CHỦ NHẬT, 26/03/2023

Cần có biệt dược trị nấm độc “tín dụng đen”

Thứ sáu, 22 Tháng 10 2021 02:54

Vấn nạn “tín dụng đen” như nấm độc gặp mưa, đang nở rộ trong thời gian gần đây. Nếu như dịch bệnh Covid-19 đang làm hao mòn sức khỏe, nguồn lực xã hội, thì “tín dụng đen” cũng giống như một loại dịch, đang làm bẩn “huyết mạch” của nền kinh tế, đem đến hệ lụy bất ổn trật tự xã hội, xói mòn chữ Tín, hủy hoại thành quả phát triển kinh tế xã hội nói chung, hoạt động của ngành Ngân hàng nói riêng.

Khái niệm cho vay “nặng lãi” không còn phản ánh cái nhu cầu tối giản là vay “nóng”, chịu năm, ba phân lãi trả cho người có “dư” tiền như trước đây. Nó cũng không còn chỉ phản ánh kiểu buôn tiền biến tướng từ chơi hụi, họ, biêu, phường của những người “ngồi mát ăn bát vàng”, lấy của người này cho người khác vay để hưởng lãi suất cao. “Tín dụng đen” giờ đây phát triển mạnh cả về quy mô, phạm vi và thủ đoạn ngày càng tinh vi, hiểm độc gắn liền tội ác của giới giang hồ.

Nhận diện “tín dụng đen”:

Hoạt động tín dụng là một chuỗi các quy định của pháp luật về chủ thể, đối tượng, thủ tục, lãi suất, thu nợ..thì tín dụng “đen” có xu hướng ngược lại, né tránh, lách luật vì mục tiêu thu lợi nhuận tối đa.

Về hình thức:đó là hoạt động tín dụng của các tổ chức, cá nhân không đăng ký kinh doanh và không được sự cấp phép của nhà nước.

Về truyền thông: “tín dụng đen” quảng bá thông tin dưới dạng tờ rơi được dán tại các cột điện, ngã tư hoặc các biển báo tại các hiệu cầm đồ. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, “tín dụng đen” sử dụng nền tảng công nghệ giả mạo các app ngân hàng, công ty tài chính (là tổ chức tín dụng được cấp phép), nhập nhằng bằng tin nhắn qua điện thoại, email nhằm lừa gạt, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin người vay tiền.

Về đối tượng: “tín dụng đen” nhắm đến nhóm người thất thế là các hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên mới lớn ở các làng quê, người thất nghiệp, công nhân có thu nhập thấp, làm việc tập trung tại các khu công nghiệp, những người buôn bán nhỏ, người dân ở vùng sâu, vùng xa… thiếu thông tin. Các đối tượng này có nhu cầu vay nóng để giải quyết nhu cầu chi tiêu cấp bách phục vụ sinh hoạt, đời sống. Các nhu cầu phát sinh thường thấy như giải quyết việc đột xuất, chi dùng chữa bệnh, ma chay, cưới hỏi, trả nợ các khoản vay đến hạn…, thậm chí là sử dụng tiền cho hoạt động tệ nạn xã hội khác như cá độ, bài bạc, lô đề…

Về thủ tục:“tín dụng đen” luôn tối giản các loại giấy tờ và xử lý nhanh chóng, giải ngân nhanh, thậm chí siêu tốc. Khách hàng chỉ cần có chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu photo hay giấy tờ xe cộ đang sở hữu cùng một số giấy tờ khác là có thể nhận được tiền một cách dễ dàng. Việc thỏa thuận vay đơn giản, có khi thỏa thuận bằng miệng, không có giấy tờ kèm theo; Giao kèo viết tay chỉ thể hiện ý chí của người cho vay về thời hạn, lãi suất, cách tính lãi, người vay cam kết, không cần công chứng.

Về lãi suất: “tín dụng đen” áp mức lãi suất vô cùng cao, thường từ 108% - 360%/năm tùy theo số tiền vay mượn. Lãi suất tính theo ngày, thường từ 5.000 đồng - 7.000 đồng/triệu đồng/ngày; thậm chí còn cao hơn; vượt quá xa so quy định về lãi suất tại các ngân hàng thương mại, công ty tài chính hiện nay.

Về thu nợ: “tín dụng đen” áp dụng cách hành xử kiểu giang hồ, người vay trả chậm, không đúng hạn sẽ bị đe dọa, cưỡng bức. 

Quy mô và tốc độ lan truyền “tín dụng đen” ngày càng lớn, đối tượng phạm tội không chừa bất cứ ai, không từ bất cứ thủ đoạn nào, bằng các chiêu thức tinh vi, giăng cạm bẫy dồn người vay vào vòng luẩn quẩn, không lối thoát.

Thủ đoạn bất hợp pháp và tàn độc:

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, phản ánh ngày càng nhiều các chiêu trò, thủ đoạn, hành vi vi phạm pháp luật và những cảnh báo về “tín dụng đen”. Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, việc người dân tìm đến “tín dụng đen” hay cho vay tiêu dùng nhằm giải quyết công việc hay ổn định cuộc sống sau mùa dịch này là điều không hiếm. Với thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, việc vay tín dụng đen đã được nhiều người lựa chọn và xem đó là “cứu cánh” trong thời điểm khó khăn. Thế nhưng, khi làm thủ tục xong rồi mới phát sinh nhiều chi phí khác, lãi mẹ đẻ lãi con, khi chưa kịp trả thì bị đe dọa, chửi bới, gây ảnh hưởng đến tâm lý và đời sống sinh hoạt. Nói chung, hệ lụy do “tín dụng đen” để lại là rất lớn.

Thực tế cho thấy, hầu hết những người vay “tín dụng đen” đều phải hứng chịu hậu quả khôn lường, không những làm xáo trộn cuộc sống của bản thân mà còn liên lụy, ảnh hưởng tới người thân, gia đình. Nếu người vay không có khả năng trả nợ hoặc chậm trả lãi, các đối tượng cho vay sẽ dùng nhiều thủ đoạn ép bên vay và người thân phải trả. Các đối tượng cho vay nặng lãi luôn xuất hiện đúng lúc để giải quyết nhu cầu của những người cần tiền. Trong một số trường hợp, khi biết nạn nhân đang nợ tiền người khác, các đối tượng này xuất hiện cùng chủ nợ và gợi ý nạn nhân vay tiền của công ty họ để giải quyết món nợ hiện tại, tránh kiện tụng phiền phức. Bước đường cùng, người đi vay đã phải chấp thuận phương án này để có tiền trả nợ. Vậy là món nợ của chủ cũ được chuyển sang chủ mới với tỉ lệ lãi suất cao ngất ngưởng. Từ đó phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật như: cưỡng đoạt, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản...

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, mạng Internet tốc độ cao phát triển, những thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh và nền tảng app vay luôn là công cụ đắc lực cho “tín dụng đen” hoạt động. Với tính chất hoạt động “đen” và việc lợi dụng công nghệ, lòng tin, nhu cầu và sự kém hiểu biết của một bộ phận dân cư.. thì ranh giới giữa lừa đảo để chiếm đoạt tài sản và các thủ đoạn cho vay với lãi suất cắt cổ dần bị xóa nhòa.

Để hạn chế “tín dụng đen”

“Tín dụng đen” lộng hành khắp nơi, thế nhưng đến nay, việc xử lý những hành vi vi phạm của các đối tượng gặp nhiều khó khăn vì chúng có nhiều thủ đoạn lách luật. Khi vụ việc xảy ra, việc phân định trách nhiệm hình sự hay dân sự cũng không phải dễ dàng. 

Cho vay nặng lãi và lừa đảo chiếm đoạt là hai hành vi vi phạm luật pháp khác nhau, nhưng có mối quan hệ tương hỗ, nhằm mục đích thu lợi bất chính từ sự kém hiểu biết về luật pháp, công nghệ; tâm lý e ngại thủ tục giấy tờ của người vay. Vậy nên, để hạn chế “tín dụng đen”, cần phải xem xét trên nhiều mặt, từ quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách đến nâng cao dân trí, tăng cường các nền tảng, ứng dụng công nghệ…

Về pháp luật: Đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế-xã hội, nhu cầu vay tiêu dùng của dân cư cũng ngày càng lớn, đa dạng đối tượng, thành phần. Vì thế, các quy định pháp luật cũng cần có sự điều chỉnh phù hợp mang tính ổn định dài hạn; tích hợp nhiều quy phạm, dự đoán trước nhiều tình huống phát sinh để tránh việc sửa đổi, bổ sung nhiều hoặc phải hướng dẫn bằng các văn bản dưới luật hay phải tham chiếu từ các văn bản khác nhau. Đồng nhất một số quy định về giao dịch thỏa thuận trong Bộ luật Dân sự với quy định hoạt động cho vay tài chính trong Luật Các tổ chức tín dụng. Những hành vi không được phép phải có các chế tài tương ứng đảm bảo đủ mạnh, không chỉ răn đe, mà nhất thiết phải là nghiêm cấm; đặc biệt là các hành vi tiếp tay hoạt động cho “tín dụng đen” phải xử lý nghiêm ngặt. Để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, cần sớm có quy định pháp luật về tích hợp dữ liệu thông tin quốc gia về dân cư trong định danh khách hàng chính xác, bảo mật; về cho vay online; về hợp đồng điện tử và chữ ký điện tử… giúp đưa dịch vụ ngân hàng đến mọi đối tượng khách hàng.

Về cơ chế, chính sách: Các ngân hàng, công ty tài chính bên cạnh việc mở rộng mạng lưới, cần có chính sách khuyến khích cho vay thông qua các tổ, nhóm tín chấp theo cơ chế phối hợp giữa ngân hàng, tổ chức tín dụng với các tổ chức chính trị, xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… cần chú trọng đến loại hình ngân hàng lưu động, vai trò của các đại lý…, kèm theo đó là quy định chế độ kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Các ngân hàng, công ty tài chính cần xem xét đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ; phân loại, mở rộng đối tượng vay’áp dụng lãi suất và hạn mức cho vay, thu nợ theo phân kỳ nhỏ phù hợp với từng đối tượng, theo đó không nhất thiết phải có tài sản bảo đảm mà cần chú trọng trọng cho vay tín chấp. Việc cho vay tín chấp thông qua các tổ, nhóm tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cũng là một giải pháp hay cần được nhân rộng. 

Về đổi mới, nâng cao trải nghiệm khách hàng: Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng công nghệ, phát triển các nền tảng ngân hàng điện tử, ngân hàng số như Internetbanking, Mobilbanking, … các ngân hàng, công ty tài chính tham gia hoạt động cho vay tiêu dùng cần liên tục đổi mới, đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ tiện ích, tích hợp nhiều ứng dụng khác nhau, đem đến cho người dùng sự trải nghiệm hoàn hảo, an toàn, thuận tiện. Gần đây, tại hội thảo về “Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng, hướng tới cung cấp đa dạng các dịch vụ số”, tọa đàm về “an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán” do Hiệp hội Ngân hàng tổ chức, các chuyên gia đã nhiều lần nhắc tới tiến trình chuyển đổi ngân hàng số, đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số toàn diện, giúp người dùng tiếp cận nhiều hơn đến dịch vụ tiện ích.

Về tăng cường công tác truyền thông: cần đưa công tác truyền thông lên cấp độ cao hơn, có sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp. Kết hợp việc tuyên truyền, phổ biến chủ trường, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan hoạt động tín dụng đến mỗi người dân với việc mỗi ngân hàng, tổ chức tín dụng tự xây dựng quy chế, cơ chế cho vay, tập huấn nghiệp vụ cho đại lý, tổ, nhóm cho vay. Kết hợp việc hướng dẫn quy trình, quy phạm, nguyên tắc, thủ tục, điều kiện vay với việc thường xuyên, kịp thời cảnh báo thủ đoạn lừa đảo và khuyến cáo người vay những điều nên làm hay không nên làm trong giao dịch với ngân hàng. Người giao dịch với ngân hàng, trong đó có giao dịch tiền vay đang đứng trước những rủi ro tiềm ẩn bởi tội phạm công nghệ cao; vì thế, việc tuyên truyền, hướng dẫn quy tắc giao dịch trực tuyến sẽ giúp cho người dân an tâm hơn khi “chọn mặt, gửi vàng”.

“Tín dụng đen” có nguyên nhân trực tiếp do tệ nạn xã hội gây nên, vì thế sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trước hết là chính quyền cơ sở phường, xã và các tổ chức chính trị xã hội và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngân hàng, công ty tài chính với cơ quan bảo vệ pháp luật, các tổ chức truyền thông là rất cần thiết. Thực chất “tín dụng đen” cũng là một dạng tệ nạn xã hội, cần có “biệt dược” để trị loại nấm độc này.

Xem 780 lần

footer