Ngày 8/8, tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 với chủ đề "Bước ngoặt mới. Kỷ nguyên mới" đang diễn ra tại TP.Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ đang tập trung chủ trương đẩy mạnh xử lý, tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Đối với ngân hàng thương mại, Chính phủ khuyến khích mua bán sáp nhập các ngân hàng nhỏ, các tổ chức tín dụng nhỏ vào các ngân hàng lớn. Hiện nay, số lượng tổ chức tổ chức tín dụng (TCTD) ở Việt Nam đang còn nhiều, vì vậy chúng ta cần sắp xếp lại để nâng cao quản trị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính phủ cũng đang tiến hành hoàn thiện các luật liên quan đến kinh tế nói chung cũng như tài chính nói riêng. Trong đó, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tại Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và luật sửa đổi bổ sung về tín dụng, theo Phó Thủ tướng đây là hai cơ sở pháp lý quan trọng cho hệ thống tín dụng Việt Nam thời gian tới.
Sắp tới đây, Chính phủ cũng tổ chức cổ phần hóa và thoái vốn ở các Ngân hàng thương mại Nhà nước. "Một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) có lộ trình IPO vào năm 2019. Còn đối với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt nam (BIDV) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có chủ trương bán bớt vốn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thông qua phát hành. Hiện đã có những thương thảo với các ngân hàng và đối tác quan tâm đến thương vụ này", Phó Thủ tướng nói. Chính phủ đặt mục tiêu từ nay đến 2020 cơ bản phải hoàn thành chương trình thoái vốn nói trên.
Mặt khác, Chính phủ cũng sẽ bán và chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém đã mua lại hay các tổ chức tín dụng đang trong kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật TCTD mới sửa đổi như Ngân hàng Đại dương (Oceanbank), Ngân hàng Xây dựng (CB)… tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém trong diện kiểm soát đặc biệt.
Đồng thời, tới đây Chính phủ sẽ hết sức hạn chế, có thể nói là không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, cho phép một nhà đầu tư nước ngoài được mua và sở hữu một ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Rất nhiều nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước quan tâm đến các tổ chức tín dụng nói trên.