Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối quý 2 năm nay, số tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng cá nhân tại hệ thống tổ chức tín dụng đã lên tới hơn 107,4 triệu tài khoản, tăng hơn 3,2 triệu tài khoản so với quý 1 và tăng xấp xỉ 7 triệu tài khoản so với cuối năm 2020. Đây là các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động của cá nhân mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng, vì vậy không có gì lạ khi con số này cao hơn cả dân số Việt Nam, do có người mở tới 2-3 tài khoản khác nhau tại ngân hàng.
Không chỉ tăng về số lượng tài khoản, số tiền gửi thanh toán của người dân vào ngân hàng cũng tăng mạnh, đạt mức hơn 754,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13,2% trong 6 tháng đầu năm và đã tăng gấp rưỡi kể từ đầu năm 2020 đến nay.
Số lượng thẻ ngân hàng cũng tăng mạnh thời gian qua. Tại thời điểm cuối quý 2/2021, số lượng thẻ nội địa đang lưu hành đạt tới 98 triệu thẻ, tăng 4 triệu thẻ so với đầu năm. Thẻ quốc tế (trong đó đa số là thẻ tín dụng) tăng mạnh, đạt hơn 20 triệu thẻ vào cuối quý 2/2021, tức tăng 3 triệu thẻ so với đầu năm.
Bức tranh trên cho thấy, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu thanh toán không tiền mặt của người dân đã tăng cao rõ rệt trong thời gian qua. Trước các đợt giãn cách kéo dài cũng như khuyến cáo hạn chế tiếp xúc nơi công cộng, người dân đã dần quen với việc mua hàng online, thanh toán tiền điện, nước, dịch vụ….online thông qua thẻ, ngân hàng số, ví điện tử thay vì dùng tiền mặt như trước đây.
Theo dự báo của các chuyên gia, thanh toán không tiền mặt trong thời gian tới sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, kể cả khi đại dịch đi qua vì người dân đã dần quen với những tiện ích mà các dịch vụ tài chính 4.0 mang lại. Đặc biệt, thanh toán qua thẻ tín dụng vẫn sẽ được ưa chuộng do nhiều ưu đãi, cho phép người dùng được vay trước trả sau, dễ dàng tối ưu quản lý tài chính và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngay khi cần.
Nắm bắt xu hướng này, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã triển khai loạt chương trình ưu đãi đối với sản phẩm thẻ tín dụng như hoàn tiền, tích điểm đổi quà,…Đây cũng vốn là những cách quen thuộc để ngân hàng hút khách từ trước đến nay.
Người tiêu dùng hiện nay cũng có xu hướng "soi" rất kỹ để chọn một vài loại thẻ để sử dụng thường xuyên, vừa tiện lợi, an toàn mà còn có thể tối ưu lợi ích, khi chi tiêu càng nhiều trên một loại thẻ thì ưu đãi càng lớn.
Trên thực tế, việc mở tài khoản ngân hàng đã được các ngân hàng đơn giản hóa trong thời gian gần đây thông qua công nghệ eKYC. Tuy nhiên, việc đăng ký mở thẻ tín dụng tại hầu hết nhà băng vẫn còn khá phức tạp khi phải chứng minh thu nhập, nộp hồ sơ và chờ đợi phê duyệt khá lâu từ 1-2 tuần. Điều này vô tình khiến nhiều khách hàng cảm thấy e ngại mở thẻ tín dụng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, dù họ cũng đang thực sự rất cần đến loại thẻ này để mua sắm trả góp.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị