Quy định mới về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch bưu điện trực thuộc LPBank

Thứ năm, 07 Tháng 9 2023 02:40

Ngày 31/8/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 11/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 của Thống đốc quy định về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch bưu điện trực thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank), có hiệu lực từ 15/10/2023.

Theo các quy định tại Thông tư số 11/2023/TT-NHNN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ủy quyền cho Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở phòng giao dịch bưu điện; Chấp thuận hoặc không chấp thuận việc chấm dứt hoạt động phòng giao dịch bưu điện trên địa bàn; Xác nhận đủ điều kiện hoạt động tại địa điểm mới đối với phòng giao dịch bưu điện thay đổi địa điểm trên địa bàn; Bắt buộc chấm dứt hoạt động phòng giao dịch bưu điện trên địa bàn.

Về hồ sơ của LPBank được gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở phòng giao dịch bưu điện (Bộ phận Một cửa). Sau 07 ngày làm việc kể từ ngày Tổng Công ty Bưu diện Việt Nam thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ của LPBank, phòng giao dịch bưu điện không được thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm.

Việc xử lý các khoản tiền gửi tiết kiệm đã nhận trước đó của phòng giao dịch bưu điện khi không thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm được thực hiện như sau: Các khoản tiền gửi tiết kiệm chưa đến hạn trả, phòng giao dịch bưu điện tiếp tục thực hiện theo các nội dung đã thỏa thuận với khách hàng; Các khoản tiền gửi tiết kiệm đến hạn trà, phòng giao dịch bưu điện phải có biện pháp chi trả hết tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.

Trường hợp không chi trả hết tiền gửi tiết kiệm đến hạn, LPBank tiếp nhận, xử lý theo quy định nội bộ, quy định của pháp luật về tiền gửi tiết kiệm và chấm dứt hoạt động phòng giao dịch bưu điện.

Đối với nhân sự tại phòng giao dịch bưu điện phải đảm bảo các yêu cầu sau: Có tối thiểu 03 người, trong đó có 01 người là kiểm soát viên hoặc chức danh tương đương làm nhiệm vụ kiểm soát, phê duyệt các giao dịch hàng ngày và là nhân sự của LPBank. Chậm nhất ngày 01/3/2024 mà không đáp ứng điều kiện này, phòng giao dịch bưu điện không được thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm. Việc xử lý các khoản tiền gửi tiết kiệm đã nhận trước đó được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư này.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xác nhận đủ điều kiện hoạt động tại địa điểm mới, phòng giao dịch bưu điện phải hoạt động tại địa điểm mới và LPBank có văn bản báo cáo gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở phòng giao dịch bưu điện. Quá thời hạn này, văn bản xác nhận của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đương nhiên hết hiệu lực.

Về chuyển phòng giao dịch bưu điện thành phòng giao dịch của LPBank. Hồ sơ, điều kiện, trình tự, thủ tục thành lập phòng giao dịch của LPBank trên cơ sở chuyển đổi phòng giao dịch bưu điện thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc thành lập phòng giao dịch của ngân hàng thương mại.

Phòng giao dịch bưu điện bị bắt buộc chấm dứt hoạt động khi hoạt động không đúng nội dung quy định tại Điêu 7 Thông tư này hoặc đã chi trả hết tiền gửi tiết kiệm hoặc đã được LPBank tiếp nhận…

Sau thời điểm Tông Công ty Bưu điện Việt Nam thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ của LPBank. Chậm nhất ngày 15 hàng tháng, LPBank báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở phòng giao dịch bưu điện tình hình xử lý tiền gửi tiết kiệm của tùng phòng giao dịch bưu điện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đồng thời, chịu trách nhiệm về tổ chức và hoạt động của phòng giao dịch bưu điện; báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sờ phòng giao dịch bưu điện việc xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến tổ chức, hoạt động phòng giao dịch bưu điện trên địa bàn…

Chi tiết Thông tư số 11/2023/TT-NHNN xem tại đây.

VNBA News

Xem 247 lần

footer