Buổi tọa đàm nhằm lắng nghe ý kiến của các tổ chức tín dụng, giúp cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc vào tháng 5/2025).

Tham dự tọa đàm, về phía Quốc hội có: ông Nguyễn Hải Nam - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế và Tài chính.

Về phía Bộ Tư pháp có: ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý; bà Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý; bà Nguyễn Chi Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế.

Về phía Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia có: ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có: bà Vũ Ngọc Lan, Vụ Phó Vụ Pháp chế.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: TS Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; bà Nguyễn Thị Phương – Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng; ông Nguyễn Văn Trình - Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng kiêm Trưởng ban Pháp chế Sacombank.

Tọa đàm còn có sự tham dự của đại diện: Cục Đăng ký giao dịch bảo và Bồi thường Nhà nước, Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư Pháp; Đại diện A04 Bộ Công an; Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước;

Ngoài ra còn có đông đảo các tổ chức tín dụng (TCTD) hội viên Hiệp hội Ngân hàng tham dự trực tiếp và trực tuyến.

TS.Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Phát biểu khai mạc tại tọa đàm, TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, Luật Các TCTD 2024 đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Trước khi Luật Các TCTD 2024 được Quốc hội thông qua, Hiệp hội Ngân hàng là một trong những đơn vị rất tích cực tham gia cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xây dựng dự thảo Luật. Quá trình dự thảo ban đầu có nội dung quy định về thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) trong quá trình xử lý nợ xấu của TCTD, tuy nhiên, khi Luật Các TCTD 2024 được thông qua không có nội dung này. Cùng với đó, Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xử lý, thu hồi nợ của các TCTD và tổ chức mua bán, xử lý nợ. Vì vậy, việc sửa đổi luật không chỉ giúp các ngân hàng thu hồi nợ hiệu quả hơn mà còn là cách để nâng cao trách nhiệm của người đi vay.

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, trên thực tế, mặc dù các TCTD đã rất tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng, tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới, trong khi hành lang pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu còn bất cập, thiếu đồng bộ và thống nhất, dẫn đến nợ xấu gia tăng.

Thống kê cho thấy, năm 2024, tỷ lệ thu hồi nợ chủ yếu liên quan đến tài sản bảo đảm chiếm khoảng 46,6%. Tỷ lệ khách hàng chủ động trả nợ các ngân hàng với khoản nợ xấu chỉ chiếm 36%; còn lại nợ bán cho VAMC, nợ thi hành án thông qua bán tài sản bảo đảm chiếm tỷ lệ rất thấp, đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.

Trong 2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng nhanh (tăng khoảng 34.000 tỷ đồng), trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng do các TCTD trích dự phòng rủi ro để xử lý.

“Như vậy, nguồn xử lý nợ xấu chủ yếu đến từ việc các TCTD trích từ dự phòng rủi ro. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các TCTD, cũng như giảm nguồn lực hỗ trợ ngược lại các doanh nghiệp, dòng tiền không luân chuyển được, ảnh hưởng đến thanh khoản, nếu không xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Quốc Hùng phân tích.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng, các bản án đã có hiệu lực thi hành cũng đang gặp vướng mắc, khó khăn. Có bản án có hiệu lực thi hành rồi, nhưng qua 27 - 28 lần thi hành án, đấu giá, phát mại tài sản nhưng vẫn không xử lý được vì vướng Luật Đất đai. Trong số hơn 40.000 vụ việc có hiệu lực thi hành, chuyển sang thi hành án, năm 2024, chỉ giải quyết được 15% vụ án với số tiền nhỏ so với bản án có hiệu lực.

Khẳng định sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, các ngân hàng rất băn khoăn khi không thể thu hồi được nợ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện có rất nhiều nội dung trong Luật Các TCTD 2024 cần được sửa đổi, bổ sung, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD trong hoạt động xử lý nợ xấu.

TS Nguyễn Quốc Hùng cũng chỉ ra một số vấn đề khó khăn mà trong quá trình xử lý nợ xấu, các TCTD gặp phải, trong đó có việc thu giữ tài sản bảo đảm đối với khoản vay đang gặp rất nhiều trở ngại do ý thức trả nợ của khách hàng chưa cao, trì hoãn không bàn giao tài sản bảo đảm. Vì vậy, cần "luật hóa" các quy định để xóa bỏ tư duy tìm mọi cách không trả nợ vay ngân hàng.

“Chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhưng không có nghĩa bảo vệ những cái sai. Đã đi vay thì phải có nghĩa vụ trả nợ, chứ không phải khi vay thì cam kết với ngân hàng sẽ trả nợ nhưng sau đó tìm mọi cách để dây dưa, trốn nợ, hoặc trả gốc không trả lãi, thậm chí tham gia hội nhóm bùng nợ”, TS Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Từ thực tiễn, vướng mắc của các TCTD và những quan điểm đã dự thảo để đưa vào Luật Các TCTD trước đây, TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Hiệp hội Ngân hàng đã tổng hợp 3 nội dung chính gồm: (i) luật hóa quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm; (ii) luật hóa quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; (iii) luật hóa quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả tài sản bảo đảm là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Đối với quy định thu giữ tài sản bảo đảm, TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng cần truyền thông để người dân hiểu, ý thức trách nhiệm đã vay vốn ngân hàng là phải trả nợ, nếu không trả được nợ thì phải tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm cho ngân hàng hoặc tự xử lý tài sản bảo đảm để trả nợ ngân hàng. Cùng với đó, cần đưa vào luật trách nhiệm của cơ quan cấp xã gắn liền với nơi có tài sản bảo đảm để có thể phối hợp hỗ trợ các TCTD trong thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.

Ông Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp phát biểu

Về quy định về kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án, TCTD sẽ chỉ được kê biên với những trường hợp ảnh hưởng tới sức khoẻ của người vay hoặc có sự đồng ý của TCTD. Như vậy, đã có tài sản bảo đảm mà tài sản bảo đảm đã bảo đảm khoản nợ thì ngay cả khi kê biên cũng được xem xét đối với những bản án có hiệu lực khác nhằm đảm bảo quyền của các TCTD.

Về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vụ việc vi phạm hành chính, đã có nhiều bản án liên quan đến hình sự, dân sự, hành chính. Việc giải quyết các tài sản này được xử lý theo quy trình tố tụng bị kéo dài nhiều năm, tài sản bị tồn đọng rất lâu mà không thể xử lý gây ảnh hưởng rất lớn đến các TCTD.

TS Nguyễn Quốc Hùng cho biết thêm, trong quá trình soạn thảo dự thảo lần này, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng đã tham gia đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước và cơ quan soạn thảo để trình Chính phủ. Chính phủ cũng đã nhất trí với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thống nhất trình lên để Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Trình bày về các ý kiến tổng hợp từ các tổ chức tín dụng hội viên, bà Nguyễn Thị Phương - Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho biết, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (ngày 7/3/2025) bổ sung ba điều (198a, 198b và 190c), chính thức đưa các quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản của người phải thi hành án và hoàn trả tài sản bảo đảm trong các vụ án hình sự vi phạm pháp luật. Những quy định này trước đây đã được ghi nhận trong Nghị quyết 42/2017, nhưng khi nghị quyết này hết hiệu lực, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 lại không đề cập đến.

bà Nguyễn Thị Phương - Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)
Bà Nguyễn Thị Phương - Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Trong đó, việc quy định rõ ràng quyền thu giữ tài sản bảo đảm là rất cần thiết và cấp thiết, nhằm khắc phục tình trạng các tổ chức tín dụng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu. Thực tiễn cho thấy, việc thu giữ tài sản bảo đảm, đặc biệt là tài sản hình thành từ vốn vay như nhà xưởng, máy móc, ô tô, thường xuyên bị cản trở bởi chính bên vay hoặc các bên thứ ba, kể cả trong trường hợp đã có thỏa thuận bằng văn bản. Do vậy, quy định rõ ràng về quyền thu giữ không chỉ giúp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bên cho vay, mà còn thúc đẩy hoạt động tín dụng an toàn, lành mạnh hơn. Đồng thời, đây cũng là thông lệ chung tại nhiều quốc gia.

Thứ hai, về cách tiếp cận và xây dựng quy định tại Điều 198a. Tại dự thảo quy định về nguyên tắc, điều kiện, trình tự, thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm là hướng đi đúng và cần tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung quy định rõ ràng hơn về cơ chế bảo vệ người thực thi quyền thu giữ, bao gồm cả cán bộ tổ chức tín dụng, cá nhân được ủy quyền, cũng như phối hợp với lực lượng chức năng trong trường hợp cần thiết. Cụ thể, cần quy định việc thu giữ tài sản theo đúng trình tự, thủ tục và có sự chứng kiến/giám sát của chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an, để đảm bảo tính minh bạch và ngăn ngừa xung đột, tranh chấp phát sinh.

Thứ ba, về việc đảm bảo hài hòa quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Quyền thu giữ là một biện pháp mạnh, nhưng trong bối cảnh tín dụng là hoạt động rủi ro và dựa trên sự bảo đảm về tài sản, thì tổ chức tín dụng cần có công cụ pháp lý đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi rủi ro xảy ra. Đồng thời, Luật cũng cần quy định trách nhiệm giải trình và giám sát việc thực thi quyền thu giữ này, tránh lạm dụng và đảm bảo công bằng với bên vay…

Đại diện CLB Pháp chế Ngân hàng đồng thời đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung một số trường hợp được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm, cụ thể: (i) TCTD được chuyển giao bắt buộc được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho TCTD nhận chuyển giao bắt buộc trong trường hợp các bên đã thực hiện mua bán nợ; (ii) Tổ chức có chức năng mua bán, xử lý nợ theo quy định của pháp luật (không bao gồm tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ) được ủy quyền thu giữ tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng bán nợ.

“Việc bổ sung trên phù hợp với thực tế vận hành hiện nay và tạo điều kiện xử lý nợ xấu triệt để, vì có nhiều trường hợp để tối ưu các dòng vốn và/hoặc thực hiện theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt, TCTD đã thực hiện bán nợ cho các tổ chức nêu trên phù hợp với quy định pháp luật. Đồng thời, các trường hợp nêu trên vẫn đảm bảo phù hợp tinh thần trong Tờ trình của NHNN vì nguồn gốc các khoản nợ xấu này đều xuất phát từ việc các TCTD bán nợ và các TCTD này cũng có quyền thu giữ theo quy định tại dự thảo”, bà Nguyễn Thị Phương phân tích.

Về kê biên tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu quy định tại Điều 198b, đại diện CLB Pháp chế ngân hàng đề nghị xem xét bổ sung quy định về việc tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.

Trong thực tế, nhiều trường hợp chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự không thực hiện thủ tục kê biên (việc kê biên đối với tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu không đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Thi hành án dân sự nhưng lại áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án (như phong tỏa tài khoản, tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản) gây khó khăn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình xử lý nợ của các TCTD. Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung trường hợp “không bị áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, kê biên, cưỡng chế thi hành án để thực hiện nghĩa vụ khác” tại dự thảo.

Ngoài ra, tiếp nhận phản ánh vướng mắc của một số TCTD, bà Nguyễn Thị Phương đề nghị bổ sung Điều 198d tại Luật Các TCTD sửa đổi quy định theo hướng: Đối với tài sản gắn liền với đất được bán đấu giá để thi hành bản án, quyết định của Tòa án thì không áp dụng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật Đất đai năm 2024; Bổ sung Điều 200 Luật Các TCTD về chuyển nhượng tài sản bảo đảm.

TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho biết, có nhiều lý do để luật hóa xử lý nợ xấu bởi nợ xấu là tất yếu trong hoạt động tín dụng, có cả yếu tố chủ quan và nhiều yếu tố khách quan như thiên tai, dịch bệnh, biến động địa chính trị, rủi ro khác.... Nợ xấu nếu không xử lý được, tài sản đảm bảo gắn liền với nợ xấu không xử lý được sẽ bị “đóng băng”, gây ách tắc, thất lớn đối với nền kinh tế. Ngoài ra, nợ xấu không xử lý sẽ gây "ách tắc" dòng tín dụng mới”.

Ông Lực cho rằng “Không có luật riêng để xử lý nợ xấu là khoảng trống pháp lý nghiêm trọng, gây thiệt hại không chỉ cho ngân hàng mà cho cả nền kinh tế. Chúng ta đang trong thời điểm thực hiện hai cuộc cách mạng lớn: một là cải cách thể chế, hai là tái cấu trúc bộ máy hành chính. Đây là thời điểm vàng, nếu không luật hóa được lần này thì có thể là ‘now or never’.”.

“Bảo vệ bên vay không có nghĩa là làm tê liệt quyền của bên cho vay. Xử lý nợ xấu không chỉ để bảo vệ ngân hàng, mà để khơi thông nguồn vốn, giúp doanh nghiệp hồi phục, và tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển bền vững. Vì vậy, việc luật hóa Nghị quyết 42 là nhiệm vụ trọng yếu, cấp thiết và hoàn toàn đúng đắn cả về lý luận, thực tiễn và thông lệ quốc tế. Chúng ta cần đoàn kết, đồng thuận, để lần này không bỏ lỡ cơ hội, và không có lỗi với nền kinh tế, với doanh nghiệp, với người dân”, ông Lực nhấn mạnh thêm.

Cùng với các nội dung về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của TCTD, về cơ chế xử lý tài sản bảo đảm là vật chứng, tang chứng vụ án, TS. Cấn Văn Lực cũng bổ sung một số điểm liên quan đến: xử lý TSBĐ là quyền khai thác khoáng sản; tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Luật Phá sản; áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm tại tòa án; quy định đối tượng/tổ chức mua - bán nợ; bổ sung quy định bảo đảm nhất quán với các văn bản pháp luật khác như Luật Kinh doanh Bất động sản 2023.

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước phát biểu

Trao đổi tại tọa đàm, đại diện các TCTD hội viên cho rằng, ngân hàng luôn rất thận trọng, minh bạch trong việc đấu giá tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu. Nếu khách hàng có khả năng trả nợ, ngân hàng luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng để hoàn trả. Đại diện các TCTD đều khẳng định, việc luật hóa Nghị quyết 42 là hết sức thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

Bà Nguyễn Thu Lan, Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank chia sẻ, người dân gửi hàng triệu tỷ đồng vào ngân hàng và trách nhiệm của ngân hàng là phải quản lý. Ngân hàng làm không đúng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật và không phải muốn làm gì thì làm.

"Quá trình thực hiện thu hồi nợ xấu đều được làm rất cẩn trọng, bởi tất cả các ngân hàng đều biết, bất kỳ một sai sót nào liên quan đến bán đấu giá tài sản, thu hồi nợ… sẽ mang đến hậu quả rất lớn. Còn trong trường hợp khách hàng có khả năng hoàn trả nợ, thì ngân hàng đều hỗ trợ bằng được để khách hàng trả nợ", bà Nguyễn Thu Lan chia sẻ.

Bà Nguyễn Tuyết Dương, Thành viên HĐTV Agribank cho rằng, rằng nguyên tắc vay là phải trả nợ. Vì tiền mà ngân hàng cho vay ra là ngân hàng đã huy động của người dân.

Cũng theo bà Nguyễn Tuyết Dương, việc để các vụ án tồn đọng thời gian dài gây lãng phí lớn về nguồn lực, nếu xử lý tốt sẽ giảm tải cho tòa án và tiết kiệm chi phí xã hội. Mặt khác, người dân khi tham gia quan hệ dân sự phải có ý thức tôn trọng pháp luật, không thể chây ì.

Đại diện Agribank cho biết thêm, ngân hàng có quy trình xử lý nội bộ chặt chẽ, vì bất kỳ rủi ro nào xảy ra, ngân hàng cũng sẽ là là bên chịu thiệt hại. "Việc luật hóa các quy định về xử lý TSBĐ là cần thiết để đảm bảo hiệu quả thu hồi nợ, xử lý nợ xấu. Nghị quyết 42 đã cho thấy hiệu quả rõ ràng và hệ thống ngân hàng tha thiết mong các bộ, ngành chia sẻ, cùng tháo gỡ các vướng mắc tồn đọng để phát huy nguồn lực xã hội", bà Nguyễn Tuyết Dương bày tỏ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Trình, Trưởng ban Pháp chế Sacombank cho rằng, việc đảm bảo quyền của ngân hàng cũng chính là đảm bảo quyền của các chủ thể khác trong quan hệ tín dụng. Nếu tài sản bị đóng băng, tồn đọng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi chung, chứ không chỉ riêng ngân hàng. "Ngân hàng không đấu tranh vì lợi ích riêng mà nhằm duy trì một quan hệ xã hội công bằng, phục vụ cả người gửi tiền lẫn người vay", ông Nguyễn Văn Trình nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện Sacombank, trong thực tiễn, nếu ngân hàng có hành vi sai như cho vay hoặc thu giữ sai, đều đã có các quy định pháp luật xử lý rất chặt chẽ. Tuy nhiên, hiện nay dù ngân hàng đã tuân thủ đầy đủ quy trình cho vay đúng luật, việc xử lý tài sản bảo đảm lại thiếu cơ chế đầu ra phù hợp, gây ra sự bất công trong áp dụng pháp luật với lĩnh vực tín dụng. Bộ Luật Dân sự cho phép áp dụng biện pháp bảo đảm nhưng khi xử lý lại phải qua quy trình tố tụng kéo dài nhiều năm, khiến quan hệ tín dụng không được đối xử công bằng như các quan hệ dân sự khác. Vì vậy, việc luật hóa Nghị quyết 42 là cơ hội quan trọng nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động ngân hàng trong việc phục vụ nền kinh tế – xã hội, hoàn toàn không nhằm mưu cầu lợi ích riêng.

Ông Nguyễn Đức Biên, Phó Chủ tịch HĐQT HD AMC cho biết, từ khi có Nghị quyết 42, các ngân hàng đã xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. Tuy nhiên, khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, việc thu hồi tài sản bảo đảm thực hiện thông qua tòa án hoặc cơ quan thi hành án mất nhiều thời gian hơn do quy trình tố tụng, cũng như số lượng vụ án được thụ lý thông qua tòa án rất nhiều. Do đó, nếu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm, ngân hàng sẽ chủ động hơn trong xử lý nợ xấu, rút ngắn được thời gian, giảm chi phí thu nợ, giảm phần nợ quá hạn và người đi vay còn có thể giữ lại một phần vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh. Nếu chờ thi hành án thì lãi suất vẫn phát sinh, thực tế cho thấy, nhiều trường hợp đến khi xử lý xong thì tổng nợ đã vượt giá trị tài sản bảo đảm.

“Do đó, tôi rất mong muốn quyền thu giữ tài sản bảo đảm của ngân hàng được luật hóa, tạo sự đồng thuận trong cả hệ thống, và tất nhiên, việc thu giữ phải đúng quy định pháp luật, đúng quy trình, tôn trọng thượng tôn pháp luật”, ông Nguyễn Đức Biên nói.

Tọa đàm góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các Tổ chức tín dụng 2024
Quang cảnh buổi tọa đàm

Ghi nhận các ý kiến góp ý được đưa ra tại toạ đàm, bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN cho biết, với những quy định đã được thảo luận trong quá trình tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, cũng như các thành viên Chính phủ, NHNN đã có giải trình cụ thể. Tuy nhiên, một số ý kiến theo đề nghị của các thành viên Chính phủ, dù đã được tiếp thu và giải trình, nhưng nếu chưa thể giải thích rõ trong Luật Các tổ chức Tín dụng, thì sẽ có thể tiếp tục đề xuất, bổ sung trong các luật chuyên ngành như Luật Phá sản, Luật Tố tụng Dân sự hay Luật Thi hành án Dân .

Bà Vũ Ngọc Lan đồng thời phân tích một số điểm được bổ sung trong dự thảo Luật mới so với Nghị quyết 42, liên quan đến phương thức thông báo khi xử lý tài sản bảo đảm bảo, quy định nội bộ của các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc ủy quyền thu giữ tài sản.

“Một số điểm mới so với Nghị quyết 42 đã được NHNN tổng hợp sau quá trình lấy ý kiến từ các TCTD, bộ, ngành và cơ quan liên quan, đã được tu chỉnh và sẽ sớm trình Quốc hội”, đại diện Vụ Pháp chế thông tin.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp nhận định, việc xử lý nợ xấu không chỉ liên quan đến lợi ích của các TCTD, mà liên quan đến sự phát triển lành mạnh, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế, từ đó, thúc đẩy khả năng tiếp cận nguồn lực, tiếp cận vốn của toàn xã hội nói chung, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khối tư nhân - động lực tăng trưởng quan trọng nhất cho cả nền kinh tế.

Khẳng định sẽ lĩnh hội các ý kiến trao đổi tại tọa đàm, đặc biệt ở vai trò Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý - nắm trách nhiệm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Lê Vệ Quốc bày tỏ mong muốn khi được ban hành, Luật sẽ đảm bảo cân bằng lợi ích giữa bên cho vay và bên đi vay.

"Câu chuyện thu giữ tài sản bảo đảm không phải là giải pháp như cây đũa vàng để xử lý tất cả nợ xấu, mà là giải pháp quan trọng, cuối cùng mang tính bất đắc dĩ. Do vậy, khi làm phải hết sức thận trọng để quá trình xử lý các khoản nợ này không bị tác động bởi những tiêu cực của xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh của môi trường tín dụng", ông Lê Vệ Quốc lưu ý.

Để hỗ trợ, cũng như bảo đảm được quyền của TCTD như tinh thần của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD 2024, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý nhấn mạnh 3 ý chính: Quan hệ hợp đồng tín dụng ngay từ đầu phải rõ ràng; quy trình công khai, minh bạch, rõ ràng, chặt chẽ; quá trình triển khai thận trọng và có tính đồng bộ, có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan lực lượng chức năng.

Ông Lê Vệ Quốc cũng mong Hiệp hội Ngân hàng đẩy mạnh phối hợp với đơn vị chủ trì là Vụ Pháp chế NHNN thực hiện truyền thông trước, trong và sau khi dự án Luật được Quốc hội thông qua để các TCTD nói riêng và toàn xã hội nói chung có nhận thức đầy đủ, toàn diện về chính sách này. Khi đó, những chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống và đáp ứng được nhu cầu mục tiêu của chính sách.

Kết thúc tọa đàm, TS Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, Tọa đàm đã lĩnh hội được rất nhiều ý kiến đóng góp mang tính gợi mở, sát với thực tiễn và đồng tình với việc cần đẩy mạnh truyền thông trước, trong và sau khi Dự án Luật được thông qua. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Hùng, việc này cần phối hợp thực hiện đồng bộ, không chỉ riêng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam hay Vụ Pháp chế, mà tất cả các ngân hàng trên cơ sở thực tiễn, cùng phải có tiếng nói, phải nêu lên những khó khăn, vướng mắc, cũng như việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật lần này sẽ tạo điều kiện gì để các TCTD hoạt động hiệu quả.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, kỳ vọng dự thảo Luật này sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 5 tới đây, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động hiệu quả của các TCTD, góp phần vào sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế.

T.Đ