tài chính xanh
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng

Ngày 15/7, Ủy ban Chính sách trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức Tọa đàm “Hoàn thiện khung pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng liên quan đến tài chính xanh”.

Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh ngành Ngân hàng chủ động triển khai thực hiện kế hoạch đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới theo tinh thần Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 140/NQ-CP của Chính phủ.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thời gian qua, Đảng, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến vấn đề về tăng trưởng xanh. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Chính phủ đã ban hành khung pháp lý, chiến lược phát triển thị trường tài chính xanh và một số nghị định triển khai. Mới đây, ngày 4/7/2025, Thủ Tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2025/QĐ-TTg quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh.

Nhấn mạnh ngành Ngân hàng là một trong những đơn vị đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu này, TS. Nguyễn Quốc Hùng thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động công bố Sổ tay hướng dẫn hệ thống quản lý rủi ro môi trường – xã hội (ESMS) trong hoạt động cấp tín dụng. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xác định vai trò quan trọng của nguồn vốn tín dụng trong thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia và tập trung đầu tư vốn trong lĩnh vực tài chính xanh. Các TCTD đã rất chủ động phối hợp, tạo điều kiện và đầu tư vốn cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực đảm bảo an toàn về môi trường. Trong 10 năm trở lại đây, ngành Ngân hàng đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực về tăng trưởng xanh.

tài chính xanh
Quang cảnh tọa đàm.

Bản thân chính các TCTD cũng thực hiện rất nghiêm túc việc xanh hóa, giảm phát thải trong quá trình hoạt động của mình như: sử dụng năng lượng hiệu quả, áp dụng các biện pháp giảm rác thải tại nguồn, giảm lượng rác thải ra môi trường;...

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, quá trình triển khai phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản. Một trong những rào cản, thách thức lớn nhất hiện nay là khuôn khổ pháp lý vẫn chưa thật sự đồng bộ và hoàn thiện.

Tại tọa đàm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã gợi mở một số nội dung để các đại biểu tham dự cùng trao đổi, thảo luận, qua đó đề xuất kiến nghị các giải pháp tháo gỡ, gồm:

Thứ nhất, vốn ngân hàng là vốn tập trung, trong khi việc huy động nguồn lực tài chính cho mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 cần khoản đầu tư khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương 368 tỷ USD cho đến năm 2050 (theo báo cáo của Ngân hàng thế giới). Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn trong và ngoài nước thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực của kinh tế xanh.

Thứ hai, tiềm năng của chúng ta là rất lớn, ý chí và quyết tâm của các TCTD là rất lớn. Tuy nhiên, thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh. Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh là 20%/năm, cao hơn tăng trưởng tín dụng của toàn ngành kinh tế. Nhưng đến ngày 31/3/2025, có 58 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh và dư nợ mới đạt khoảng 704.200 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó tín dụng đối với năng lượng tái tạo, năng lượng sạch chiếm khoảng 37%; nông nghiệp sạch, xanh chiếm 29%. Trong 5 năm qua mới có 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành, còn rất khiêm tốn so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD trung bình mỗi năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh, dự án xanh.

Thứ ba, dữ liệu là công cụ hỗ trợ đắc lực cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, là “nguồn tài nguyên mới, một loại tài sản chiến lược” của quốc gia, cần cơ chế, chính sách để khai thác tối đa nguồn dữ liệu này.

Từ những vấn đề trên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhấn mạnh, tọa đàm cần tập trung làm rõ những tác động cụ thể của việc chưa đồng bộ, hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến tài chính xanh gây cản trở như thế nào đến quá trình phát triển tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của các TCTD; đồng thời, đưa ra đề xuất kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, các cơ quan quản lý, các địa phương, doanh nghiệp để sớm tháo gỡ, giải quyết để tài chính xanh nói chung và tín dụng xanh nói riêng phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, đóng góp hiệu quả và thành công cho các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của quốc gia mà Việt Nam đã đặt ra.