Khi nói về ngân hàng, người ta thường nhấn mạnh vai trò quan trọng của nó là "huyết mạch" của nền kinh tế. Sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng quyết định đến sự an toàn, ổn định của nền kinh tế. Ngược lại, sự đổ vỡ của hệ thống ngân hàng ảnh hưởng đến lợi ích của hàng triệu người gửi tiền, đến hoạt động của các doanh nghiệp khác và tác động rất lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Hoạt động ngân hàng là một loại hình kinh doanh đặc biệt, chứa đựng nhiều rủi ro, đó là kinh doanh tiền tệ, kinh doanh trên cơ sở chữ “tín”. Do vậy, người làm ngân hàng cũng phải ý thức rõ được đặc thù nghề nghiệp, phải tuân theo những yêu cầu và chuẩn mực khắt khe về kiến thức, kinh nghiệm, đạo đức và tâm thức đúng với nghề của mình.
Vấn đề đạo đức nghề nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng, là một trong những giá trị cốt lõi đối với ngành Ngân hàng. Vì vậy, nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng đã có những quy định, quy tắc ứng xử đạo đức trong hoạt động kinh doanh của riêng mình. Tuy nhiên, dường như những bộ quy tắc đó vẫn có những điểm không đồng bộ và chưa đầy đủ.
Tôi còn nhớ, đầu năm 2018, tại Hội nghị Triển khai công tác ngành Ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giao nhiệm vụ trực tiếp cho Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam xây dựng ban hành một bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp với phạm vi lan toả trong toàn ngành.
Trên cơ sở lấy ý kiến từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nước, tham khảo kinh nghiệm từ một số ngân hàng nước ngoài, đồng thời nghiên cứu thêm những bộ quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của các bộ, ngành, các ngành nghề khác, Hiệp hội bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Bộ chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng (sau đây gọi tắt là “Bộ chuẩn mực”).
Yêu cầu đặt ra là Bộ chuẩn mực phải chứa đựng những đặc điểm chung nhất của nghề ngân hàng. Đó là sự tuân thủ; tạo dựng lòng tin và sự tín nhiệm; yếu tố con người. Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của đạo đức nghề ngân hàng và vinh dự được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tin tưởng giao nhiệm vụ, Cơ quan thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bắt tay ngay vào triển khai thực hiện. Những yêu cầu chung đó đã được cụ thể hóa đưa vào các nội dung Bộ chuẩn mực; được nghiên cứu, bổ sung, chắt lọc, chỉnh sửa nhiều lần.
Trong quá trình xây dựng, đã có nhiều buổi hội thảo, tọa đàm liên quan đến nội dung Bộ chuẩn mực được tổ chức và đã nhận được sự ủng hộ lớn từ các tổ chức hội viên, các cơ quan quản lý, các chuyên gia trong ngành.
Sau gần một năm nghiên cứu, soạn thảo nghiêm túc và đầy trách nhiệm, sau nhiều vòng tham vấn ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan, lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức hội viên, Hội đồng Hiệp hội xem xét thấu đáo từng nội dung, câu chữ và được sự chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ chuẩn mực đã được Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ký ban hành vào ngày 25/2/2019.
Với tinh thần chắt lọc những giá trị cốt lõi, những yêu cầu căn bản về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử đối với người cán bộ ngân hàng, Bộ chuẩn mực được xây dựng ngắn gọn, cô đọng, xúc tích, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, tạo thuận lợi cho việc tiếp thu và thực hành; trong đó, nêu 6 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp gồm: Tính tuân thủ; Sự cẩn trọng; Sự liêm chính; Sự tận tâm và chuyên cần; Tính chủ động, sáng tạo, thích ứng; Ý thức bảo mật thông tin và 2 quy tắc ứng xử gồm: Ứng xử trong nội bộ; Ứng xử với khách hàng và đối tác.
6 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và 2 quy tắc ứng xử có sự gắn kết, bổ trợ và tương tác lẫn nhau, đặt ra những yêu cầu về phẩm chất đạo đức và tư cách thiết yếu, đặc trưng cần có của người cán bộ ngân hàng. Trong đó, các chuẩn mực đạo đức là những phẩm chất, giá trị cốt lõi mà mỗi cán bộ ngân hàng cần rèn luyện để trang bị cho bản thân, phù hợp với đặc thù và yêu cầu của nghề ngân hàng. Các quy tắc ứng xử nhằm điều chỉnh các hành vi trong mối quan hệ bên trong (nội bộ ngân hàng) và bên ngoài (đối tác, khách hàng), là sự tương tác giữa cán bộ ngân hàng với môi trường hoạt động của mình, tạo nên hình ảnh, thương hiệu của ngân hàng trong mắt khách hàng và xã hội.
Sau khi ban hành, Bộ chuẩn mực được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị công bố một cách trang trọng và phát động phong trào thi đua cùng với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cán bộ ngân hàng trong quy mô toàn ngành. Tại buổi lễ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu lãnh đạo các cấp ngân hàng phải quán triệt tổ chức, thực hiện nghiêm túc, xem đây là một tiêu chí thi đua, chấm điểm hoạt động của đơn vị mình.
Về phía dư luận, Bộ chuẩn mực cũng được đánh giá cao, được đón nhận, hoan nghênh không chỉ trong ngành Ngân hàng mà còn lan toả ra ngoài ngành, thậm chí là các tổ chức quốc tế. Họ cho rằng, đây là Bộ chuẩn mực rất ý nghĩa, rất ngắn gọn, rất xúc tích nhưng đã nêu bật được những giá trị cốt lõi của người làm nghề ngân hàng, những phẩm chất đạo đức cán bộ ngân hàng cần phải có. Một số đơn vị ở ngoài ngành, hiệp hội, đối tác đã đến Hiệp hội với mong muốn được tìm hiểu, học hỏi. Đây là điều khiến những người tham gia xây dựng nên Bộ chuẩn mực rất vui và tự hào.
Đặc biệt, vui nhất là các ngân hàng, tổ chức hội viên đón nhận tích cực. Đây là cơ sở để nhiều tổ chức tín dụng xây dựng được quy định quản lý trong nội bộ tốt hơn. Hơn nữa, đây là tài liệu quan trọng để tổ chức tín dụng cập nhật, trang bị cho không chỉ riêng cán bộ nhân viên tân tuyển, mà còn cho các cán bộ quản lý các cấp của ngân hàng.
Kể từ khi ban hành cho đến thời điểm hiện nay, năm nào Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng yêu cầu đưa Bộ chuẩn mực vào phát động thi đua toàn ngành để nhân rộng, lan toả.
Để Bộ chuẩn mực đi vào nhận thức và hành động của mỗi cán bộ ngân hàng thì phải có quá trình, đi từ “thấm” mới đến “ngấm”. Trong quá trình đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, như: Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Bộ chuẩn mực đến từng cán bộ, nhân viên ngân hàng để nắm, ghi nhớ và có ý thức tu dưỡng, rèn luyện; Vận động các tổ chức tín dụng, tổ chức hội viên triển khai Bộ chuẩn mực dưới nhiều hình thức thích hợp tại đơn vị mình; Triển khai việc đào tạo, tập huấn nội dung Bộ chuẩn mực. Đặc biệt có ý nghĩa thiết thực là việc Hiệp hội dày công nghiên cứu, thiết kế và phát hành “Cuốn sổ tay Bộ chuẩn mực” với câu chữ được chắt lọc ngắn gọn, dễ hiểu, kèm các hình ảnh minh họa sinh động, đẹp mắt về các nội dung Bộ chuẩn mực. Đồng thời phối hợp với Vietcombank xây dựng bộ bài giảng E-learning và đăng tải công khai trên các phương tiện truyền thông, giúp cho việc tiếp cận Bộ chuẩn mực dễ dàng, thuận lợi và hiệu quả hơn.
Sau 5 năm triển khai và thực hiện, có thể thấy được tầm ảnh hưởng của Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng đối với ngành rất rõ nét. Rất nhiều kết quả đã đạt được trong thời gian qua, gần đây nhất là sự lan toả sâu rộng Bộ Chuẩn mực thông qua Cuộc thi “Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp” trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Điều này làm cho cán bộ ngân hàng nhận thức được sự cần thiết và phải thực hiện tốt Bộ chuẩn mực. Bộ chuẩn mực đã trở thành hành trang luôn mang theo bên mình của người làm ngân hàng.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tôi vui mừng và xúc động được kể lại một dấu ấn khó quên mà tôi vinh dự được tham gia cùng tập thể Cơ quan thường trực, góp phần vào kết quả và thành công chung của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Trải qua chặng đường 30 năm với biết bao khó khăn, thử thách, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hôm nay đã trở thành một hiệp hội lớn mạnh tại Việt Nam, có tiếng nói quan trọng trong xã hội. Không dừng lại ở đó, tiếng nói của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã vươn ra quốc tế. Hy vọng rằng, trong chặng đường phát triển tiếp theo, vai trò, vị thế, ảnh hưởng, uy tín của Hiệp hội sẽ ngày càng được khẳng định, nâng tầm. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ ngày càng gặt hái được nhiều thành tựu, xứng đáng là ngôi nhà chung của các tổ chức hội viên, là nơi góp phần giữ gìn chữ “tín”, là nơi gửi gắm niềm tin.
Nguồn: thitruongtaichinhtiente