Với tinh thần đồng hành, chia sẻ với doanh nghiệp, người dân, ngành Ngân hàng đã kịp thời có những chính sách và vào cuộc tích cực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0, giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ NH.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, triển khai Nghị quyết 63/NQ-CP (về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022), nhằm chia sẻ với những khó khăn của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; với tinh thần nỗ lực, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, trong thời gian qua, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp như: giảm lãi suất, giãn, hoãn nợ; miễn, giảm một số loại phí giao dịch thanh toán… để hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do dịch Covid – 19 gây ra.
Đồng thuận giảm lãi suất
Trong năm 2020, NHNN đã có 03 lần giảm đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5-2,0%/năm. Những tháng đầu năm 2021, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Hưởng ứng lời kêu gọi từ NHNN, Hiệp hội Ngân hàng, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp (năm 2020 và những tháng đầu năm 2021..).
Mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 1%/năm trong năm 2020 và xu hướng giảm lãi suất này vẫn tiếp tục trong 6 tháng tháng đầu năm 2021 với mức giảm khoảng 0,4%/năm so với tháng 12/2020. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Ngày 12/7/2021, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức họp với 16 ngân hàng (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) là hội viên để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021. Đến nay, 16/16 ngân hàng là Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, Bưu Điện Liên Việt, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank đã có báo cáo gửi Hiệp hội Ngân hàng kế hoạch điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và lãi suất cho vay đối với một số khoản vay mới chuẩn bị giải ngân, ước tính giảm lãi suất cho vay từ 15/7 đến cuối năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng là 20.372,307 tỷ VNĐ.
Tài trợ 4.000 tỷ đồng cho VNA
Trước những khó khăn của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ NHNN đã ban hành Thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 05/4/2021 quy định về tái cấp vốn đối với TCTD sau khi TCTD cho VNA vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của VNA do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
Ngày 07/7/2021, Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng Sài gòn - Hà Nội (SHB) đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ tổng số vốn 4.000 tỷ đồng cho VNA.
Giảm phí giao dịch thanh toán điện tử
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, Napas và các TCTD đã 03 lần thực hiện giảm phí giao dịch thanh toán điện tử cho khách hàng.
Các ngân hàng thương mại triển khai miễn, giảm phí dịch vụ Thanh toán: Lần 1: giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 VND trở xuống), áp dụng từ ngày 25/2/2020. Lần 2: điều chỉnh giảm phí dịch vụ đối với phí dịch vụ thanh toán cho các món thanh toán có giá trị từ 500.001VND-2.000.000VND cho khách hàng và giảm giá sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng với khách hàng, thời gian thực hiện từ ngày 25/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020. Ước tính tổng số phí mà các TCTD giảm cho khách hàng trong năm 2020 cho cả 02 lần giảm phí khoảng: 1.004 tỷ đồng (trong đó lần 1 là 517 tỷ đồng và lần 2 là 487 tỷ đồng). Lần 3: thực hiện giảm phí dịch vụ thanh toán điện tử tương đương với mức giảm của NHNN theo Thông tư 19/2020/TT-NHNN, áp dụng từ ngày 01/01-30/6/2021.
Miễn phí dịch vụ thanh toán
Theo chỉ đạo của NHNN, Napas và các TCTD còn thực hiện các chính sách miễn phí dịch vụ thanh toán như: (i) Miễn phí dịch vụ thanh toán với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương; (ii) Miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng; (ii) Miễn phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ theo Nghị Quyết số 42 và Quyết định số 15/220/QĐ-TTg ngày 24/4/2020. Bên cạnh việc thực hiện chỉ đạo của NHNN, nhiều ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán thời gian qua đã áp dụng nhiều chính sách miễn phí giao dịch chuyển tiền thanh toán điện tử (Techcombank, Agribank, MB..) hoặc đưa ra các gói sản phẩm miễn phí (zero fee) có điều kiện (Vietinbank, VCB, BIDV, TPbank, VIB, Seabank, PVCombank, VPBank, UOB, Hongleong,…).
Từ đầu năm 2021 đến nay, NHNN đã 2 lần có chỉ đạo tới các TCTD và Napas thực hiện miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân: (i) thực hiện miễn phí chuyển tiền ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 và nghiên cứu, chỉnh sửa ứng dụng và tạo mã QR cho phép khách hàng dễ dàng nhận biết và thao tác, thực hiện chuyển tiền ủng hộ Quỹ vắc-xin một cách nhanh chóng, thuận tiện; (ii) có các văn bản chỉ đạo, định hướng đối với NAPAS về việc tiếp tục giảm phí chuyển mạch năm 2021 và yêu cầu TCTD áp dụng các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán với thời gian thực hiện tối thiểu từ ngày 01/8/2021 đến hết ngày 31/12/2021
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu lúa gạo khu vực ĐBSCL
Trước tình hình thực hiện giãn cách xã hội tại các tỉnh ĐBSCL và một số tỉnh phía Nam khác khiến chuỗi sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu gạo bị đứt gãy, doanh nghiệp, thương nhân khó thu mua, vận chuyển lúa gạo, vốn không được quay vòng dẫn đến tăng nhu cầu thu mua, tạm trữ lúa gạo, ngày 10/8/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 5747/NHNN-TD yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc các ngân hàng thương mại và Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện ngay các giải pháp để góp phần hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo.
NHNN tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giải pháp của ngành Ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo khu vực đồng bằng Sông Cửu long”(26/8) nhằm tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo khu vực ĐBSCL
Hiện nay có trên 50 tổ chức tín dụng và hơn 1000 Quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay lĩnh vực lúa, gạo. Dư nợ cho vay lĩnh vực lúa, gạo luôn có tốc độ tăng trưởng bình quân cao trong giai đoạn 2016-2020, bình quân tăng 24%/năm. Đến cuối tháng 7/2021, dư nợ ngành lúa gạo đạt 144.657 tỷ đồng, tăng 11,33% so với cuối năm 2020. Trong đó theo mục đích vay vốn: Dư nợ trồng, sản xuất lúa đạt 34.819 tỷ, chiếm 24,07%; Dư nợ phục vụ thu mua, tiêu thụ lúa gạo đạt 97.402 tỷ đồng, chiếm 67,33%, tăng 15,77% so với 2020; Dư nợ chế biến, bảo quản lúa gạo đạt 12.435 tỷ đồng, chiếm 8,6%. Đây là tốc độ tăng trưởng tín dụng cao trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành kinh tế.
Riêng các tỉnh ĐBSCL, đến cuối tháng 7/2021 dư nợ ngành lúa gạo tại ĐBSCL đạt 74.139 tỷ đồng, tăng 15,45%, chiếm 51,25% dư nợ lúa gạo toàn quốc. Từ đầu năm 2021 tới nay, các TCTD tại ĐBSCL đã cấp hạn mức tín dụng khoảng 56.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tạm trữ lúa gạo, đã giải ngân với tổng doanh số lũy kế 93.000 tỷ đồng để thu mua gần 7,3 triệu tấn gạo. Dư nợ thu mua, tiêu thụ đến cuối tháng 8/2021 ước đạt 51.500 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2020, chiếm 92% hạn mức được cấp.
Thực hiện công tác an sinh xã hội và phòng, chống Covid-19
Với tinh thần tương thân tương ái, ngành Ngân hàng cũng luôn đi đầu trong công tác an sinh xã hội, đồng hành, chia sẻ với khó khăn của người dân, doanh nghiệp trước tác động tiêu cực của dịch Covid-19
Năm 2020 toàn ngành có tổng mức an sinh xã hội khoảng 1.700 tỷ đồng, trong đó ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 là 300 tỷ đồng.
7 tháng đầu năm 2021 thực hiện an sinh xã hội khoảng 2.385,9 tỷ đồng, trong đó ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 là 1.668,9 tỷ đồng, riêng ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 là 774,9 tỷ đồng.
Tính chung từ năm 2020 đến nay, tổng mức an sinh xã hội toàn ngành khoảng 4.085,9 tỷ đồng, trong đó ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 là 1.968,9 tỷ đồng, riêng ủng hộ Quỹ vắc xin phòng Covid-19 là 774,9 tỷ đồng.
Có thể thấy, trước những tác động của dịch Covid-19 ngành Ngân hàng nói chung, các tổ chức tín dụng hội viên Hiệp hội Ngân hàng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Nhưng cho dù trong hoàn cảnh khó khăn nào, hệ thống ngân hàng vẫn luôn chung vai, sát cánh, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Ngành Ngân hàng đã kịp thời có những chính sách và vào cuộc tích cực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0, giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ ngân hàng. Trong bối cảnh hiện nay, ngành Ngân hàng đã làm tốt vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, tạo dựng nền tảng về tài chính và công nghệ tài chính vững chắc để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua đại dịch.