Báo cáo hội nhập kinh tế châu Á năm 2021 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nền đến hệ thống kinh tế toàn cầu nói chung và châu Á nói riêng, bộc lộ ra những điểm dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, đại dịch cũng làm nổi bật lợi ích của tiến bộ công nghệ, quá trình số hóa và tăng cường kết nối nền kinh tế toàn cầu. Các nền tảng kỹ thuật số đã và đang cung cấp cơ hội tăng trưởng mới cho tất cả các ngành, lĩnh vực với quy mô khác nhau tại khắp khu vực châu Á và Thái Bình Dương- trở thành xu hướng đóng góp cho sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững của khu vực sau đại dịch.
Bối cảnh kinh tế đầy thách thức
Theo báo cáo của ADB, tăng trưởng thương mại của châu Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch do cầu thế giới giảm, tuy nhiên các số liệu gần đây cho thấy đã có sự phục hồi chậm nhưng đều đặn. Sau khi đạt đỉnh vào năm 2017, tăng trưởng thương mại của châu Á bắt đầu chậm lại trong nửa sau của 2018 trong bối cảnh căng thẳng thương mại Hoa Kỳ -Trung Quốc gia tăng. Sau khi tăng 4,1% trong năm 2018, khối lượng thương mại hàng hóa của châu Á đã giảm 0,5% vào năm 2019 và giảm 10,1% vào tháng 5/2020 so với cùng kỳ năm trước. Các dữ liệu gần đây cho thấy tăng trưởng thương mại của khu vực có thể phục hồi nhanh hơn dự đoán mặc dù đại dịch kéo dài cùng nguy cơ suy thoái kép có thể cản trở quá trình này.
Châu Á có liên kết chuỗi giá trị khu vực tương đối mạnh, tuy nhiên sự mở rộng chuỗi giá trị toàn cầu đã bị đình trệ trong những năm gần đây. Do tác động của dịch bệnh, mạng lưới chuỗi cung ứng thời gian qua đã được chuyển từ nước ngoài sang trong nước có thể khiến thương mại quốc tế giảm. Theo tính toán của ADB, khi 10% -20% chuỗi cung ứng ở nước ngoài được chuyển về trong nước, thương mại toàn cầu có thể giảm 13% -22%. Tuy nhiên, đại dịch có khả năng thúc đẩy tái cấu trúc hoặc đa dạng hóa các chuỗi cung ứng hiện có, củng cố hội nhập thương mại có thể giúp các nền kinh tế khu vực điều hướng sự dịch chuyển thương mại toàn cầu để duy trì tăng trưởng thương mại. Trong bối cảnh này, khu vực cần nắm bắt các nỗ lực tự do hóa và hỗ trợ thương mại mạnh mẽ hơn, bao gồm cả việc theo đuổi các thỏa thuận thương mại, đặc biệt là các thỏa thuận khu vực và thương mại lớn.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Châu Á năm 2019 giảm 7,7% so với 2018 - ở mức 510,5 tỷ USD, trong khi FDI toàn cầu tăng 3,0%. FDI vào châu Á năm 2019 giảm chủ yếu do nhu cầu thế giới về sản phẩm điện tử và ô tô suy yếu, cũng như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn FDI năm 2019 trong khu vực vẫn ổn định ở mức 51,7%. Châu Á nằm trong số những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nhất toàn cầu do dòng vốn FDI giảm trong quý I/2020. Đầu tư mới và mua bán và sáp nhập (M&A) giảm tương ứng 35,2% và 27,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2020, đầu tư vào than, dầu, khí đốt, khách sạn và du lịch giảm mạnh nhất, tiếp theo là bất động sản, nghỉ dưỡng, giải trí và giao thông. Tuy nhiên, hoạt động M&A trong khu vực có dấu hiệu phục hồi trong quý II, khi các quốc gia bắt đầu mở cửa trở lại và giảm bớt một số biện pháp hạn chế do dịch bệnh.
Năm 2019, đầu tư ra nước ngoài của châu Á đã tăng 4,3% - ở mức 531,4 tỷ đô la (chiếm 40,5% đầu tư ra nước ngoài toàn cầu), sau đó giảm trong I/2020. Nhật Bản là nguồn đầu tư FDI hàng đầu thế giới năm 2019, đầu tư vào Hoa Kỳ, Úc và Thái Lan và những nơi khác. Các nguồn đầu tư FDI khác trong khu vực Trung Quốc; Hồng Kông (Trung Quốc); Hàn Quốc và Singapore. Dữ liệu cho thấy đầu tư mới và M&A của châu Á trong quý I/2020 giảm so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 27,0% và 64,3%. Tuy nhiên, FDI ra nước ngoài của khu vực có dấu hiệu phục hồi trong quý II/2020, đặc biệt là đối với M&A.
Các nguy cơ rủi ro tài chính tăng cao
Theo đánh giá của ADB, suy thoái kinh tế do COVID-19 gây ra trong quý I/2020 dẫn đến thay đổi khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư và gia tăng sự biến động tài chính; điều này dẫn đến việc tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn và thắt chặt các điều kiện thanh khoản cho các nền kinh tế thị trường mới nổi. Khi điều kiện thanh khoản thắt chặt và căng thẳng thị trường tài chính xuất hiện vào giữa tháng 3/2020, giá cổ phiếu tại một số thị trường trong khu vực đã giảm khoảng 30% so với tháng 1. Một số đồng tiền của khu vực cũng suy yếu, trong khi dòng vốn ra lên 57 tỷ USD trong quý I/2020. Tuy nhiên, các phản ứng chính sách nhanh chóng của các cơ quan chức năng đã giúp giảm bớt các căng thẳng thanh khoản và phục hồi tâm lý nhà đầu tư vào tháng 6/2020. Mặc dù vậy, nguy cơ về thanh khoản thắt chặt và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư giảm vẫn còn lớn trong nửa cuối năm 2020 trong bối cảnh số ca lây nhiễm trên toàn cầu gia tăng.
Trong năm 2019, tỷ lệ nắm giữ tài sản xuyên biên giới và nợ phải trả của châu Á đã tăng lên sau khi giảm nhẹ vào năm 2018. Tính đến cuối năm 2019, các nhà đầu tư châu Á tiếp tục nắm giữ nhiều hơn đáng kể tài sản và nợ phải trả ngoài châu Á so với của các công ty trong khu vực. Điều này cho thấy mức độ gia tăng tiếp xúc của thị trường tài chính khu vực với các yếu tố về triển vọng tăng trưởng, tâm lý đầu tư và điều kiện thanh khoản của bên ngoài. Hơn nữa, gần 1/2 tài sản quốc tế và 25% nợ phải trả bên ngoài do châu Á nắm giữ được tính bằng USD. Điều này phản ánh sự thống trị của USD trên thị trường quốc tế hệ thống tài chính và sự phụ thuộc của khu vực vào USD cho thương mại xuyên biên giới và các giao dịch tài chính.
Đại dịch đã bộc lộ một số rủi ro tài chính tiềm ẩn mà các nhà hoạch định chính sách khu vực cần lưu ý để bảo vệ sự ổn định tài chính khu vực. Mặc dù những xáo trộn thị trường tài chính ban đầu nhanh chóng được dập tắt bằng các can thiệp chính sách nhanh chóng và tích cực, trên toàn cầu cũng như trong khu vực, các nhà hoạch định chính sách của khu vực cần luôn cảnh giác và theo dõi các rủi ro kinh tế và tài chính tiềm ẩn. Các chính sách hỗ trợ tài chính tích cực trong thời kỳ đại dịch - mặc dù cần thiết và thích hợp - có thể đẩy nhanh sự tích lũy nợ ở các nền kinh tế. Rủi ro liên quan với tăng trưởng tín dụng và tích lũy nợ của các hộ gia đình và tổ chức phi tài chính cũng có thể đe dọa sự ổn định khu vực ngân hàng và làm suy yếu sự phục hồi của nền kinh tế. Hơn nữa, đại dịch cũng cho thấy tính dễ tổn thương trong cấu trúc của khu vực ngân hàng châu Á do tính thanh khoản không phù hợp liên quan đến việc gia tăng hoạt động và sự phụ thuộc vào tài trợ bằng USD của các ngân hàng ngoài Hoa Kỳ. Những rủi ro tiềm ẩn này đòi hỏi tăng cường hợp tác tài chính khu vực để bảo vệ sự ổn định và khả năng phục hồi. Trong khi điều quan trọng là phải mở rộng và đào sâu thị trường vốn nội tệ, khu vực cần theo đuổi cải cách hơn nữa và tăng cường nỗ lực củng cố mạng lưới an toàn tài chính.
Đại dịch phá vỡ đà tăng trưởng của dòng kiều hối quốc tế. Dòng kiều hối toàn cầu năm 2019 đạt 716,7 tỷ USD, tăng 21,9 triệu USD so với 2018. Năm 2019, châu Á nhận được 315,3 tỷ USD từ các nguồn chuyển tiền lớn nhất là Trung Đông (100,4 tỷ USD), Bắc Mỹ (78,0 tỷ USD) và Châu Âu (45,6 tỷ USD). Khi các nước này phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế lớn, lượng kiều hối vào châu Á ước tính giảm 7,4%. Các nền kinh tế ở Trung Á và Thái Bình Dương chịu tác động nghiêm trọng do phụ thuộc nhiều vào kiều hối và nhận được lượng kiều hối có giá trị tuyệt đối lớn nhất, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines. Mặc dù giảm do suy thoái toàn cầu, dòng kiều hối có thể sẽ vẫn là nguồn tài chính bên ngoài quan trọng trong Châu Á, cùng với các loại dòng tài chính khác như FDI và thu từ du lịch, dự kiến sẽ giảm nhiều hơn.
Phát triển nền tảng kỹ thuật số cho Châu Á và Thái Bình Dương
Các nền tảng kỹ thuật số đang thay đổi cách chúng ta làm việc, giao tiếp xã hội và tạo ra giá trị kinh tế. Với sự phát triển mạnh của các nền tảng kỹ thuật số, các mô hình kinh doanh mới đã phát triển, cung cấp cơ hội kinh tế to lớn. Năm 2019, nền tảng kỹ thuật số từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng doanh thu đạt 3,8 nghìn tỷ USD, tương đương 4,4% GDP toàn cầu. Châu Á chiếm khoảng 48% (1,8 nghìn tỷ USD; tương đương 6% GDP khu vực), Mỹ chiếm 22% (836,7 tỷ USD; 3,9%), khu vực đồng euro 12% (445,3 tỷ USD; 3,3%). Châu Á sẽ tiếp tục vươn lên như một người chơi lớn trong thị trường nền tảng kỹ thuật số toàn cầu khi tiếp cận nhiều người dùng hơn và tạo ra tăng trưởng doanh thu cao hơn.
Đại dịch COVID-19 đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô và trên tất cả các ngành. Quá trình tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số này có thể thúc đẩy sản lượng toàn cầu, thương mại và việc làm. Theo ước tính của ADB, quy mô của lĩnh vực kỹ thuật số tăng 20% vào năm 2025 sẽ làm sản lượng toàn cầu tăng trung bình 4,3 nghìn tỷ USD/năm từ năm 2021 - 2025 (tương đương 5,4%/năm). Châu Á sẽ đạt được hơn 1,7 nghìn tỷ USD/năm (tương đương 6,1%) hoặc hơn 8,6 nghìn tỷ đô la trong 5 năm 2021- 2025. Thương mại toàn cầu cũng sẽ tăng khoảng 2,4 nghìn tỷ USD mỗi năm (5,5%/năm) hoặc 11,8 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025. Thương mại của Châu Á sẽ tăng hơn 1,0 nghìn tỷ USD/năm (6,8%/năm) hoặc tăng 5 nghìn tỷ USD trong 5 năm. Khoảng 140 triệu việc làm (5,0%) tăng thêm hàng năm trên toàn cầu và 65 triệu việc làm mới mỗi năm ở Châu Á (3,9%/năm). Việc sử dụng kỹ thuật số nhiều hơn sẽ thúc đẩy các nền kinh tế Thái Bình Dương nhiều nhất, tiếp theo là Trung Á và Đông Nam Á nhờ việc kết nối kỹ thuật số giúp các nước đang phát triển vượt qua thách thức về địa lý; lợi ích năng suất và kinh tế để cho phép đi tắt đón đầu; và thương mại dịch vụ kỹ thuật số mạnh mẽ hơn để hỗ trợ tăng trưởng toàn diện.
Hỗ trợ chính sách trên nhiều mặt có thể phát hiện các lợi ích tiềm năng từ kinh tế số. Trước hết, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kết nối - để cung cấp dịch vụ di động, mở rộng truy cập internet băng thông rộng và phạm vi bao phủ với giá hợp lý. Trong khi kết nối số mang lại cơ hội lớn để các nước đang phát triển tham gia vào thương mại quốc tế và nâng cao chuỗi giá trị, thương mại truyền thống và hậu cần liên quan đến kết nối vật lý có thể vẫn là một rào cản đối với việc phân phối hàng hóa, ngay cả khi được mua kỹ thuật số. Đặc biệt, khoảng cách về hoạt động logistic giữa các quốc gia còn lớn. Tiếp tục số hóa các thủ tục hải quan có vai trò quan trọng, cùng với việc mở rộng quyền truy cập vào các dịch vụ tài chính kỹ thuật số một cách an toàn và bảo mật. Việc đầu tư vào đào tạo các kỹ năng và kiến thức kỹ thuật số thông qua cung cấp truy cập thông tin và các thiết bị công nghệ truyền thông cùng nền tảng giảng dạy trực tuyến là rất cần thiết. Ngoài ra, cần xây dựng một hệ thống pháp lý mạnh mẽ và minh bạch để bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp và tăng cường an ninh mạng;....
Theo SBV