Cuộc thi viết “Ngân hàng trong em” do Công đoàn Ngân hàng Việt Nam phát động đã được đoàn viên Công đoàn Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhiệt tình hưởng ứng. Đây là lần đầu tiên một sân chơi bổ ích, lý thú dành cho con của cán bộ đoàn viên trong cơ quan mang ý nghĩa thiết thực, hướng tới sự phát triển toàn diện, nhằm phát huy sự sáng tạo, phát triển kỹ năng viết, văn hóa đọc, khơi dậy tình cảm yêu thương chia sẻ, niềm tự hào hay sự cảm thông với nghề của các con dành cho bố/mẹ, người thân công tác trong ngành Ngân hàng.

Ngay khi công đoàn cấp trên triển khai kế hoạch cuộc thi, Công đoàn cơ quan đã sớm chỉ đạo Ban Nữ công phối hợp thành lập Ban Tổ chức cuộc thi của cơ quan, phổ biến thể lệ, tuyên truyền tới đoàn viên vận động các con tham gia cuộc thi. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều bài viết đạt đủ yêu cầu của Thể lệ về độ tuổi (từ 6 đến 15 tuổi), về loại hình sáng tác thơ, truyện ngắn, viết thư.

Sơ kết cuộc thi (vòng 1) tại cơ quan, Ban Tổ chức nhận xét, cuộc thi viết “Ngân hàng trong em” đã mang lại nhiều cảm xúc tự hào, yêu thương, sự trân trọng về ngành, nghề Ngân hàng của cha mẹ, với những ước mơ hồn nhiên, tình cảm trong sáng mà các con đã dành tặng cha mẹ, người thân của mình. Chỉ mới 6 tuổi, nhưng bé Nam Khôi có đã sự quan sát tinh tế “Bố mẹ làm Ngân hàng/Đi làm từ sáng sớm/Tối muộn mới về nhà...” (thơ). Mặc dù còn bé, mới chỉ biết hằng ngày, bố mẹ phải đi làm từ sáng sớm đến tối muộn, cũng có thể thấy đọng lại trong tâm trí trẻ thơ về sự vất vả của bố mẹ làm ngân hàng. Trong bức thư viết cho mẹ, bé Hải Khôi 9 tuổi cũng rất đỗi cảm thông “Con viết thư này cho mẹ khi mẹ đang đi công tác xa nhà. Mẹ mới đi được một ngày thôi mà con đã thấy như lâu lắm rồi. Con nhớ mẹ lắm, nhưng con biết mẹ đi vì công việc nên con không mè nheo sợ mẹ buồn và để mẹ yên tâm công tác. Mẹ làm trong ngành Ngân hàng rất vất vả và mệt nhọc. Nhiều hôm mẹ phải đi sớm về khuya, không kịp ăn tối với mọi người. Những hôm cuối tuần mẹ không có thời gian đưa con đi công viên, đi ăn gà rán vì còn nhiều việc chưa làm xong…”. Sự nhận thức về “ngân hàng trong em” cũng lớn dần theo lứa tuổi. Bé Quang Anh, 13 tuổi, có cái nhìn tươi tắn về công việc ngân hàng mà một lần được mẹ đưa đến cơ quan của dì chơi. “Trong những ngày nghỉ vừa qua, khi được mẹ đưa đến ngân hàng - nơi làm việc của dì, em thấy ngỡ ngàng trước hình ảnh của các cô, các chú mặc đồng phục, áo sơ mi trắng trông rất thanh lịch, cùng môi trường làm việc rất hiện đại. Khi em bước vào cùng mẹ, các cô mở cửa cho em và nụ cười thật tươi đón chào. Qua quan sát, em thấy cho dù công việc rất bận rộn, khách hàng tấp nập ra vào, nhưng các cô chú làm việc không thấy mệt mỏi, luôn giải thích, tư vấn nhẹ nhàng và rõ ràng với từng khách hàng. Có lúc, khách hàng đến quá đông, dì em tiếp khách hàng này đến khách hàng khác, có những khách hàng phải chờ quá lâu nên xảy ra to tiếng, nhưng các cô chú đều nhẹ nhàng giúp đỡ, giải thích cho họ. Dì em và các cô chú đồng nghiệp đã giúp đỡ được rất nhiều người, từ các anh chị sinh viên cho đến những bà bằng tuổi bà em, mọi người đến ban đầu đều rất là nghiêm túc, nhưng sau khi ra về, mọi người lại rất vui vẻ với nụ cười nở trên môi và luôn nói những lời cảm ơn chân thành đến các cô chú đã giúp đỡ họ...” (truyện). Viết thư cho bố, bé Uyên Phương, 15 tuổi đã đặt những câu hỏi và tự trả lời về nghề ngân hàng mẹ đang làm. “Nghề ngân hàng - mẹ phải làm những gì bố nhỉ? Mà nhiều lúc buổi tối, mẹ vừa tranh thủ dạy con học vừa làm việc, lúc thì làm báo cáo, lúc thì nhập số liệu, nhiều khi đến tận đêm khuya mới xong… Nghề ngân hàng - mẹ phải làm những gì bố nhỉ? Mà những lúc mẹ về nhà đã thấm mệt, sự mệt mỏi của mẹ hiện rõ trên khuôn mặt với đôi mắt dường như thiếu ngủ, nhưng mẹ vẫn nhanh chóng nấu nướng, cơm nước, hoàn thành việc nhà để bố có thời gian nghỉ ngơi và tụi con có thời gian học bài. Con thấy mẹ làm việc gì cũng nhanh nhưng lại rất ngăn nắp, chỉn chu, vì mẹ nói nghề ngân hàng rất cần sự gọn gàng, chính xác...” (thư). Trong sáng tác của mình, bé An Khanh, 15 tuổi đã có những dòng suy tư hết sức sâu sắc, “Mọi người nghĩ rằng, công việc này (ngân hàng) đơn thuần chỉ là cho vay và giữ tiền trong những két sắt khổng lồ, tôi hồi bé cũng nghĩ như vậy. Vì mẹ tôi là người làm việc trong ngành ngân hàng, nên tôi cũng thi thoảng đọc qua một vài bài viết liên quan đến ngành nghề này. Và có một câu nói đã thay đổi nhận thức của tôi hoàn toàn, “lương cao đến đâu cũng không bằng một đồng nợ xấu”. Khi đi (cho) vay, chính nhân viên tín dụng cũng gắn liền với khoản nợ đó, nếu chẳng may khách hàng có gặp vấn đề, trả nợ chậm thì chính nhân viên đó cũng chịu phần lớn trách nhiệm. Vậy nên, tôi mới biết rằng, những người làm việc trong ngân hàng cũng chịu áp lực, gánh nặng rất đỗi to lớn, chẳng kém cạnh các công việc “đao to, búa lớn”. Vất vả là vậy, nhưng chính sự khó khăn đó đã góp phần xây dựng phát triển, tiện ích như ngày nay…” (truyện).

Cảm nhận hồn nhiên, trong trẻo lại càng thêm yêu quý hơn công việc ngân hàng của bố mẹ; Từ đó nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão về được làm công việc giống người thân của mình. Các cô bé, cậu bé vốn thích được mẹ cho đi chơi công viên, ăn gà rán, thích chơi game… nhưng khi đã biết cảm thông với công việc của bố mẹ, đã tận mắt được chứng kiến công việc ngân hàng thầm lặng, vất vả nhưng rất cao cả của bố mẹ thì đã có mong muốn, ước mơ thế này: “Hãy thử nghĩ xem, nếu không có ngành ngân nghề này thì liệu đất nước ta có thể phát triển được như bây giờ? Đối với tôi, họ là người phải thật sự có bản lĩnh nhất định, một suy nghĩ chín chắn và dứt khoát thì mới có thể làm việc trong ngành ngân hàng” (Nguyễn Anh Khanh). “Con rất tự hào về mẹ, con cũng yêu mẹ nhiều lắm. Lớn lên con cũng rất muốn được làm trong ngành ngân hàng như mẹ để được trải nghiệm những khó khăn và cả những niềm vui mà mẹ đã trải qua. Nên con sẽ cố gắng học chăm hơn nữa, ăn nhiều hơn để lớn nhanh, bớt xem siêu nhân đi nữa mẹ ạ” (Nguyễn Hải Khôi). “Em chợt nghĩ, nghề ngân hàng cũng giống như nghề bác sĩ, đều rất quan trọng, các cô chú ngân hàng cũng đã giúp được nhiều khách hàng. Chính vì vậy, em rất tự hào khi có những người trong gia đình làm trong ngành ngân hàng. Em tự hứa từ nay sẽ nghe lời bố mẹ, cố gắng học thật chăm chỉ để khi lớn lên em có thể làm được công việc giống như dì em. Kể từ bây giờ, mỗi khi có người hỏi, sau này Quang Anh muốn làm nghề gì, em sẽ trả lời không do dự, khi lớn lên em muốn được làm công việc ở ngân hàng” (Đỗ Quang Anh).

Một cuộc thi viết dành cho con cán bộ, đoàn viên công đoàn mang đậm tính nhân văn; là động lực lớn các bậc cha mẹ thêm sự gắn bó, yêu ngành, yêu nghề, thi đua “giỏi việc cơ quan, đảm việc nhà”, xây dựng tổ ấm gia đình hạnh phúc. Cuộc thi viết “Ngân hàng trong em” đã gợi mở nhiều điều đối với công đoàn cơ sở. Ban Tổ chức đã quyết định chọn bài dự thi “Sau này con muốn làm gì?” của tác giả Đỗ Quang Anh, gửi tham dự vòng 2 cấp Công đoàn Ngân hàng Việt Nam.

Những sáng tác dự thi được lựa chọn, đánh giá

- Truyện ngắn của Đỗ Quang Anh, 13 tuổi, con của cán bộ Nguyễn Thị Xuân - Ban Pháp luật và Nghiệp vụ. (Tổ Công đoàn 3)

- Thơ của Nguyễn Nam Khôi, 6 tuổi, con cán bộ Nguyễn Thị Huyền - Trung tâm đào tạo. (Tổ Công đoàn 3)

- Thư của Dương Hoàng Uyên Phương, 15 tuổi, con cán bộ Hoàng Thục Yến - Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh (Tổ Công đoàn 1)

- Thư của Nguyễn Hải Khôi, 9 tuổi, con cán bộ Chu Thị Quỳnh Hoa - Ban Pháp luật và Nghiệp vụ (Tổ Công đoàn 3)

- Truyện ngắn của Nguyễn An Khanh 15 tuổi - con cán bộ Nguyễn Thị Thanh Hương - Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ (Tổ Công đoàn 2).