Quản lý rủi ro
Chị Nguyễn Thị Thái Linh - Chuyên viên Ban Quản lý rủi ro toàn hàng BIDV

Đây không chỉ là dấu ấn cá nhân đáng tự hào, mà còn cho thấy quyết tâm của BIDV trong việc hiện thực hoá mục tiêu trở thành ngân hàng “Xanh” tiên phong tại khu vực.

Hành trình hơn một năm rưỡi chinh phục đỉnh cao

Đạt chứng chỉ SCR là thành quả của gần 18 tháng miệt mài học tập và nỗ lực không ngừng nghỉ của chị Linh. Thời gian ôn luyện của chị thường bắt đầu sau khi kết thúc công việc vào buổi tối, kéo dài 4-5 tiếng liên tục cùng giảng viên nước ngoài.

Đằng sau thành công là vô vàn khó khăn: từ việc tiếp cận nguồn tài liệu còn khan hiếm tại Việt Nam, đến những đêm thức trắng giữ vững tinh thần với ly cà phê và lịch học dày đặc, trong khi vẫn đảm đương trách nhiệm công việc và gia đình.

“Tôi từng thi trượt chứng chỉ này một lần, nhưng chính thất bại ấy lại càng thôi thúc tôi chinh phục nó bằng được. Tôi cũng hy vọng mình sẽ mở đường cho các đồng nghiệp cùng chung đam mê quản trị rủi ro bền vững”, chị Linh chia sẻ.

Với nhiều ngân hàng lớn trên thế giới như Citibank, BNP Paribas hay HSBC, chứng chỉ SCR đã trở thành tiêu chuẩn cho các chuyên gia quản lý rủi ro ESG. Nội dung học bao quát các vấn đề cốt lõi về biến đổi khí hậu, quản trị rủi ro khí hậu, môi trường và phương pháp lồng ghép chúng vào các quy trình tài chính - tín dụng.

“Động lực lớn nhất thôi thúc tôi thi chứng chỉ này chính là mục tiêu phát triển BIDV thành ngân hàng ‘Xanh’. Khi tổ chức đã chọn con đường phát triển bền vững, tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bằng chính chuyên môn của mình”, chị Linh nói.

Ba nhóm rủi ro ESG ngân hàng không thể xem nhẹ

Theo chị Linh, hiện BIDV cũng như nhiều tổ chức tín dụng khác đang đối diện ba nhóm rủi ro ESG quan trọng.

Thứ nhất, rủi ro chuyển đổi: Các quy định về giảm phát thải khí nhà kính ngày càng khắt khe, từ thuế carbon biên giới của châu Âu (CBAM) đến việc Việt Nam đã ban hành hạn ngạch phát thải cho các ngành sản xuất trọng điểm. Đây là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp, khách hàng vay vốn, đồng thời đòi hỏi ngân hàng chủ động nắm bắt và đồng hành.

Thứ hai, rủi ro vật lý do biến đổi khí hậu: Hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng… đang tác động trực tiếp đến các lĩnh vực ngân hàng cấp vốn nhiều như nông nghiệp, thủy sản, hạ tầng giao thông hay du lịch.

Cuối cùng là rủi ro danh tiếng: Nếu tiếp tục tài trợ cho các dự án không tuân thủ chuẩn mực ESG, ngân hàng có thể đối mặt với phản ứng tiêu cực từ thị trường và cộng đồng.

BIDV bồi dưỡng chuyên gia ESG, đẩy mạnh “xanh hóa”

Để quản trị tốt rủi ro ESG, theo chị Linh, cần hình thành đội ngũ “đầu tàu” trong từng bộ phận: “Mỗi đơn vị như quản lý rủi ro, thẩm định tín dụng, sản phẩm, chiến lược… nên có ít nhất 1-2 người hiểu sâu về ESG và tốt nhất là sở hữu chứng chỉ quốc tế phù hợp.”

Chị Linh cũng kiến nghị BIDV đẩy mạnh phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước để tổ chức các khoá đào tạo sát thực tế hơn. Đồng thời, thủ tục hỗ trợ chi phí thi các chứng chỉ quốc tế cũng cần được đơn giản hoá để tạo thêm động lực cho cán bộ.

Làm việc trong lĩnh vực rủi ro đã hình thành ở chị Linh một lối tư duy cẩn trọng ngay trong đời sống thường ngày. “Nhiều người bảo tôi ‘bệnh nghề nghiệp’ vì làm gì cũng tính toán rủi ro. Nhưng tôi nghĩ điều này không khiến mình sợ hãi, mà giúp mình sống chủ động hơn. Quan trọng nhất là hiểu rõ mức rủi ro có thể chấp nhận để dám bước ra khỏi vùng an toàn khi cần thiết.”

Sau cột mốc chứng chỉ SCR, chị Linh cho biết chị đang tìm kiếm các khoá học thực địa về nhận diện rủi ro môi trường - xã hội tại doanh nghiệp sản xuất và ấp ủ kế hoạch học cao học chuyên sâu về ESG. Mục tiêu lớn nhất vẫn là tiếp tục góp sức để BIDV trở thành ngân hàng “Xanh” tiên phong, lan tỏa văn hóa phát triển bền vững và quản trị rủi ro như một phần công việc thường nhật.

BIDV đang từng bước hiện thực hoá cam kết phát triển bền vững, và những cán bộ tiên phong như chị Linh chính là minh chứng rõ nét cho quyết tâm ấy.