CHỦ NHẬT, 01/10/2023

IMF tập trung đánh giá diễn biến tài chính trên thế giới

Thứ tư, 11 Tháng 8 2021 09:42

Báo cáo nhận định, mặc dù diễn biến COVID-19 vẫn đáng lo ngại và áp lực lạm phát tăng cao, điều kiện tài chính toàn cầu vẫn tương đối thuận lợi, chủ yếu là do Mỹ và các nước phát triển tiếp tục bổ sung các gói hỗ trợ tài khóa. Cơ sở chủ yếu để các nước duy trì chính sách nới lỏng chưa có tiền lệ là giá cổ phiếu tăng cao, các ngân hàng thắt chặt tín dụng và giá nhà ở tăng nhanh. Tại hầu hết các nước mới nổi, điều kiện tài chính thay đổi không đáng kể, do chính sách tiền tệ thắt chặt tại một số nước đã bù đắp xu hướng tăng giá tài sản.

Tại Mỹ, sau khi tăng khoảng 70 điểm cơ bản vào giữa tháng 3/2021, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm rõ rệt ngay từ đầu tháng 4/2021 do thị trường chao đảo mạnh. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xu hướng này là do lợi suất bù rủi ro kỳ hạn giảm thấp trước kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất sau kỳ họp tháng 6. Mặt bằng lợi suất thực tế cũng giảm, rõ nhất là lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm, phản ánh nhận định của các nhà đầu tư về khả năng kinh tế Mỹ sẽ tăng thấp trong dài hạn. Mức độ chao đảo cũng tăng cao, nhất là trái phiếu ngắn hạn, do áp lực tăng lạm phát và những lo ngại về khả năng Fed sẽ khởi động quá trình bình thường hóa chính sách sớm hơn kỳ vọng, và kỳ vọng này có vẻ đã lan truyền sang các nước mới nổi. Trong những tháng gần đây, một số ngân hàng trung ương tại các nước mới nổi đã tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm đối phó với áp lực lạm phát trong nước, góp phần tăng lợi suất trái phiếu phát hành dưới dạng bản tệ.

Trái với những lo ngại gần đây về tiến độ phục hồi kinh tế chậm chạm và các đợt tấn công liên tiếp của các chủng vi rút mới, giá cổ phiếu tăng mạnh trên toàn cầu do các nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận sẽ tăng cao. Tại Mỹ và các nước Mỹ Latinh, chỉ số giá cổ phiếu ghi nhận mức tăng cao nhất, tiếp đến là châu Âu và các nước mới nổi châu Á. Bất chấp những đợt điều chỉnh giảm gần đây, nhất là trong lĩnh vực năng lượng, tất cả các khu vực kinh tế chủ chốt đều tăng cao. Trên thị trường, mức độ chao đảo của giá cổ phiếu giảm xuống dưới mức tiêu chuẩn trong lịch sử, bất chấp một số đợt hồi chuyển (xoay tròn) gần đây.

Trên toàn cầu, xu hướng mở rộng trái phiếu đầu tư có mức tín nhiệm cao và doanh nghiệp có lợi nhuận cao đang thắt chặt xuống mức thấp sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự thu hẹp này phản ánh xu hướng cải thiện liên tục về mức tín nhiệm của doanh nghiệp và tỷ lệ vỡ nợ giảm thấp, nhưng cũng bộc lộ những lo ngại về khả năng các doanh nghiệp sẽ không được bồi thường rủi ro tín dụng một cách thích đáng, nhất là trong trường hợp đại dịch tái bùng phát. Tại các nước mới nổi, xu hướng mở rộng trái phiếu doanh nghiệp dưới dạng bản tệ và ngoại tệ mạnh nhìn chung đều thắt chặt. Tuy nhiên, trái phiếu ngoại tệ mạnh (do nước ngoài, các doanh nghiệp tài chính và phi tài chính phát hành) vẫn bền vững giữa các khu vực chủ chốt, phản ánh điều kiện tài chính quốc tế thuận lợi và khao khát rủi ro (sẵn sàng chấp nhận rủi ro) của các nhà đầu tư. Thời gian gần đây, trái phiếu ngoại tệ do các nước mới nổi và các nền kinh tế hàng đầu phát hành cũng tăng nhanh, nhưng dòng vốn bản tệ vào các nước mới nổi vẫn yếu ớt, ngoại trừ Trung Quốc.

Trong bối cảnh giá tài sản trên các thị trường tài sản rủi ro tăng ở mức cao và giá nhà ở tăng cao tại nhiều quốc gia, các thị trường cổ phiếu và tín dụng tiếp tục chao đảo ở mức thấp, việc đánh giá lại triển vọng lạm phát và chính sách tiền tệ có thể dẫn đến hệ quả là lãi suất tại Mỹ sẽ tăng bất ngờ từ mức thấp hiện nay và điều kiện tài chính sẽ bị thắt chặt đột ngột. Động thái thắt chặt này có thể sẽ gây tác động lan truyền đối ngược trên các thị trường mới nổi và rất có hại cho những nước vừa mới nhen nhóm phục hồi, dư địa chính sách hạn hẹp, đòn bẩy tăng cao cả ở khu vực tư nhân và khu vực công.

Do các nước phải đưa ra các gói tài khóa để đối phó với đại dịch và ổn định đời sống, nợ công toàn cầu đã chạm ngưỡng 100% GDP vào năm 2020 và sẽ dao động quanh mức này trong năm 2021-2022. Tuy nhiên, thâm hụt tài khóa toàn cầu có xu hướng giảm dần từ tháng 4/2021 và cả năm 2021 sẽ giảm khoảng 0,5% xuống 8,8% GDP, nguyên nhân là do thâm hụt thấp tại Mỹ và Trung Quốc đã bù đắp phần nào mức thâm hụt cao tại châu Âu (Đức, Pháp, Italia). Những nước có điều kiện tiếp cận tài chính tiếp tục đưa ra các gói tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, làm tăng thêm tính đa dạng của dư địa chính sách. Tính đến đầu tháng 7/2021, các gói tài khóa chống COVID-19 ước tính đã lên đến 16,5 nghìn tỷ USD. Cho đến nay, còn khoảng 4,6 nghìn tỷ USD (trong các nhóm giải pháp thu chi liên quan đến đại dịch) sẽ được sử dụng tại các nước phát triển trong năm 2021 và sau đó, trong khi hầu hết các nước đang phát triển đã sử dụng hết nguồn vốn này ngay trong năm 2020.

Sau tháng 4/2021, các nước phát triển tiếp tục tung thêm các gói hỗ trợ tài khóa để giảm thiểu tác động của đại dịch và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Tại Mỹ, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đề xuất hai gói chi tiêu tương đương 18% GDP năm 2021 (2 nghìn tỷ USD trợ cấp cho các gia đình; 2,3 nghìn tỷ USD hỗ trợ việc làm) nhằm hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương và thúc đẩy kinh tế phục hồi. Trong tháng 6/2021 và là lần đầu tiên, Quỹ Hỗ trợ thế hệ tiếp theo của Liên minh châu Âu (NGEU) đã phát hành trái phiếu trị giá 20 tỷ EUR với mục đích tương tự như tại Mỹ. Ngoài ra, một số nước EU (Đức, Pháp, Italia - những quốc gia bị đại dịch tấn công trở lại vào cuối tháng 3 và tháng 4/2021) đã thông qua ngân sách bổ sung hay mở rộng chi tiêu tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng của COVID-19, và hệ thống y tế. Một số nước khác cũng đưa ra chương trình thanh khoản để hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm Italia, Malta, Bồ Đào Nha. Trong chương trình ngân sách năm 2021, Australia và Canada đưa ra gói hỗ trợ tương đương 5% GDP để thúc đẩy kinh tế phục hồi.

Về tổng thể, thâm hụt tài khóa năm 2021 tại các nước phát triển được dự báo ở mức 9,9% GDP, giảm 0,4% so với dự báo đưa ra hồi tháng 4/2021, chủ yếu là do các chương trình hỗ trợ kinh tế tại Mỹ. Đến cuối năm 2021, nợ công tại các nước phát triển sẽ lên đến 122,5% GDP. Trong tương lai, các gói hỗ trợ tài khóa sẽ được tính toán dựa trên chiến lược trung hạn với mục tiêu là tăng thêm nguồn vốn đệm một khi kinh tế phục hồi rõ rệt. Trên thực tế, một số nước đã công bố kế hoạch trung hạn, trong khi vẫn duy trì chính sách hỗ trợ hiện hành (Canada, Vương quốc Anh).

Tại các nước mới nổi, thâm hụt tài khóa năm 2021 dự kiến vào khoảng 7,1% GDP (giảm 0,5% so với dự báo đưa ra hồi tháng 4/2021). Tại một số nước, thâm hụt tài khóa giảm sâu hơn nhờ tăng thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm hoặc kinh tế phục hồi (Trung Quốc, Nam Phi), trong khi một số nước phải đưa ra các gói tài khóa bổ sung để giảm thiểu hậu quả của đại dịch (Ấn Độ, Brazil). Nợ công năm 2021 được dự báo sẽ tăng lên 65,1% trong năm nay, chủ yếu là do nợ nần tại Trung Quốc tăng cao. Để chống lạm phát, một số quốc gia đã tăng lãi suất, và động thái này sẽ thu hẹp dư địa chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế. Điều này đòi hỏi các nước phải gắn các giải pháp chính sách với khung khổ tài khóa trung hạn. Trong đó, những quốc gia có dư địa chính sách hạn hẹp và rủi ro tài khóa tăng cao cần đề phòng rối loạn động lực nợ nần, những nước có quy định tài khóa tin cậy có thể xem xét rút dần các gói hỗ trợ chính sách.

Tại các nước thu nhập thấp, thâm hụt tài khóa tổng thể năm 2021 tăng 0,3% so với dự báo cách đây ba tháng lên 5,2% GDP, chủ yếu là do Nigeria tái áp dụng các biện pháp trợ cấp năng lượng và chống đại dịch. Tuy nhiên, mức thâm hụt này vẫn thấp xa so với tại các nước phát triển và các nước mới nổi. Năm 2021, tỷ lệ nợ công dự kiến vào khoảng 48,5% GDP. Một vài quốc gia đã thông báo ý định tái cơ cấu nợ công, số khác đề nghị G20 cắt giảm hoặc xóa một phần nợ nần (Chad, Ethiopia, and Zambia). Một khi kinh tế phục hồi chắc chắn, các nước cần tăng cường các nỗ lực đảm bảo nợ nần bền vững và theo đuổi các mục tiêu phát triển thiên kỷ theo hướng tìm cách tăng nguồn thu trong nước, nâng cao hiệu quả chi tiêu, triển khai khung khổ tài khóa trung hạn, tiến hành cải cách cơ cấu để tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân.

Theo SBV

Xem 1338 lần

footer