Trong năm năm trở lại đây, ông nhận thấy thói quen tài chính của người dân có sự thay đổi như thế nào?

Ông Trần Đình Khiêm: Trong những năm trở lại đây, “sự kiện” ảnh hưởng mạnh nhất thói quen tài chính của nhiều người hẳn chính là đại dịch Covid-19. Nếu như trước đó, đầu tư tài chính thường chỉ được xem là lựa chọn của những người có một khoản tiền tích lũy đáng kể, thường là vài chục triệu đồng trở lên, thì nay nhận thức của người dân đã thay đổi sâu sắc và rõ rệt.

Bây giờ, thay vì chờ đợi để có một khoản vốn lớn mới bắt đầu đầu tư, nhiều người đã tìm hiểu và tham gia các sản phẩm đầu tư với số vốn nhỏ, thậm chí chỉ từ vài triệu đồng. Đây là dấu hiệu của sự chuyển mình trong cách tiếp cận đầu tư, phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu và thói quen tài chính của cộng đồng.

Bên cạnh đó, dòng tiền ngày càng trở thành mối quan tâm trọng yếu của cả doanh nghiệp và cá nhân. Đặc biệt, các chủ hộ kinh doanh và người tiêu dùng cá nhân muốn tìm kiếm những giải pháp tài chính linh hoạt, có khả năng đáp ứng đồng thời hai nhu cầu: duy trì khả năng sử dụng vốn linh hoạt trong ngắn hạn, nhưng vẫn đảm bảo khoản tiền đó có thể sinh lời một cách tối ưu.

Vậy đây có phải là động lực để Techcombank và các ngân hàng phát triển tính năng Sinh lời tự động không, thưa ông?

Đúng vậy, những thay đổi trong thói quen tài chính, đặc biệt là xu hướng tìm kiếm các giải pháp quản lý vốn linh hoạt và hiệu quả hơn, đã tạo ra nhu cầu mới trên thị trường. Khách hàng giờ đây không chỉ mong muốn ngân hàng bảo vệ tài sản của họ, mà còn kỳ vọng vào những giải pháp giúp tối ưu hóa giá trị nguồn vốn một cách chủ động và thuận tiện. Điều này đã thúc đẩy các ngân hàng phát triển những sản phẩm và tính năng mới như Sinh lời tự động, để đáp ứng yêu cầu về hiệu quả tài chính và sự linh hoạt trong việc sử dụng vốn.

Riêng đối với Techcombank, bên cạnh nhu cầu thị trường, động lực để phát triển tính năng sinh lời tự động còn đến từ chiến lược của ngân hàng - đó là luôn đặt mục tiêu dẫn đầu thị trường, tạo ra những sản phẩm mang tính tiên phong còn gọi là "hero-product". Cách đây 9 năm, Zero Fee của Techcombank đã mở đường cho cuộc cách mạng trong ngành ngân hàng Việt Nam. Kể từ đó đến nay, đã rất lâu người Việt chưa được trải nghiệm những sản phẩm mang tính đột phá. Sự xuất hiện của Sinh lời tự động giống như một nấc chuyển đổi tiếp theo của ngành ngân hàng.

Tiếp đến, Techcombank luôn hướng đến việc đưa chuẩn mực tài chính quốc tế về Việt Nam, mang đến cho khách hàng trong nước cơ hội tiếp cận với những dịch vụ mang tầm thế giới. Sinh lời tự động cũng là một trong những sự khác biệt mà trước đây khách hàng Việt chưa từng được trải nghiệm.

Giám đốc Ngân hàng số Techcombank: Sản phẩm tạo ra không phải để 'khoe' về công nghệ

Theo giới thiệu của các ngân hàng, tính năng Sinh lời tự động có lãi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi thanh toán. Việc có lãi suất cao hơn có đồng nghĩa với rủi ro cao hơn không, thưa ông?

Sinh lời tự động là một tính năng gắn liền với tài khoản thanh toán, nên chắc chắn nó phải đảm bảo được hai bản chất của tiền trong tài khoản thanh toán, đó là an toàn và linh hoạt. Nếu vì lợi suất mà khiến cho khách hàng phải chịu rủi ro cao hơn đối với dòng tiền sử dụng cho cuộc sống hàng ngày của họ, thì chắc chắn không ngân hàng nào làm.

Tiền để trong tài khoản thanh toán, gọi là tiền gửi không kỳ hạn, chỉ nhận lãi suất tối đa 0,5%/năm, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Còn khi bật Sinh lời tự động, khách hàng có lãi suất "up to 4%" – tức là lãi suất sẽ được tính theo từng mốc thời gian gửi tiền. Ví dụ, nếu khách hàng gửi trong 1 ngày, mức lãi sẽ khác với khi gửi trong 1 tháng hay 3 tháng – và để đạt 4%/năm, khách hàng cần duy trì số dư đủ lâu theo quy định.

Lãi suất chỉ là phần nổi của câu chuyện, vì khi truyền thông ra đại chúng, nếu dùng lãi suất làm điểm nhấn thì sẽ thu hút được số đông hơn. Còn thực chất, mục tiêu của Sinh lời tự động từ Techcombank không phải là "bạn gửi tiền vào, và tôi mang tiền của bạn đi đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận cao", mà là "tối ưu hóa lợi nhuận từ dòng tiền nhàn rỗi". Đây là một chiến lược khác biệt hoàn toàn so với việc đầu tư, nơi khách hàng kỳ vọng vào lợi nhuận cao nhất có thể từ khoản tiền đã đầu tư. Sinh lời tự động tập trung vào việc giúp khách hàng có thêm khoản lợi nhuận từ dòng tiền chưa được sử dụng, mà không phải mạo hiểm vào các sản phẩm đầu tư phức tạp.

Sinh lời tự động cũng không nhằm thay thế tài khoản tiết kiệm. Nếu khách hàng có kế hoạch giữ tiền cố định trong một khoảng thời gian dài, gửi tiết kiệm sẽ là lựa chọn hợp lý để hưởng lãi suất cao hơn. Còn Sinh lời tự động được thiết kế để tối ưu hóa lợi nhuận cho các khách hàng có dòng tiền thay đổi liên tục, giúp họ kiếm thêm lợi nhuận mà không cần lo lắng về rủi ro đầu tư hay phải quản lý tài sản một cách chủ động.

Tất nhiên không chỉ chủ doanh nghiệp hay những người có dòng tiền lớn mới được hưởng lợi từ Sinh lời tự động. Ngay cả những khách hàng cá nhân, dù số tiền trong tài khoản không lớn, cũng có thể tận dụng được lợi ích từ tính năng này.

Tính năng này giúp họ học cách quản lý tài chính một cách có trách nhiệm hơn, hiểu rằng mỗi đồng tiền đều có giá trị. Việc biết cách làm cho tiền "sinh sôi nảy nở" là bước quan trọng để xây dựng một tương lai tài chính vững chắc, và điều này vô cùng quan trọng trong hành trình tự chủ tài chính của mỗi người.

Thêm nữa, về lâu về dài, Sinh lời tự động cũng giúp khách hàng thay đổi tư duy tài chính. Thay vì chi tiêu ngay lập tức, khách hàng sử dụng Sinh lời tự động sẽ giữ tiền trong tài khoản lâu hơn nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự thay đổi trong tư duy tài chính: từ việc "có tiền là phải chi tiêu ngay" chuyển sang việc "tận dụng thời gian để tiền sinh lời và tích lũy".

Giám đốc Ngân hàng số Techcombank: Sản phẩm tạo ra không phải để 'khoe' về công nghệ

Đó là ở phía người dùng, vậy các ngân hàng sẽ được gì khi triển khai tính năng này? Như Techcombank, ngân hàng nhận được gì khi chấp nhận bỏ ra chi phí cao hơn cho người dùng Sinh lời tự động?

Đây thực sự là một bài toán chiến lược về mô hình kinh doanh, bởi rõ ràng ngân hàng sẽ phải bỏ ra chi phí không nhỏ cho vận hành và triển khai các tính năng mới như Sinh lời tự động. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả, đây là khoản đầu tư dài hạn. Việc bắt đầu sớm giúp ngân hàng không chỉ nhanh chóng hiểu rõ hơn về nhu cầu thị trường mà còn tạo cơ hội để tối ưu hóa các chi phí trong suốt quá trình phát triển. Càng thấu hiểu thị trường sớm, ngân hàng càng có thời gian để cải thiện và giảm thiểu chi phí, từ đó mang lại lợi ích lớn hơn về lâu dài và vượt ngoài hai từ “lợi nhuận”.

Đối với Techcombank, Sinh lời tự động chính là chiếc chìa khoá để dẫn dắt khách hàng tìm tới ngân hàng và mở ra rất nhiều thứ khác.

Trước đây, Techcombank cũng đã là ngân hàng đầu tiên khởi xướng cho làn sóng Zero Fee (Miễn phí giao dịch chuyển khoản điện tử). Thời điểm bắt đầu, Zero Fee cũng là câu chuyện phải đấu tranh rất nhiều vì đơn giản là nếu miễn phí giao dịch chuyển khoản điện tử thì ngân hàng mất đi một khoản thu đáng kể.

Ban đầu, Zero Fee là mô hình không có lợi nhuận vì bản thân Techcombank phải “gánh” thêm chi phí thay cho khách hàng. Thế nhưng, chúng ta không thể tính toán, đo đếm lợi ích của một sản phẩm mà chỉ xét trên mức độ lợi nhuận ban đầu. Nhờ có Zero Fee, Techcombank đã thu hút được nhiều khách hàng hơn, tăng số lượng khách hàng sử dụng tài khoản Techcombank, từ đó tăng CASA của ngân hàng.

Đó mới chỉ là lợi ích “bề nổi”. Sâu xa hơn, Techcombank sẽ có thêm nhiều dữ liệu (data) của khách hàng. Để am hiểu được khách hàng thì phải có data của khách hàng. Dữ liệu thông qua chuyển khoản là một dữ liệu rất quan trọng. Thông qua hàng triệu giao dịch mỗi ngày, ngân hàng sẽ biết được nhu cầu của khách hàng thông qua việc khách hàng chi tiêu nhiều vào khoản nào. Việc khách hàng thực hiện giao dịch sẽ cho ngân hàng biết được khách hàng này đang ở đâu, đang muốn gì, từ đó, “kiến tạo” hàng triệu dữ liệu cho đội ngũ của Techcombank phát triển những tính năng mới, sản phẩm mới phục vụ tốt cho nhu cầu của khách hàng. Với những sản phẩm tốt, Techcombank lại tiếp tục hấp dẫn khách hàng quay trở lại sử dụng dịch vụ của ngân hàng nhiều, thêm động lực cho khách hàng gắn bó hơn với Techcombank, cũng như thu hút thêm những khách hàng mới.

Giám đốc Ngân hàng số Techcombank: Sản phẩm tạo ra không phải để 'khoe' về công nghệ

Trở lại với câu chuyện của riêng Techcombank, điều khó khăn nhất khi phát triển một tính năng mới như Sinh lời tự động là gì, thưa ông?

Thách thức lớn nhất chính là sự đón nhận của khách hàng đối với một tính năng hoàn toàn mới. Sự hoài nghi, những bỡ ngỡ ban đầu và phản hồi từ thị trường là những điều mà đội ngũ phải đối mặt trong những tháng đầu tiên.

Ba đến bốn tháng đầu là giai đoạn cam go nhất. Ngân hàng không chỉ phải đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru mà còn phải liên tục lắng nghe, phân tích phản hồi từ khách hàng để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện sản phẩm. Nếu người đi sau có lợi thế khi khách hàng đã hiểu về sản phẩm và có thể rút kinh nghiệm từ bài học của người tiên phong, thì Techcombank – với vai trò người mở đường – phải chấp nhận thử nghiệm, chấp nhận sai sót, liên tục học hỏi và cải tiến để tạo ra một sản phẩm thực sự hoàn chỉnh.

Trong mỗi giai đoạn triển khai, không ai có thể đoán chắc khách hàng sẽ phản ứng ra sao, đặc biệt là giữa những nhóm khách hàng khác nhau, chẳng hạn như những người có nguồn vốn lớn hay khách hàng nhỏ lẻ.

Những giai đoạn đầu tiên chính là thời điểm lắng nghe và thấu hiểu. Bởi khách hàng trước khi tiếp cận sản phẩm và sau khi đã trải nghiệm sản phẩm là hai con người hoàn toàn khác nhau. Từ sự bỡ ngỡ, hoài nghi ban đầu đến khi thực sự cảm nhận giá trị của sản phẩm, cách họ nhìn nhận và sử dụng dịch vụ sẽ thay đổi. Và nhiệm vụ của người triển khai không chỉ là đưa sản phẩm ra thị trường, mà còn phải liên tục theo dõi, học hỏi và thích ứng để sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn.

Đôi khi, chính phản hồi của khách hàng lại mở ra những góc nhìn hoàn toàn mới, giúp đội ngũ phát hiện ra những nhu cầu chưa từng được nghĩ đến. Khách hàng có thể than phiền về tính năng này chưa ổn định, tính năng kia chưa mượt mà,… và chỉ ra rất nhiều những “góc khuất” mà chính những người làm ra sản phẩm không thể nhìn thấy được.

Lắng nghe và thấu hiểu khách hàng đã là một thách thức, nhưng thách thức lớn hơn nữa là làm sao cung cấp đúng sản phẩm họ thực sự cần và quan trọng hơn, kiểm chứng xem điều đó có đúng hay không. Một sản phẩm thành công không đến từ công nghệ, AI hay những thuật toán phức tạp mà đến từ chính khách hàng, từ sự hài lòng của khách hàng.

Thế nhưng sau giai đoạn khó khăn nhất là đến giai đoạn nở hoa, chỉ cần ngồi hái quả. Một khi sản phẩm đã chinh phục được 1 triệu khách hàng, thì việc chinh phục 2 triệu, rồi 3 triệu khách hàng tiếp theo sẽ không còn là thử thách quá lớn. Bởi khi đó, khách hàng đã tin tưởng và một khi sản phẩm đã chứng minh được giá trị thì sự lan tỏa là điều tất yếu.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/