, đối tác và các cơ quan quản lý, góp phần xây dựng nền kinh tế.
Có thể nói khi phát triển bền vững đã trở thành xu thế không thể đảo ngược trên toàn cầu, ACB không chỉ hòa nhập mà còn dẫn đầu làn sóng này tại Việt Nam. Với những bước đi chiến lược, ngân hàng đang từng ngày chứng minh lợi nhuận và trách nhiệm xã hội hoàn toàn có thể song hành. ACB không chỉ góp phần xây dựng một ngành ngân hàng bền vững mà còn chung tay kiến tạo một Việt Nam xanh trong tương lai.
Nguồn: toquoc.vn