Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và tác động ngày càng sâu rộng đến ngành tài chính - ngân hàng trên thế giới, xu hướng sử dụng dịch vụ ngân hàng số ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc, chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phát triển của công nghệ và các giải pháp đổi mới sáng tạo đang phát triển nhanh chóng tại nhóm thị trường mới nổi.
Tháng 9/2021, Công ty tư vấn McKinsey đã công bố kết quả khảo sát dịch vụ tài chính cá nhân (PFS) thực hiện tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm 8 thị trường mới nổi (Trung Quốc đại lục, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Việt Nam) và 7 thị trường phát triển (Úc, Hồng Kông, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan), với hơn 20.000 người sống tại khu vực đô thị chưa có tài khoản ngân hàng tham gia khảo sát. Nhận định chung từ kết quả khảo sát năm 2021 cho thấy xu hướng ngân hàng số ở các thị trường mới nổi đã dần bắt kịp các thị trường phát triển và việc áp dụng rộng rãi hơn dịch vụ ngân hàng số trong thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua đã đưa ngành dịch vụ tài chính đạt mức độ trưởng thành mới, mở ra những cơ hội và thách thức đối với các ngân hàng cũng như các tổ chức phi ngân hàng, đồng thời cũng tác động mạnh mẽ đến sự thay đổi hành vi người tiêu dùng.
McKinsey đã phân tích những điểm nổi bật rút ra từ kết quả khảo sát PFS năm 2021 như sau:
Thứ nhất, so với kết quả khảo sát năm 2017 chỉ đạt 55%, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng số ở khu vực thị trường mới nổi năm 2021 đã tăng lên 33% và đạt 88%. Mức độ chấp nhận kỹ thuật số giữa người tiêu dùng ở các thị trường phát triển cũng được duy trì ổn định ở mức xấp xỉ 90%. Tính chung trên toàn thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng số năm 2021 là khoảng 88%, tăng 23% so với khảo sát PFS năm 2017. Với khoảng 9 trong 10 người tiêu dùng ở toàn khu vực đã và đang sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, cho thấy hoạt động ngân hàng số tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh mẽ và thu hút được nhiều người tham gia sử dụng. Đồng thời, sự thâm nhập của ngân hàng số ở thị trường mới nổi và thị trường phát triển cùng ở mức khoảng 90% cho thấy khoảng cách giữa 2 khu vực thị trường tại Châu Á - Thái Bình Dương đã được thu hẹp đáng kể trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính và đây không còn là điểm khác biệt lớn giữa hai khu vực thị trường trong năm 2021.
Thứ hai, khi việc sử dụng ngân hàng số tăng nhanh, các thị trường mới nổi của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có cơ hội trở thành trung tâm cho các đổi mới sáng tạo dịch vụ tài chính công nghệ (fintech) phát triển. Kết quả khảo sát cho thấy, tại thị trường mới nổi, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng ứng dụng fintech và dịch vụ ví điện tử đã tăng từ 38% năm 2017 lên mức 54% năm 2021, cao hơn mức 43% của thị trường phát triển. Điều đó cho thấy trong thời gian qua, các tổ chức đổi mới sáng tạo về công nghệ tài chính trong khu vực mới nổi đã đưa ra nhiều ứng dụng/đề xuất nhận được sự quan tâm và ủng hộ của người tiêu dùng và ngược lại, khi người tiêu dùng ngày càng sử dụng nhiều các giải pháp fintech mới thì cũng thúc đẩy sự thâm nhập của các công cụ fintech và ví điện tử vào đời sống người dân ngày càng mạnh mẽ hơn thị trường phát triển, góp phần đưa thị trường mới nổi vượt mức độ chấp nhận chung của thị trường Châu Á - Thái Bình Dương (đạt khoảng 51%).
Việt Nam, theo McKinsey, có tốc độ phát triển dịch vụ ngân hàng số nhanh nhất Châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn 2017 - 2021. Về tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ ngân hàng số, Việt Nam tăng 41% và đạt 82% vào năm 2021, cao hơn mức tăng bình quân 23% của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân 33% của thị trường mới nổi. Về mức độ xâm nhập của Ví điện tử và ứng dụng Fintech, Việt Nam cũng thuộc nhóm có mức tăng trưởng nhanh so với toàn khu vực và tăng từ 16% lên 56% vào năm 2021, cao hơn mức bình quân 54% của thị trường mới nổi và 51% của cả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ ba, khi việc áp dụng các ứng dụng tài chính kỹ thuật số tăng lên, người tiêu dùng thường có khuynh hướng tương tác số hóa với ngân hàng của mình nhiều hơn. Xu hướng này được thể hiện rõ nét trong kết quả khảo sát PFS năm 2021, cho thấy tỷ lệ “chạm” của người tiêu dùng đối với các kênh ngân hàng số đã tăng từ 41% năm 2017 lên 72% năm 2021. Mặc dù tần suất tương tác của khách hàng cao hơn, nhưng nghiên cứu của McKinsey cũng chỉ ra rằng các ngân hàng vẫn chưa thực hiện chuyển đổi một cách đầy đủ, toàn diện mối quan tâm của khách hàng thành các sản phẩm “số hóa”. Thực tế cho thấy trong khi khoảng 70% người tham gia khảo sát bày tỏ sự cởi mở trong việc sử dụng các kênh ngân hàng số thì chỉ có khoảng 32% người ở thị trường phát triển và 23% người ở thị trường mới nổi (trong đó có Việt Nam) đã mua một sản phẩm, dịch vụ thông qua kênh ngân hàng số. Khác biệt giữa sự quan tâm và hành vi thực tế có thể là kết quả của việc ngân hàng không có nhiều sản phẩm dịch vụ số tiện ích hoặc kênh số của họ không có tương tác hiệu quả với người dùng.
Thứ tư, sự chuyển đổi sang dịch vụ ngân hàng số diễn ra nhanh chóng trong thời gian qua tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có thể là do việc số hóa các dịch vụ ngân hàng đang phát triển mạnh trong đại dịch Covid-19 như gặp mặt trực tuyến/gọi video thay cho gặp mặt trực tiếp… Kết quả khảo sát chỉ ra rằng mức độ sử dụng các kênh ngân hàng số vẫn có thể giữ nguyên sau khi đại dịch Covid-19 lắng xuống. Khoảng 80% người tiêu dùng nói rằng họ mong muốn duy trì và tăng cường sử dụng các kênh ngân hàng di động và trực tuyến hậu Covid-19 và 42% số người tham gia khảo sát trả lời rằng họ sẽ ít đến chi nhánh ngân hàng hơn sau khi đại dịch kết thúc.
Thứ năm, song song với xu hướng số hóa đang ngày càng mạnh mẽ, kết quả khảo sát của McKinsey cho thấy hành vi thanh toán của người tiêu dùng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng thay đổi tích cực theo hướng sử dụng các kênh thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn. Khoảng 50% người tham gia khảo sát cho biết chưa đến 30% chi tiêu hàng tuần của họ được thực hiện bằng tiền mặt, trong đó New Zealand và Hàn Quốc là 2 quốc gia phát triển dẫn đầu xu hướng này. Ở khu vực thị trường mới nổi thì Việt Nam và Philippines là những quốc gia đang dẫn dầu xu hướng khi có khoảng 37% người tham gia khảo sát trả lời rằng họ đã giảm mức sử dụng tiền mặt và chưa đến 30% chi tiêu hàng tuần của họ được thực hiện bằng tiền mặt.
Qua khảo sát của McKinsey, có thể thấy cơ hội để ngân hàng nắm bắt cơ hội phát triển đang thu hẹp nhanh chóng. Khi người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến các dịch vụ ngân hàng số, những dịch vụ đang phát triển bởi những người chơi mới không phải là ngân hàng, thì ngân hàng cần nhận thức rõ hơn cách thức khách hàng nhìn nhận họ để quyết định cách đáp ứng mong đợi của khách hàng thế nào, từ đó có thể lập biểu đồ phát triển của mình một cách tốt nhất để đảm bảo vị thế trên thị trường. Các chuyên gia tư vấn của McKinsey khuyến nghị, ngân hàng cần phải kết hợp sử dụng các nguồn lực hiện có với những tiềm năng mới để vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Không có khía cạnh nào của hoạt động ngân hàng có thể xa rời khỏi những thay đổi của thị trường tạo ra bởi những tiến bộ của khoa học công nghệ. Vì vậy, các ngân hàng cần tiến hành ngay những thay đổi cơ bản trong mô hình hoạt động của mình. Ngân hàng nào muốn duy trì lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững thì ngân hàng đó phải “làm chủ công nghệ” và trở thành người dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo.
Thuộc nhóm phát triển nhanh về dịch vụ ngân hàng số của khu vực trong giai đoạn 2017 - 2021 theo kết quả khảo sát của McKinsey, rõ ràng ngành ngân hàng Việt Nam đã có những sự chuẩn bị kỹ càng, chủ động vào cuộc và khả năng thích ứng tốt của ngành ngân hàng Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số. Đánh giá về quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng, tại Hội thảo “Tiến đến quốc gia không tiền mặt” tổ chức vào ngày 19/11 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, 95% ngân hàng Việt Nam đã có, đang xây dựng hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số; khoảng 80 ngân hàng triển khai dịch vụ Internetbanking, 44 ngân hàng cung cấp dịch vụ Mobile Banking, khoảng 20 ngân hàng chính thức triển khai quy trình mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử, 45 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, hơn 90 nghìn điểm thanh toán QR; nhiều hệ sinh thái thông minh, thanh toán số đã được thiết lập cho phép khách hàng truy cập sử dụng dịch vụ ngân hàng, kết nối với các hệ sinh thái số khác trên nền tảng Internet hoặc cung ứng các dịch vụ ngân hàng thông qua ứng dụng Mobile Banking; nhiều thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được các ngân hàng ứng dụng mạnh mẽ như phân tích hành vi khách hành trên dữ liệu lớn (Big data); xác thực sinh trắc học, ứng dụng mã phản hồi nhanh (QR-Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán thẻ chíp tiếp xúc và phi tiếp xúc (contact và contactless)... Trong 9 tháng đầu 2021, thanh toán qua điện thoại di động tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị, thanh toán qua Internet tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc cần làm để đáp ứng yêu cầu của sự thay đổi và phát huy được những lợi thế của ứng dụng công nghệ thông tin mang lại; cũng như đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Nhận thức chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi chiến lược nhằm giúp các ngân hàng Việt Nam cạnh tranh hiệu quả và phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0, ngày 11/5/2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 50% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số, ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách được thực hiện thông qua các kênh số và đến năm 2030, ít nhất 70% các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số và ít nhất 80% số lượng giao dịch của khách được thực hiện thông qua các kênh số. Kết quả khảo sát và những khuyến nghị của McKinsey trên đây sẽ phần nào giúp ngân hàng Việt Nam xác định rõ hơn những việc cần làm để đạt được các mục tiêu chuyển đổi số đầy thách thức.
Theo SBV