Nữ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đầu tiên
13/11/2020 lúc 08:00 (GMT)

Nữ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đầu tiên

Ngày 12-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng, giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hồng làm Thống đốc thay cho người tiền nhiệm là ông Lê Minh Hưng đã được phân công giữ chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ảnh: Ngân hàng Nhà nước cung cấp

 

Bà Nguyễn Thị Hồng sinh năm 1968, quê Hà Nội. Bà có gần 30 năm công tác trong ngành ngân hàng. Từ vị trí đầu tiên khi bước chân vào ngành ngân hàng là chuyên viên Vụ Quản lý ngoại hối, kinh qua nhiều vị trí và chính thức đảm nhận vị trí Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước từ tháng 8-2014 đến nay.

Trước khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Thống đốc NHNN, bà Hồng là nữ phó thống đốc duy nhất trong ban lãnh đạo NHNN, cùng với 3 phó thống đốc đồng cấp khác gồm ông Nguyễn Kim Anh, ông Đào Minh Tú và ông Đoàn Thái Sơn.

Bà Hồng được phân công phụ trách lĩnh vực chính sách tiền tệ, tín dụng, dự báo, thống kê; theo dõi diễn biến thị trường tiền tệ trong và ngoài nước; theo dõi và quản lý thị trường vàng, ngoại hối… Bà cũng là người được giao phụ trách công tác thông tin tuyên truyền, báo chí và là người phát ngôn của NHNN.

Bà Hồng từng được Huân chương Lao động Hạng Ba năm 2012, Bằng khen Thủ tướng năm 2010. 

Năm 2019, bà Hồng được Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Bà Nguyễn Thị Hồng tại hội nghị cấp cao NHNN - IMF. Ảnh: Ngân hàng Nhà nước cung cấp
          

Trong nhiệm kỳ vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng và các phó thống đốc, trong đó có bà Nguyễn Thị Hồng, đã đạt những thành tích nổi bật trong hoạt động quản lý thị trường vàng, tỉ giá và đặc biệt là dự trữ ngoại hối tăng liên tục.

          

Trong nhiệm kỳ vừa qua, từ năm 2016 đến nay, ở những thời điểm thị trường thuận lợi, NHNN đã mua ngoại tệ từ tổ chức tín dụng để củng cố dự trữ ngoại hối, phối hợp đồng bộ các biện pháp, công cụ chính sách tiền tệ, bao gồm cả chủ động truyền thông định hướng thị trường, bán ngoại tệ can thiệp một cách linh hoạt, phù hợp để ổn định thị trường ngoại tệ khi tỷ giá chịu nhiều áp lực. Hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất thị trường và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

 

Nếu cuối năm 2016, dự trữ ngoại hối mới ở mức hơn 41 tỉ USD, con số này đã tăng dần qua từng năm và tính đến tháng 9-2020 ở mức 92 tỉ USD. Nếu đạt con số 100 tỉ USD vào cuối năm nay, dự trữ ngoại hối đã tăng hơn gấp đôi sau 5 năm.

Một điểm sáng khác của NHNN thời gian qua là điều hành đồng bộ các giải pháp để duy trì ổn định và giảm mặt bằng lãi suất. 

Từ năm 2016 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm 2-2,5 điểm % các mức lãi suất điều hành, giảm 0,8-1,5 điểm % trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 2,5 điểm %/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Trong đó, chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô cắt giảm tương đối mạnh.

Với tỉ giá, NHNN điều hành phù hợp với cân đối kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường trong và ngoài nước, thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. 

Ảnh: Ngân hàng Nhà nước cung cấp

Tỉ giá trung tâm được công bố hàng ngày trên cơ sở tham chiếu diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ góp phần ổn định tỉ giá và thị trường ngoại tệ trong nước. VNĐ ổn định hơn nhiều so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại.

Các cơn "sốt vàng" cũng không còn xuất hiện thời gian qua, được xem là một dấu ấn tiếp theo trong công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước

Giai đoạn 2016-2020, khi triển khai giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, NHNN không phải sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu vàng can thiệp thị trường. Tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế tiếp tục được hạn chế.

Thái Phương
Anh Thanh

Theo Người Lao động

Ảnh: Ngân hàng Nhà nước cung cấp