
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Tham dự cuộc họp, về phía Bộ Tư pháp có Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú và ông Nguyễn Văn Cương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý.
Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có bà Vũ Ngọc Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế.
Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký và bà Nguyễn Thị Phương - Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng, cùng đại diện các vụ, cục NHNN và đông đảo các tổ chức tín dụng hội viên.
Phát biểu mở đầu, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA, bày tỏ vinh dự được đón tiếp đoàn công tác của Bộ Tư pháp đến để lắng nghe và trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành ngân hàng.

Quang cảnh buổi làm việc
Ông nhấn mạnh đây là nội dung Hiệp hội Ngân hàng đánh giá là hết sức quan trọng và cấp thiết, bởi các quy định pháp lý có tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.
TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, thời gian qua, rất nhiều quy định, chính sách liên quan đến hoạt động của ngân hàng thương mại được ban hành..., trong đó có nhiều nội dung liên quan đến đất đai, đầu tư, xử lý tài sản bảo đảm, thủ tục hành chính, và các quy định pháp luật liên ngành khác. Điều này khiến quá trình triển khai trên thực tế gặp nhiều khó khăn và bất cập. Bên cạnh những quy định đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, vẫn còn tồn tại một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, gây trở ngại cho hoạt động tín dụng, ảnh hưởng đến khả năng hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.
TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng có những quy định cần sớm được sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn rõ ràng hơn, đồng thời bày tỏ mong muốn Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tiếp thu những kiến nghị xác đáng, chia sẻ, hỗ trợ ngành Ngân hàng kịp thời.
Đi sâu vào các "điểm nghẽn" cụ thể, bà Nguyễn Thị Phương, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), đã trình bày một báo cáo tổng hợp chi tiết. Bà nhấn mạnh đến các quy định mâu thuẫn, chồng chéo ngay trong cùng một văn bản hoặc giữa các văn bản pháp luật với nhau. Bên cạnh đó là các quy định không rõ ràng, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và thiếu tính khả thi khi áp dụng vào thực tiễn. Những vướng mắc này xuất hiện trong hàng loạt văn bản luật trọng yếu như Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Thi hành án dân sự và ngay cả Luật các Tổ chức tín dụng 2024 mới ban hành.

Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ nhiệm CLB Pháp chế trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng
Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng kiến nghị NHNN, Bộ Tư pháp có hướng dẫn đối với việc nhận tài sản là BĐS để gán nợ và bán, chuyển nhượng tài sản này tương ứng với quy định tại Luật các TCTD để các TCTD có căn cứ thực hiện.
Bên cạnh đó, bà Phương cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục quản lý đất đai có văn bản hướng dẫn nghiệp vụ theo đúng tinh thần quy định tại khoản 3 Điều 139 Luật các tổ chức tín dụng 2024, trong đó TCTD được quyền nhận gán nợ tài sản là bất động sản cho cả mục đích xử lý nợ.
Cuộc họp cũng ghi nhận thêm nhiều ý kiến tâm huyết từ các ngân hàng hội viên về các vấn đề như quy định về giấy phép đăng ký kinh doanh, thủ tục thu thập giấy tờ chứng minh mục đích vay vốn, hay các quy định về trích lập dự phòng rủi ro...

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN
Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan quản lý, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN, đánh giá cao những thông tin sát thực tế và khẳng định NHNN "luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp từ thực tiễn".
Bổ sung góc nhìn khoa học pháp lý, ông Nguyễn Văn Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, cho rằng từ kinh nghiệm quốc tế, không hệ thống pháp luật nào tránh khỏi tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn. Điểm mấu chốt là phải có cơ chế để xử lý linh hoạt, hợp lý trong từng tình huống cụ thể, biết cách lựa chọn quy phạm nào có hiệu lực ưu tiên, cách giải thích pháp luật ra sao để đảm bảo tính hợp lý và đúng tinh thần luật pháp.
Lắng nghe và tổng hợp các ý kiến, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần trao đổi thẳng thắn của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Ông khẳng định mục đích của cuộc họp không chỉ để ghi nhận, mà là để "phối hợp chặt chẽ, cùng đi đến tận cùng vấn đề và tháo gỡ thực chất".

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú
Để triển khai một cách bài bản, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú đề nghị Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tiếp tục tổng hợp, hệ thống hóa các kiến nghị và phân loại theo 3 nhóm cốt lõi: Mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật; Quy định không rõ ràng, gây ra nhiều cách hiểu và khó khăn khi áp dụng; Quy định tạo gánh nặng tuân thủ, hoặc kìm hãm sự đổi mới, sáng tạo.
Thứ trưởng đề nghị Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam gửi bản tổng hợp trong thời gian sớm nhất để Bộ Tư pháp có cơ sở tổ chức hội thảo chính thức với các Bộ, ngành liên quan, từ đó sàng lọc, hoàn thiện kiến nghị và trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Thay mặt Hiệp hội Ngân hàng, TS. Nguyễn Quốc Hùng trân trọng tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng. Ông cam kết Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ khẩn trương hoàn thiện báo cáo kiến nghị theo đúng định hướng đã được gợi mở, đảm bảo các đề xuất phản ánh đúng thực chất khó khăn của hội viên. Ông cũng gửi lời cảm ơn chân thành đến lãnh đạo Bộ Tư pháp, NHNN đã luôn lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng cộng đồng ngân hàng trong nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, vì mục tiêu phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững.