Còn nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có thể đạt Thương hiệu quốc gia
01/10/2024 lúc 10:25 (GMT)

Còn nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có thể đạt Thương hiệu quốc gia

Phóng viên: Vào năm 2022, đã có tới 8 thành viên của VNBA có sản phẩm đạt danh hiệu Thương hiệu quốc gia, mang lại niềm tin lớn với thị trường. Xin ông chia sẻ, VNBA đã thực hiện những biện pháp gì để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò và nhu cầu cần thiết của việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu cho các thành viên Hiệp hội?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Theo tôi được biết thì hội viên của Hiệp hội Ngân hàng đạt Thương hiệu quốc gia có 8 đơn vị, bao gồm Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Nông nghiệp Việt Nam (Agribank), Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên phong (TPBank), Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) và Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPay).

Đây là vinh dự lớn cho chính các hội viên của chúng tôi, song tôi nghĩ còn nhiều tổ chức tín dụng rất có uy tín và được người dân tin dùng nhiều sản phẩm dịch vụ cũng có thể đạt Thương hiệu quốc gia, nhưng chưa rõ lý do tại sao các tổ chức tín dụng này chưa đạt. Bởi thực tế hiện nay các ngân hàng tập trung nguồn lực chuyển đổi số, đổi mới phong cách giao dịch, coi khách hàng là trung tâm… Vì vậy ngân hàng nào cũng nâng cao tiện ích phục vụ khách hàng với chất lượng tốt nhất, an toàn nhất và cố gắng tạo niềm tin với khách hàng.

Ban tổ chức và các đội thi nhận giải thưởng cuộc thi Nét đẹp Banker cùng chụp ảnh lưu niệm tập thể
Ban tổ chức và các đội thi nhận giải thưởng cuộc thi Nét đẹp Banker cùng chụp ảnh lưu niệm tập thể

Nhằm giúp các hội viên nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động, từ đó nâng cao vị thế, hình ảnh, uy tín của các hội viên, thời gian qua, VBA đã thường xuyên tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn với các nội dung phong phú, đa dạng để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm hoạt động cho các hội viên. Các diễn đàn này còn là cơ hội để các ngân hàng kết nối, trao đổi kinh nghiệm với nhau, học hỏi những mô hình thành công và cùng nhau nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đáng chú ý chúng tôi còn ban hành Bộ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng, trên cơ sở đó các ngân hàng hội viên xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp hơn với đặc điểm của từng ngân hàng với mục đích xây dựng thương hiệu hình ảnh của từng ngân hàng. Vừa qua, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Ngân hàng chúng tôi đã tổ chức cuộc thi chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng trong toàn hệ thống và đã có trên 225.000 cán bộ tham gia.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Ngân hàng còn hợp tác với các tổ chức quốc tế tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ ngân hàng, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi hơn trong việc xây dựng và quản lý thương hiệu. Đồng thời, Hiệp hội Ngân hàng đẩy mạnh công tác truyền thông, hỗ trợ các hội viên quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, nâng cao uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Ban tổ chức và các đội thi nhận giải thưởng cuộc thi Nét đẹp Banker cùng chụp ảnh lưu niệm tập thể

Phóng viên: Việc các thành viên thuộc Hiệp hội có sản phẩm đạt danh hiệuThương hiệu quốc gia đã mang lại những lợi ích gì cho các thành viên này, cụ thể hơn trong việc mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Việc nhận được chứng nhận sản phẩm Thương hiệu quốc gia giúp các hội viên Hiệp hội nâng cao uy tín, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm và tăng cường sức cạnh tranh, đồng thời cũng cho thấy sự ghi nhận đánh giá cao của các cơ quan Bộ ngành và cộng đồng với thương hiệu của sản phẩm thuộc lĩnh vực ngân hàng. Đây là một thành tựu đáng tự hào và là động lực để các hội viên Hiệp hội tiếp tục phát triển bền vững.

Thứ nhất, Thương hiệu quốc gia giúp nâng cao hình ảnh, uy tín và độ tin cậy của các hội viên. Chứng nhận Thương hiệu quốc gia là minh chứng rõ ràng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của các hội viên Hiệp hội. Việc được công nhận là Thương hiệu quốc gia sẽ giúp các hội viên tăng cường nhận diện thương hiệu trong lòng công chúng, tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh. Khách hàng sẽ có xu hướng tin tưởng và lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ của các hội viên đã được nhà nước công nhận, từ đó tăng cường lòng trung thành của khách hàng hiện tại và thu hút thêm khách hàng mới.

Thứ hai, Thương hiệu quốc gia giúpviên. Chứng nhận Thương hiệu quốc gia giúp ngân hàng nổi bật hơn so với các đối thủ, tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường; đồng thời giúp các hội viên dễ dàng tiếp cận các thị trường mới, đặc biệt là các thị trường khó tính, nơi mà chất lượng và uy tín được đặt lên hàng đầu; và mở rộng quy mô kinh doanh.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lào Buonluea Sinxayvora-vong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo cấp cao của Ngân hàng Trung ương Lào và IMF tổ chức tại Luang Prabang, Lào (tháng 4/2024)
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lào Buonluea Sinxayvora-vong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo cấp cao của Ngân hàng Trung ương Lào và IMF tổ chức tại Luang Prabang, Lào (tháng 4/2024)

Thứ ba, Thương hiệu quốc gia giúp phát triển sản phẩm của các hội viên. Chứng nhận Thương hiệu quốc gia là động lực thúc đẩy các hội viên không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để duy trì vị thế và danh tiếng của mình. Thành công của một sản phẩm được cấp chứng nhận Thương hiệu quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hội viên phát triển các sản phẩm mới, đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Để duy trì chứng nhận, các hội viên buộc phải liên tục cải tiến quy trình làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cuối cùng, Thương hiệu quốc gia viên. Các nhà đầu tư thường ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh, có uy tín và tiềm năng phát triển. Chứng nhận Thương hiệu quốc gia sẽ giúp các hội viên thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Phóng viên: Các hội viên Hiệp hội có sản phẩm được vinh danh Thương hiệu quốc gia đã nâng tầm vị thế ngành tài chính Việt Nam cũng như khẳng định vai trò của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Việc các hội viên Hiệp hội có sản phẩm được vinh danh Thương hiệu quốc gia là một kết quả đáng tự hào, khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của ngành tài chính Việt Nam và vai trò quan trọng của Hiệp hội Ngân hàng trong việc hỗ trợ các hội viên. Đây là động lực để ngành ngân hàng Việt Nam tiếp tục phấn đấu, vươn xa hơn nữa trong tương lai.

Điều này cũng góp phần giúp nâng tầm vị thế của ngành tài chính Việt Nam. Việc các hội viên Hiệp hội có sản phẩm đạt được danh hiệu Thương hiệu quốc gia cho thấy chất lượng sản phẩm, dịch vụ của ngành ngân hàng Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều này giúp tăng cường niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư trong và ngoài nước vào ngành tài chính Việt Nam, góp phần đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, tạo ra hiệu ứng lan tỏa, cảm hứng cho các ngân hàng khác trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới sản phẩm.

Ngoài ra, việc các hội viên có sản phẩm đạt được thành công cho thấy các hoạt động hỗ trợ của Hiệp hội Ngân hàng là đúng đắn và hiệu quả, giúp nâng cao uy tín của Hiệp hội Ngân hàng trong cộng đồng doanh nghiệp và xã hội. Qua đó, Hiệp hội Ngân hàng có thể thuận lợi hơn trong việc mở rộng hợp tác với các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngân hàng khác trên thế giới.

Phóng viên: Trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu, các hội viên Hiệp hội còn gặp phải những hạn chế, khó khăn nào? Ông có thể chia sẻ những câu chuyện “xương máu” trong ngành, đáng để rút ra bài học kinh nghiệm?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu, các hội viên Hiệp hội vẫn còn gặp phải một số hạn chế và khó khăn như sau:

Thị trường ngân hàng Việt Nam có sự cạnh tranh rất cao với sự tham gia của nhiều ngân hàng cả trong và ngoài nước. Nhiều ngân hàng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tương tự nhau, khiến việc tạo ra sự khác biệt và thu hút khách hàng trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, khách hàng ngày càng có yêu cầu cao hơn về chất lượng dịch vụ, sự tiện lợi và nhanh chóng, đồng thời dễ dàng tiếp cận thông tin và so sánh các ngân hàng, do đó rất dễ thay đổi lựa chọn.

Công nghệ phát triển nhanh dẫn đến ngân hàng phải liên tục cập nhật công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và cạnh tranh với các đối thủ. Chưa kể, việc áp dụng công nghệ mới cũng đồng nghĩa với việc đối mặt với nhiều rủi ro về an ninh mạng, bảo mật thông tin. Trong khi đó, khách hàng thường có thói quen sử dụng các dịch vụ nhất định và khó thay đổi. Có những khách hàng chưa hiểu rõ về các sản phẩm, dịch vụ mới của ngân hàng, dẫn đến việc tiếp cận khó khăn.

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu ngân hàng không chỉ là một quá trình đòi hỏi sự đầu tư lớn về tài chính mà còn là một hành trình đầy thử thách. Trên con đường đó, các ngân hàng đã trải qua không ít những câu chuyện "xương máu", rút ra những bài học quý giá.

Một số ngân hàng gặp khó khăn trong việc định vị thương hiệu của mình, dẫn đến thông điệp truyền thông không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng. Việc học hỏi và tham khảo mô hình của các ngân hàng khác là điều cần thiết, nhưng nếu chỉ đơn thuần sao chép mà không có sự sáng tạo và thích nghi với thị trường thì sẽ khó tạo nên sự khác biệt.

Có ngân hàng lại không đầu tư đúng mức vào xây dựng thương hiệu. Trường hợp này xảy ra ở một số đơn vị ưu tiên cắt giảm chi phí marketing và truyền thông để tăng lợi nhuận tức thời, dẫn đến việc thương hiệu bị mờ nhạt và mất đi sức cạnh tranh.

Ngoài ra thì vẫn còn tình trạng thiếu kế hoạch dài hạn trong xây dựng thương hiệu. Cần nhấn mạnh rằng việc xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và đầu tư liên tục. Ngân hàng nếu không có một kế hoạch dài hạn cho việc phát triển thương hiệu sẽ dẫn đến kết quả không như mong đợi.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng và Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và hoa chúc mừng cho Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tháng 5/2024
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng và Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và hoa chúc mừng cho Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tháng 5/2024
 

Phóng viên: Thưa ông, các ngân hàng có thể đặt ra kế hoạch phát triển và định vị thương hiệu của mình như thế nào? Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có phương pháp, định hướng gì để trợ giúp các ngân hàng trong quá trình đó?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Việc xây dựng và phát triển một thương hiệu ngân hàng là một quá trình đòi hỏi sự đầu tư và chiến lược bài bản. Mỗi ngân hàng căn cứ vào thuận lợi, khó khăn cũng như chiến lược phát triển của ngân hàng để xây dựng cho mình kế hoạch phát triển và định vị thương hiệu riêng. Dưới đây là một số gợi ý về cách các ngân hàng có thể đặt ra kế hoạch phát triển và định vị thương hiệu của mình:

Xác định rõ mục tiêu và định vị thương hiệu: Xác định rõ mục tiêu muốn đạt được trong ngắn hạn và dài hạn, ví dụ như tăng thị phần, cải thiện nhận thức thương hiệu, tăng lợi nhuận...; Xác định vị trí mà ngân hàng muốn chiếm giữ trong tâm trí khách hàng. Định vị có thể dựa trên các yếu tố như: đối tượng khách hàng, sản phẩm dịch vụ chủ lực, giá trị cốt lõi, lợi thế cạnh tranh... (Ví dụ: Ngân hàng A định vị là ngân hàng số, tập trung vào các dịch vụ ngân hàng điện tử, tiện ích và trải nghiệm khách hàng hiện đại; Ngân hàng B định vị là ngân hàng truyền thống, tập trung vào các dịch vụ ngân hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ…).

Thương hiệu quốc gia

Đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của ngân hàng và thị trường; nghiên cứu các ngân hàng đối thủ để tìm ra cơ hội cạnh tranh; hiểu rõ nhu cầu, mong muốn và hành vi của khách hàng để xây dựng các sản phẩm, dịch vụ và chiến lược phù hợp.

Xác định giá trị cốt lõi: Xác định những giá trị mà ngân hàng muốn truyền tải đến khách hàng, thí dụ như: uy tín, tin cậy, đổi mới, thân thiện...

Liên tục đổi mới và phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất để tạo sự hài lòng cho khách hàng.

Sử dụng nhiều kênh truyền thông khác nhau như: truyền hình, báo chí, mạng xã hội, Digital marketing... để tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả. Xây dựng các nội dung hấp dẫn, hữu ích và phù hợp với từng kênh truyền thông để thu hút sự chú ý của khách hàng. Tạo ra các kênh tương tác với khách hàng như: mạng xã hội, chatbot, hotline,... để lắng nghe và giải đáp thắc mắc của khách hàng.

Đào tạo nhân viên về kiến thức sản phẩm, kỹ năng giao tiếp, phục vụ khách hàng để đảm bảo chất lượng dịch vụ; tạo dựng một văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ, nơi mà tất cả nhân viên đều chia sẻ các giá trị cốt lõi của ngân hàng.

Khi xây dựng kế hoạch cũng cần lưu ý đến tính nhất quán, tính bền vững, tính linh hoạt. Điều này có nghĩa là tất cả các hoạt động truyền thông và marketing phải nhất quán với định vị thương hiệu; thương hiệu cần được xây dựng trên những giá trị cốt lõi bền vững nhưng cũng cần sẵn sàng điều chỉnh chiến lược khi cần thiết để thích ứng với những thay đổi của thị trường.

Theo Báo Nhân dân

https://special.nhandan.vn/nguyen-quoc-hung-vba-thqg/index.html