Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam

Thứ hai, 18 Tháng 9 2023 03:41

Ngày 15/9/2023, Báo Lao Động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử".

Thuc day phat trien thi truong thanh toan dien tu o Viet Nam

Quang cảnh Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử"

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thị trường thanh toán điện tử nhằm đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng tăng của người dân và doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Theo Phó Thống đốc, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động nghiên cứu ban hành, trình ban hành nhiều quy định phù hợp nhằm thức đẩy thanh toán không dùng tiền mặt như Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật QR Code, thẻ chip, tăng cường chuẩn hóa tính liên thông trong ngành Ngân hàng, giữa ngành Ngân hàng với các lĩnh vực khác… Đồng thời, các ngân hàng được khuyến khích nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia và các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, thiết lập hệ sinh thái số để có các sản phẩm an toàn, nâng cao trải nghiệm khách hàng, đem lại lợi ích lớn cho khách hàng.

Đánh giá về thị trường thẻ tín dụng nội địa tại Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, cho biết trong giai đoạn 5 năm 2018-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt mức tăng trưởng bình quân 29,6%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm. Đến hết tháng 7/2023, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa (như thẻ thẻ Lộc Việt của Agribank; thẻ 2Card của VietinBank; thẻ Easy Card của Sacombank, thẻ Vietcredit của Tín Việt,…; số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 7/2023 đạt trên 811,4 nghìn thẻ (tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2022).

Theo ông Phạm Anh Tuấn, mặc dù thẻ tín dụng nội địa có nhiều tiền năng và lợi thế trên thị trường, tuy nhiên, hiện nay số lượng thẻ tín dụng nội địa còn chiếm tỷ trọng thấp so với tổng số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành (chiếm khoảng 8,7% tổng số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành). Do đó, để thúc đẩy thẻ tín dụng nội địa phát triển, trong thời gian tới, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, an toàn, đa năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa cần được thiết kế phù hợp với các nhóm đối tượng khách hàng có hành vi tiêu dùng hay thói quen thanh toán khác nhau. Đẩy mạnh mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ trong đó có thẻ tín dụng nội địa, kết nối thanh toán liên thông với dịch vụ công và các lĩnh vực giao thông, y tế, bảo hiểm… Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về thẻ tín dụng nội địa trên các phương tiện đại chúng, mạng xã hội nhằm giúp khách hàng nắm bắt và hiểu rõ về các tiện ích của thẻ tín dụng nội địa.

Bà Phan Thị Thanh Hà - Quyền Giám đốc Trung tâm Thẻ Agribank chia sẻ, Thẻ tín dụng nội địa Lộc Việt cung cấp thời gian ân hạn dài hơn kỳ hạn trả nợ của thẻ tín dụng quốc tế (55 ngày). Nếu khách hàng sử dụng thẻ Lộc Việt để thanh toán hàng hoá dịch vụ, mà trả nợ trong thời hạn tối đa 55 ngày thì khách hàng sẽ không phải trả bất kỳ khoản lãi nào. Sau 55 ngày, nếu khách hàng chưa thanh toán hoặc mới chỉ thanh toán một phần thì khi đó lãi mới tính trên phần dư nợ còn lại, tính từ ngày khách hàng mua hàng. Hiện nay toàn bộ phí phát hành và phí thường niên ngân hàng chúng tôi hoàn toàn miễn vì hiện khách hàng mục tiêu của Agribank là đối tượng khách hàng yếu thế (khách hàng ở địa bàn nông nghiệp - thôn, đối tượng khách hàng được trả lương, học sinh, sinh viên và khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán hóa đơn online. Ngoài ra, với kếu cấu tích hợp hai ứng dụng thẻ trên cùng một con chip, chúng tôi cũng khuyến khích các đối tượng khách hàng trả lương qua Agribank có thể sử dụng chiếc thẻ này vì tiện ích 3 trong 1: có thể sử dụng đồng thời tài khoản tiền gửi, tiền vay và cho phép vay thấu chi bằng chiếc thẻ Lộc Việt này”.

Thời gian qua, để đảm bảo sự phát triển thẻ tín dụng nội địa về mặt số lượng đi đôi với chất lượng, Agribank đã đề ra các giải pháp như: Đơn giản hóa thủ tục phát hành, khách hàng có thể tiếp cận và đăng ký phát hành, thanh toán dư nợ ở nhiều kênh như quầy giao dịch, kênh điện tử đặc biệt qua E-Mobile Banking; Nghiên cứu nắm bắt nhu cầu sử dụng của khách hàng, triển khai nhiều chương trình khuyến mại, chăm sóc khách hàng khuyến khích khách hàng sử dụng thẻ để thanh toán, chương trình tích điểm cho khách hàng trung thành đồng thời tạo ra trải nghiệm tốt khi dùng sản phẩm cũng như khai thác hiệu quả tiện ích của thẻ tín dụng, tạo sự thuận tiện, an tâm cho khách hàng thanh toán thẻ; Xây dựng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ đa dạng, hiện đại phù hợp với xu thế với nhiều hình thức thanh toán và đặc biệt dễ dàng tiếp cận để đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng…

Với đặc thù và ưu thế về mạng lưới, nền tảng thanh toán thẻ và hạ tầng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thanh toán chạm nhanh chóng, Agribank quyết tâm đi đầu trong việc phát triển thẻ tín dụng nội địa, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đăng Hùng - Phó Tổng giám đốc NAPAS chia sẻ, thời gian qua thẻ tín dụng ở Việt Nam có sự phát triển từ “không đến có”. Đặc biệt là thẻ tín dụng nội địa phát triển mạnh mẽ khi có sự tham gia của 15 ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Sản phẩm thẻ NAPAS phối hợp các ngân hàng thực hiện ở Việt Nam cung cấp đầy đủ bộ tín dụng thẻ: thẻ ghi nợ, thẻ trả trước, thẻ tín dụng góp phần khuyến khích chi tiêu bằng thẻ, giúp tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này giúp đa dạng hoá, đáp ứng nhu cầu các phân khúc khách hàng khác nhau. Thẻ tín dụng nội địa NAPAS được phát hành bởi Ngân hàng Nhà nước, tuân thủ công nghệ EMV đáp ứng tiêu chuẩn cao nhất về an toàn bảo mật. Đầy đủ về công nghệ hỗ trợ cho thẻ tiếp xúc và không tiếp xúc. Thẻ tín dụng quốc tế yêu cầu nhiều điều kiện để được cấp thẻ cho người dân.

Hiện nay, NAPAS đang phối hợp với các tổ chức thẻ quốc tế triển khai thẻ đồng thương hiệu, phục vụ tệp khách hàng có nhu cầu chi tiêu trong nước và quốc tế. Sử dụng thẻ đồng thương hiệu, người dân có thể thực hiện giao dịch trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, tổ chức tín dụng đã có những chia sẻ về phát triển thị trường thẻ tín dụng nội địa, các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử, gồm phát triển hạ tầng chấp nhận thanh toán (thẻ, QR code...) và phát triển thẻ tín dụng nội địa nhằm góp phần triển khai chiến lược quốc gia của Việt Nam về thúc đẩy tài chính toàn diện, thanh toán không dùng tiền mặt và góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai mục tiêu thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam, các tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, tập trung đầu tư, cung ứng các sản phẩm thanh toán đa dạng, hiện đại, mở rộng hạ tầng chấp nhận thanh toán, xây dựng hệ sinh thái đồng bộ nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, thanh toán chính thống, góp phần phổ cập tài chính toàn diện và hạn chế tín dụng đen.

Theo thoibaonganhang.vn

Xem 842 lần

footer