
VPBank miễn nhiệm một phó tổng giám đốc sau hơn 10 năm gắn bó
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) vừa thông báo về việc miễn nhiệm ông Nguyễn Thành Long khỏi vị trí Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Pháp chế và Kiểm soát tuân thủ kể từ ngày 1/7/2025 vì lý do cá nhân.
Ông Long là thạc sĩ luật học, tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội. Ông có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp chế và quản trị tuân thủ tại nhiều tổ chức tài chính lớn. Trước khi gia nhập VPBank, ông từng giữ các vị trí quan trọng như Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Ngân hàng Nhà nước, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối pháp chế tại Techcombank và Phó tổng giám đốc phụ trách khối pháp chế, giám sát và xử lý nợ tại TPBank.
Ông Long gắn bó với VPBank từ năm 2014, đảm nhận vai trò phó tổng giám đốc kiêm giám đốc khối pháp chế và kiểm soát tuân thủ của ngân hàng này trong hơn 10 năm.
Ban Điều hành VPBank hiện có tổng cộng 9 thành viên. Sau khi ông Long rời vị trí, ban tổng giám đốc ngân hàng này hiện còn lại 8 người, trong đó ông Nguyễn Đức Vinh tiếp tục giữ vai trò Tổng giám đốc VPBank.
Về tình hình kinh doanh tại VPBank, quý 1/2025, ngân hàng này ghi nhận bức tranh tích cực với thu nhập lãi thuần đạt gần 13.356 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, các nguồn thu ngoài lãi cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, góp phần giúp ngân hàng duy trì đà tăng lợi nhuận, bất chấp chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 16%, lên 6.677 tỷ đồng.
Khép lại quý đầu năm, VPBank báo lãi trước thuế gần 5.015 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.935 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 25%.
Theo báo cáo cập nhật triển vọng kinh doanh do Chứng khoán MB (MBS) công bố cuối tháng 6/2025, VPBank được dự báo sẽ ghi nhận lợi nhuận quý 2/2025 tăng trưởng 39% so với cùng kỳ. Lũy kế cả năm 2025, lợi nhuận của ngân hàng này được kỳ vọng tăng khoảng 26%.
Theo MBS, tăng trưởng tín dụng của VPBank trong quý 2 có thể đạt khoảng 12%. Biên lãi ròng (NIM) được ước tính giữ ổn định ở mức 5,9% so với quý trước, dù thấp hơn so với cùng kỳ năm trước do nền so sánh cao.
Trong cơ cấu cho vay, phân khúc khách hàng doanh nghiệp tiếp tục đóng vai trò chủ lực, đặc biệt là các khoản vay phục vụ hoạt động thương mại và xây dựng. Cho vay cá nhân vẫn chủ yếu tập trung vào mảng vay mua nhà, trong khi các mảng như cho vay margin và tín dụng tiêu dùng dự kiến sẽ chưa thể tăng trưởng mạnh cho tới khi có kết quả đàm phán liên quan đến các điều kiện tín dụng.
Về chất lượng tài sản, MBS ước tính chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý II sẽ vượt 9.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Áp lực trích lập chủ yếu đến từ các khoản nợ xấu trong mảng cho vay tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh các chính sách siết chặt quản lý hóa đơn và kiểm soát hàng hóa gian lận ngày càng được đẩy mạnh.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VPBank có thể hoàn thành khoảng 44% kế hoạch lợi nhuận năm, tương đương mức tăng trưởng ước đạt 32,6% so với cùng kỳ năm 2024.