
Câu lạc bộ AMC (7)
Tin mới nhất
Sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong mua bán nợ
25-12-2020 8:50 am Viết bởi VNBA Sau 16 năm hoạt động, với vai trò là công cụ quan trọng của Chính phủ để hỗ trợ quá trình sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tổ chức kinh doanh theo cơ chế thị trường, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã luôn thực hiện tốt “sứ mệnh” được giao.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cần tháo gỡ để DATC phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế của mình.
Thực hiện tốt “sứ mệnh” được giao
Chính thức đi vào hoạt động năm 2004 đến nay, về cơ bản DATC đã hoàn thành tốt chức năng và nhiệm vụ được giao, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các nhiệm vụ mới trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, DATC đã tích cực tham gia mua, xử lý nợ xấu trên 90.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng xử lý nợ xấu của nền kinh tế, khẳng định vị thế, vai trò là công cụ của Chính phủ trong quá trình thực hiện xử lý nợ xấu và thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp (DN).
DATC đã hỗ trợ xử lý nợ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đặc biệt khó khăn khi thực hiện chuyển đổi hoặc tái cơ cấu tài chính, điển hình như: Vinashin (nay là SBIC), Vinalines, Tổng Công ty Dâu tằm tơ, Tổng Công ty Thực phẩm miền Bắc, Haprosimex... Đối với Vinalines, DATC đã mua và xử lý 4.915 tỷ đồng nợ phải trả tại các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước…
Bên cạnh đó, DATC đã tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi sở hữu của 2.628 DNNN (gồm 1.022 DN của Trung ương và 1.606 DN địa phương), với tổng giá trị các khoản nợ và tài sản tính theo sổ sách kế toán đã tiếp nhận là 4.425,9 tỷ đồng.
Kết quả này góp phần làm lành mạnh tình hình tài chính của DN, thúc đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN. Lũy kế đến nay, DATC đã xử lý và thu hồi về cho Nhà nước khoảng 673,4 tỷ đồng từ những khoản nợ và tài sản tưởng như không còn giá trị được loại ra khi sắp xếp, cổ phần hóa các DNNN.
Đối với hoạt động tái cơ cấu DN thông qua xử lý nợ mà trọng tâm là chuyển đổi sở hữu DNNN không đủ điều kiện cổ phần hóa, từ năm 2004 đến nay, DATC đã thực hiện tái cơ cấu cho 173 DN. Qua đó, DATC đã giúp DN giảm bớt áp lực về tài chính, từng bước phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho người lao động và có đóng góp cho ngân sách.
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động
Mặc dù, hoạt động của DATC đã đạt được những kết quả nhất định nhưng trong quá trình hoạt động cũng phát sinh những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.
Trong quá trình hoạt động 16 năm qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của DN nói chung và DATC nói riêng đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, như: Luật DN 2014, Luật Đầu tư 2014 và Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN năm 2014; và một số nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các thông tư hướng dẫn có liên quan đến hoạt động mua bán nợ và thoái vốn.
Tuy nhiên, văn bản pháp lý cao nhất điều chỉnh riêng cho hoạt động của DATC vẫn là Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập DATC và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, nên việc hướng dẫn cơ chế hoạt động còn hạn chế do liên quan đến vấn đề thẩm quyền quy định.
Hiện tại, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, hoàn tất và trình Chính phủ dự thảo Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của DATC với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung mới so với quy định hiện hành. Nghị định được ban hành sẽ là lực đẩy quan trọng để DATC phát triển mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, hoạt động của DATC đòi hỏi sự phối hợp của nhiều chủ thể khác nhau, bao gồm cả DN và các bộ, ngành, địa phương, do đó việc ban hành mới Nghị định quy định sẽ giúp nâng cao địa vị pháp lý của DATC, tăng cường tính tuân thủ các chủ thể trong quá trình phối hợp với DATC thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ chính trị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Bên cạnh đó, hoạt động của DATC có nhiều điểm đặc thù, khác biệt như các hoạt động mua nợ xấu, tái cơ cấu DN và thoái vốn; mua, xử lý nợ gắn với việc hình thành các loại tài sản khác nhau, cần phải tiếp quản và khai thác có hiệu quả; lĩnh vực hoạt động vừa gắn với lĩnh vực tín dụng ngân hàng, vừa gắn với các hoạt động của DN sản xuất kinh doanh thông thường.
Theo quy định hiện tại, thì phạm vi xử lý nợ, tái cơ cấu DN của DATC chỉ tập trung ưu tiên cho khối DNNN thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, tuy nhiên, số lượng DNNN cần thực hiện sắp xếp không còn nhiều (240 DN).
Trong khi đó, quy mô nợ xấu và số lượng các DN thuộc thành phần kinh tế khác, bao gồm cả khối DN FDI cần sự hỗ trợ xử lý nợ, tái cơ cấu của DATC trong thời gian tới ngày càng tăng, kể cả về quy mô và số lượng. Như vậy, đối tượng phục vụ của DATC không chỉ có các DNNN mà sẽ bao gồm khu vực tư nhân với tính chất sở hữu và hoạt động khác hẳn so với DNNN, nên cần phải có những quy định pháp lý mới cho DATC hoạt động phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của DATC cũng phát sinh một số bất cập, việc chưa điều chỉnh kịp thời so với định hướng phát triển cũng như những quy định mới được sửa đổi, bổ sung thời gian qua, dẫn đến hạn chế trong thực hiện vai trò, nhiệm vụ được giao của DATC.
Cụ thể: (i) Về đối tượng mua, bán nợ mới tập trung chủ yếu vào DNNN, mức độ xử lý tài chính; (ii) Về hỗ trợ vốn và bảo lãnh vay vốn đối với DN tái cơ cấu; (iii) Thiếu các cơ chế chủ động trong xử lý nợ tại DN tái cơ cấu; (iv) Vướng mắc về cơ chế, trình tự, thủ tục xử lý nợ xấu của DN tại Ngân hàng phát triển Việt Nam và Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam...
Những hạn chế trên đã làm giảm hiệu quả hoạt động mua bán xử lý nợ, từ đó ảnh hưởng đến việc thu hồi nợ của DATC cũng như quá trình phục hồi DN. Vì vậy, cần sớm sửa đổi, bổ sung về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực mua bán nợ, xử lý tài sản và tái cấu trúc DN, phục hồi sản xuất kinh doanh cho các DN, khách nợ trong thời gian tới để tạo thuận lợi cho DATC hoạt động.
Theo Tạp chí Tài chính
Đưa nợ lên sàn giao dịch
25-12-2020 7:34 am Viết bởi VNBA Sàn giao dịch nợ tại Việt Nam đã được nhắc lại khi Ngân hàng Nhà nước vừa giao cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xây dựng và đưa vào vận hành sàn kể từ năm 2026...
Nợ xấu tồn tại và gia tăng
Việc thành lập sàn giao dịch nợ đã được đề cập từ năm 2017, khi Nghị quyết 42 của Chính phủ ban hành về thí điểm xử lý nợ xấu của các ngân hàng (NH) được ban hành. Do chưa đủ điều kiện thành lập, từ đó đến nay, việc mua bán nợ thực hiện giao dịch qua VAMC. Tính từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến hết quý 3/2020, VAMC đã xử lý được khoảng 313.000 tỉ đồng nợ xấu, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng hơn 167.900 tỉ đồng, chiếm 53,8%; xử lý các khoản nợ ngoài bảng cân đối kế toán 74.900 tỉ đồng; riêng các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC dưới hình thức trái phiếu đặc biệt, đã xử lý được hơn 69.500 tỉ đồng.
Nhưng con số nợ xấu đang có xu hướng tăng, nhất là khi nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt, thống kê từ 17 ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy đến hết tháng 9.2020, nợ xấu đạt hơn 97.280 tỉ đồng, tăng 30,7% so với cuối năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản. Con số này phù hợp với tỷ lệ nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước công bố dưới 2% một phần nhờ các biện pháp tạm thời do NHNN ban hành nhằm nới lỏng các quy định về ghi nhận nợ xấu đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Công ty Rồng Việt dự báo, với giả định tăng trưởng tín dụng đạt 9% so với cùng kỳ vào năm 2020, ước tính tỷ lệ nợ xấu (không bao gồm các khoản đã bán cho VAMC) sẽ đạt khoảng 2,4% vào cuối năm 2020. Nhiều khả năng nợ xấu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và sẽ vượt ngưỡng 3% vào năm 2021.
Thời gian gần đây, các ngân hàng liên tục thúc đẩy việc xử lý các khoản nợ xấu. BIDV, Sacombank, Vietcombank, Vietinbank... liên tục rao bán những khoản nợ xấu có tài sản thế chấp từ chiếc xe vài chục triệu đồng đến nhà xưởng, máy móc, xe cộ, thiết bị, bất động sản lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Nhưng hầu như đa số các khoản nợ đều bị ế hàng và có khi rao bán đến 20 - 30 lần vẫn không có người đăng ký tham gia dù giá được điều chỉnh giảm nhiều so với mức khởi điểm. Chính vì vậy, một số ý kiến kỳ vọng nếu có sàn giao dịch nợ sẽ giúp cho thanh khoản các khoản nợ được gia tăng, bản thân ngân hàng sẽ nhanh chóng xử lý được “cục máu đông”.
Khó hiệu quả
Theo quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Ngân hàng Nhà nước ban hành, trong giai đoạn từ năm 2021 - 2025, VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành sàn giao dịch nợ. Đồng thời, đơn vị này cần tiến hành xây dựng trung tâm dữ liệu về khoản nợ/tài sản, hướng tới việc đề xuất được thực hiện triển khai kết nối thông tin với Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC) và các ngân hàng nếu đủ điều kiện nhằm tạo nguồn dữ liệu để khai thác, lựa chọn xử lý các khoản nợ.
Trên thực tế, hoạt động mua bán, giao dịch nợ hiện nay ngoài VAMC còn có sự tham gia của các đơn vị, tổ chức khác như Công ty TNHH mua bán nợ VN (DATC) trực thuộc Bộ Tài chính; các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của các ngân hàng (AMC) và những công ty tổ chức đấu giá, thẩm định giá... Nhưng mỗi đơn vị trên đều tự tổ chức tìm kiếm nhà đầu tư và bản thân người mua nếu cần cũng phải rất khó để tìm hiểu về khoản nợ. Điều đó khiến cho lượng nhà đầu tư tham gia rất ít và các khoản nợ vẫn mãi tồn đọng trong các nhà băng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Basico, nói thẳng không nên đặt nhiều kỳ vọng việc xử lý nợ xấu sẽ tiến triển tốt hơn. Bởi không như những sàn giao dịch hàng hóa khác, sàn giao dịch nợ ở đây là các khoản nợ xấu, một loại hàng hóa khá đặc biệt. Chính vì vậy nó cũng đòi hỏi người tham gia hiểu rõ hơn về những điều kiện tham gia, bản chất của việc mua bán nợ. Với những quy định, điều kiện tham gia vào việc mua bán nợ hiện nay như vốn điều lệ có thể sẽ hạn chế đối tượng tham gia. Hơn nữa, bản chất của việc mua bán các khoản nợ đó là mua bán tài sản, quyền đòi nợ gắn với tài sản phải rõ ràng chứ không ai mua một khoản nợ mà không có quyền xử lý tài sản liên quan, hoặc một khoản nợ không có tài sản thì cũng chưa chắc thu hút được người mua. Theo ông Đức, cần sửa đổi những điều kiện tham gia sàn giao dịch nợ xấu, thông tin khoản nợ được rõ ràng minh bạch, giá cả tốt... mới có thể thu hút được nhiều thành phần tham gia, tạo ra tính thanh khoản cho thị trường.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng bản chất của các khoản nợ hầu hết là nợ xấu, nợ không có khả năng thu hồi vốn, vì vậy sẽ có rất hiếm khách hàng muốn mua. Thậm chí ngay cả những khoản nợ thông thường cũng không có người mua vì rủi ro quá cao. Chính vì vậy hoạt động mua bán nợ hầu như không có thị trường vì chỉ toàn người bán mà người mua không có. Theo nguyên tắc, đây là một dạng khiếm khuyết thị trường thì Chính phủ phải đứng ra giải quyết.
Theo Thanh niên
Bao giờ có sàn giao dịch nợ?
16-12-2020 8:40 am Viết bởi VNBAHiện nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh trở lại do tác động của COVID-19. Điều đó đòi hỏi cần sớm có thị trường mua bán nợ tập trung để góp phần xử lý nợ xấu của các nhà băng.
Nợ xấu tăng nhanh trở lại
Thống kê 17 NHTM niêm yết tại thời điểm cuối tháng 9 cho thấy, nợ xấu hơn 97.280 tỷ đồng, tăng 31% so với cuối năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản.
Tuy nhiên theo giới chuyên gia, con số nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 9 chưa phản ánh hết được bức tranh nợ xấu của các ngân hàng vì nhiều khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN về bản chất đã trở thành nợ xấu.
Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nợ xấu sẽ còn tiếp tục tăng do 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do độ trễ của dịch COVID-19 với các khách hàng của ngân hàng. Thứ hai là do các khoản nợ đang tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN vẫn được giữ nguyên nhóm nợ mà chưa phải chuyển nhóm. Vì thế, khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN hết hiệu lực, các ngân hàng phải chuyển nhóm nợ thì nợ xấu ắt sẽ tăng cao hơn nữa. "Theo tính toán của chúng tôi đến cuối năm nay, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ lên trên 3%, tới 2021 con số này sẽ lên tới 3,5-4%", vị chuyên gia này cho biết.
Dựa trên kịch bản cơ sở rằng COVID-19 sẽ được kiểm soát giữa năm 2021, SSI Research cho rằng thời gian tái cơ cấu nợ có thể kéo dài hết nửa đầu năm sau. Vì thế, nợ xấu tiềm ẩn sẽ bắt đầu tăng mạnh hơn trong nửa cuối 2021 và chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu này sẽ tăng dần cho cả năm 2021 và 2022. Cụ thể, SSI Reserch ước tính nợ xấu sẽ tăng 17% và 14% trong năm 2020 và 2021 (so với mức giảm 16,3% năm 2019).
Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý
Trong bối cảnh đó, vấn đề sớm hình thành thị trường mua - bán nợ lại một lần nữa được xới lên. Trên thực tế, Việt Nam chưa có thị trường mua bán nợ chính thống, mà chỉ có một số tổ chức tham gia như VAMC, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và một số công ty mua bán nợ (AMC) của các TCTD thực hiện mua bán nợ với nhau.
Ý tưởng thành lập thị trường mua bán nợ tập trung đã được đề cập từ khá sớm, nhưng đến nay vẫn đang nằm trên… giấy. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự chậm trễ nói trên, nhưng theo giới chuyên môn, vướng mắc lớn nhất chính là việc thiếu một hành lang pháp lý cho sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ.
Theo đó vẫn chưa có hành lang pháp lý chung điều chỉnh các chủ thể tham gia mua bán nợ, mà mới chỉ có các quy định ở các văn bản khác nhau. Hơn nữa, pháp luật hiện hành cũng chưa có quy định cụ thể về việc mua bán nợ xấu đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP cho phép các tổ chức, cá nhân được kinh doanh mua bán nợ, nhưng chưa có quy định rõ ràng việc nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm TCTD nước ngoài) có thể thành lập công ty 100% vốn nước ngoài hoặc mua lại toàn bộ một công ty kinh doanh dịch vụ mua bán nợ tại Việt Nam hay không…
Đó chính là lý do tại Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua, bán nợ của các doanh nghiệp; hình thành, phát triển và quản lý thị trường mua, bán nợ. Tuy nhiên, công tác này hiện rất chậm, cản trở việc hình thành thị trường mua bán nợ.
Được biết, NHNN vừa ban hành Quyết định 2024/QĐ-NHNN phê duyệt chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt mục tiêu trong giai đoạn 2019-2020, VAMC hình thành và phát triển thị trường mua bán nợ, trong đó VAMC là trung tâm của thị trường với các mục tiêu: Xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được NHNN phê duyệt thành lập Sàn giao dịch nợ, VAMC sẽ thiết lập, vận hành sàn theo Đề án đã được phê duyệt… Giai đoạn 2021 - 2025, VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao nợ.
Đã đến lúc cơ quan quản lý có liên quan cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ để tạo điều kiện cho việc xử lý nợ xấu. Nếu không, nợ xấu sẽ bùng phát mạnh, làm tắc nghẽn dòng chảy tín dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Đến năm 2025 sẽ vận hành sàn giao dịch nợ
08-12-2020 3:47 pm Viết bởi VNBANgân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát của chiến lược là phát triển VAMC trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ, đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của các TCTD, có đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện chức năng và nhiệm vụ mua, bán và xử lý nợ xấu, định giá, đấu giá tài sản.
Giai đoạn 2018-2020, mục tiêu của VAMC là đạt tổng nợ xấu mua lũy kế hết năm 2020 tối thiểu 330.000 tỷ đồng. Trong đó, VAMC mua nợ xấu theo giá trị thị trường hết năm 2020 đạt tối thiểu 12.000-13.000 tỷ đồng theo giá mua nợ. Từ năm 2019, VAMC mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) của các TCTD yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống, các TCTD có tỷ lệ nợ xấu lớn hơn 3%.
Phạm vi, số lượng nợ xấu mua thanh toán bằng TPĐB theo quyết định của NHNN, bảo đảm ổn định và an toàn hệ thống.
Hết năm 2020, VAMC mục tiêu hoàn thành về cơ bản xử lý số nợ xấu đã mua (không tính các khoản nợ xấu mua bằng TPĐB của các TCTD yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống).
VAMC sẽ đóng vai trò trung tâm của thị trường mua bán nợ, mục tiêu là xây dựng Đề án thành lập Sàn giao dịch nợ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được NHNN phê duyệt thành lập Sàn giao dịch nợ, VAMC sẽ thiết lập, vận hành Sàn giao dịch nợ theo Đề án đã được phê duyệt, đồng thời thành lập và duy trì hoạt động Câu lạc bộ xử lý nợ AMCs với các thành viên là VAMC và các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của các TCTD (AMC).
Giai đoạn 2021-2025, VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ. Song song, tiến hành xây dựng trung tâm dữ liệu về khoản nợ/tài sản tại VAMC, hướng tới việc đề xuất được thực hiện triển khai kết nối thông tin với Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng Quốc Gia (CIC) và các TCTD nếu đủ điều kiện nhằm tạo nguồn dữ liệu để khai thác, lựa chọn xử lý các khoản nợ/tài sản.
NHNN yêu cầu VAMC tập trung hoàn thành chỉ tiêu mua nợ theo giá trị thị trường được phê duyệt, phấn đấu hàng năm hoàn thành thành vượt mức chi tiêu này 5-10%.
Ngoài ra, VAMC phải tăng cường xử lý nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường, tiếp tục xử lý số nợ xấu đã mua bằng TPĐB của các TCTD yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống.
Giai đoạn 2026-2030, NHNN đề xuất mở rộng lĩnh vực hoạt động của VAMC, hướng tới việc mua, bán nợ và tài sản của mọi thành phần trong nền kinh tế, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và khai thác tài sản, tư vấn môi giới mua bán tài sản, định giá tài sản...
Bên cạnh đó, công ty tiếp tục hình thành và vận hành sàn giao dịch đấu giá trực tuyến nhằm đẩy mạnh hoạt động đấu giá tài sản tại VAMC, tiếp tục củng cố, hoàn thiện và phát triển hoạt động của sàn giao dịch nợ. VAMC sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư tài chính, hướng tới xây dựng VAMC thành một định chế có vai trò trung gian để thực hiện các dịch vụ như tư vấn tài chính, đối tác xây dựng chiến lược cho các nhà đầu tư trên cơ sở hiểu biết về mục tiêu, các ngành kinh tế, ngành công nghiệp của VAMC. Thêm vào đó, công ty đề xuất thực hiện hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp và mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.
Về năng lực tài chính cho VAMC, NHNN cho biết sẽ trình các cấp có thẩm quyền bổ sung vốn điều lệ cho VAMC để đạt 10.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2021.
NHNN chỉ đạo VAMC sử dụng có hiệu quả đối với vốn điều lệ được NHNN cấp, đảm bảo an toàn, hiệu quả cao trong hoạt động, như đẩy mạnh hoạt động xử lý thu hồi nợ và mua nợ theo giá trị thị trường, tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư nâng cấp hệ thống CNTT và trụ sở làm việc, thiết lập và vận hành Sàn giao dịch nợ VAMC, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao năng lực tài chính, uy tín thị trường cho VAMC.
NHNN cũng đề xuất cho VAMC được huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, VAMC thực hiện trích vào chi phí hàng năm quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (tổng mức trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tối đa bằng vốn điều lệ VAMC được cấp) trên nguyên tắc đảm bảo cân bằng thu - chi và đúng quy định pháp luật.
Ngoài ra, NHNN yêu cầu VAMC hợp tác với các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp theo quy định pháp luật trong quá trình xử lý nợ xấu.
Theo SBV
Bài đọc nhiều
Ra mắt Câu lạc bộ xử lý nợ
15-11-2020 10:21 am Viết bởi VNBANgày 19/10/2020, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt Câu lạc bộ xử lý nợ (Câu lạc bộ AMC). Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Toàn Thắng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Theo Quyết định số 35/QĐ-HHNH ngày 17/9/2020 của Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Câu lạc bộ AMC trực thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; hoạt động theo Quy chế tỏ chức và hoạt động do Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng ban hành.
Câu lạc bộ AMC hiện có 22 hội viên là các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong nước.
Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ AMC nhiệm kỳ 2020-2022 gồm 5 thành viên, do ông Đoàn Văn Thắng - Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc VAMC làm Chủ nhiệm cùng các thành viên là: ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Agribank AMC; ông Nguyễn Văn Nhiên - Tổng Giám đốc VietinBank AMC; ông Lê Quốc Ninh - Tổng Giám đốc MB AMC và ông Lương Đức Tâm - Phó Giám đốc SCB AMC.
Thường trực Câu lạc bộ AMC gồm có: đại diện VAMC, Agribank AMC, VietinBank AMC và đại diện Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng.
Sau Lễ ra mắt, tại Hội nghị lần thứ nhất Câu lạc bộ AMC năm 2020, đã thông qua Phương hướng và kế hoạch hoạt động của Câu lạc bộ nhiệm kỳ 2020-2022 với một số nội dung chính là: Đẩy mạnh công tác kết nối và kết nạp hội viên; Tổ chức trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động mua, bán và xử lý nợ giữa các Hội viên; Cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực mua, bán và xử lý nợ cho các Hội viên, tạo điều kiện cho các Hội viên hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động mua, bán và xử lý nợ; Tổng hợp, phản ảnh các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động mua, bán và xử lý nợ tới các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đề xuất các giải pháp xử lý và báo cáo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng để biết và phối hợp; Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực mua, bán và xử lý nợ theo quy định của pháp luật; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu Hội viên; Phối hợp với các tổ chức Hội viên, cơ quan liên quan tham mưu, tư vấn cho Tổng Thư ký để Hiệp hội Ngân hàng tham mưu cho các cơ quan chức năng về cơ chế chính sách trong hoạt động mua, bán và xử lý nợ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của Câu lạc bộ.
Ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến của VAMC trong hoạt động vận động thành lập Câu lạc bộ AMC, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh: “Điều này thể hiện một tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hợp tác giữa các AMC để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bền vững và phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn”.
Tuy nhiên, để Câu lạc bộ AMC thực sự trở thành diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả trong hoạt động mua bán xử lý nợ; tiến tới thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ tập trung và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức mua bán xử lý nợ ở các nước trong khu vực và trên thế giới, Phó Thống đốc cho rằng, toàn thể các Hội viên cần đoàn kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau xây dựng Câu lạc bộ AMC phát triển vững mạnh.
“Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng sẽ luôn dành sự quan tâm, tạo điều kiện để Câu lạc bộ AMC hoạt động hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu và mong muốn của Hội viên, từng bước tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ tập trung trong tương lai”, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh bày tỏ.
Phó Thống đốc cũng tin tưởng, toàn thể Hội viên của Câu lạc bộ AMC sẽ đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, để Câu lạc bộ phát triển vững mạnh, là địa chỉ tin cậy trong hoạt động mua bán, xử lý nợ. Đồng thời kỳ vọng, Câu lạc bộ AMC sẽ thực sự trở thành một diễn đàn trao đổi và đối thoại chính sách, nhằm đưa ra tiếng nói chung, có giá trị đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để kịp thời bổ sung cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ tích cực quá trình xử lý nợ xấu của các AMC và VAMC trong thời gian tới.
Câu lạc bộ AMC