Bức tranh toàn cảnh ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi tích cực sau giai đoạn khó khăn của năm 2023, thể hiện qua việc tỷ lệ nợ xấu (NPL) phát sinh mới và chi phí tín dụng đã giảm xuống. Tuy nhiên, báo cáo chuyên sâu của VIS Rating chỉ ra rằng con đường phía trước không bằng phẳng và sẽ có sự phân hóa rõ rệt về năng lực tín nhiệm giữa các công ty trong ngành.

VIS Rating cho rằng, hầu hết các công ty cải thiện được dòng tiền trong năm 2024 nhờ lợi nhuận cốt lõi cao hơn.
Một trong những rủi ro vĩ mô chính được VIS Rating nhấn mạnh là khả năng Mỹ tăng thuế quan, điều này có thể tác động tiêu cực đến các ngành thâm dụng lao động, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập và khả năng trả nợ của nhóm khách hàng cốt lõi. Ngành tài chính tiêu dùng vốn tập trung vào tệp khách hàng có thu nhập thấp và chưa được các ngân hàng khai thác, nên rất nhạy cảm với các biến động kinh tế và rủi ro gian lận. Phân tích của VIS Rating cho thấy có tới 75% khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng thuộc nhóm thu nhập trung bình, phổ thông và thấp (dưới 15 triệu VNĐ/tháng).
Bên cạnh đó, tâm lý người tiêu dùng vẫn còn thận trọng trong bối cảnh kinh tế bất ổn. Theo khảo sát, tỷ lệ người tiêu dùng "thận trọng" (tài chính không bị ảnh hưởng nhưng cẩn trọng trong chi tiêu) được dự báo sẽ tăng từ 37% trong Quý 1/2024 lên 42% vào Quý 1/2025. Những bất ổn kinh tế này được dự báo sẽ làm giảm nhu cầu tín dụng nói chung.
Để ứng phó với rủi ro gia tăng, một xu hướng rõ nét là các công ty đang chủ động thay đổi chiến lược kinh doanh theo hướng thận trọng hơn. Cụ thể:
Chuyển đổi danh mục cho vay: Nhiều công ty như FE CREDIT, Mirae Asset (Việt Nam), và Shinhan Finance đang chuyển dịch sang các phân khúc được xem là có rủi ro thấp hơn như cho vay mua hàng tiêu dùng và xe hai bánh thông qua hợp tác với các chuỗi bán lẻ.
Thắt chặt tiêu chuẩn cho vay: Các tiêu chuẩn cho vay đang được siết chặt hơn thông qua việc rút ngắn kỳ hạn và giảm quy mô các khoản vay. Một số đơn vị như Home Credit Việt Nam đã hạn chế cho khách hàng mới vay tiền mặt, trong khi FE CREDIT và Mcredit điều chỉnh sản phẩm thẻ tín dụng để khuyến khích chi tiêu dựa trên nhu cầu tiêu dùng thực tế.
Ứng dụng công nghệ và dữ liệu: Nhằm nâng cao khả năng sàng lọc khách hàng và phát hiện gian lận sớm, các công ty đang tích cực ứng dụng dữ liệu từ bên thứ ba. Điển hình là Mcredit đã hợp tác để sử dụng dữ liệu từ Bộ Công an.
Sự chuyển dịch này sẽ dẫn đến sự phân hóa: những công ty tập trung vào phân khúc rủi ro thấp như Home Credit Việt Nam (HCVN) và HD SAISON có khả năng duy trì sự ổn định, trong khi các công ty có tỷ trọng cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng cao như Mcredit, FE CREDIT, và SHBFinance sẽ phải đối mặt với rủi ro tài sản cao hơn.

VIS Rating cho rằng nhiều công ty chuyển sang cho vay hàng tiêu dùng và xe hai bánh rủi ro thấp hơn
VIS Rating kỳ vọng lợi nhuận toàn ngành sẽ có sự cải thiện nhẹ, với tỷ suất lợi nhuận trên tài sản bình quân (ROAA) tăng lên nhờ biên lãi ròng (NIM) ổn định từ hoạt động cho vay tiêu dùng có lợi suất cao.
Tuy nhiên, các công ty tập trung vào cho vay tiền mặt sẽ có tốc độ phục hồi chậm hơn. Nguyên nhân là do các công ty này có khả năng phải đối mặt với chi phí tín dụng ở mức cao do rủi ro tài sản gia tăng. So với các ngân hàng, tỷ lệ nợ quá hạn và rủi ro tín dụng của các công ty tài chính tiêu dùng luôn ở mức cao hơn đáng kể do đặc thù tệp khách hàng và tỷ trọng cho vay tín chấp lớn.
Thanh khoản và nguồn vốn vẫn là những điểm yếu cố hữu của ngành. Các công ty tài chính tiêu dùng phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn trên thị trường, vốn rất nhạy cảm với niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là các nguồn vốn ngắn hạn.
Trong bối cảnh này, sự hỗ trợ từ các cổ đông, đặc biệt là các ngân hàng mẹ, đóng vai trò then chốt. Để hạn chế rủi ro thanh khoản, các công ty đang tăng cường tận dụng hỗ trợ tài chính từ cổ đông, đồng thời nỗ lực đa dạng hóa nguồn vốn thông qua phát hành trái phiếu dài hạn và khai thác mạng lưới tiền gửi của ngân hàng mẹ. So với ngân hàng, các công ty tài chính có năng lực tín nhiệm độc lập thấp hơn và khả năng nhận hỗ trợ từ Chính phủ cũng hạn chế hơn, điều này càng làm nổi bật tầm quan trọng của sự hậu thuẫn từ cổ đông.
M.H