
Hoạt động nổi bật của hội viên khu vực phía Nam từ 28/4-09/5/2025
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)
BCTC hợp nhất Quý 1/2025 của Ngân hàng TMCP Á Châu cho thấy thu nhập lãi thuần của ACB giảm 5% so với cùng kỳ, đạt 6.359 tỷ đồng. Tăng trưởng phí dịch vụ chủ lực cao hơn 17% so với cùng kỳ, riêng hoạt động kinh doanh thẻ tăng 161%, đóng góp đáng kể vào nguồn thu nhập ngoài lãi của ACB (tăng 7,5% trong kỳ).
Theo đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 17% lên 872 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng thu được khoản lãi gấp đôi cùng kỳ với gần 476 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác gấp gần 3 lần cùng kỳ, đạt hơn 182 tỷ đồng. Chiều ngược lại, lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 88%, chỉ còn gần 24 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư chuyển lãi thành lỗ. Trong quý, Ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động 3%, còn gần 2.692 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 3%, còn gần 5.223 tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) được kiểm soát ở mức 34%.
ACB tăng 22% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trích hơn 626 tỷ đồng trong Q1. Kết quả, Ngân hàng giảm 6% lãi trước thuế, còn gần 4.597 tỷ đồng, thực hiện được 20% kế hoạch cả năm (23.000 tỷ đồng). ACB cho biết kết quả lợi nhuận trên chủ yếu do Ngân hàng chủ động thực hiện các chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dù lợi nhuận giảm nhẹ, trong kỳ, ACB vẫn duy trì tỷ lệ ROE ở mức cao trên 20%.
Tính đến cuối Q1, tổng tài sản Ngân hàng tăng 3% so với đầu năm, lên 891.674 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 3% lên 598.805 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 2% lên 550.375 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) ở mức 79,8%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là 18,8%, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) trên 11%.
Nếu không tính 9.423 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), tính đến 31/3/2025, tổng nợ xấu của ACB là 8.844 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ giảm nhẹ từ mức 1,51% đầu năm xuống còn 1,5%.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank)
Theo BCTC hợp nhất Quý 1/2025 mới công bố, BVBank thu được gần 505 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng đến 75%, thu được khoản lãi gần 33 tỷ đồng, nhờ đẩy mạnh doanh số giao dịch (tăng trưởng 20%). Chiều ngược lại, lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 13% còn 18 tỷ đồng, lãi từ hoạt động khác giảm 76% còn hơn 1,3 tỷ đồng.
Trong quý, Ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động 7%, còn 333 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 28%, lên gần 224 tỷ đồng. Dù Ngân hàng đã tăng 35% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trích gần 144 tỷ đồng, nhưng BVBank lãi trước thuế hơn 80 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, thực hiện được 15% kế hoạch cả năm (550 tỷ đồng).
Tính đến cuối Q1, tổng tài sản Ngân hàng mở rộng 6% so với đầu năm, lên 110.118 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 53% (còn 1.287 tỷ đồng), tiền gửi tại TCTD khác tăng đến 19% (16.077 tỷ đồng). Cho vay khách hàng tăng 4% lên 70.821 tỷ đồng, trong đó chiếm hơn 76% là phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ở phần nguồn vốn, tiền gửi và vay Chính phủ, NHNN vẫn xấp xỉ đầu năm ở mức 1.571 tỷ đồng. Tiền gửi của các TCTD khác tăng 8% (14.632 tỷ đồng), tiền gửi khách hàng tăng 5% (71.012 tỷ đồng).
Tổng nợ xấu tính đến 31/3/2025 của BVBank là 2.432 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 3,09% đầu năm lên 3,43%.
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank)
- Theo BCTC hợp nhất Q1/2025 mới công bố, trong quý đầu năm, KienlongBank đạt hơn 849 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 39% so với cùng kỳ. Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng hơn cùng kỳ. Lãi từ dịch vụ tăng 41% lên gần 160 tỷ đồng, nhờ tăng thu dịch vụ thanh toán, cho thuê văn phòng, kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm. Lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng tăng 87% lên gần 21 tỷ đồng, nhờ tăng thu ngoại tệ giao ngay và tiết giảm chi phí. Đáng chú ý, hoạt động khác thu được khoản lãi gần 104 tỷ đồng, gấp 3,7 lần cùng kỳ, nhờ thu được hơn 111 tỷ đồng khoản nợ khó đòi đã xử lý bằng dự phòng rủi ro.
Chi phí hoạt động tăng 30% lên 579 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí cho nhân viên gần 50%. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 70% lên 555 tỷ đồng. Dù KienlongBank đã trích 198 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng (+78%), Ngân hàng vẫn lãi trước thuế gần 357 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ, thực hiện được gần 26% kế hoạch cả năm (1.379 tỷ đồng).
Tính đến cuối Q1, tổng tài sản Ngân hàng tăng 5% so với đầu năm, lên 97.164 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN tăng 31% lên 5.495 tỷ đồng, tiền gửi tại các TCTD khác lại giảm 20% còn 12.301 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 11% lên 67.958 tỷ đồng. Ở phần nguồn vốn, tiền gửi của các TCTD khác cũng giảm 19% còn 12.226 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 12% lên 70.989 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu tính đến 31/3/2025 của KienlongBank tăng 19% so đầu năm, lên 1.471 tỷ đồng. Kết quả, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ mức 2,02% đầu năm lên 2,17%.
- KienlongBank mới đây thông báo triển khai tính năng rút gốc một phần trước hạn đối với tiền gửi trực tuyến, ngay trên ứng dụng KienlongBank Plus và Internet Banking, cho phép khách hàng chủ động rút trước hạn một phần tiền gốc từ tiền gửi online mà không làm ảnh hưởng đến lãi suất của phần gốc còn lại.
Cụ thể, phần gốc rút trước hạn: nhận lãi suất không kỳ hạn KienlongBank niêm yết tại thời điểm rút. Phần gốc còn lại: hưởng nguyên mức lãi suất có kỳ hạn như đã thỏa thuận tại ngày gửi tiền hoặc ngày tái tục gần nhất.
- Ngày 07/5/2025, tại Đồng Tháp, Lễ ký kết hợp tác triển khai dịch vụ thu hộ học phí thông qua giải pháp thanh toán KienlongBank Pay giữa KienlongBank Chi nhánh Đồng Tháp và Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục tại địa phương.
Thông qua việc áp dụng KienlongBank Pay, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp sẽ tối ưu được quy trình vận hành tài chính, nâng cao trải nghiệm cho sinh viên và phụ huynh, đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế số Việt Nam.
- Vừa qua, KienlongBank được lựa chọn vào Top 50 Doanh nghiệp tăng trưởng xuất sắc Việt Nam - nhóm doanh nghiệp ưu tú nhất, được bình chọn từ Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam. Đây là một thành tựu có ý nghĩa chiến lược với hành trình 30 năm xây dựng và phát triển của Ngân hàng.
Giải thưởng Fast 500 được thực hiện thường niên bởi Vietnam Report và Báo VietNamNet. Năm 2025 đánh dấu cột mốc 15 năm Ban tổ chức ghi nhận và tôn vinh những doanh nghiệp xuất sắc, khẳng định thành tựu vượt trội và hiệu quả kinh doanh ấn tượng. Các doanh nghiệp được chọn lọc dựa trên những tiêu chí đánh giá khắt khe, bao gồm tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận trước thuế và uy tín truyền thông…
Năm 2024, KienlongBank đã ghi nhận sự tăng trưởng bứt tốc trong hoạt động kinh doanh: lũy kế đến ngày 31/12/2024, tổng lợi nhuận trước thuế vượt mốc 1.100 tỷ đồng, hoàn thành 139% kế hoạch toàn năm. Xét về tốc độ tăng trưởng, KienlongBank dẫn đầu với tỷ lệ tăng trưởng 56,6% cao nhất toàn ngành, thu về 3.191 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong năm 2024. Tính đến hết Q4/2024, tổng tài sản của KienlongBank đạt 92.176 tỷ đồng, tăng 5.204 tỷ đồng (tương đương 6%) so với cùng kỳ năm trước; tổng huy động vốn đạt 82.906 tỷ đồng, tăng 6.963 tỷ đồng (tương đương 9,2%); dư nợ tín dụng đạt 61.431 tỷ đồng, tăng 8.852 tỷ đồng (tương đương 16,8%) so với năm liền kề - ghi nhận hệ số tăng trưởng tín dụng cao hơn tỷ lệ bình quân của toàn ngành.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)
- Ngày 25/4, Ngân hàng TMCP Nam Á được Quỹ Hợp tác Khí hậu Toàn cầu (Global Climate Partnership Funds - GCPF) giải ngân thành công 10 triệu USD, nâng tổng số dư huy động vốn nước ngoài của ngân hàng lên hơn 110 triệu USD nhằm chủ động nguồn vốn, mở rộng danh mục cho vay phát triển bền vững.
GCPF - Quỹ do ResponsAbility Investments AG quản lý, là công ty quản lý tài sản tác động hàng đầu, chuyên đầu tư vào ba lĩnh vực trọng yếu: tài chính toàn diện, tài chính khí hậu và thực phẩm bền vững, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Nam A Bank và GCPF hợp tác từ năm 2018, đã giải ngân hơn 30 triệu USD nhằm triển khai các nguồn vốn phục vụ chương trình “Tín dụng xanh”, dành nguồn vốn ưu đãi tài trợ cho các nhu cầu tiêu dùng, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội. Sau thời gian dài hợp tác, Nam A Bank được GCPF đánh giá là một trong những đối tác triển khai thành công nhất tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, GCPF tiếp tục giải ngân 10 triệu USD cho Nam A Bank. Khoản huy động vốn này có ý nghĩa quan trọng trong việc triển khai các kế hoạch mở rộng danh mục tín dụng cho vay phát triển bền vững, các khoản tài trợ cho vay trung và dài hạn đối với các dự án liên quan đến giảm khí CO2 hoặc tiết kiệm 20% năng lượng.
Nam A Bank hiện đang tập trung mở rộng danh mục tín dụng, đặc biệt chú trọng vào các dự án xanh liên quan đến chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, năng lượng tái tạo; các dự án biến đổi khí hậu; các khoản cho vay tài trợ phụ nữ kinh doanh, khởi nghiệp. Đây là một phần trong chiến lược dài hạn của Ngân hàng nhằm hiện thực hóa cam kết phát triển bền vững, lấy tiêu chuẩn ESG làm trọng tâm. Tính đến 31/12/2024, dư nợ tín dụng xanh tại Nam A Bank đạt hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó nổi bật là chương trình tài trợ các khoản cấp tín dụng thuộc chuỗi ngành thủy sản với tổng hạn mức tín dụng lên đến 4.000 tỷ đồng.
- Vừa qua, tại TP.HCM đã diễn ra Hội thảo trực tuyến “Chìa khóa mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu” do Nam A Bank tổ chức, với sự tham gia của các diễn giả khách mời đến từ Amazon Global Selling Việt Nam và Tập đoàn Tư vấn Chiến lược RBNC, nhằm cung cấp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu (DNXNK) những thông tin hữu ích về cơ hội, thách thức và xu hướng mới để chinh phục thị trường Bắc Mỹ.
Thị trường Bắc Mỹ với dân số hơn 380 triệu người và GDP bình quân đầu người cao là đích đến tiềm năng cho hàng hóa Việt Nam như nông sản, dệt may, đồ gỗ, linh kiện điện tử… Bên cạnh đó, hiệp định USMCA cùng các thỏa thuận thương mại song phương cũng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với thuế suất ưu đãi.
Tuy nhiên, các SME Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường Bắc Mỹ đang gặp nhiều rào cản từ quy mô, nguồn lực hạn chế đến thách thức trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, mức độ toàn của sản phẩm. Chi phí đầu tư vào công nghệ, chứng nhận quốc tế…cũng là thách thức khá lớn. Ngoài ra, sự cạnh tranh từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico cùng biến động tỷ giá và chính sách thương mại bảo hộ của Hoa Kỳ cũng làm tăng áp lực tài chính và vận hành cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhằm đồng hành và tiếp sức cho các DNXNK và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phát triển kinh doanh, Nam A Bank chính thức triển khai hàng loạt chính sách, chương trình ưu đãi tài chính toàn diện với tổng nguồn tín dụng ưu đãi lên đến 10.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực nông lâm thủy sản, ngoài ra ngân hàng cũng dành khoảng 4.000 tỷ đồng cho các lĩnh vực có hoạt động xuất nhập khẩu khác với lãi suất cạnh tranh và nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt.
Ngân hàng tập trung cấp tín dụng vào các lĩnh vực trọng yếu như: xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ và công nghệ cao. Theo đó, Nam A Bank đã tài trợ trọn gói chuỗi giá trị ngành thủy sản với lãi suất cho vay USD chỉ từ 3,25%/năm, tài trợ cho doanh nghiệp cao su thiên nhiên xuất khẩu với lãi suất cho vay USD từ 3,8%/năm.
Đặc biệt Nam A Bank cũng triển khai các chương trình ưu đãi về lãi suất vay VND dựa trên hoán đổi, phái sinh từ nguồn ngoại tệ nhàn rỗi của khách hàng nhằm đảm bảo an toàn trong bối cảnh biến động tỷ giá với lãi suất cho vay chỉ từ 1,7%/năm khi khách hàng thế chấp nguồn USD và chương trình ưu đãi lãi suất cho vay VNĐ chỉ từ 2%/năm khi khách hàng cam kết bán ngoại tệ theo tỷ giá phù hợp đối với dòng ngoại tệ trong tương lai. Nam A Bank còn triển khai chương trình miễn/giảm phí giao dịch quốc tế nhằm hỗ trợ DNXNK tối ưu hóa chi phí như: Miễn 100% phí chuyển tiền quốc tế, phí nhận tiền báo có, phí thanh toán nhờ thu, LC xuất khẩu; Giảm 50% phí thanh toán DA/DP nhập khẩu, phát hành và tu chỉnh LC nhập khẩu; Ưu đãi phí điện chuyển tiền (eT/T) chỉ từ 100.000 VND/giao dịch; Miễn phí giao dịch tại quầy và ngân hàng điện tử trong 12 tháng đầu tiên tham gia chương trình…
Nam A Bank cũng áp dụng chương trình “Mở CIF - Dẫn lối thành công” và gói “Combo tài chính khách hàng DNXNK” với ưu đãi đặc biệt như: Tỷ giá USD ưu đãi chỉ ±60 đồng/USD, các ngoại tệ khác ±100 đồng/ngoại tệ; Ưu đãi thẻ tín dụng doanh nghiệp Mastercard không tài sản bảo đảm, miễn phí phát hành, miễn phí thường niên 12 tháng với hạn mức lên tới 100 triệu đồng; Ưu đãi sử dụng dịch vụ phòng chờ sân bay cao cấp…
- Sau khi tổ chức ký kết hợp tác đối tác chiến lược toàn diện với Mobifone vào ngày 06/11/2024, Nam A Bank đã tạo ra những đột phá mới cho cả hai bên và mang lại những trải nghiệm đa dạng cho khách hàng.
Nam A Bank và MobiFone đã và đang tích cực triển khai nhiều dự án hợp tác quan trọng như triển khai liên kết dịch vụ tài chính số với hệ sinh thái MobiFone, với mục tiêu hàng đầu là tích hợp các dịch vụ tài chính của Nam A Bank vào hệ sinh thái số rộng lớn của MobiFone nhằm mang đến cho khách hàng nhiều tiện ích, tạo ra trải nghiệm dịch vụ tài chính liền mạch ngay trên các nền tảng quen thuộc của MobiFone. Với sự hợp tác này, khách hàng có thể mở tài khoản thanh toán trực tuyến, thẻ ngân hàng và cung ứng dịch vụ thanh toán… trên các ứng dụng của Mobifone. Ngược lại, khách hàng cũng có thể trải nghiệm nhiều tiện ích nổi bật của Mobifone ngay trên ứng dụng Open Banking của Nam A Bank.
Ngoài ra, MobiFone sẽ là đối tác chiến lược, đồng hành Nam A Bank trong quá trình chuyển đổi số toàn diện, bao gồm: cung cấp các dịch vụ đường truyền dự phòng (backup), trung tâm dữ liệu dự phòng (DR site), dịch vụ điện toán đám mây (Cloud), các bộ giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) và cung cấp Sim/eSim, gói dịch vụ data cho cán bộ nhân viên Nam A Bank. MobiFone cũng sẽ tư vấn và đồng hành cùng Nam A Bank trong việc triển khai các giải pháp digital theo các dự án hợp tác chung giữa các tổ chức tín dụng và các công ty viễn thông.
Mới đây nhất, Nam A Bank và MobiFone đã triển khai dự án mang tính ứng dụng cao “Loa thần tài” - thiết bị phát âm thanh bằng giọng nói được liên kết với tài khoản thanh toán Nam A Bank. Thiết bị này có chức năng thông báo kết quả thanh toán qua mã QR khi giao dịch được thực hiện thành công giúp các chủ cửa hàng theo dõi các giao dịch nhanh chóng. Đồng thời, hai bên tiếp tục đẩy mạnh chính sách phát triển khách hàng thông qua các ứng dụng phổ biến của MobiFone như MobiFone Money và My MobiFone.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank)
- Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM mới đây công bố kết quả kinh doanh Quý 1/2025 tăng trưởng cao, tiếp tục nằm trong nhóm hiệu quả cao nhất ngành. Đây cũng là quý đầu tiên HDBank chính thức khởi động mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng hiện đại, đa năng và bền vững trong chiến lược phát triển giai đoạn 2025-2030.
Trong Q1/2025, HDBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 5.355 tỷ đồng, tăng 33% so cùng kỳ năm trước. ROE tiếp tục duy trì ở mức cao, đạt 29,62%, thuộc nhóm dẫn đầu ngành. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 9.205 tỷ đồng, tăng trưởng bền vững nhờ sự đóng góp tích cực từ các hoạt động cốt lõi cùng các chỉ tiêu kinh doanh số tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Tại thời điểm 31/3/2025, tổng tài sản HDBank đạt 711.311 tỷ đồng, tăng 18%; tiền gửi khách hàng đạt 465.321 tỷ đồng, tăng 23% so cùng kỳ. Dư nợ tín dụng đạt 449.901 tỷ đồng, tăng gần 20% so cùng kỳ, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tài chính chuỗi, các thị trường đô thị loại 2 và khu vực nông nghiệp nông thôn. Hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II đạt trên 14,9%, mức cao toàn ngành.
Quý 1/2025, hoạt động kinh doanh số của HDBank tiếp tục ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ: số lượng khách hàng cá nhân tăng 38%, số lượng giao dịch tài chính qua nền tảng số tăng 55% so cùng kỳ. Tăng tốc số hóa cũng là động lực để HDBank tiếp tục tối ưu hóa vận hành, giảm tỷ lệ CIR xuống còn 27,4%, đồng thời nâng cao trải nghiệm và cá nhân hóa hành trình khách hàng.
Công ty Tài chính HD SAISON - thành viên của HDBank tiếp tục duy trì vị thế top đầu thị trường, đạt 306 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18% so cùng kỳ và có quý đầu năm tốt nhất trong nhiều năm qua.
Một dấu mốc đáng chú ý trong quý này, HDBank hoàn tất tiếp nhận và tái cấu trúc DongABank, chính thức chuyển đổi thành Vikki Digital Bank - ngân hàng số thế hệ mới phục vụ nhóm khách hàng số hóa cao. Vikki Digital Bank đồng thời là thành viên chiến lược trong mô hình Tập đoàn tài chính ngân hàng đa năng và hiện đại - tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực cốt lõi là ngân hàng thương mại, tài chính tiêu dùng, ngân hàng đầu tư, bảo hiểm, quản lý quỹ và các nền tảng số. Mô hình này được xây dựng để hội tụ sức mạnh công nghệ, mạng lưới rộng khắp và giải pháp tài chính toàn diện, phục vụ hơn 30 triệu khách hàng hiện hữu và tiềm năng.
Với kết quả tăng trưởng tích cực, HDBank tiếp tục được các tổ chức uy tín ghi nhận và đánh giá cao: The Asian Banker đánh giá HDBank là “Ngân hàng cung cấp dịch vụ tài chính tốt nhất cho SME tại Việt Nam”; Giải thưởng Sao Khuê 2025 ghi nhận những bước tiến công nghệ của HDBank với các giải pháp số tiên phong như Dịch vụ thu hộ tiền mặt eCASH và Kiosk y tế thông minh - những giải pháp số đổi mới gắn liền với trải nghiệm khách hàng và giá trị cộng đồng.
- Nắm bắt thời điểm vàng trong mùa cao điểm sản xuất kinh doanh giữa năm, đồng thời thực hiện định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong chương trình tín dụng trọng điểm 500.000 tỷ đồng thúc đẩy đầu tư hạ tầng và công nghệ số - hai động lực tăng trưởng chiến lược giai đoạn 2025-2030, HDBank tiên phong triển khai hai gói tín dụng quy mô 35.000 tỷ đồng, mang đến nguồn vốn ưu đãi cùng các giải pháp tài chính toàn diện, đồng hành cùng doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, mở rộng đầu tư, và dẫn dắt chuyển đổi số.
Gói vay 15.000 tỷ đồng lãi suất chỉ từ 3%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp trên cả nước với thời hạn vay từ 3 đến 6 tháng, áp dụng từ nay đến 30/6/2025; khách hàng mới được ưu tiên tham gia đến hết 31/7/2025. Ngoài ưu đãi về lãi suất, chương trình còn tích hợp nhiều tiện ích giá trị gia tăng: tặng “Gói ưu đãi phí” lên đến 10 triệu đồng khi doanh nghiệp mở tài khoản mới tại HDBank.
Gói vay ưu đãi 20.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp hạ tầng và công nghệ số với lãi suất từ 6%/năm. Đây là một trong những hành động cụ thể của HDBank theo định hướng của Chính phủ và NHNN trong chương trình tín dụng trọng điểm 500.000 tỷ đồng thúc đẩy đầu tư hạ tầng và công nghệ số - hai động lực tăng trưởng chiến lược của giai đoạn 2025-2030.
Chương trình được triển khai từ nay đến năm 2030 trên toàn hệ thống HDBank, áp dụng cho khách hàng doanh nghiệp hiện hữu và khách hàng mới, trong đó, ưu tiên dành cho các doanh nghiệp thuộc danh sách do Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học & Công nghệ công bố - những đơn vị có chiến lược phát triển bền vững và tiềm năng dẫn dắt thị trường trong thời gian tới. Gói vay được thiết kế linh hoạt cho nhu cầu vốn ngắn hạn (vay tối đa 6 tháng) cũng như trung và dài hạn (tối đa 10 năm).
Hiện HDBank cũng đang triển khai các chương trình khác theo định hướng của Chính phủ và NHNN: cho vay các dự án nhà ở xã hội; nông lâm thủy sản; lúa gạo khu Đồng bằng Sông Cửu Long và cho vay hạ tầng, công nghệ số với tổng nguồn vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Mới đây, HDBank đã triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi quy mô lớn khác như gói 15.000 tỷ đồng lãi suất từ 3%/năm cho mùa cao điểm sản xuất, chương trình 1 tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu...
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)
- Ngân hàng TMCP Phương Đông công bố BCTC Quý 1/2025 với hoạt động cốt lõi giữ đà tăng trưởng tốt. Tính đến cuối Q1/2025, quy mô tài sản của OCB tăng trưởng 3% so với đầu năm, đạt mức 289.067 tỷ đồng. Dư nợ thị trường 1 đạt 184.388 tỷ đồng, với sự đóng góp đáng kể từ nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với mức tăng trưởng 9,3%. Đây là tín hiệu khởi sắc, phản ánh hiệu quả của các giải pháp mà ngân hàng đang triển khai và cho thấy nguồn vốn cũng đã được tối ưu hóa để hỗ trợ nhóm khách hàng này, theo đúng chủ trương của Chính Phủ và NHNN. Huy động thị trường 1 đạt 207.984 tỷ đồng, tăng 7,9% so với đầu năm.
Trong quý đầu năm, tổng thu thuần đạt 2.273 tỷ đồng tương đương cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, OCB tiếp tục ghi nhận hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng tốt và ổn định. Thu thuần từ lãi đạt 2.164 tỷ đồng, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước, nhờ vào quy mô tín dụng tăng trưởng mạnh 20,4%. Thu thuần từ dịch vụ tăng 9,4% so cùng kỳ, đạt 131 tỷ đồng đến từ hoạt động chuyển đổi số hiệu quả, phục hồi của hoạt động tư vấn và đại lý bảo hiểm và các khoản thu phí khác từ dịch vụ. Quý 1, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 893 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát theo đúng quy định của NHNN.
Đến nay, OCB là một trong những ngân hàng tiên phong trong hành trình triển khai mô hình Ngân hàng mở (Open Banking). Những sản phẩm số này đã góp phần gia tăng khách hàng và tỷ lệ CASA của OCB lên mức ấn tượng so với những năm trước đó. Đến cuối năm 2024, số lượng khách hàng kết nối Open API với OCB tăng gần 2,5 lần so với năm 2023, số lượng đối tác mới tăng gần gấp 2 lần tổng lũy kế của các năm trước đây, với mức tăng CASA bình quân của các đối tác hơn 30% nhờ vào việc sử dụng Open API. Đối với ngân hàng số OCB OMNI, chỉ sau 7 tháng ra mắt phiên bản mới, số lượng giao dịch trên kênh này đã tăng 74%, CASA tăng 21% và doanh thu tiền gửi tiết kiệm trực tuyến tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện tỷ lệ giao dịch qua kênh số tại OCB đã đạt mức 96,2%, mức khá cao so với các ngân hàng khác trên toàn hệ thống.
Tính đến 31/12/2024, dư nợ tín dụng xanh tại OCB tăng hơn 30% so với năm 2023, chiếm 11% tổng dư nợ cuối năm 2024. Hoạt động này đã được các Tổ chức tài chính quốc tế đánh giá rất cao. Từ đó, nâng cao uy tín, thu hút thêm đối tác và nhà đầu tư ngoại. Cụ thể, OCB đã hợp tác với các tổ chức quốc tế như IFC, PwC, DEG… trong việc tăng cường, nâng cao khả năng nguồn vốn xanh.
Năm 2025, OCB sẽ tập trung vào các kế hoạch hành động trọng tâm bao gồm: Tập trung thu nhập lõi, tăng tỷ trọng thu nhập phí và CASA; Tập trung chuyển đổi số và phát triển dữ liệu; Quản trị vốn và rủi ro theo chuẩn Basel; Xây dựng văn hóa và nâng cao năng lực nhân sự. Đặc biệt, Ngân hàng sẽ đẩy mạnh phát triển đa dạng sản phẩm, với mục tiêu mỗi khách hàng cá nhân tối thiểu sẽ sử dụng 4 sản phẩm của OCB.
Năm 2025 cũng sẽ là năm đầu tiên OCB thực hiện chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán. Như vậy, dự kiến tổng lợi ích cổ đông nhận được là 15% thông qua chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% vốn điều lệ, tương đương số tiền 1.726 tỷ đồng và tiếp tục trình tăng vốn điều lệ lên 26.631 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 8%.
- Vừa qua, tại lễ vinh danh Vietnam ESG Awards thuộc khuôn khổ Diễn đàn ESG Việt Nam, Ngân hàng Phương Đông nhận giải thưởng Ngân hàng tiêu biểu về minh bạch và trách nhiệm xã hội 2024.
Với mục tiêu trở thành Ngân hàng Xanh tiên phong tại Việt Nam, OCB luôn chú trọng đẩy mạnh các gói sản phẩm tài chính xanh, hoạt động chuyển đổi số, cải tiến kiểm soát rủi ro và thực thi chiến lược theo các chuẩn mực tiên tiến. Thực tế, OCB đã và đang từng bước hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ những dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng chuyển đổi theo hướng xanh hóa và ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời, thủy điện; Công trình xanh tòa nhà A+; Các nhà máy cung cấp nước và nông nghiệp thông minh bằng phương pháp nuôi trồng bền vững, tưới nhỏ giọt, lưu trữ/chứa nước... Tính đến 31/12/2024, tín dụng xanh tại OCB đã tăng 30% so với năm 2023 đạt 11% tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trên tổng dư nợ toàn hàng, trong khi mức trung bình của ngành là 4.5%.
Không chỉ đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường mà công tác quản trị của ngân hàng cũng được đặc biệt chú trọng. Đến nay, OCB đã số hóa toàn bộ quy trình phê duyệt nội bộ, cắt giảm thủ tục hành chính. Trong năm 2024, nhờ việc triển khai chữ ký số nội bộ, cải tiến tính năng ký đồng thời thay vì tuần tự cũng đã góp phần đáng kể vào việc tăng tốc độ xử lý hồ sơ và nâng cao năng suất nhân sự, giúp rút ngắn tới 40% thời gian xử lý hồ sơ. Ngoài ra, OCB còn triển khai trợ lý AI thông minh (Copilot) cho quản lý, lãnh đạo; AI chatbot cho khách hàng và ứng dụng Gen AI trong lập trình và quản trị…
CBNV thường xuyên được tham gia đào tạo giúp trang bị kiến thức và kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc. Năm 2024, OCB đã tổ chức 525 khóa đào tạo, tăng 26% so với năm 2023, bao gồm 140 khóa đào tạo trực tiếp và 385 khóa E-learning. Số lượt nhân viên tham gia đào tạo cũng tăng lên 89.397 lượt với tổng số lượt tham gia năm 2024 là 114.300 lượt. OCB cũng luôn duy trì một chính sách tiền lương và tiền thưởng rõ ràng và công bằng, gắn liền với hiệu quả làm việc của CBNV… OCB còn triển khai nhiều chính sách phúc lợi thiết thực như: chính sách cho vay ưu đãi CBNV; chính sách thâm niên; chính sách ngày nghỉ phép tăng thêm; chính sách bảo hiểm sức khỏe mở rộng…
Được biết, ngay từ khi được khởi xướng, Vietnam ESG Awards đã thu hút được cộng đồng doanh nghiệp, các đơn vị quan tâm, hưởng ứng mạnh mẽ với hơn 150 doanh nghiệp, đơn vị gửi hồ sơ đăng ký xét duyệt. Gần 40 đơn vị lọt vào vòng chung khảo, đã được Hội đồng Thẩm định Vietnam ESG Awards đánh giá lần cuối vào phiên họp ngày 17/4 vừa qua.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB)
- Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam công bố BCTC hợp nhất Q1/2025 với thu nhập lãi thuần đạt hơn 3.737 tỷ đồng, giảm 14% so cùng kỳ, do tăng chi phí trả lãi tiền gửi. Biên lãi ròng (NIM) ở mức 3,6%. Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt gần 378 tỷ đồng, giảm 13%, do tăng chi về dịch vụ thanh toán, ủy thác đại lý. Lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 61% còn 114 tỷ đồng, do giảm lãi từ công cụ tài chính phái sinh tiền tệ. Chiều ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi hơn 29 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ. Lãi từ hoạt động khác cũng tăng mạnh 52%, thu được gần 343 tỷ đồng, nhờ thu hồi nợ đã xử lý rủi ro hơn 342 tỷ đồng, tăng 64%.
Chi phí hoạt động tiết giảm 6% còn hơn 1.759 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 18%, còn 2.842 tỷ đồng. Trong quý, Ngân hàng giảm 55% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích hơn 421 tỷ đồng, nhờ việc trích dự phòng thận trọng trong giai đoạn trước. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.421 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so cùng kỳ, thực hiện được 22% kế hoạch cả năm (11.020 tỷ đồng).
Tính đến cuối Q1, tổng tài sản Ngân hàng tăng nhẹ 1% so với đầu năm, lên 495.727 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 42% (còn 5.716 tỷ đồng), tiền gửi tại các TCTD khác giảm 14% (còn 43.029 tỷ đồng). Cho vay khách hàng tăng 3% lên 334.158 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đồng đều ở các phân khúc khách hàng từ bán lẻ, SME, khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính, trong đó tỷ lệ bán lẻ vẫn duy trì ở mức gần 80%.
Tiền gửi và vay Chính phủ, NHNN cũng giảm 68% so đầu năm, còn 5.897 tỷ đồng. Tiền gửi của các TCTD khác tăng 8% lên 101.767 tỷ đồng, giấy tờ có giá tăng 11% lên 25.800 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 2% lên 282.298 tỷ đồng, trong đó huy động bán lẻ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, chiếm hơn 70%. CASA tăng 17%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 11,8%, hệ số cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) ở mức 75%, hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 23% và hệ số nguồn vốn ổn định ròng theo Basel III (NSFR) là 115%.
Tổng nợ xấu tính đến 31/3/2025 tăng 11% so với đầu năm, lên 12.675 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay nhích nhẹ từ 3,51% đầu năm lên 3,79%. Tỷ lệ nợ xấu của riêng Ngân hàng khoảng 2,68%.
- Ngân hàng Quốc Tế và Công ty Cổ phần Chứng khoán KAFI (Kafi) mới đây hợp tác phát triển tính năng giao dịch chứng khoán trực tuyến trên ứng dụng ngân hàng số MyVIB, cung cấp giải pháp tài chính tối ưu cho khách hàng.
Với tính năng mới này, người dùng có thể giao dịch chứng khoán trực tuyến từ mua bán cổ phiếu đến các sản phẩm tài chính khác chỉ trên một nền tảng duy nhất, giúp tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư. MyVIB sẽ cung cấp các công cụ phân tích thị trường mạnh mẽ, giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác. Giao diện trực quan và thông tin tài chính chuyên sâu hỗ trợ người dùng dễ dàng theo dõi và tối ưu hóa danh mục đầu tư. Chỉ với vài thao tác đơn giản, người dùng có thể thực hiện các giao dịch chứng khoán thuận tiện ngay trên MyVIB mà không cần phải chuyển sang ứng dụng khác.
Sự hợp tác giữa Kafi và VIB trong việc triển khai tính năng giao dịch chứng khoán trên ngân hàng số MyVIB không chỉ là một cột mốc quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn thể hiện cam kết của Kafi trong việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính toàn diện và bền vững. Đây là bước đi chiến lược, mở ra những cơ hội mới và là nền tảng vững chắc cho các sản phẩm tài chính sáng tạo khác sẽ được Kafi cùng các đối tác tài chính triển khai trong tương lai.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB)
Tuần qua, Ngân hàng TMCP Sài Gòn thông báo về việc chấm dứt hoạt động 03 PGD tại TP.HCM, 01 PGD tại Quảng Ninh và 01 PGD tại Cần Thơ (đều từ ngày 09/5/2025), đó là: Phòng giao dịch Bà Hom - Chi nhánh Bình Tây; Phòng giao dịch Châu Văn Liêm - Chi nhánh Chợ Lớn; Phòng giao dịch Trần Hưng Đạo - Chi nhánh Sài Gòn; Phòng giao dịch Hạ Long - Chi nhánh Quảng Ninh; và Phòng giao dịch An Hòa - Chi nhánh Cần Thơ.
Như vậy, tính từ tháng 6/2023 đến nay, SCB đã giải thể hoạt động 167 PGD tại các tỉnh thành, riêng tại TP.HCM là 85 PGD, tại các tỉnh thành khác là 82 PGD.
SCB khẳng định, việc chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch trên không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Mọi quyền lợi và giao dịch của khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch khác của Ngân hàng SCB.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank)
- Theo BCTC hợp nhất Quý 1/2025 mới công bố, hầu hết hoạt động kinh doanh của Saigonbank đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần đạt gần 218 tỷ đồng, tăng 18%. Lãi từ hoạt động dịch vụ hơn 9 tỷ đồng (+21%), lãi từ kinh doanh ngoại hối gần 5 tỷ đồng (+12%). Đáng chú ý, hoạt động khác lãi hơn 109 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ, theo giải trình do Ngân hàng tăng cường xử lý nợ xấu, thu được các khoản từ nợ đã sử dụng dự phòng.
Chi phí hoạt động tăng 18% lên hơn 176 tỷ đồng, do tăng chi phí lương cho người lao động, chi phí đầu tư, bảo trì, bảo dưỡng tài sản cố định. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 164 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Mặc dù trong quý, Ngân hàng đã trích hơn 66 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 9,7 lần, nhưng lãi trước thuế vẫn tăng 44% lên hơn 98 tỷ đồng, thực hiện được 33% kế hoạch cả năm (300 tỷ đồng). Sở dĩ tăng mạnh dự phòng là do trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC.
Tính đến cuối Q1, tổng tài sản Ngân hàng tăng nhẹ 1% so với đầu năm lên 33.506 tỷ đồng. Trong đó, tín dụng giảm nhẹ, chỉ còn 20.900 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 1% lên 24.539 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối Q1, tổng nợ xấu của Saigonbank tăng 18%, lên gần 685 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay tăng từ 2,66% của đầu năm lên 3,28%. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 31/2024/TT-NHNN tính đến ngày 31/3/2025 là 2,46%.
- Sáng ngày 07/5/2025, talkshow với chủ đề “Nghị quyết 68: Những đột phá mới giúp kinh tế tư nhân phát triển” do Báo Người Lao Động tổ chức đã diễn ra tại toà soạn Báo, với sự tham gia của các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu và đông đảo bạn đọc theo dõi trực tuyến. Saigonbank là đơn vị đồng hành cùng chương trình.
Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 vừa được Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành - một dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Đảng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết đã định vị lại vai trò trung tâm của khu vực kinh tế Tư nhân trong nền kinh tế quốc dân, khơi dậy tinh thần đổi mới, khởi nghiệp và sáng tạo.
Các khách mời đã cùng nhau phân tích những điểm mới, những đột phá của Nghị quyết 68, đồng thời đưa ra các khuyến nghị thiết thực để khu vực tư nhân có thể phát triển bền vững trong thời gian tới. Là ngân hàng tiên phong trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp Việt, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, Saigonbank cam kết tiếp tục hỗ trợ, cung cấp giải pháp tài chính phù hợp và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập và phát triển.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)
- BCTC hợp nhất Quý 1/2025 cho thấy, trong quý đầu năm 2025, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín đạt hơn 6.863 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động dịch vụ cũng thu về khoản lãi gần 728 tỷ đồng, tăng 26%. Trong khi lãi từ kinh doanh ngoại hối xấp xỉ cùng kỳ ở mức 308 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động tăng 11% lên 3.927 tỷ đồng, theo đó lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 16% lên 3.869 tỷ đồng. Trong quý, Sacombank chỉ trích hơn 195 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm đến 71% so với cùng kỳ. Nhờ đó, Ngân hàng lãi trước thuế hơn 3.674 tỷ đồng, tăng 38%, thực hiện 25% kế hoạch cả năm (14.650 tỷ đồng).
Tính đến cuối Q1, tổng tài sản Ngân hàng tăng nhẹ 1% so với đầu năm, lên 757.093 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt vẫn xấp xỉ mức 8.498 tỷ đồng, tiền gửi tại NHNN giảm 9% còn 16.074 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 5% lên 546.327 tỷ đồng.
Ở phía nguồn vốn, tiền gửi ngân hàng tăng 3% so với đầu năm lên 585.569 tỷ đồng, tiền gửi của các TCTD khác giảm 13% còn 53.415 tỷ đồng, giấy tờ có giá còn 34.031 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu Ngân hàng tính đến 31/3/2025 là 14.151 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm, trong đó, ghi nhận nhóm nợ dưới tiêu chuẩn có cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tăng nhẹ từ mức 2,4% đầu năm lên 2,51%.
- Sacombank mới đây thông báo về việc chấm dứt hoạt động 02 Phòng Giao dịch tại Hà Nội (đều từ ngày 14/4/2025), gồm: Phòng Giao dịch Thụy Khuê - Chi nhánh Đông Đô; và Phòng Giao dịch Bách Khoa - Chi nhánh Hà Nội.
Theo đó, Phòng Giao dịch Đội Cấn - Chi nhánh Thăng Long (tại 149 Đội Cấn Quận Ba Đình) sẽ tiếp quản mọi giao dịch đã và đang thực hiện của PGD Thụy Khuê; và PGD Chợ Mơ (tại 396 bạch Mai, Quận Hai Bà Trưng) sẽ tiếp quản mọi giao dịch đã và đang thực hiện của PGD Bách Khoa theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank)
- Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín công bố BCTC hợp nhất Quý 1/2025 với nguồn thu chính tăng đến 56% so với cùng kỳ năm trước, khi thu nhập lãi thuần gần 703 tỷ đồng.
Các nguồn thu ngoài lãi lại không chiếm tỷ trọng nhiều trong cơ cấu thu nhập của Ngân hàng như: Lãi từ dịch vụ giảm 10% (còn 31 tỷ đồng), lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 2% (còn 21 tỷ đồng), lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 49% (13 tỷ đồng). Chi phí hoạt động trong quý tăng 14% lên 398 tỷ đồng, theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt gần 367 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ. Ngân hàng đã trích hơn 118 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 31%, kết quả, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 248 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước, thực hiện được 14% kế hoạch cả năm (1.750 tỷ đồng).
Tính đến cuối Q1, tổng tài sản Ngân hàng tăng 7% so với đầu năm, lên 174.377 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại NHNN giảm 60% (còn 2.841 tỷ đồng), tiền gửi tại các TCTD khác tăng 29% (43.917 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 4% (97.298 tỷ đồng).
Ở phần nguồn vốn, tiền gửi và vay Chính phủ, NHNN còn hơn 6 tỷ đồng trong khi đầu năm gần 223 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 9% (103.017 tỷ đồng), phát hành giấy tờ có giá tăng 14% (20.118 tỷ đồng).
Tổng nợ xấu tính đến 31/3/2025 của Vietbank xấp xỉ đầu năm ở mức 2.567 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ giảm từ mức 2,75% đầu năm xuống còn 2,64%.
- Ngày 26/4/2025, Vietbank tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 bằng hình thức trực tuyến. Tại Đại hội, các cổ đông đã nhất trí thông qua Phương án tăng vốn điều lệ từ 7.139 tỷ đồng lên 10.919,7 tỷ đồng và kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 55%.
Lãnh đạo Vietbank chia sẻ, năm 2025 Ngân hàng sẽ hoàn thiện tái cấu trúc tổ chức, mô hình kinh doanh, nâng cao năng suất nhân viên và quản lý chi phí hiệu quả. Cấu trúc danh mục huy động và cho vay theo định hướng bán lẻ, giảm cấp tín dụng vào các ngành nghề nhiều rủi ro, tập trung vào phân khúc khách hàng và ngành nghề mục tiêu. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng tài sản, tăng khả năng sinh lời và đẩy mạnh hoạt động thu hồi nợ và xử lý nợ xấu. Vietbank cũng cải tiến quy trình vận hành, quy trình hỗ trợ kinh doanh (thẩm định, phê duyệt và giải ngân) để nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.
Dự kiến, năm 2025 tổng tài sản của Vietbank đạt 180.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước; Tổng dư nợ cấp tín dụng 112.000 tỷ đồng, tăng 20%; Tổng huy động (bao gồm giấy tờ có giá) đạt 132.000 tỷ đồng, tăng 17%; Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng 1.750 tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2024, đồng thời đảm bảo tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tại Đại hội, HĐQT Vietbank cũng đã trình cổ đông nội dung liên quan đến phương án tăng vốn điều lệ năm 2025, dự kiến tăng từ 7.139 tỷ đồng lên mức 10.919,7 tỷ đồng thông qua hai đợt phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu và huy động vốn từ cổ đông).
Ngoài ra, Ban lãnh đạo Vietbank đã chia sẻ kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2024. Năm 2024, Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Vietbank ghi nhận 1.131 tỷ đồng, tăng 39,3% so năm 2023, hoàn thành 108% kế hoạch. Bên cạnh đó, năm 2024 Vietbank tập trung kiện toàn 118 Trung tâm kinh doanh hiện hữu và phát triển mở mới thêm 14 Trung tâm kinh doanh, nâng tổng số trung tâm kinh doanh lên 132 đơn vị (bao gồm 30 chi nhánh và 102 phòng giao dịch), phủ khắp 26 tỉnh/thành trong cả nước, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, tạo điều kiện để phát triển thị phần và quảng bá thương hiệu Vietbank trên cả nước.
Vào cuối tháng 3 vừa qua, HĐQT Vietbank cũng đã thông qua việc tăng vốn góp tại Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank AMC). Theo đó, vốn điều lệ của Vietbank AMC tăng từ 5 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Vietbank thành công tốt đẹp, tất cả các vấn đề đưa ra biểu quyết đều được Đại hội thông qua với tỷ lệ tán thành tuyệt đối.
- Vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín nhận giải thưởng quốc tế Platinum Correspondent Award - Danh hiệu Bạch kim dành cho Ngân hàng đại lý từ Habib American Bank (HAB Bank) - định chế tài chính uy tín có trụ sở tại New York, Hoa Kỳ.
Giải thưởng ghi nhận những thành tích nổi bật của Vietbank trong lĩnh vực thanh toán quốc tế, nhờ tuân thủ các tiêu chuẩn thống nhất trên toàn cầu, tỷ lệ điện thanh toán đạt chuẩn xử lý tự động (STP) và hiệu quả hợp tác chiến lược giữa hai ngân hàng trong năm vừa qua. Giải thưởng được xét dựa trên các tiêu chí khắt khe như: số lượng, chất lượng điện thanh toán đạt chuẩn STP, tốc độ xử lý giao dịch; tuân thủ các quy trình, quy định về phòng chống rửa tiền (AML), chống tài trợ khủng bố (CFT); mức độ xử lý giao dịch an toàn và thông suốt; quản lý tài khoản Nostro hiệu quả…
Trong những năm qua, Vietbank không ngừng đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực vận hành quốc tế và phát triển đội ngũ nhân sự đạt chuẩn quốc tế, nhằm cung cấp các dịch vụ thanh toán an toàn, nhanh chóng, tuân thủ quy định pháp lý nghiêm ngặt.
Habib American Bank (HAB Bank) được biết đến là định chế tài chính uy tín với hơn 40 năm hoạt động tại Hoa Kỳ, nổi bật trong lĩnh vực ngân hàng thương mại quốc tế với thế mạnh về thanh toán quốc tế, quản lý tài khoản Nostro và tài trợ thương mại. HAB Bank cam kết tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn tài chính và duy trì mạng lưới hợp tác rộng khắp toàn cầu.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)
- Theo kết quả kinh doanh Quý 1/2025 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam mới công bố, thu nhập lãi thuần vẫn là trụ cột chính mang về cho Eximbank 1.354 tỷ đồng. Nguồn thu phi tín dụng có sự tăng trưởng tích cực: lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 146 tỷ đồng, tăng 32%; kinh doanh ngoại hối đạt 202 tỷ đồng, tăng 141%. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng có sự tăng trưởng vượt bậc lên mức 109 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm 2024.
Tổng thu nhập hoạt động của Eximbank vượt 1.800 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng ở mức 959 tỷ đồng, trong quý, Eximbank trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 127 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 832 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ, thực hiện được 16% kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2025.
Tại ngày 31/3/2025, tổng tài sản đạt 251/133 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng tăng 8,34% lên 182.258 tỷ đồng. Tín dụng của Eximbank tiếp tục chảy vào các phân khúc, lĩnh vực trọng tâm mà ngân hàng xác định ưu tiên, gồm phân khúc ngân hàng bán lẻ, doanh nghiệp SME, hệ sinh thái khách hàng doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI, phù hợp với định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Tiền gửi của khách hàng cũng tăng 5% so với đầu năm, lên mức 175.759 tỷ đồng.
Ngân hàng kiểm soát tốt các chỉ số an toàn trong hoạt động theo quy định của NHNN: Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn duy trì quanh mức 23-25%, thấp hơn so với mức giới hạn của NHNN tối đa 30%; tỷ lệ LDR được kiểm soát dưới 85% theo quy định; tỷ lệ an toàn vốn CAR dao động quanh ngưỡng 12%, cao hơn mức quy định 8%.
Trong Q1, Eximbank triển khai nhiều chương trình ưu đãi đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân, thông qua các sản phẩm tối ưu, đề cao trải nghiệm khách hàng, đồng thời tập trung chuyển đổi số toàn diện.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay, với sự đồng thuận ở thượng tầng, cùng sự thay đổi từ trong nội bộ ngân hàng, Eximbank vẫn kiên định mục tiêu đã đề ra. Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 11% lên 265.500 tỷ đồng, huy động vốn 206.000 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Dư nợ cấp tín dụng dự kiến tăng 16,2% lên mức 195.500 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt 5.188 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2024. Ngân hàng kiểm soát chặt chẽ nợ xấu với mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu về mức 1,99%.
Lãnh đạo Eximbank xác định các nhiệm vụ trọng tâm của 2025 và những năm tới là phát triển nền tảng khách hàng, định vị phân khúc mục tiêu, nâng cao hiệu quả và gia tăng năng lực cạnh tranh. Eximbank sẽ tái cấu trúc tài chính và danh mục tài sản, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, phát huy mô hình xử lý nợ tập trung. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, cải thiện các chỉ số sinh lời, tăng cường năng lực tài chính và khả năng ứng phó rủi ro. Eximbank đã có lộ trình triển khai Basel III và IFRS đưa việc công bố thông tin đến chuẩn mực quốc tế.
- Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam vừa công bố thông tin bổ nhiệm 02 Phó Tổng Giám đốc mới là ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng, hiệu lực từ ngày 08/5/2025. Ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng từng là Thành viên HĐQT và Thành viên HĐQT độc lập của Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025).
Như vậy, sau khi bổ nhiệm thêm 2 Phó Tổng Giám đốc, Ban điều hành của Eximbank có 6 thành viên: Ông Nguyễn Hoàng Hải là quyền Tổng Giám đốc; 05 Phó Tổng Giám đốc gồm: ông Nguyễn Hướng Minh, ông Đào Hồng Châu, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ, ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng.
- Tận dụng tối đa làn sóng đầu tư FDI, Eximbank đang triển khai những giải pháp toàn diện cho các doanh nghiệp FDI. Với gói tín dụng FDI Premium, Eximbank mang đến lãi suất USD chỉ từ 3,4%/năm, cùng với chính sách miễn giảm gần 20 loại phí thanh toán trong nước và quốc tế, giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí. Eximbank cũng đẩy mạnh mảng thanh toán quốc tế với gói Trade Return, giảm đến 70% phí phát hành L/C, phí thanh toán quốc tế cùng ưu đãi giá mua bán ngoại tệ.
Ngoài các giải pháp tài chính truyền thống, Eximbank còn phát triển các dịch vụ số hóa như E-Factoring, dự kiến ra mắt trong năm 2025, sẽ cung cấp giải pháp bao thanh toán hiện đại cho doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu. Hợp tác với Eximbank, doanh nghiệp FDI được tiếp cận nguồn vốn linh hoạt, hưởng lợi từ các chính sách tài chính ổn định, tạo điều kiện để mở rộng thị trường, gia tăng cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế.
Công ty Tài chính TNHH HD SAISON (HD SAISON)
Giai đoạn 2024-2025 đánh dấu cột mốc đáng tự hào trong hành trình phát triển của HD SAISON khi lần thứ 8 được vinh danh trong bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam. Xếp hạng không chỉ là sự ghi nhận từ phân tích và đánh giá số liệu kinh doanh ấn tượng mà còn phản ánh sự tin tưởng của hơn 15 triệu khách hàng và sự ủng hộ mạnh mẽ từ hơn 22 nghìn đối tác tại hơn 26.500 điểm giới thiệu dịch vụ trên khắp cả nước.
Với phương châm “Lấy khách hàng làm trung tâm”, HD SAISON đầu tư mạnh mẽ vào chuyển đổi số, từng bước số hóa quy trình và nâng cao trải nghiệm người dùng thông qua ứng dụng tài chính hiện đại. Các sản phẩm vay trả góp, vay tiền mặt và thẻ tín dụng được thiết kế linh hoạt, đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng. HD SAISON luôn kiên định theo đuổi chiến lược phát triển gắn với trách nhiệm xã hội, như Gói tín dụng quy mô 15.000 tỷ đồng dành cho đoàn viên, công nhân và sản phẩm vay Học phí cho con được triển khai thường niên, không chỉ mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn an toàn và chính thống, mà còn góp phần đẩy lùi tín dụng đen, thể hiện rõ cam kết của HD SAISON trong việc thúc đẩy tài chính bền vững, phát triển giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng.
Qua hơn 17 năm hoạt động, HD SAISON cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc ở nhiều khía cạnh quan trọng, từ việc gia tăng số lượng khách hàng tin dùng, mở rộng thị phần, đến việc tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC (VPB FC/ FE Credit)
Ngày 18/4/2025, FE Credit và Công ty CP Bảo hiểm OPES đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU), đánh dấu một cột mốc mới trong hành trình gắn kết chiến lược giữa hai doanh nghiệp, mở ra giai đoạn hợp tác sâu rộng hơn, mở rộng danh mục sản phẩm tài chính - bảo hiểm tích hợp dành cho khách hàng trên khắp cả nước. Hội thảo “Empower to Achieve - Nâng tầm khả năng, Chinh phục thành công” không chỉ là dịp để hai bên cùng nhìn lại những kết quả nổi bật trong năm 2024 mà còn là cơ hội để định hình những định hướng chiến lược cho năm 2025.
Năm 2024 đánh dấu bước tiến vững chắc trong hiệu quả kinh doanh bảo hiểm của hệ thống hợp tác giữa FE Credit và OPES. Những thành quả nổi bật đã khẳng định niềm tin của khách hàng, sự đồng lòng từ nội bộ và hiệu suất tăng trưởng từ các kênh bán hàng. Trong năm 2024, có 1.739 yêu cầu bồi thường được ghi nhận với tỉ lệ phê duyệt yêu cầu bồi thường đạt mức 60%, thể hiện sự minh bạch và hiệu quả trong quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm và chăm sóc khách hàng giữa FE Credit và OPES.
Theo thống kê từ doanh nghiệp, ba nhóm chi phí bồi thường cao nhất lần lượt là chi phí điều trị nội trú và phẫu thuật; chi phí bồi thường do tai nạn; và chi phí điều trị ngoại trú.Đặc biệt, đã ghi nhận nhiều trường hợp bồi thường với giá trị lớn, từ trên 200 triệu tới hàng tỷ đồng dành cho những khách hàng không may gặp tai nạn tử vong hoặc bị thương tật nặng nề. Các khoản bồi thường này đã góp phần giúp cho khách hàng và người thân giảm bớt gánh nặng tài chính, trang trải được các khoản nợ và chi phí điều trị, chăm sóc sức khỏe sau tai nạn, cũng như nhiều doanh nghiệp nhỏ duy trì được sản xuất kinh doanh, an cư lạc nghiệp.
Trước những biến động lớn từ nền kinh tế vi mô và vĩ mô, cùng với tình hình kinh tế thế giới đầy thách thức, cả hai bên nhận định rằng năm 2025 sẽ là năm quyết định với không ít khó khăn. Vì vậy, biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược sẽ là nền tảng vững chắc thúc đẩy các hoạt động trọng yếu trong suốt năm nay. Hai bên đã thống nhất mục tiêu tăng trưởng 32% doanh thu so với năm 2024, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình phát triển.
Ngân hàng TNHH Indovina (IVB)
Ngân hàng TNHH Indovina công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi, cho vay bình quân và các lãi suất khác kỳ tháng 4/2025 (số liệu cập nhật đến 30/4/2025) như sau: Lãi suất cho vay bình quân với khách hàng cá nhân (ngắn hạn) là 7,45%/năm (giảm 0,17% so với tháng 3), trung dài hạn là 8,91%/năm (giảm 0,05% so với tháng 3); Lãi suất cho vay bình quân với khách hàng doanh nghiệp (ngắn hạn) là 6,4%/năm (tăng 0,08%), trung dài hạn là 9,43%/năm (giảm 0,04%); Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 2,54%/năm (tăng 0,06% so với tháng 3/2025).
Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank)
- Ngân hàng Shinhan chính thức ra mắt hai dòng thẻ tín dụng mới: Shinhan SME và Shinhan Business Owner, được thiết kế đặc biệt dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), cũng như chủ hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân. Hai dòng thẻ Visa này mang lại những lợi ích vượt trội, hỗ trợ khách hàng trong việc quản lý tài chính hiệu quả, tối ưu hóa chi tiêu, tích lũy điểm thưởng và tận hưởng các dịch vụ cao cấp.
Thẻ tín dụng Shinhan SME được ra mắt để phục vụ nhu cầu tài chính của các SMEs. Chủ thẻ sẽ được miễn phí thường niên trong năm đầu tiên khi kích hoạt thẻ trong vòng 60 ngày, đồng thời tận hưởng các chương trình điểm thưởng hấp dẫn, bao gồm: 5% điểm thưởng cho chi tiêu trong danh mục Ẩm thực và 2% điểm thưởng cho các chi tiêu trong danh mục Xăng dầu.
Tương tự, thẻ tín dụng Shinhan Business Owner cũng mang đến những ưu đãi nổi bật dành cho các chủ hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân. Chủ thẻ sẽ được miễn phí thường niên năm khi kích hoạt thẻ trong vòng 60 ngày. Các điểm thưởng của thẻ này bao gồm 5% điểm thưởng cho chi tiêu trong danh mục Ẩm thực và 2% điểm thưởng cho các chi tiêu trong danh mục Quảng cáo và Giao dịch trực tuyến. Tổng điểm thưởng tích lũy tối đa cho các điểm thưởng đặc biệt của hai dòng thẻ này là 500.000 điểm cho mỗi doanh nghiệp trong mỗi tháng dương lịch. Ngoài ra, cả 2 dòng thẻ đều nhận được ưu đãi đặc biệt 0,5% điểm thưởng cho doanh số giao dịch qua máy Shinhan POS của chủ thẻ, với điều kiện tổng doanh số giao dịch đạt từ 100.000.000 VNĐ/tháng. Hơn nữa, với các chi tiêu hợp lệ sẽ được tích lũy 0,1% điểm thưởng mà không yêu cầu chi tiêu tối thiểu và không giới hạn số điểm tích lũy tối đa.
Một tính năng đặc biệt chung của cả hai thẻ là chương trình Fast Track, cung cấp trải nghiệm đón tiễn cao cấp dành cho khách hàng VIP tại các sân bay trên toàn quốc. Chủ thẻ sẽ được hưởng các dịch vụ như lối đi ưu tiên, trợ lý cá nhân, hỗ trợ làm thủ tục an ninh, xuất/nhập cảnh, hỗ trợ lấy hành lý và hướng dẫn đến khu vực phòng chờ hoặc cửa lên máy bay. Chủ thẻ cũng sẽ được tặng 01 lượt Fast Track nếu tổng chi tiêu trong năm dương lịch đạt từ 55.000.000 VNĐ đối với thẻ Shinhan Business Owner và 105.000.000 VNĐ đối với thẻ Shinhan SME. Song song đó, chủ thẻ tín dụng Shinhan Business Owner còn được hưởng các đặc quyền như miễn chứng minh tài chính khi xin visa du lịch Hàn Quốc, Bảo hiểm du lịch quốc tế lên đến 12 tỷ đồng, mua sắm với chương trình trả góp 0% tại các đối tác Shinhan - kỳ hạn trả góp linh hoạt đến 12 tháng hoặc lãi suất ưu đãi tại bất kỳ thương hiệu cho các giao dịch thẻ từ 3.000.000 đồng trở lên, đồng thời, tận hưởng ưu đãi lên đến 50% tại hơn 200 đối tác tại Shinhan Zone ở đa dạng các lĩnh vực.
Vừa qua, Ngân hàng Shinhan cũng chính thức được cấp chứng nhận PCI-DSS phiên bản 4.0.1 - cấp độ cao nhất trong hệ thống tiêu chuẩn bảo mật thẻ thanh toán toàn cầu, do Broadband Security (Hàn Quốc) đánh giá. Đây là dấu mốc quan trọng khi Shinhan là ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ này.
- Ngân hàng Shinhan vừa phối hợp cùng siêu thị Lotte Mart Việt Nam triển khai chương trình “Thanh toán QR nhận ngay Iphone 16 Promax” với những phần thưởng giá trị hấp dẫn dành cho khách hàng khi mua sắm tại hệ thống siêu thị Lotte Mart. Theo đó, từ ngày 24/4/2025 đến hết ngày 23/5/2025, khi mua sắm và thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng Shinhan SOL Việt Nam của Ngân hàng Shinhan tại 15 siêu thị của Lotte Mart trên toàn quốc, khách hàng sẽ nhận ngay mã số dự thưởng để tham gia quay số may mắn với cơ hội sở hữu iphone 16 pro max 256G, tai nghe airpod 4 hoặc thẻ quà tặng Lotte Mart giá trị. Mỗi khách hàng sẽ có 01 mã dự thưởng duy nhất. Cơ cấu giải thưởng bao gồm: 10 Giải nhất: iphone 16 pro max 256G, 10 Giải nhì: tai nghe airpod 4 MXP63ZP/A và 30 Giải ba: thẻ quà tặng Lotte Mart. Tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 400 triệu đồng.
- Ngân hàng Shinhan công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi, cho vay bình quân kỳ tháng 4/2025 như sau: Lãi suất cho vay bình quân là 4,97%/năm (tăng 0,01% so với tháng 3/2025); Chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là 1,26%/năm (giảm 0,14% so với tháng 3/2025).