Agribank Quảng Trị với “cuộc chiến” đẩy lùi tín dụng đen

Thứ năm, 13 Tháng 1 2022 03:27

Thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Quảng Trị (Agribank Quảng Trị) đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đưa vốn tín dụng đến khu vực nông nghiệp nông thôn, giúp người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa tiếp cận dễ dàng với nguồn tài chính cần thiết, đáp ứng các nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, góp phần tích cực đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Hoạt động tín dụng đen với nhiều biến tướng phức tạp, tinh vi đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhiều người dân. Thực hiện chỉ đạo của Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cùng với hệ thống ngân hàng, Agribank Quảng Trị đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm đưa vốn tín dụng đến khu vực nông nghiệp nông thôn, giúp người dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa tiếp cận dễ dàng với nguồn tài chính cần thiết, đáp ứng các nhu cầu sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống, góp phần tích cực đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Lao đao vì tín dụng đen

Dù sự việc đã xảy ra hơn 1 năm nhưng bà Trần Thị H. ở xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị dường như vẫn chưa quên cảm giác hoang mang lo lắng mỗi lần nhắc lại quãng thời gian gia đình bị các đối tượng cho vay nặng lãi liên tục đòi nợ. Con trai của bà làm việc ở Đà Nẵng tham gia đầu tư đất đai ở Hòa Xuân nhưng thua lỗ, gia đình, bà con ở quê thu nhập từ nghề nông chỉ đủ sống, không biết vay mượn ai nên đánh liều liên hệ vay bên ngoài. Điều kiện vay các đối tượng đưa ra chỉ là cung cấp giấy tờ tùy thân, hộ khẩu, số điện thoại của các thành viên trong gia đình, mức lãi suất 10.000đ/1 triệu đồng trả theo ngày. Con trai bà được vay tiền dễ dàng thì mừng lắm nên không để ý các quy định về thanh toán gốc, lãi, nghĩ đơn giản rằng cố gắng xoay xở kiếm tiền để trả, chờ đất lên thì bán. Chậm một thời gian không thanh toán kịp, con trai bà choáng váng khi nghe số tiền nợ phải trả tăng lên nhiều lần so khoản vay ban đầu, không biết lấy tiền đâu ra để trả nên phải trì hoãn hoặc lánh mặt chủ nợ. Những cuộc xô xát giữa con trai với băng nhóm đòi nợ, những cuộc gọi khủng bố tinh thần liên tục cả ngày lẫn đêm… đã làm ông bà không chịu nổi, phải cắt đi hơn 2 sào đất bán để hỗ trợ cho con thanh toán khoản nợ.

Thời gian qua, nạn tín dụng đen với nhiều hình thức biến tướng tinh vi đã đẩy nhiều gia đình như bà H lâm vào tình cảnh khó khăn, túng quẫn. Nhằm qua mắt các cơ quan chức năng và dễ dàng lừa gạt khách hàng vay tiền, các đối tượng này hoạt động dưới nhiều phương thức như kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đầu tư tài chính hoặc thông qua các app “Vay tiền online” mà người vay chỉ cần có smart phone (điện thoại thông minh) là có thể dễ dàng truy cập, ký kết các hợp đồng vay nợ. Dù quảng bá là “Cho vay trả góp lãi suất thấp”, “Cho vay không cần thế chấp”… nhưng thực chất mức lãi suất chúng đưa ra cao gấp hàng chục đến hàng trăm lần so với lãi suất ngân hàng. Các đối tượng còn phát tờ rơi đến tận cổng nhà và dán cả ở các cột điện, các địa điểm công cộng nhằm tiếp cận người vay, và khi người vay không có khả năng chi trả thì sử dụng các băng, nhóm, đối tượng hình sự để đe dọa, khủng bố tinh thần, cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân…

Đối tượng tín dụng đen nhắm đến là người dân khu vực nông thôn, những người có thu nhập thấp, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, lao động nghèo, những người có nhu cầu tài chính cấp bách nhưng không có tài sản đảm bảo... Môi trường để tín dụng đen hoạt động và tồn tại chính là do hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, tiếp cận nguồn vốn hợp pháp, hoặc tâm lý e ngại làm các thủ tục vay vốn ngân hàng. Việc thiếu hụt tài chính, muốn có ngay nguồn tiền để giải quyết nhu cầu tiêu dùng đã buộc họ tìm đến các kênh vay vốn bất hợp pháp, chấp nhận mức lãi suất “cắt cổ”; đồng thời họ không có đủ kiến thức để hiểu hết các mánh khóe của những đối tượng lừa đảo, từ đó trở thành nạn nhân của tín dụng đen. Hậu quả của tín dụng đen là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực tài chính ngân hàng, đồng thời gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội, đẩy nhiều gia đình lâm vào tình cảnh khốn cùng, mất toàn bộ gia sản. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng và ngành Ngân hàng sớm có những giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.

Tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn

Ông Phan Hồng Hải - Giám đốc Agribank Quảng Trị cho biết, thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của NHNN, của Agribank và của UBND tỉnh về tăng cường triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, Agribank Quảng Trị đã tập trung các giải pháp gia tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn hợp pháp với lãi suất ưu đãi cùng các dịch vụ tài chính thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng đời sống. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhất nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen trong khu vực nông thôn.

Với hệ thống mạng lưới gồm 24 chi nhánh, phòng giao dịch phủ khắp toàn tỉnh, Agribank Quảng Trị đã thực hiện vai trò tiên phong, chủ đạo, chủ lực trong đầu tư phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đảm bảo không có “xã trắng” về tín dụng. Agribank Quảng Trị tập trung dòng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên thông qua những chương trình tín dụng ưu đãi cả về nguồn vốn lẫn cơ chế lãi suất như: Cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55, Nghị định 116 của Chính phủ; Cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 63, 68 của Thủ tướng Chính phủ; Cho vay huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; Cho vay phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67; Cho vay 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư 11 của NHNN; Cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định số 21 của UBND tỉnh... Bên cạnh đó còn dành các gói tín dụng đa dạng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh do thiên tai, dịch bệnh.

Thông qua hoạt động đầu tư tín dụng, Agribank đã tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tận dụng, khai thác tiềm năng về đất đai, lao động, tài nguyên thiên nhiên, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình và xã hội. Nguồn vốn tín dụng của Agribank Quảng Trị góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, từ đó ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen, tệ nạn cho vay nặng lãi. Bên cạnh việc cho vay trực tiếp đến khách hàng, Agribank Quảng Trị còn phối kết hợp với các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ để tuyên tuyền, quảng bá chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, của Agribank về đầu tư tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; để người dân tiếp cận với kênh vay vốn chính thống, an toàn, hiệu quả qua Agribank, phát triển mô hình cho vay qua tổ nhằm chuyển tải kịp thời nguồn vốn đến các hội viên, nhất là tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Cán bộ tín dụng tại các địa bàn cũng thường xuyên cung cấp thông tin giúp người dân nhận thức rõ về nguy cơ, tác hại, hậu quả của tín dụng đen cũng như tăng cường kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay nhằm hạn chế rủi ro trong đầu tư vốn.

Đến 31/12/2021, dư nợ cho vay của Agribank Quảng Trị đạt 12.962 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 15% so năm 2020. So với thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019, dư nợ cho vay của Agribank Quảng Trị có sự tăng trưởng mạnh, số tuyệt đối tăng 2.590 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 25%. Với trên 42.000 khách hàng vay vốn, mức dư nợ bình quân/khách hàng từ 247 triệu đồng (tháng 4/2019) đã được nâng lên 308 triệu đồng (tháng 12/2021) và sẽ tiếp tục được Agribank tăng thêm nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của khách hàng. “Agribank Quảng Trị đã đẩy mạnh cải cách thủ tục vay vốn, nhất là các món vay nhỏ, tiết giảm thời gian đi lại, chờ đợi giải quyết hồ sơ của khách hàng. Chúng tôi cam kết tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng đời sống, đáp ứng các điều kiện vay vốn đều được tiếp cận kịp thời với nguồn vốn của Agribank” - ông Phan Hồng Hải khẳng định.

Phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng buộc phải áp dụng biện pháp phong tỏa tạm thời, người dân hạn chế đi lại để tránh lây nhiễm. Thế nhưng việc giao dịch thanh toán các nguyên vật liệu chuẩn bị cho sản xuất hàng Tết của bà Nguyễn Thị Bê ở thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng vẫn không bị gián đoạn nhờ dịch vụ thấu chi của Agribank. Bà Bê cho biết đầu năm 2020 bà được Agribank Hải Lăng mở thẻ ATM miễn phí và cấp hạn mức thấu chi 30 triệu đồng. Sắp tới gia đình mở rộng sản xuất và cung ứng mứt gừng cùng một số mặt hàng nông sản địa phương thì Agribank sẽ lắp đặt máy POS để hỗ trợ cho các giao dịch thanh toán mua bán hàng hóa. Không chỉ riêng gia đình bà mà nhiều gia đình ở vùng bãi ngang này đều thực sự “đổi đời” nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay và các dịch vụ tiện ích của Agribank. Trước đây mặc dù đã được vay vốn tại Agribank để đầu tư cho sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ…, thế nhưng với những nhu cầu chi tiêu phát sinh đột xuất, nhiều thời điểm “kẹt” tiền, nhiều gia đình phải đi vay mượn với mức lãi suất trả theo ngày và cao hơn nhiều so với lãi vay Ngân hàng. Từ khi Agribank có thêm dịch vụ mở thẻ ATM miễn phí và cấp hạn mức thấu chi cho khách hàng ở khu vực nông thôn với lãi suất ưu đãi, thủ tục linh hoạt, không cần tài sản bảo đảm, nhiều hộ gia đình đã chủ động được nguồn tiền phục vụ cho các nhu cầu chi tiêu đột xuất nên các hộ dân ai nấy đều rất phấn khởi. Cán bộ tín dụng quản lý địa bàn thường xuyên liên hệ các hộ dân nắm bắt nhu cầu vay vốn, sử dụng dịch vụ để tư vấn, hướng dẫn các thủ tục; đồng thời chủ động rà soát và áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh, không phải tìm đến tín dụng đen. Vừa bấm điện thoại chuyển tiền học phí cho con, bà Bê vừa hồ hởi chia sẻ: “Agribank đã giúp cho người dân quê chúng tôi có cơ hội tiếp cận với những dịch vụ Ngân hàng tiện ích và hiện đại mà từ trước đến nay chúng tôi chưa bao giờ biết đến. Từ khi cài ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, gia đình tôi không cần phải đến Ngân hàng hay thanh toán tiền mặt cho các nhân viên thu ngân điện, nước, viễn thông … mà thao tác nhanh gọn trên điện thoại, vừa tiết kiệm thời gian đi lại, vừa giảm nguy cơ lây nhiễm Covid”.

Ông Phạm Phú Phúc - Phó Giám đốc Agribank tỉnh Quảng Trị cho biết, từ năm 2019, Agribank Quảng Trị đã triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn nhằm giúp người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thuận tiện trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng. Theo đó khách hàng tại địa bàn nông thôn hoặc có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn nông thôn được Agribank miễn phí phát hành thẻ ATM và cấp hạn mức thấu chi lên đến 30 triệu đồng với mức lãi suất ưu đãi, cạnh tranh, thủ tục linh hoạt, không cần tài sản đảm bảo. Người dân có thể sử dụng thẻ thấu chi để thanh toán tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, thanh toán mua hàng tại các cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản, bách hóa, cơ sở sửa chữa máy nông ngư cơ, siêu thị... Thẻ thấu chi của Agribank đã giúp người dân giải quyết cơ bản những nhu cầu thiết yếu, đặc biệt trong lúc chờ tới mùa vụ thu hoạch. Các công ty, hộ kinh doanh có địa điểm kinh doanh trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn và các cửa hàng đại lý cung ứng dịch vụ, vật tư nông nghiệp, thu mua nông sản… được miễn phí chiết khấu và lắp đặt máy quẹt thẻ POS với thủ tục đơn giản, quy trình thanh toán nhanh chóng. Đến 31/12/2021, tổng số thẻ Agribank đang được khách hàng sử dụng là 187.600 thẻ, trên 75.600 khách hàng đăng ký dịch vụ E-Mobile Banking. Các dịch vụ của Agribank Quảng Trị đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt cũng như lành mạnh hóa thị trường tín dụng khu vực nông thôn.

“Cuộc chiến” với tín dụng đen vẫn còn rất nhiều cam go, ngoài sự nỗ lực của hệ thống Ngân hàng nói chung và Agribank Quảng Trị nói riêng, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp chính quyền, các ngành chức năng trong chỉ đạo và thực thi các chế tài pháp luật đối với những hành vi, hoạt động tín dụng phi pháp. Tin tưởng rằng, với trách nhiệm chính trị và quyết tâm cao, Agribank Quảng Trị sẽ cùng hệ thống ngân hàng và các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương sớm ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động tín dụng đen, nhất là ở khu vực nông thôn.

Xem 575 lần