“Với góc độ là cơ quan quản lý trên địa bàn, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận thị trường tín dụng tiêu dùng ở TP.HCM có nhiều đơn vị cùng tham gia: ngân hàng thương mại, công ty tài chính và những khách hàng có nhu cầu vay vốn. Tín dụng tiêu dùng là hoạt động không thể thiếu trong đời sống hàng ngày, nên các tổ chức tín dụng cũng rất quan tâm.
Đến nay, tổng dư nợ tiêu dùng của TP.HCM đạt hơn 933.000 tỷ đồng, trong đó khối các công ty tài chính khoảng 104.000 tỷ đồng. Nếu tính dân số khoảng 9,2 triệu người (thống kê vào năm 2021), bình quân một người dân tiếp cận khoảng 102 triệu đồng, xét về chi tiêu của đời sống xã hội thì con số này rất thiết thực.
Tăng trưởng cho vay tiêu dùng cao trong những năm vừa qua, bình quân mỗi năm, tăng trưởng cho vay tiêu dùng trên địa bàn đạt khoảng 36%. Nếu năm 2018, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn thành phố khoảng 500.000 tỷ đồng thì đến nay, đã lên tới khoảng 933.000 tỷ đồng.
Năm 2022, tăng trưởng cho vay tiêu dùng tăng 21,9% so với năm trước là phù hợp với tình hình thực tiễn kinh tế của thành phố, đáp ứng nhu cầu lớn và thiết thực, lan tỏa tích cực tới kinh tế.
Hiện một số ngân hàng cũng phát triển cho vay tiêu dùng cá nhân phục vụ đời sống người dân, cho vay bán lẻ, kích cầu từ phía người tiêu dùng, kích cầu cho nền kinh tế, tăng trưởng, đầu tư. Một số ngân hàng cho vay kích cầu, tiêu dùng.
Cho vay tiêu dùng trung và dài hạn trong tổng dư nợ khu vực này chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng dư nợ. Xu hướng tiêu dùng hiện nay không còn dừng lại là cho vay tiêu dùng ngắn hạn, mà còn là trả nợ trong thời gian dài nên tỷ trọng cho vay trung và dài hạn có ý nghĩa tích cực đối với đời sống người dân, với thời hạn vay từ 10-15 năm.
Nếu phân theo mục đích vay vốn tiêu dùng thì vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở hiện nay chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng mức cho vay tiêu dùng là 65%, đây là nhu cầu chính đáng cần phải đáp ứng.
Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM luôn quán triệt tinh thần hướng thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển một cách an toàn, hiệu quả, bền vững; trong đó đặc biệt là vấn đề phòng chống tín dụng “đen”
Thứ nhất, cần tuyên truyền để người dân nhận thức đúng về tín dụng “đen” để không rơi vào vòng xoáy này thông qua tuyên truyền trực tiếp tại phường, xã, nhóm dân phố và tập trung đến nhóm người dân có nhu cầu vay như người lao động phổ thông, công nhân khu công nghiệp. Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang làm rất tốt chuyện này.
Thứ hai, hầu hết công nhân, người lao động làm việc trong giờ hành chính và các tổ chức cho vay như công ty tài chính, ngân hàng cũng làm việc trong giờ hành chính nên đã hạn chế tiếp cận các tổ chức tín dụng chính quy. Trong khi đó, các app và các loại hình cho vay không chính thức lại dễ tiếp cận, thủ tục nhanh gọn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận người vay tìm đến vay những nơi này, do đó cần tập trung giải quyết sự lệch pha nói trên.
Thứ ba, về nắm bắt thông tin, chúng tôi cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân (UBND) các quận huyện, đặc biệt là nơi tập trung các nhóm khách hàng vay như TP. Thủ Đức cần nắm bắt thông tin những app cho vay không chính thống, không rõ ràng hoạt động trên địa bàn để phối hợp với cơ quan công an có giải pháp xử lý.
Thứ tư, về chính sách chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước và UBND TP.HCM sẽ tiếp tục quan tâm, có các chương trình chủ trương, chính sách đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội thiết kế các gói vay dành cho công nhân lao động. Vừa rồi gói 120.000 tỷ đồng đang triển khai ở bốn ngân hàng thương mại nhà nước với lãi suất 8,7%/năm đối với vay đầu tư nhà ở xã hội, riêng cá nhân người vay hưởng mức lãi suất 8,2%/năm.
Về thu hồi nợ, các ngân hàng thương mại cần tuân thủ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 43 và Thông tư 39 về thu hồi nợ. Các ngân hàng thương mại cũng phải có quy định, hướng dẫn cụ thể và quan trọng là từng ngân hàng, công ty tài chính phải quan tâm, hướng dẫn nhân viên của mình, đồng thời phải phối hợp với các cơ quan, ban ngành để tránh cho vay nặng lãi.
Vừa rồi, UBND thành phố giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM phối hợp với Công an TP.HCM phòng chống tín dụng đen.
Thực tế, có chuyên gia cũng đặt vấn đề tổ chức tín dụng chuyển và nên ký hợp đồng đòi nợ cho các công ty đòi nợ thuê. Tôi cho rằng ký là một vấn đề nhưng phải kiểm soát việc họ đòi nợ có đúng các quy định pháp luật hay không, tránh việc khủng bố, đe doạ, lăng mạ người dân mới là quan trọng.
Về việc mua bán nợ cho vay tiêu dùng, chúng ta cũng nên đặt vấn đề có cần sàn giao dịch mua bán nợ không? Hiện Ngân hàng Nhà nước có công ty mua bán nợ VAMC, Bộ Tài chính có công ty mua bán nợ DATC và các ngân hàng thương mại đều có công ty mua bán nợ (AMC). Tôi cho rằng thị trường tài chính tiêu dùng nên có một sàn giao dịch mua bán nợ tiêu dùng. Tuy nhiên, nếu theo hướng này thì cần rà soát lại cơ sở pháp lý, phương thức mua bán nợ; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM sẽ ghi nhận các ý kiến và báo cáo cấp trên”.
“Trong bối cảnh nhiều người mất việc, cần tiền phải đi vay để tiêu dùng, mua sắm thì câu chuyện lãi suất cao đang là vấn đề rất nóng hổi hiện nay, dù là ở kênh chính thức hay không chính thức. Việt Nam có quy định lãi suất cho vay dân sự trên 20% được xem là lãi suất không hợp pháp nhưng trớ trêu, rất nhiều khoản vay tiêu dùng đều cao hơn mức này nhưng không thấy ai bị truy tố.
Luật thì có nhưng việc áp dụng luật chưa chặt chẽ, vì vậy lãi suất tín dụng có thể lên tới 20-30%; các tiệm cầm đồ, tín dụng đen còn tính lãi cao hơn rất nhiều, có thể lên đến vài trăm phần trăm.
Hiện nay, chưa có biện pháp, kế hoạch nào để kiểm soát vấn đề lãi suất. Bên cạnh đó, rất nhiều tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính áp dụng lãi và phí cộng lại rất cao.
Có loại lãi suất niêm yết trên giấy tờ, còn loại lãi suất cộng thêm tất cả các loại phí thì là lãi suất thật, có thể lên đến vài trăm %. Vẫn còn hiện tượng đi vay còn kèm theo hợp đồng bảo hiểm, cá nhân, chủ doanh nghiệp đi vay buộc phải mua thêm bảo hiểm. Có những ngân hàng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm khi cấp tín dụng. Tiệm cầm đồ cũng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm. Những tiệm cầm đồ, công ty tài chính, tín dụng đen cho vay lãi cao hơn rất nhiều; thậm chí có thể lên đến 100 hay 1.000%. Đây là vấn đề nóng mà chúng ta chưa kiểm soát được ở thời điểm hiện tại.
Về thu hồi nợ, đây là vấn đề nhiều người rất quan tâm. Cách đây nhiều năm, Ngân hàng Nhà nước không cho các tổ chức tín dụng dùng các công ty thu hồi nợ bên ngoài để hỗ trợ đòi nợ. Tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên xem xét lại quy định này. Lý do là các công ty thu hồi nợ có chuyên môn, thu hồi nợ chuyên nghiệp hơn so với nhân viên tổ chức tín dụng vốn không được đào tạo bàn bản về thu hồi nợ.
Việt Nam hiện nay đã có thị trường mua bán nợ doanh nghiệp do Công ty quản lý tài sản (VAMC) quản lý và có sàn mua bán nợ riêng. Còn đối với các món vay tiêu dùng vẫn chưa có sàn giao dịch mua bán nợ. Vì vậy, tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên có định hướng mở sàn giao dịch nợ vay tiêu dùng.
Vấn đề là làm sao có công ty trung gian có thể đóng gói các món vay nhỏ từ một hoặc nhiều ngân hàng để đưa lên sàn. Làm sao cho việc chuyển nhượng tài sản thế chấp được thuận lợi, dễ dàng hơn.
Một vấn đề quan trọng nữa là giáo dục tài chính cho tất cả mọi người. Nên có chương trình giáo dục tài chính đại trà, cung cấp kiến thức cơ bản về tài chính cho mọi người dân hiểu tại sao phải mở tài khoản ở ngân hàng, tín dụng “đen” là gì, vì sao cần có tài sản thế chấp khi vay vốn...”.
“Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh vừa nhận được báo cáo của 10/12 hội viên, cho thấy, các hội viên đã thực hiện và tuân thủ khá đúng về lĩnh vực cho vay tiêu dùng.
Các quy định hiện tại gồm Thông tư 43 và Thông tư 18 ban hành (quy định chi tiết về quy trình cho vay, lãi suất, văn hóa thu hồi nợ,…) các công ty thực hiện khá nghiêm tục.
Tuy nhiên, 7/10 công ty tài chính báo cáo đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, hiện chưa có kết luận. Cả nước hiện có 16 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép, trong khi các app không được cấp phép rất nhiều, gây ảnh hưởng những công ty chính thống khiến họ bị đánh đồng, bị ngộ nhận, bị ảnh hưởng thương hiệu. Thậm chí, công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp, được cấp phép quản lý đang bị đánh đồng với tín dụng “đen”.
Hoạt động cho vay và thu hồi nợ quý I/2023 tăng trưởng thấp, có công ty tài chính sụt giảm cả cho vay và thu hồi nợ. Giai đoạn 2016-2022, các công ty tài chính phát triển rất tốt, tăng trưởng19-20%, chiếm 14-15% tổng dư nợ chung, cao hơn tăng trưởng chung nhưng quý I/2023 ngược lại.
Khó khăn tiếp theo là đội ngũ chính thống nghỉ việc nhiều, khó tuyển dụng do rủi ro nghề nghiệp, định kiến xã hội; do khách hàng vay tiêu dùng dưới chuẩn, chây ì trả nợ, khi nhân viên tài chính nhắc, họ còn đe dọa ngược lại.
Để thị trường cho vay tiêu dùng tăng trưởng trở lại, hạn chế tín dụng “đen”, chúng tôi cho rằng, cần tăng cường giải pháp tuyên truyền, tránh để khách hàng gây ngộ nhận công ty tài chính tiêu dùng hợp pháp và đơn vị hoạt động trái pháp luật.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần công bố danh sách các doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng được cấp phép, có quản lý để người dân có nhìn nhận tốt hơn. Đồng thời, phải truyền thông mạnh mẽ nghĩa vụ người đi vay cũng như các rủi ro khi trả nợ không đúng hạn.
Các công ty tài chính nên tiếp tục quảng bá hình ảnh là công ty chính thống hợp pháp. Đồng thời, cần đưa ra nhiều sản phẩm phong phú, hữu ích cho khách hàng, đặc biệt là cung cấp các gói vay trả góp, mở rộng mạng lưới, gia tăng tiếp cận dịch vụ đối với công nhân các khu công nghiệp và người dân vùng sâu vùng xa”.
“Theo xu hướng phát triển của thế giới, tín dụng tiêu dùng của Việt Nam đã phát triển khá mạnh mẽ trong thời gian qua. Một bộ phận giới trẻ cũng tìm tới vay tiêu dùng ngày càng nhiều. Đây là thị trường mà các ngân hàng thương mại và công ty tài chính hướng đến. Eximbank cũng không ngừng đa dạng hóa các sản phẩm của mình, nhất là đối với khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, giai đoạn hậu Covid-19, khách hàng doanh nghiệp và cá nhân gặp khó khăn, khi thu nhập giảm sút,… xu hướng nợ quá hạn, nợ xấu tăng và đây là thực tế mà các công ty tài chính, ngân hàng phải đối diện.
Trong thời gian dịch Covid-19, chúng tôi đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số khách hàng khả năng khó phục hồi nguồn thu thì chúng tôi khuyến khích khách hàng bán bớt tài sản, trả bớt nợ.
Đối với một số khách hàng không có khả năng trả nợ, chúng tôi buộc phải có biện pháp mạnh hơn như khởi kiện ra tòa. Dù vậy, quan điểm của chúng tôi là thu hồi nợ đúng quy định pháp luật, không thuê dịch vụ thu hồi nợ từ bên thứ ba để xử lý, trong bất kỳ khó khăn nào, ngân hàng vẫn muốn đồng hành cùng khách hàng”.
“Trong điều kiện mức lương hiện tại, người lao động chưa có nhu cầu vay mua nhà nhiều, chủ yếu là vay để tiêu dùng và việc cấp bách. Người lao động gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vay và e ngại lãi suất cao. Nhu cầu vay tiêu dùng của công nhân hiện nay rất lớn do tất cả người lao động đang gặp khó khăn. Có 2 đối tượng vay, gồm thanh niên có nhu cầu vay cho mục đích tiêu dùng cá nhân và người có gia đình vay để kịp thời giải quyết những vấn đề khó khăn bất trắc trong cuộc sống.
Về lãi suất vay, chúng tôi đề xuất các tổ chức tín dụng có khảo sát các đối tượng công nhân và thiết kế lãi suất phù hợp hơn. Hiện nay công nhân lao động thu nhập thấp đang phải trả lãi suất cao, dẫn đến nhiều người chưa thật sự tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng.
Tổ chức công đoàn có thuận lợi là có các công đoàn cơ sở nên chúng tôi bảo đảm an toàn tới 80% khách hàng trả nợ đúng cam kết đối với đơn vị cho vay. Chúng tôi cung cấp danh sách người lao động khó khăn, có nhu cầu vay vốn, tới từng hộ ở trọ xem nhu cầu thật sự của họ, từ đó đề xuất khách hàng cho các công ty tài chính xem xét cho vay.
Vừa qua, có một số vấn đề không hay trên thị trường tài chính tiêu dùng cũng ảnh hưởng đến tâm lý người vay.
Về gói 120.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, trên thực tế người lao động chưa tiếp cận được gói này. Gói hỗ trợ thì lãi suất phải thật sự hỗ trợ, các đơn vị, vậy ngân hàng nên cân đối các hình thức, lãi suất, để mang đúng chủ trương của chính sách là hỗ trợ cho người lao động trong lúc khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch của người lao động trong xã hội.
Không một ai nghĩ rằng vay tiêu dùng xong thành nợ xấu, ai vay cũng đều mong muốn trả được nợ. Nếu lãi suất quá cao hoặc các hình thức vay quá khó khăn thì người lao động không tiếp cận được, hoặc vay rồi không trả nổi mới chuyển sang chiều hướng xấu. Do đó, hãy nhìn người lao động với cái nhìn hỗ trợ và để cùng thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng phát triển bền vững”.
“Lượng công nhân do TP. Hồ Chí Minh quản lý tương đối lớn, khoảng 300.000 công nhân, chủ yếu là người nhập cư, khoảng 70% là công nhân ở trọ. Hiện nay, kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập và đời sống của 17 khu công nghiệp chế xuất trên địa bàn thành phố. Với mức lương từ 5-15 triệu đồng, họ phải chi trả nhà ở, ăn uống, học tập của con cái, do đó, việc tiếp cận dịch vụ tài chính tiêu dùng là nhu cầu cấp thiết.
Chúng tôi rất trân trọng Tổ chức tài chính vi mô CEP đã đồng hành thông qua 12 chi nhánh tại 17 khu chế xuất, khu công nghiệp cho công nhân vay với lãi suất vay ưu đãi, thủ tục đơn giản.
Tuy nhiên, hoạt động này chỉ đáp ứng ở mức độ nhất định. Hiện tại mới có 170.000 công nhân vay tại quỹ CEP, với dư nợ 250 tỷ đồng. Chúng tôi biết đó là nỗ lực lớn của quỹ CEP.
Bởi vậy, chúng tôi mong muốn đồng hành cùng các tổ chức tài chính, làm sao để công nhân dễ dàng tiếp cận vay tiêu dùng với lãi suất hợp lý nhằm ổn định cuộc sống. Bởi lẽ họ có đặc điểm khó khăn tiếp xúc bên ngoài khi đi làm từ thứ hai đến thứ bảy, chủ nhật mới nghỉ”.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 21-2023 phát hành ngày 22-05-2023.