Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng, xuất nhập khẩu, may mặc, nhiên liệu... Các chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ bị ảnh hưởng đã tác động đến hoạt động kinh doanh của nền kinh tế nói chung cũng như của ngành Ngân hàng nói riêng.
Trước tình hình đó, bám sát định hướng, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Agribank đã thực hiện chính sách tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng, ưu tiên đầu tư tăng trưởng tín dụng đối với khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho vay các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là các lĩnh vực thiết yếu, các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh … Cùng với đó là thực hiện các giải pháp cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
Thấu hiểu những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, Agribank đã tăng cường nhiều biện pháp nhằm tăng cường sức hấp thụ vốn như giảm lãi suất và các chương trình cho vay tín dụng hấp dẫn.
Agribank đã giảm 14 lần lãi suất huy động, 7 lần giảm lãi suất cho vay trở thành ngân hàng giảm lãi suất cho vay nhiều nhất trong hệ thống ngân hàng. Đối với nhu cầu vay mới phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn chỉ từ 8%/năm. Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay của Agribank đã giảm mạnh với mức giảm từ 2% đến 4%/năm so với đầu năm.
Tuy hoạt động ngân hàng cũng đối mặt với nhiều khó khăn do chịu tác động từ nền kinh tế, nhưng Agribank chấp nhận cắt giảm lợi nhuận, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, đồng hành với người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế. Đến thời điểm hiện tại, Agribank tiết giảm hơn 1.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay, với 2,2 triệu khách hàng được hỗ trợ. Với mức lãi suất cho vay hiện nay, Agribank mong muốn được chia sẻ khó khăn, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tối ưu chi phí vay, kịp thời bổ sung nguồn vốn tái cơ cấu hoạt động.
Nắm bắt các khó khăn trong quá trình tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp là cách Agribank đang nỗ lực để khơi thông dòng tín dụng. Ngân hàng đã tăng cường các biện pháp để cung - cầu gặp nhau và triển khai theo đúng ý nghĩa của chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp ở mọi nhu cầu về vốn, từ trung - dài hạn tới ngắn hạn.
Trong năm 2023, Agribank tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn theo đúng tinh thần của Nghị định 31/NĐ-CP với tổng quy mô nguồn vốn hỗ trợ lên tới 40.000 tỷ đồng. Agribank cũng tiến hành triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước; liên tục điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3% đối với khách hàng là pháp nhân vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn; điều chỉnh giảm tối thiểu 0,5% lãi suất đối với các khách hàng hiện có dư nợ trung dài hạn bằng VNĐ tại Agribank.
Không để đứt mạch sản xuất, kinh doanh vì thiếu vốn của doanh nghiệp và người dân, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ, NHNN, Agribank dành hơn 60.000 tỷ đồng triển khai đồng bộ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đến các cá nhân và doanh nghiệp. Các chương trình tín dụng ưu đãi như chương trình đối với khách hàng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME); chương trình tín dụng ưu đãi tài trợ khách hàng xuất, nhập khẩu; chương trình tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình cho vay tiêu dùng dành cho CBCNV ngành y tế; chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước… được triển khai đã hỗ trợ tích cực không chỉ doanh nghiệp mà còn với các hộ gia đình và cá nhân người lao động, để từ đó, từng bước ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Agribank đã triển khai nhiều gói vay hấp dẫn cho doanh nghiệp xuất khẩu: chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD dành cho khách hàng doanh nghiệp với mức lãi suất cho vay VND ưu đãi chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay USD chỉ từ 3%/năm; Chương trình ưu đãi tín dụng 20.000 tỷ đồng đối với khách hàng doanh nghiệp, các Tập đoàn/Tổng công ty có nhu cầu vay vốn ngắn hạn để ổn định dòng tiền và chi phí ứng trước để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, thu mua hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu…
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lâm, thủy sản vượt qua khó khăn, Agribank dành nguồn vốn 3.000 tỷ đồng, đồng thời miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán. Mức giảm tối đa đến 50% đối với các loại phí thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại (phí phát hành L/C nhập khẩu, phí thông báo L/C xuất khẩu, phí ký hậu vận đơn đường biển, phí thanh toán L/C xuất khẩu…) và miễn, giảm một số loại phí dịch vụ khác.
Từ lâu, nhà ở xã hội đã trở thành niềm mong mỏi của rất nhiều hộ gia đình tuy nhiên điều này còn quá "xa vời" do cung vẫn còn ít hơn cầu, chưa nhiều chủ đầu tư mạnh tay với phân khúc này bởi lợi nhuận chỉ khoảng 10%.
Thu hút các chủ đầu tư và doanh nghiệp bất động sản (BĐS), ngân hàng Agribank đã dành quy mô 30.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 33/NQ-CP.
Mới đây Chính phủ đã thông qua gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Đây là gói tín dụng từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường, đối với chủ đầu tư, người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Riêng Agribank cam kết cho vay một dự án nhà ở xã hội tại Quảng Ninh với số tiền 950 tỷ đồng và đang tiếp cận gần 10 dự án tại TP.HCM, Quy Nhơn, Hà Nam, Lâm Đồng...
Dự án nhà ở xã hội tại Quảng Ninh do Agribank làm chủ đầu tư
Các gói vay của Agribank đã chung tay cùng Chính phủ, địa phương giải quyết nhóm vấn đề nguồn vốn và kinh phí tổ chức thực hiện các dự án nhà ở trọng điểm.
Nhờ những chính sách hợp lý và thực hiện quyết liệt, Agribank không chỉ ảnh hưởng tích cực đến doanh nghiệp mà còn góp phần vào sự phục hồi kinh tế bằng cách tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp từ mọi ngành nghề. Dòng tiền được ổn định và các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn để mở rộng sản xuất, đầu tư vào nâng cấp công nghệ và mở rộng thị trường, góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn diện của Việt Nam.
Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Agribank luôn làm tròn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, xem đây là trách nhiệm và cũng là nét đẹp văn hóa mà các thế hệ cán bộ, người lao động Agribank xây dựng và gìn gìn thông qua việc đóng góp hàng trăm tỷ đồng mỗi năm thực hiện công tác an sinh xã hội với nhiều dự án, chương trình tổng thể và dài hạn trên khắp cả nước.
Tính đến cuối tháng 11/2023, Agribank đã dành gần 500 tỷ đồng cho các hoạt động an sinh xã hội khắp các địa phương trên cả nước, trong đó, tính riêng kinh phí dành cho hoạt động xây nhà tình nghĩa, nhà cho người nghèo, nhà đại đoàn kết gần 142 tỷ đồng; kinh phí dành cho các hoạt động giáo dục là gần 142 tỷ; y tế gần 106 tỷ đồng; khắc phục thiên tai gần 38 tỷ đồng; các hoạt động xã hội khác gần 73 tỷ đồng.
Với những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế và thành tích nổi bật trong nhiều năm qua, nhân dịp kỉ niệm 35 năm thành lập, Agribank đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất về những đóng góp tích cực của Agribank cho thành quả phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Agribank cũng là thương hiệu thường xuyên xuất hiện ở vị trí top đầu tại các bảng xếp hạng thương hiệu lớn trong nước và quốc tế. Năm 2023 Agribank đã đạt được các giải thưởng:
Top 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới
Top 10 bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023 (VNR500)
Top 10 thương hiệu mạnh Việt Nam 2023
Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2023
Top 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2023
Ngân hàng hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao
Ngân hàng tiêu biểu vì cộng đồng
Ngân hàng tiêu biểu về Tín dụng xanh
Vinh dự nhận giải Sao Khuê năm 2023 cho hạng mục ngân hàng số xuất sắc cùng hai sản phẩm (Agribank eKYC System) và Ngân hàng số trong lĩnh vực thẻ (Agribank Digtal)
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings nâng bậc xếp hạng Agribank - Nhà phát hành Dài hạn từ mức "BB" lên "BB+" với triển vọng "Ổn định"
Có thể nói, Agribank đã không ngừng thể hiện vai trò tiên phong trong việc thực hiện các chủ trương và chính sách của Đảng, Chính Phủ, và ngân hàng Nhà nước. Thông qua việc thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng và đẩy mạnh cải tiến thủ tục vay vốn, Agribank đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, phát triển kinh doanh.
Agribank có mạng lưới chi nhánh rộng khắp cả nước với gần 2.300 điểm giao dịch từ thành thị đến nông thôn, biên giới, hải đảo, nằm trong top các Ngân hàng có mạng lưới lớn nhất hệ thống. Tính đến nay, vốn điều lệ của Agribank hơn 50 ngàn tỷ đồng; tổng tài sản đã vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,86 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,53 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 63%. Hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả, sẵn sàng đáp ứng các dịch vụ ngân hàng tài chính, tiếp tục là một trong những doanh nghiệp có đóng góp nhiều nhất đối với ngân sách Nhà nước.
Nguồn: toquoc.vn/ CafeF