Bảo hiểm tiền gửi và vai trò bảo vệ người tiêu dùng tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện

Thứ hai, 22 Tháng 11 2021 08:59

Bên cạnh hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ người tiêu dùng tài chính, Việt Nam cần một cơ quan chuyên trách trong việc hỗ trợ và bảo vệ người tiêu dùng tài chính, trong đó việc nâng cao vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi  là yêu cầu cần thiết đặt ra.

Bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại một số tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới và Việt Nam

Nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ người tiêu dùng tài chính nên các quốc gia ngày càng nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đồng thời thiết lập các bộ phận giám sát chuyên biệt để bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Nhiều tổ chức quốc tế như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB) đã ban hành hướng dẫn, thông lệ tốt về bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính. Tại các nước phát triển, Luật quy định cụ thể về bảo vệ người tiêu dùng tài chính đã được ban hành và có cơ quan chuyên trách tiếp nhận, xử lý khiếu nại hoạt động độc lập.

Tại nhiều tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới, bảo vệ người tiêu dùng tài chính đã được xác định là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của tổ chức.

Tại Mỹ, việc bảo vệ người tiêu dùng tài chínhđược quy định rất rõ ràng và chặt chẽ trong Đạo luật Dodd-Frank Cải cách và bảo vệ người tiêu dùng phố Wall năm 2010. Cơ quan chịu trách nhiệm chính cho việc này là Cục Bảo vệ Người tiêu dùng tài chính (CFPB), nhiệm vụ của CFPB bao gồm: Loại bỏ các hành vi gian lận, lừa đảo hoặc lạm dụng bằng cách thiết lập các quy tắc, giám sát các công ty và thực thi pháp luật; Thực thi luật cấm phân biệt đối xử trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng; Nhận khiếu nại của người tiêu dùng; Tăng cường giáo dục tài chính; Nghiên cứu trải nghiệm của người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm tài chính; Giám sát thị trường tài chính để phát hiện những rủi ro mới đối với người tiêu dùng.

Với tư cách là tổ chức bảo hiểm tiền gửi cũng như cơ quan giám sát các định chế tài chính tại Mỹ, không chỉ hướng đến riêng đối tượng người gửi tiền, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Hoa Kỳ (FDIC) còn cung cấp thông tin và tài nguyên để giáo dục, bảo vệ người tiêu dùng, thúc đẩy tài chính toàn diện; và kết nối người tiêu dùng với tài nguyên tài chính trong cộng đồng của họ.

Để bảo vệ người tiêu dùng tài chính, FDIC đã thực hiện ba nhóm mục tiêu chính, bao gồm: Kết nối với người tiêu dùng thông qua tổng đài hỗ trợ, website; Bảo vệ người tiêu dùng thông qua chương trình giáo dục tài chính Money Smart, FDIC Podcast, và chương trình tiếp cận giáo dục về bảo hiểm tiền gửi; Kết nối các cộng đồng thông qua thúc đẩy tài chính toàn diện, hỗ trợ ngân hàng nghiên cứu các cơ hội đưa ra sản phẩm và dịch vụ mới có triển vọng hỗ trợ, mở rộng và giữ người tiêu dùng tham gia vào hệ thống ngân hàng, tăng cường giáo dục và hiểu biết tài chính, thúc đẩy quan hệ đối tác để hỗ trợ phát triển cộng đồng và doanh nghiệp nhỏ.

Tại Hàn Quốc, Luật mới về bảo vệ người tiêu dùng tài chính đã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua vào tháng 3/2020, nhằm bảo vệ người tiêu dùng khỏi việc bị lừa đảo hoặc các hành vi bán hàng gian lận của các công ty tài chính, đồng thời tăng cường quyền lợi của người tiêu dùng và trao quyền cho người tiêu dùng để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt về đầu tư và quản lý tài sản của họ.

Tổng Công ty Bảo hiểm tiền gửi Hàn Quốc (KDIC) cũng phát huy vai trò trong việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính, trong đó có giáo dục tài chính cho những đối tượng khó khăn về tài chính, mở rộng lợi ích của việc tư vấn pháp lý miễn phí, kiểm tra việc tuân thủ yêu cầu của KDIC đối với cơ chế thông báo, giải thích và xác nhận hạn mức bảo hiểm tiền gửi và nâng cao nhận thức công chúng về hệ thống bảo hiểm tiền gửi.

Tại Việt Nam, người gửi tiền là một thành phần rất quan trọng đối với hệ thống tài chính Việt Nam, cũng là đối tượng sử dụng dịch vụ tài chính. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam được thành lập với sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần vào sự ổn định, phát triển lành mạnh của hệ thống tài chính quốc gia.

Trong lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi, trải qua hơn 20 năm hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) đã có đóng góp không nhỏ trong việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính- người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng (TCTD). Tính đến hết tháng 9/2021, DIV bảo vệ cho khoảng 6,4 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. DIV bảo vệ người gửi tiền thông qua việc thực hiện các nghiệp vụ chính như giám sát, kiểm tra tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để kịp thời phát hiện những yếu kém, sai phạm trong quá trình hoạt động; tham gia vào quá trình xử lý các TCTD, chi trả tiền gửi được bảo hiểm theo hạn mức và tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm tiền gửi đến người gửi tiền.

Cụ thể, DIV thực hiện các hoạt động: cấp Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, thu phí bảo hiểm tiền gửi, theo dõi, giám sát thường xuyên và kiểm tra định kỳ đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Trong đó, nghiệp vụ giám sát tập trung vào việc phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động; việc chấp hành các quy định về bảo hiểm tiền gửi cũng như việc tuân thủ quy định về an toàn hoạt động ngân hàng; qua đó cảnh báo rủi ro, các sai phạm, yếu kém mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cần khắc phục và báo cáo, kiến nghị NHNN xử lý kịp thời.

Đối với những QTDND có vấn đề, DIV thực hiện giám sát chuyên sâu để nắm vững thực trạng và biến động của các loại tiền gửi, nhất là tiền gửi thuộc đối tượng bảo hiểm, chủ động có giải pháp hoặc báo cáo, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi được bảo hiểm đối với QTDND nhằm kịp thời phát hiện sai phạm, từ đó đề xuất biện pháp xử lý, giúp phòng ngừa các hiện tượng gian lận, trục lợi bảo hiểm tiền gửi.

Thực tế khẳng định công tác giám sát, kiểm tra thời gian qua của DIV đã góp phần cùng với các cơ quan chức năng kiểm soát, phát hiện rủi ro sớm hơn để duy trì, bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh của toàn hệ thống QTDND, từ đó góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, cũng như người tiêu dùng tài chính.

Những năm gần đây, DIV đã chủ động tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi tới công chúng, trong đó có giới trẻ là sinh viên các trường đại học, cao đẳng - nhóm sẽ trở thành người tiêu dùng tài chính trong tương lai, giúp họ có thể sáng suốt lựa chọn sản phẩm tài chính để đầu tư, tránh được rủi ro lừa đảo, gian lận. Bên cạnh đó, DIV hướng tới đối tượng tuyên truyền là người gửi tiền ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người gửi tiền ít có điều kiện tiếp cận với thông tin về tài chính - ngân hàng và bảo hiểm tiền gửi với các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm tiền gửi đang ngày càng đa dạng.

Còn thiếu khung pháp lý và tổ chức chuyên trách về bảo vệngười tiêu dùng tài chính

Tại Việt Nam, vấn đề bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính nói chung và các khách hàng vay tiêu dùng nói riêng hiện nay vẫn còn nhiều khoảng trống. Việc bảo vệ người tiêu dùng chủ yếu dựa trên căn cứ pháp lý là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng chưa có quy định riêng về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Trong khi đó, các luật theo các lĩnh vực tài chính như Luật Các TCTD, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng nhưng chưa đầy đủ và thiếu những hướng dẫn cụ thể xử lý kịp thời, hiệu quả các khiếu nại của người tiêu dùng tài chính.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có một cơ quan chuyên trách quản lý tập trung đối với việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính hiện có liên quan đến 5 cơ quan là NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Thông tin - Truyền thông và Hội Bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, các cơ quan này đều chưa có bộ phận chuyên trách cũng như các quy trình quản lý cụ thể để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Ngoài ra, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trên cũng chưa rõ ràng và thiếu ràng buộc, vì vậy khó khăn trong việc xử lý các xung đột lợi ích xảy ra khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính.

Việc luật chưa có các quy định riêng cho người tiêu dùng tài chính cho thấy nhóm này chưa được xem là đối tượng dễ bị tổn thương và đòi hỏi phải có các quy định bảo vệ phù hợp. Thực tế cho thấy, người tiêu dùng tài chính sẽ dễ dàng gặp phải 5 nhóm rủi ro xung đột lợi ích, gồm: rủi ro về phát triển sản phẩm (sản phẩm, dịch vụ tài chính không tuân thủ các yêu cầu pháp lý); rủi ro về công nghệ (độ tin cậy của hệ thống bảo mật, lỗi hệ thống thông tin); rủi ro tiếp thị (quảng cáo sai sự thật, các mức thu phí dịch vụ…), rủi ro gian lận và rủi ro bán hàng (giao dịch nhầm, lộ thông tin khách hàng)… Vì vậy, việc đặc thù hóa đối tượng người tiêu dùng tài chính là cần thiết để có các quy định pháp lý bảo vệ quyền lợi phù hợp.

Ngoài ra, thiếu quy định pháp lý liên quan đến minh bạch và công bố thông tin sản phẩm, dịch vụ tài chính cũng khiến người tiêu dùng gặp phải nhiều rủi ro, bị lạm dụng và lừa đảo trong các hợp đồng dịch vụ tài chính. Trong khi đó, sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng, tâm lý e ngại của một bộ phận người dân trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng tín dụng “đen” tại Việt Nam bùng phát.

Mặc dù Việt Nam đã có những thành công nhất định trong phổ cập tài chính và bảo vệ người tiêu dùng tài chính nhưng thực tế cũng còn những thách thức như: tỷ lệ người dân chưa được tiếp cận các nguồn tín dụng và dịch vụ tài chính chính thức còn cao; bất bình đẳng về giới; chênh lệch giàu nghèo và khác biệt trong phát triển giữa các vùng miền, về mức độ nhận thức và phổ cập giáo dục tài chính của người dân, về văn hóa và thói quen sử dụng dịch vụ tài chính; khuôn khổ pháp lý cho hoạt động, giám sát và bảo vệ người tiêu dùng, hay nền tảng cơ sở hạ tầng tài chính và đảm bảo an ninh mạng…

Hoàn thiện chính sách và tăng cường vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong bảo vệ người tiêu dùng tài chính

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 định hướng năm 2030 đã đề ra nhóm giải pháp về bảo vệ người tiêu dùng tài chínhlà: Giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Thời gian tới, để bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng tài chính, qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, cần nhưng giải pháp tổng thể từ nhiều phía.

Đối với cơ quan quản lý, cần sớm hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Theo đó, việc xây dựng Luật Bảo vệ người tiêu dùng tài chínhvà các văn bản hướng dẫn kèm theo là hết sức cần thiết. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính phải công khai minh bạch thông tin về sản phẩm, dịch vụ; cam kết đối xử công bằng, bình đẳng với tất cả người tiêu dùng; bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng; nhà cung cấp dịch vụ tài chính phải có cơ chế giải quyết, xử lý khiếu nại của người tiêu dùng. Đồng thời, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ sự phát triển của tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô, góp phần triển khai có hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện.

Các cơ quan Chính phủ cần nghiên cứu, đề xuất việc thành lập các cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Cơ quan này cần có thẩm quyền nhất định, hoạt động khách quan, độc lập, có đủ quyền lực, nguồn lực và năng lực trong việc giám sát và chịụ trách nhiệm đề xuất các chính sách về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Cùng với đó, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng và Hội bảo vệ Người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng khi xảy ra các xung đột lợi ích trong quá trình sử dụng dịch vụ tài chính. Các cơ quan liên quan cần xây dựng các chỉ tiêu định tính và định lượng đánh giá về mức độ bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam để có thể định hướng đưa ra các giải pháp bảo vệ người tiêu dùng tài chính phù hợp.

Riêng với tổ chức bảo hiểm tiền gửi, để bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền - người tiêu dùng tài chính, ngoài việc tiếp tục triển khai hiệu quả những chức năng, nhiệm vụ được quy định thì tổ chức BHTG cần đẩy mạnh các giải pháp truyền thông, giáo dục tài chính, tiếp cận người gửi tiền thuộc nhiều đối tượng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các trang mạng xã hội, sẵn sàng tiếp nhận và hỗ trợ  người gửi tiền trong trường hợp phát sinh vướng mắc, sự cố. Cần lựa chọn các hình thức, phương tiện truyền thông đạt hiệu ứng lan tỏa trong xã hội với nội dung dễ hiểu, gần gũi với công chúng, trong đó hướng tới các đối tượng người tiêu dùng tài chính tiềm năng trong tương lai như học sinh, sinh viên. Nâng cao nhận thức công chúng về bảo hiểm tiền gửi, nhất là với những đối tượng yếu thế trong xã hội và có ít hiểu biết về mặt tài chính như người già, người khuyết tật, người dân ở vùng sâu, vùng xa...

Mặt khác, các cơ quan quản lý cần có giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của DIV trong việc theo dõi, giám sát, đề xuất giải pháp đối với hoạt động của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tăng cường sự tham gia của DIV trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Cần nâng cao năng lực tài chính và trao thêm quyền hạn cho DIV phù hợp quy định pháp luật và điều kiện Việt Nam, để tổ chức này ngày càng đảm nhận tốt hơn vai trò, trọng trách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, người tiêu dùng tài chính, góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng và nền kinh tế.

Đối với các tổ chức tài chính: Cần quy định về trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính trong vấn đề bảo mật thông tin, tài sản của người tiêu dùng tài chính. Có cơ chế tiếp nhận, quản lý, giải quyết khiếu nại hiệu quả; Phân tích và đánh giá những rủi ro hay khó khăn mà người tiêu dùng tài chính có thể gặp phải khi sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính. Việc cung cấp thông tin dịch vụ tài chính phải rõ ràng, minh bạch dưới sự quản lý của cơ quan Nhà nước. Đồng thời, cần ban hành những quy định cụ thể đối với các giao dịch liên quan đến các dịch vụ tài chính số.

Ngoài ra, một giải pháp quan trọng khác là nâng cao hiểu biết, kiến thức tài chính cho người tiêu dùng tài chính. Việc này không chỉ đòi hỏi sự tham gia của hệ thống các TCTD, DIV mà cả các cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nói chung. Theo đó, cần thường xuyên xây dựng chương trình đào tạo, giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính cho người tiêu dùng tài chính; đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng và bảo vệ người tiêu dùng tài chính.

Theo DIV

Xem 592 lần

footer